QUYỀN LẬP HỘI LÀ GÌ? (Kỳ 1)
Sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua, việc soạn thảo các luật triển khai các quyền hiến định bắt đầu được thảo luận sôi nổi. Chúng tôi giới thiệu mấy điểm căn bản liên quan đến quyền lập hội góp phần vào các cuộc thảo luận này.

 

 



1. Thế nào là một “hội”?

Lập hội là việc các cá nhân liên kết, tập hợp lại với nhau (to associate, gether) thành nhóm để hướng đến những lợi ích, mục đích hay sự quan tâm chung. Trong khi các nhóm, hội đoàn, tổ chức tự nguyện là các thành tố hạt nhân của xã hội dân sự, các chế độ độc đoán luôn tìm cách cản trở sự liên kết tự do của người dân, khống chế sự hoạt động của các hội tự nguyện. Điều này đã được nhắc đến như nỗ lực nhằm "nguyên tử hóa" (tách rời cá nhân ra thành các đơn vị riêng lẻ) của các chế độ lạm quyền.

Các hội có hình thức đa dạng, đó có thể là các câu lạc bộ, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ, công đoàn, tổ chức tôn giáo, chính đảng và công ty. Do sự đa dạng của các nhóm, pháp luật các quốc gia thường có quy định điều chỉnh riêng một số nhóm, hội bằng các luật riêng như: luật về doanh nghiệp - công ty, luật về công đoàn - nghiệp đoàn, luật về các đảng phái chính trị, luật về các tổ chức tôn giáo.

Theo cách hiểu thông thường, trong tiếng Việt, danh từ "hội" có hai nghĩa gần nhau dùng để chỉ: 1) cuộc vui tổ chức chung cho đông đảo người tham dự, theo phong tục hoặc nhân dịp đặc biệt; 2) tổ chức quần chúng rộng rãi của những người cùng chung một nghề nghiệp hoặc có chung một hoạt động (Trung tâm từ điển học, "Từ điển tiếng Việt", NXB Đà Nẵng, 2011, tr.716).

Pháp luật Việt Nam đến nay không có một định nghĩa về hội, Luật quy định quyền lập hội (1957), vẫn đang có hiệu lực, ban hành theo Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/5/1957, không nêu ra định nghĩa về hội, mà chỉ xác định về mục đích và ý nghĩa của việc lập hội là"phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích của nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta" (Điều 1). Hiến pháp (2013) có nhắc đến quyền tự do lập hội (Điều 25), trong khi Bộ luật Dân sự (2005) chỉ nhắc đến "pháp nhân" (gồm 6 loại pháp nhân với tên gọi khá phức tạp, trong số này gồm có tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp...).

Theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP, do Chính phủ ban hành, căn cứ vào Sắc lệnh 102/SL/004 và Bộ luật Dân sự 2005, hội được hiểu là "tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan." Hội có thể có các tên gọi khác nhau như hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác.

Nhìn lại lịch sử, tại Sắc luật 038-TT/SLU ngày 22/12/1972 của chế độ Sài Gòn, sửa đổi Dụ số 10 ngày 6/8/1950 (ban hành dưới thời Bảo Đại) quy định thể lệ lập hội, Điều thứ nhất quy định "Hội là giao ước của nhiều người thỏa thuận góp kiến thức hay hoạt động liên tục để theo đuổi mục đích thuộc các lãnh vực tôn giáo, tế tự, từ thiện, văn hóa, giáo dục, xã hội, khoa học, mỹ thuật, giải trí, đồng nghiệp tương tế, ái hữu, thanh niên và thể dục, thể thao không có tính cách chính trị, thương mãi hoặc phân chia lợi tức. Hội do các nguyên tắc tổng quát của luật pháp chi phối, nhất là luật về khế ước và nghĩa vụ." (Sắc luật số 038-TT/SLU ngày 22 tháng chạp năm 1972 sửa đổi một số điều khoản của Dụ số 10 ngày 6 tháng 8 năm 1950 quy định thể lệ lập hội, Quy pháp vựng tập, Quyển XV, Sở Công báo ấn hành, 1972). Như vậy, định nghĩa này loại trừ các nhóm có tính cách chính trị, thương mại hoặc phân chia lợi tức.

Khái niệm “hội” (association) trong tiếng Anh cũng có nội hàm rất rộng. Theo Đại diện đặc biệt của LHQ về những người bảo vệ nhân quyền (trong văn bản số A/95/401, đoạn 46) thì: Khái niệm “hội” nhắc đến bất kỳ nhóm cá nhân hoặc bất kỳ thực thể pháp lý nào liên kết với nhau để cùng nhau hành động, bày tỏ, thúc đẩy, theo đuổi hoặc bảo vệ một lĩnh vực quan tâm chung (a field of common interests) Trong báo cáo của mình, Báo cáo viên về tự do hội họp và lập hội của Liên Hợp quốc Maina Kiai đã nhắc lại và sử dụng định nghĩa này (Báo cáo về năm hoạt động đầu tiên 1/5/2011 – 30/4/2012, A/HCR/20/27, đoạn 51).

Quyền tự do lập hội chỉ giới hạn ở các nhóm hình thành vì mục đích “công” (public), còn các nhóm chỉ vì lợi ích riêng tư, chẳng hạn như nhóm gia đình, được bảo vệ bởi các quy định khác, chẳng hạn như Công ước về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) Điều 17. Trong vụ P.S. kiện Đan Mạch (mã số 397/90), HRC (Ủy ban Nhân quyền, cơ quan giám sát việc thực thi ICCPR) kết luận rằng khiếu nại của người cha liên quan đến sự vi phạm quyền của mình được tụ họp (to associate) với con trai không làm phát sinh vấn đề liên quan đến quyền lập  hội (Điều 22 ICCPR).

Hội có thể có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân. Nếu không có tư cách pháp nhân, hội có thể bị giới hạn một số quyền nhất định (như quyền sở hữu tài sản...).

2. Vai trò của quyền lập hội trong xã hội dân chủ

Quyền lập hội gần gũi với quyền hội họp (tụ họp) và quyền tự do biểu đạt (tự do ngôn luận). Các quyền này đều có giá trị quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền khác.

Hiến pháp Hoa Kỳ, Tu chính án thứ 1, không đề cập đến quyền lập hội mà chỉ đề cập đến tự do ngôn luận và hội họp. Chính Tòa án Tối cao, thông qua án lệ từ vụ NAACP kiện Alabama ex rel. Patterson (1958) đã kết luận rằng quyền lập hội phát sinh từ quyền tự do biểu đạt. Bởi lẽ, nếu không có sự tập hợp lên tiếng thì quyền biểu đạt bị giảm hiệu quả đáng kể.

Tuyên bố về những người bảo vệ nhân quyền của LHQ (1998) cũng khẳng định để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và tự do cơ bản, mọi người phải có quyền tự do lập hội ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.

Trong lĩnh vực lao động, Công ước quốc tế về quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền lập hội 1948 (Công ước 87 của ILO), tại Điều 2, xác định mọi người lao động và người sử dụng lap động đều có quyền thành lập và gia nhập các tổ chức mà họ tự lựa chọn mà không phải xin phép trước.

Trong lĩnh vực chính trị, quyền lập hội cũng có vai trò rất thiết yếu đối với việc hiện thực hóa quyền bầu cử, ứng cử và quyền tham gia quản lý đất nước. Bình luận chung số 25 (năm 1996) của Ủy ban Nhân quyền (cơ quan giám sát ICCPR) khẳng định quyền tự do biểu đạt, hội họp và lập hội là những điều kiện quan trọng cho việc thực hiện hiệu quả quyền bầu cử và phải được bảo vệ đầy đủ (đoạn 12). Báo cáo viên về tự do hội họp và lập hội Maina Kiai, trong năm 2013, đã có một nghiên cứu với những khuyến nghị riêng về mối quan hệ giữa quyền hội họp, lập hội và bầu cử.

3. Nội dung quyền lập hội

Quyền lập hội gồm ba lĩnh vực cơ bản là: 1) Quyền thành lập hội; 2) Quyền  gia nhập hội; 3) Hoạt động, điều hành các hội.

3.1. Quyền thành lập và gia nhập hội

ICCPR tái khẳng định và cụ thể hóa quy định về quyền tự do hội họp trong Điều 20 UDHR. Khoản 1 Điều 22 ICCPR xác định: Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình. Từ nội dung đó, có thể thấy quyền này bao gồm cả ba khía cạnh: (i) thành lập ra các hội mới, (ii) gia nhập các hội đã có sẵn, và (iii) hoạt động, điều hành các hội, bao gồm cả việc tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí.

Quyền thành lập và gia nhập các hội là nội dung chủ yếu của quyền tự do lập hội. Quyền này bao hàm cả quyền thành lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của người lao động. Cũng cần lưu ý là quyền thành lập và gia nhập các công đoàn được bảo vệ cả trong ICCPR (Điều 22) và ICESCR (Điều 8).

Trong khi thủ tục thành lập một hội có tư cách pháp nhân được quy định khác nhau trong pháp luật của các quốc gia, điều quan trọng là các cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục một cách thiện chí, nhanh chóng và bình đẳng. Thủ tục này càng đơn giản, càng tiết kiệm thời gian và chi phí thì càng tốt. Một số ví dụ tốt đã được nhắc đến là việc thành lập hội không mất chi phí gì (ở Bungary), rất nhanh chóng (ở Nhật, việc nộp đơn có thể qua mạng Internet)... Chuyên gia của Liên Hợp Quốc khuyến nghị rằng một “thủ tục thông báo” (a notification procedure) thì tốt hơn, phù hợp với luật nhân quyền hơn là một “thủ tục cho phép trước” (prior authorization procedure) đòi hỏi phải có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước để thiết lập một pháp nhân.

Trong thủ tục thông báo, các hội tự động được trao tư cách pháp nhân ngay khi nhà chức trách nhận được thông báo bởi các sáng lập viên rằng hội đã được lập ra. Tại hầu hết các quốc gia, việc thông báo này được thực hiện bằng văn bản, bao gồm một số nội dung thông tin mà luật yêu cầu rõ ràng, nhưng đây không phải là điều kiện cho việc hiện diện một hội. Văn bản này cơ bản là một thông báo để các cơ quan thống kê có thông tin về hội. Hệ thống thông báo này đang hoạt động tại ở nhiều quốc gia (Djibouti, Maroc, Bồ Đào Nha, Senegal, Thụy Sỹ, Urugoay...) (theo Báo cáo viên đặc biệt về tự do hội họp và lập hội Maina Kiai (Báo cáo về năm hoạt động đầu tiên 1/5/2011 – 30/4/2012, A/HCR/20/27, đoạn 58.).

Cả hai thủ tục thông báo và thủ tục cấp phép đều đòi hỏi sự nhanh chóng. Việc chậm trễ đăng ký, cấp phép cho một hội có thể coi là sự vi phạm quyền lập hội. Mặt khác, nếu từ chối đơn xin thành lập hội thì phải nêu rõ lý do và thông báo một cách rõ ràng cho chủ thể đứng đơn thành lập. Những cá nhân, tổ chức bị từ chối có quyền được khiếu nại, khiếu kiện ra trước một tòa án độc lập và không thiên vị. Ủy ban về tự do lập hội (Freedom of Association Committee) của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) đã có phán quyết rằng: “việc không thể đưa ra trước cơ quan tư pháp để xem xét sự từ chối bởi cơ quan Bộ cho phép thành lập một công đoàn là vi phạm các nguyên tắc tự do lập hội.”

Đồng thời với việc thành lập, các cá nhân có quyền gia nhập và rút lui (ra khỏi, rời bỏ) các hội. Tương tự, các hội có quyền ngưng hoạt động và tự giải tán hội. Việc các cơ quan nhà nước ngưng hoạt động và giải tán hội phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của luật.

   3.2. Quyền hoạt động tự do và được bảo vệ khỏi sự can thiệp vô lý

Quyền hoạt động tự do của các hội tương ứng với nghĩa vụ của chính quyền trong việc tôn trọng, thực thi và bảo vệ quyền này. Nhà nước có nghĩa vụ thực thi các biện pháp chủ động và thụ động đối với quyền lập hội của người dân.

Ở mức tối thiểu, nhà nước phải kiềm chế không được can thiệp vào các hoạt động bình thường của hội. Trước hết, quy chế, điều lệ của các hội được tự quyết bởi các thành viên mà không có sự can thiệp của nhà nước. Quyền riêng tư của các hội cũng cần được bảo đảm, các cơ quan nhà nước không được thay đổi việc bầu chọn ban lãnh đạo của các hội, cử người của mình vào ban lãnh đạo hội, yêu cầu các hội nộp kế hoạch hoạt động hàng năm (Báo cáo của Maina Kiai, đoạn 65).

Trong hoạt động của mình, các nguồn lực về tài chính, nhân sự có vai trò đặc biệt đối với các hội. Các khuyến nghị của LHQ đều hướng đến hạn chế các thủ tục rắc rối, mất thời gian để nhận tài trợ. Tự do hội họp, triển khai các dự án, hoạt động tại các địa bàn khác nhau cũng là thành tố quan trọng của tự do lập hội.

Ở mức độ tích cực, nhiều quốc gia có các biện pháp hỗ trợ cho việc thành lập các hội thông qua các biện pháp như cung cấp địa điểm mở văn phòng, tài trợ tài chính trong giai đoạn đầu hoạt động... Nghĩa vụ chủ động đòi hỏi các nhà nước phải tạo dựng một môi trường thuận lợi, bình đẳng cho hoạt động của các hội đoàn. Các cá nhân thực thi quyền lập hội không phải sợ trở thành nạn nhân của dọa nạt, bôi nhọ, bắt bớ tùy tiện, đối xử vô nhân đạo hoặc hạn chế quyền đi lại...

 KHÁNH TÙNG


(Kỳ 2: Pháp luật một số quốc gia về lập hội)

 


Các tin khác: