Mấy nét về Hội đồng Nhân quyền LHQ
Gần đây, vào ngày 12/11/2013, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu bầu thêm 14 thành viên mới cho HRC. Việt Nam đã trúng cử cho hiệm kỳ ba năm bắt đầu từ tháng 1/2014.

 


1. Hội đồng Nhân quyền được thành lập khi nào?


Hội đồng Nhân quyền (Human Rights Council - HRC) được thành lập bởi Đại hội đồng LHQ, theo Nghị quyết số 60/251 năm 2006,  để thay thế cho Ủy ban Nhân quyền (Commission on Human Rights - CHR). Trong Hội nghị thượng đỉnh thế giới tổ chức vào tháng 9/2005, ý tưởng về việc thành lập HRC được đa số quốc gia tán thành. Dự thảo nghị quyết về việc thành lập HRC được công bố vào tháng 3/2006 và được thông qua vào ngày 3/4/2006, với 170 phiếu thuận, 4 phiếu chống (Israel, Quần đảo Marshall, Palau, Hoa Kỳ) và 3 phiếu trắng (Belarus, Iran, Venezuela).


2. Hội đồng Nhân quyền có những chức năng, nhiệm vụ gì?


Theo Nghị quyết 60/251, HRC có những chức năng, nhiệm vụ chủ yếu sau: 1) Thúc đẩy các hoạt động giáo dục, nghiên cứu, dịch vụ tư vấn, trợ giúp kỹ thuật và xây dựng năng lực về quyền con người ở các quốc gia; 2) Thúc đẩy việc thực thi đầy đủ những nghĩa vụ về quyền con người ở các quốc gia; 3) Thực hiện đánh giá định kỳ toàn thể (UPR) việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người của các quốc gia; 4) Hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, các tổ chức khu vực, các cơ quan nhân quyền quốc gia, các tổ chức xã hội dân sự trong những hoạt động về nhân quyền; 5) Báo cáo công tác hàng năm với Đại hội đồng...


3. Hội đồng Nhân quyền được tổ chức như thế nào?


HRC bao gồm 47 nước thành viên (CHR trước đây có 53 nước thành viên). Các nước thành viên được bầu trực tiếp bằng phiếu kín bởi đa số thành viên Đại hội đồng LHQ, làm việc theo nhiệm kỳ ba năm và không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Các nước thành viên được phân bổ theo khu vực địa lý, cụ thể: Nhóm các nước châu Phi: 13 ghế; châu Á: 13 ghế; Đông Âu: 6 ghế; châu Mỹ Latinh và Caribe: 8 ghế; Tây Âu và các quốc gia khác: 7 ghế. Đứng đầu HRC là một Chủ tịch làm việc với nhiệm kỳ một năm, do các nước thành viên của HRC bầu ra.


4. Cơ chế đánh giá định kỳ toàn thể (UPR) là gì?


Cơ chế đánh giá định kỳ toàn thể (hay phổ quát - Universal Periodic Review - UPR) về nhân quyền là phương thức giám sát nhân quyền mới được LHQ thông qua, do HRC thực hiện. Cơ chế này thay thế cho phương thức hoạt động của CHR trước đây là hàng năm chọn ra những quốc gia có vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền để đưa ra xem xét, đánh giá. Với UPR, HRC có thể đánh giá định kỳ việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về nhân quyền của tất cả các nước thành viên LHQ dựa trên các báo cáo từ các nguồn khác nhau. Cùng với những cải tổ khác, việc xác lập UPR được LHQ hy vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng, khắc phục tình trạng chính trị hóa nặng nề trong hoạt động nhân quyền của tổ chức này mà thể hiện ở những vấn đề như tính cấu kết khu vực, sử dụng chuẩn mực kép, phân biệt đối xử trong lựa chọn và xử lý các tình huống.

 

5. Tiến trình UPR thực hiện như thế nào?

Để thực hiện UPR, một Nhóm công tác (Working Group) do HRC thành lập sẽ tiến hành ba kỳ họp mỗi năm, mỗi kỳ họp kéo dài hai tuần để đánh giá 16 quốc gia. Như vậy, mỗi năm UPR sẽ đánh giá được 48 quốc gia và phải mất bốn năm để hoàn tất một vòng thủ tục này với toàn bộ 192 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc. Việt Nam thực hiện việc báo cáo và được đánh giá lần 1 vào năm 2009, lần thứ 2 vào tháng 1/2014.


Tiến trình áp dụng UPR với mỗi quốc gia về cơ bản bao gồm các bước: 1) Chuẩn bị thông tin làm cơ sở cho việc xem xét: gồm báo cáo của quốc gia, báo cáo tổng hợp của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR), bản tóm tắt do OHCHR thực hiện từ những báo cáo của các chủ thể liên quan khác (các tổ chức phi chính phủ, cơ quan nghiên cứu, cơ quan nhân quyền quốc gia); 2) Xem xét đánh giá: thực hiện ở Geneva dưới dạng đối thoại trong 3 giờ giữa đoàn đại biểu của quốc gia được xem xét với các thành viên Nhóm công tác về UPR; 3) Kết luận, đánh giá: Nhóm công tác về UPR sẽ thông qua văn bản kết luận (dưới hình thức một báo cáo); 4) Thực hiện các khuyến nghị: quốc gia sẽ áp dụng những khuyến nghị nêu trong báo cáo trên và thông báo về kết quả của việc áp dụng những khuyến nghị đó trong lần báo cáo định kỳ tiếp theo.

 

6. Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền là gì?


Bên cạnh các cơ chế khác (như UPR nêu trên), HRC (trước đây là CHR) còn thực hiện việc điều tra những tình huống vi phạm quyền diễn ra ở một quốc gia, khu vực cụ thể thông qua các nhóm công tác (working group) hoặc các báo cáo viên đặc biệt (special rapporteur), hay chuyên gia độc lập (independent expert). Trong một số trường hợp, Tổng Thư ký cũng có thể chỉ định các đại diện đặc biệt (special representative) để thực hiện nhiệm vụ này.


Thủ tục kể trên, gọi chung là thủ tục đặc biệt, được bắt đầu triển khai từ năm 1980 theo hai hình thức: a) điều tra những vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền (không hạn chế về lãnh thổ, gọi là điều tra theo chủ đề - thematic procedures) (chẳng hạn như Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn, Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, Nhóm công tác về các vụ bắt giữ tuỳ tiện...); và b) điều tra những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng xảy ra ở một quốc gia (gọi là điều tra theo quốc gia - country-based procedures) (chẳng hạn như Báo cáo viên đặc biệt về Campuchia, Báo cáo viên đặc biệt về CHDCND Triều Tiên...). Các chủ thể này có thẩm quyền: 1) thực hiện các chuyến thăm quốc gia (khi được quốc gia mời); 2) nhận các khiếu nại từ các cá nhân cho rằng mình là nạn nhân của sự vi phạm các quyền con người; 3) hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các nghiên cứu chuyên đề; 4) báo cáo hàng năm đến HRC và Đại hội đồng LHQ...  Tính đến cuối năm 2013, đã có 51 chủ thể có thẩm quyền đặc biệt đang hoạt động (gồm thủ  37 tục theo chủ đề và 14 thủ tục theo quốc gia).

 

7. Đã có các chủ thể theo thủ tục đặc biệt nào đến Việt Nam?


Gần đây, đặc biệt là sau khi Việt Nam thực hiện việc báo cáo theo cơ chế UPR tại HRC vào năm 2009, có một số báo cáo viên và chuyên gia độc lập đã đến Việt Nam theo lời mời, cụ thể là: Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo (trong năm1998), Chuyên gia độc lập của về các vấn đề người thiểu số, Chuyên gia độc lập về nhân quyền và đói nghèo (trong năm 2010), Chuyên gia độc lập về tác động của nợ nước ngoài với việc thụ hưởng quyền con người, Báo cáo viên đặc biệt về quyền sức khỏe (trong năm 2011), và Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa (trong tháng 11/2013).

 

K.T

 

Ảnh trên: Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ về Syria.

 


Các tin khác: