Ủy ban Nhân quyền ASEAN cần được mở rộng thẩm quyền
Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) đã hoạt động được 5 năm, kể từ khi thành lập vào tháng 10 năm 2009 tại Huahin, Thái Lan. Dù đã có những bước tiến, nhất là vào 2 năm gần đây, cơ quan này dường như còn phải đi những quãng dài để thực thi tốt vai trò “bảo vệ và thúc đẩy quyền con người” như các lãnh đạo khu vực đã tuyên bố và đáp ứng được mong đợi của 500 triệu người dân ASEAN.



Trong bối cảnh ASEAN đang xem xét để điều chỉnh lại Quy chế hoạt động (TOR) của AICHR trong năm 2014, bài viết này nêu một số nhận định của tác giả về AICHR, sự tương tác của XHDS Việt Nam với cơ quan này thời gian qua và đi đến một số khuyến nghị làm tiền đề gợi mở các thảo luận tiếp theo.

 

Mấy bình luận về AICHR

Thứ nhất, có một cơ chế bảo vệ nhân quyền cấp khu vực hiệu quả là mong đợi, hy vọng chung của người dân Đông Nam Á. Điều này trước hết do nhu cầu bảo vệ các quyền và thực trạng vi phạm quyền tiếp diễn ở mức độ nghiêm trọng trong khu vực. Bên cạnh những điểm chung về văn hóa, lịch sử, nhân dân khu vực còn chia sẻ nhiều khổ đau, bất hạnh chung (sự hiện diện rộng khắp của các loại vi phạm liên quan đến cưỡng chế đất đai, hạn chế tự do biểu đạt, quyền lợi của người di cư…). Giới hạn của các cơ chế nhân quyền Liên Hợp quốc (cần có tự nguyện của các quốc gia, thủ tục mất thời gian, giám sát thực thi kết luận yếu…) và sự thiếu hụt các cơ chế quốc gia (chỉ có 5 nước trong khối ASEAN có cơ quan nhân quyền quốc gia) càng làm gia tăng nhu cầu có một cơ chế khu vực hiệu quả. Những điều này cho thấy trách nhiệm, về mặt xã hội và đạo đức, của cơ chế bảo vệ quyền cấp khu vực – AICHR – là rất lớn.

Thứ hai, một cản trở lớn đối với vai trò tích cực của AICHR hiện nay là nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia” của khối ASEAN. Nguyên tắc này, được nêu trong Hiến chương ASEAN (2007, Điều 2) và Quy chế hoạt động (TOR) của AICHR (2009, Điều 2.1), giống như đường ray mà con tàu AICHR buộc phải đi trên (dù con tàu này vẫn có thể làm chủ được về tốc độ nhanh hay chậm). Nhìn dài hạn, việc bãi bỏ hoặc điều chỉnh cách hiểu nguyên tắc này (chính trị khu vực) phụ thuộc nhiều vào sự cởi mở, thay đổi thái độ của giới lãnh đạo các quốc gia, cũng như sự trưởng thành của các xã hội dân sự (chính trị nội bộ). Có lẽ chỉ đến khi chủ quyền quốc gia chịu nhường bước thêm trước chủ nghĩa khu vực/ liên kết khu vực và giá trị phổ quát, thì các quyền con người mới thực sự được bảo vệ tốt hơn.

Thứ ba, Quy chế hoạt động (TOR) của AICHR hiện hành (thông qua 2009) có nhiều hạn chế về vai trò (chỉ tư vấn, chứ không có quyền đưa ra phán quyết như nhiều cơ chế của khu vực khác), chức năng và nhiệm vụ (chủ yếu là “thúc đẩy” – chứ không phải “bảo vệ”),  thủ tục...của cơ quan này. Tuy nhiên, nếu AICHR có các thành viên có trách nhiệm và năng lực thì vẫn có thể tận dụng, tối đa hóa khuôn khổ chật hẹp hiện có (chẳng hạn như việc triển khai các nghiên cứu chuyên đề quyền con người – rất gần với việc giám sát thực thi quyền).

Thứ tư, thiếu minh bạch, công khai, thiếu đối thoại, tham vấn với XHDS là một hạn chế lớn của AICHR.  Hạn chế này thể hiện khá rõ nét trong tiến trình soạn thảo Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN (thông qua năm 2012). Thiếu công khai, thiếu độc lập với các chính quyền, cộng với hiệu quả hoạt động hạn chế, khiến cho AICHR đã tự mình tách rời với thực tiễn đời sống người dân tại các quốc gia, ít được sự quan tâm của công chúng.

Thứ năm, hiện trạng của AICHR, một cơ quan liên chính phủ giống như cơ quan nhân quyền của các khu vực khác, cũng phần nào phản ánh văn hóa, sự thiếu trưởng thành, hoặc sự trưởng thành không đồng đều, của XHDS khu vực. Mặc dù sự phát triển của các cơ chế nhân quyền khu vực trên thế giới có những nguyên nhân lịch sử, văn hóa khác nhau,  chính là nỗ lực, sự kiên trì và lòng dũng cảm của các cá nhân, tổ chức đã và vẫn tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các cơ chế nhân quyền khu vực.

Các tổ chức XHDS Việt Nam và AICHR

Về mặt lý thuyết và không gian pháp lý, các tổ chức XHDS trong khu vực có thể tương tác, hỗ trợ AICHR để bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trong một số hình thức hoạt động. Để thúc đẩy quyền, bên cạnh những hoạt động độc lập của mình, XHDS có thể đối thoại, tương tác, giúp sức với AICHR trong việc thực hiện hầu hết các hình thức hoạt động của nó (xây dựng chuẩn mực, giáo dục, nghiên cứu, phổ biến thông tin…). Dù khuôn khổ pháp lý hiện tại không cho phép AICHR nhận các thông tin từ XHDS, thực tế đã có rất nhiều khiếu nại, kiến nghị gửi đến cơ quan này trong những năm qua.

Ở góc độ khác, vai trò của các tổ chức XHDS ở từng quốc gia lại phụ thuộc nhiều vào môi trường chính trị, pháp lý quốc gia, cũng như các nguồn lực sẵn có và năng lực thực tế. Trong khu vực, các tổ chức, mạng lưới XHDS của Indonesia, Philippin và Thái Lan dường như đang đi đầu trong việc hợp tác với người đại diện của quốc gia mình tại AICHR để thúc đẩy quyền con người trong nước, cũng như để vận động ở tầm khu vực.

Chủ yếu do chưa thấy ở AICHR tiềm năng của một cơ quan bảo vệ quyền hiệu quả, XHDS Việt Nam trong thời gian qua ít quan tâm đến cơ quan này, cũng như các cơ quan khác của ASEAN nói chung. Dù xu hướng chính cho thấy các tổ chức XHDS Việt Nam ngày càng tham gia tích cực hơn vào những hoạt động tập thể của khu vực ASEAN (các mạng lưới, diễn đàn, hội thảo…). Các NGO đang tiếp tục tham gia vào các diễn đàn khu vực liên quan đến các lĩnh vực truyền thống như giới, quyền của các nhóm thiểu số, phụ nữ, trẻ em, môi trường. Tuy nhiên, một số chủ đề (như báo chí, ngôn luận, tôn giáo…), vẫn chưa có nhiều đại diện của Việt Nam tham gia. Ngoại ngữ, bên cạnh những yếu tố khác (như kinh nghiệm, kỹ năng…), dường như vẫn là cản trở chính đối với những người hoạt động bảo vệ quyền của Việt Nam khi muốn vươn ra bên ngoài.

Dẫu cho đang phải đối diện với nhiều thách thức, nếu các tổ chức XHDS Việt Nam nhìn rõ hơn những cơ hội mà ASEAN và AICHR mang lại và biết tận dụng chúng một cách khéo léo thì khả năng thúc đẩy sự hội nhập của quốc gia về các thể chế dân chủ và bảo vệ quyền, nhất là trong các lĩnh vực ít được đề cập trong nước, là tương đối cao.

Một số khuyến nghị điều chỉnh Quy chế hoạt động của AICHR

Việc điều chỉnh Quy chế hoạt động (TOR) của AICHR rõ ràng là cần đặt giữa một bên là mong muốn bảo vệ quyền hiệu quả (trao nhiều thẩm quyền cho AICHR) với bên kia là tính hiện thực (các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, sự dè dặt của giới chính trị gia…). Nhìn chung, một số hướng điều chỉnh sau đã được nêu lên:


•    Điều chỉnh mở rộng thẩm quyền của AICHR, đặc biệt là vai trò bảo vệ các quyền, chứ không chỉ thúc đẩy quyền: nhận và xử lý các khiệu nại cá nhân;  xem xét báo cáo định kỳ của quốc gia thành viên; cử đoàn đến thị sát thực tiễn quốc gia…;
•    Tăng cường tính độc lập của AICHR với các chính phủ;
•    Thay thế nguyên tắc làm việc dựa trên sự đồng thuận;
•    Tăng cường tính minh bạch, công khai của AICHR: các thông tin, văn bản, báo cáo, nghiên cứu của AICHR phải được phổ biến, cập nhật trên trang web của tổ chức;

Trên đây là một số kiến nghị đã được XHDS trong khu vực nêu lên. Vấn đề lúc này của các tổ chức XHDS Việt Nam là chia sẻ với XHDS trong khu vực, cùng lựa chọn mục tiêu vừa tầm, khả thi để cùng nhau vận động. Tuy nhiên, mục tiêu nào là “khả thi” phần nào lại phụ thuộc vào mức độ quyết tâm và sự kiên trì của XHDS. Cũng cần nhớ rằng từ khi Nhóm Công tác (WG) về thành lập cơ chế nhân quyền ASEAN hình thành (năm 2001), bởi nhóm XHDS gồm một số cá nhân tích cực trong khu vực, đến khi AICHR ra đời (2009) đã phải mất 8 năm.

 

Khánh Tùng


 

(Ảnh trên: Kỳ họp đặc biệt của AICHR vào tháng 3 năm 2013 tại Ban thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesia)


Các tin khác: