Hội đồng Nhân quyền LHQ xem xét báo cáo UPR lần 2 của Việt Nam
Sau 48 giờ kể từ khi đoàn Việt Nam, do Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc làm trưởng đoàn, trình bày Báo cáo quốc gia trong khuôn khổ cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ 2 tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (ngày 5/2/2014), Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva chiều ngày 7/2 đã thông qua báo cáo của Việt Nam. Báo cáo này sẽ được trình Hội đồng nhân quyền xem xét thông qua tại khóa họp thường kỳ tại phiên toàn thể của Hội đồng.


Năm nay, với sự tham gia của đại diện từ 11 bộ, ngành, đoàn Việt Nam đã đối thoại trực tiếp với 107 nước về nhiều vấn đề các nước quan tâm. So với UPR 2009, có 60 phái đoàn các quốc gia tham dự và đưa ra 146 khuyến nghị đòi hỏi đoàn Việt Nam phải phúc đáp, UPR 2014 có 107 phái đoàn các quốc gia tham dự để chất vấn đoàn Việt Nam, và sau đó đưa ra hơn 220 khuyến nghị. Đa số các khuyến nghị tập trung về các chủ đề như hình phạt tử hình, tra tấn, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, việc sách nhiễu các bloggers và xã hội dân sự, sửa đổi luật hình sự và tố tụng hình sự…


Trưởng phái đoàn Việt Nam cho biết Việt Nam sẽ xem xét kỹ các khuyến nghị, và trả lời vào tháng 6 tới, vào khóa họp lần thứ 26 của Hồi đồng Nhân quyền LHQ.


 

Trước thời điểm phái đoàn nhà nước Việt Nam báo cáo, tại Geneva, nhiều hoạt động bên lề của xã hội dân sự đã diễn ra tương đối sôi động. Các hoạt động chủ yếu do các NGO quốc tế, các nhóm người Việt ở nước ngoài và đến từ trong nước tổ chức. Trong số đó có hội thảo “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc” (ngày 4/2), cuộc họp thông tin "Ngày Việt Nam" (30/1)...


Đây là lần thứ 2 nhà nước Việt Nam thực hiện nghĩa vụ báo cáo trước cơ quan quan trọng nhất về nhân quyền của Liên Hợp quốc. Các luồng thông tin, quan điểm trái chiều dường như đa dạng và gay gắt hơn nhiều so với 4,5 năm trước đây.


K.T

 


Các tin khác: