"Cả hai đều đã liều lĩnh với tính mạng của mình khi dũng cảm đấu tranh với tội phạm chiến tranh và giành lại công lý cho nạn nhân", đại diện Ủy ban Nobel Na Uy phát biểu trong lễ công bố giải thưởng hôm 5/10/2018. Việc sử dụng bạo lực tình dục như vũ khí trong các cuộc chiến tranh đã diễn ra trong nhiều thế kỷ, nhưng gần đây mới được coi là cấu thành tội phạm chiến tranh, tội ác chống nhân loại theo Nghị quyết số 1820 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (về bạo lực tình dục trong chiến tranh) năm 2008.
Bác sĩ Denis Mukwege đã dành phần lớn cuộc đời để giúp đỡ các nạn nhân của tình trạng bạo lực tình dục tại Congo. Ông và đồng nghiệp đã chữa trị, phục hồi cho hàng nghìn bệnh nhân là nạn nhân trong các vụ bạo hành.
Cô Nadia Murad, 25 tuổi, là nhân chứng người Yazidi ở phía bắc Iraq, nơi hàng ngàn phụ nữ, trẻ em gái đã trở thành nạn nhân của những vụ hiếp dâm do phiến quân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra. Những vụ lạm dụng này diễn ra có hệ thống, được xem như là vũ khí trong cuộc chiến chống lại người Yazidi và những nhóm thiểu số tôn giáo khác.
Ở tuổi 25, Murad trở thành chủ nhân trẻ tuổi thứ hai của giải Nobel Hòa bình, sau Malala Yousafzai, người mới 17 tuổi khi nhận giải vào năm 2014. Murad cũng là đồng chủ nhân của giải thưởng nhân quyền Sakharov của Liên minh Châu Âu và giải thưởng nhân quyền Vaclav Havel của Hội đồng Châu Âu cùng trao tặng năm 2016.