Chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc về các vấn đề thiểu số đến Việt Nam
Bà Gay McDougall - Chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc về các vấn đề thiểu số đã kết thúc chuyến thăm làm việc tại Việt Nam (từ ngày 4/7/2010 đến 15/7) theo lời mời của Chính phủ.


Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Gay McDougall đã gặp Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, gặp gỡ nhiều cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo, viện nghiên cứu, tiếp xúc với người dân Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Hà Nội và các tỉnh Điện Biên, Trà Vinh, Gia Lai và Kon Tum.  


Tại buổi làm việc kết thúc chuyến đi với Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và đại diện các cơ quan, tổ chức của Việt Nam, bà Gay McDougall cho rằng, chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, cám ơn sự đón tiếp, hợp tác tích cực của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương.


Bà Gay McDougall cũng trao đổi với phía Việt Nam một số quan tâm về việc đảm bảo có hiệu quả quyền của người thiểu số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, dân sự, chính trị và bước đầu đưa ra một số khuyến nghị để Chính phủ Việt Nam xem xét như việc thúc đẩy giáo dục song ngữ bằng tiếng mẹ đẻ cho trẻ em các dân tộc thiểu số, tiếp tục các chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc ở các vùng khó khăn.


Ngày 21/7, Bà Gay McDougall đã có một tuyên bố (statement) được đăng tải trên trang tin của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc. Dưới đây là bản dịch tiếng Việt (không chính thức - để tham khảo) của tuyên bố này:

 


Tuyên bố của Chuyên gia độc lập của Liên Hiệp quốc về Các vấn đề thiểu số, bà Gay McDougall, về kết luận của chuyến thăm chính thức đến Việt Nam 5 - 15 tháng 7 năm 2010

   Ngày 21/7/2010


Trên cương vị là chuyên gia độc lập của Liên Hiệp quốc về các vấn đề thiểu số, tôi đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5 đến ngày 15 tháng 7 năm 2010. Mục đich chuyến đi của tôi là tham vấn về các vấn đề thiểu số và xem xét tình trạng nhân quyền của nhiều nhóm thiểu số ở Việt Nam trên cơ sở vai trò và nhiệm vụ Liên Hiệp quốc trao cho tôi. Vai trò và nhiệm vụ của tôi là thúc đẩy việc thực thi Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về Các quyền của những người thiểu số về dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ * và xác định những thách thức cũng như những điển hình thành công trong lĩnh vực này.


Để thực hiện nhiệm vụ đó, tôi đã đến thăm gần như mọi khu vực thế giới và đây là chuyến thăm đến nước thứ mười. Những chuyến thăm này cho tôi cơ hội quý báu để chứng kiến tận mắt tình hình của người thiểu số và để tham vấn nhiều bên có liên quan, gồm cả chính những người thiểu số.


Trước hết tôi muốn cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã ngỏ lời mời tôi đến thăm cũng như đã coi trọng chuyến thăm của tôi. Tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ (của chính phủ Việt Nam) trong công tác chuẩn bị và thực hiện chuyến thăm. Tôi đã được thu xếp để tiếp cận với những cán bộ cao cấp của chính phủ ở cả cấp trung ương và địa phương. Tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn tới những cán bộ đã dành thời gian tiếp tôi cũng như đã cung cấp thông tin và qua đó tôi thấy sự đón tiếp của Chính phủ với tôi như là biểu hiện của sự quan tâm và cam kết của Chính phủ tới những tiến bộ trong lĩnh vực quyền của người thiểu số.


Những nhận xét trong tuyên bố này được đưa vào cuối chuyến thăm Việt Nam của tôi, là những nhận xét ban đầu. Tôi sẽ trình bày một báo cáo đầy đủ và khuyến nghị lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc vào tháng 3 năm 2011.


Tôi bắt đầu chuyến thăm ở Hà Nội, sau đó đến các khu vực có nhiều dân cư thiểu số sinh sống, bao gồm các tỉnh Điện Biên ở vùng núi phía Bắc, Trà Vinh ở vùng đồng bằng sông Mêkông và hai tỉnh Gia Lai và Kon Tim ở vùng Tây nguyên. Tôi đã gặp gỡ với các cán bộ cao cấp của chính phủ, đại diện của các tổ chức phi chính phủ, thành viên của cộng đồng, giới nghiên cứu và những người khác đang làm việc trong lĩnh vực thiểu số, tham gia xã hội và thúc đẩy sự bình đẳng và không phân biệt đối xử.


Việt Nam là một đất nước đa dạng có 54 nhóm dân tộc được phân định rõ với những đặc điểm tôn giáo, ngôn ngữ và bản sắc văn hóa độc đáo. Việt Nam công nhận các nhóm dân cư thiểu số của mình là một phần quan trọng của quốc gia và hiểu được những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt để đảm bảo quyền của người thiểu số được tôn trọng, bảo vệ và khuyến khích trên mọi phương diện của đời sống. Việc thiết lập các cơ quan nhà nước, bao gồm Ủy ban Dân tộc, là một ví dụ tích cực đã được nhân ra ở cấp tỉnh và cấp huyện.


Chính phủ đã nhận định rõ ràng rằng, cho dù đã có một thời kỳ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đã có bước tiến gần đến các Mục tiêu Phát triển Thiên nhiên kỷ và những kết quả tích cực về giảm nghèo và phát triển kinh tế nói chung, hầu hết các nhóm thiểu số vẫn là những người nghèo nhất trong số những người nghèo ở Việt Nam. Việc nhận định khoảng cách về kinh tế xã hội giữa các cộng đồng thiểu số và nhóm dân cư đa số - nhóm dân tộc Kinh – là một bước quan trọng để đưa ra những biện pháp cần thiết nhằm thu hẹp khoảng cách đó. Các chương trình của Chính phủ trong những năm qua đã thiết lập được những sáng kiến quan trọng để thu hẹp khoảng cách thông qua các dự án về cơ sở hạ tầng, các chương tình bảo trợ xã hội và phát triển trong các lĩnh vực y tế và giáo dục. Chính phủ Việt Nam cần phải được tuyên dương về những chương trình này và những thay đổi mà các chương trình này đã tạo nên trong đời sống của người thiểu số.


Tôi hiểu những thách thức mà Chính phủ đang phải đối mặt để đảm bảo quyền của những cộng đồng dân tộc không phải là người Kinh, đặc biệt với những cộng đồng ở các vùng khó khăn nhất về địa lý. Tôi hoan nghênh sự khẳng định của Chính phủ Việt Nam về cam kết của chính phủ trong việc giải quyết những thách thức đó như một ưu tiên quan trọng. Điều quan trọng là Chính phủ bảo đảm rằng có tăng trưởng kinh tế mà không có tác động tiêu cực đến cuộc sống của những người thiểu số, hay làm họ nghèo hơn, và rằng họ sẽ được thụ hưởng đầy đủ những lợi ích của tăng trưởng và phồn thịnh trong khi vẫn duy trì được những bản sắc và văn hóa riêng biệt.


Tiếp cận một nền giáo dục phù hợp và chất lượng chính là cửa ngõ của phát triển và xóa nghèo cho những người thiểu số. Đây cũng là điều tối cần thiết để bảo tồn và phát huy văn hóa, ngôn ngữ và bản sắc của những người thiểu số. Giáo dục giúp người thiểu số định đoạt cuộc sống và phát huy hết những tiềm năng cũng như trở thành một nhân tố tham gia một cách bình đẳng vào tiến trình phát triển của quốc gia.


Ở Việt Nam, dù đã có những tiến bộ rõ rệt trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường học ở hầu hết các xã, có các trường nội trú cho học sinh từ các thôn bản xa, có hệ thống trường cấp II cho trẻ em thiểu số, tôi lo ngại rằng học sinh dân tộc thiểu số đang đạt được những kết quả về giáo dục thấp hơn học sinh người Kinh. Một trong số những vấn đề đã được xác định là người thiểu số thiếu đi cơ hội được học bằng tiếng mẹ đẻ từ những năm đầu đến trường và phải vật lộn với việc học hành chỉ bằng tiếng Việt.


Với mục tiêu cuối cùng là thông thạo tiếng Việt, giáo dục song ngữ giúp trẻ em dân tộc thiểu số tiến bộ hơn trong quá trình học tập và tạo ra một nền tảng vững chắc và phù hợp về văn hóa cho việc học tập trong tương lai của các em. Tôi trông đợi những kết quả của một chương trinh thí điểm giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm thực hiện hai tỉnh Gia Lai và Trà Vinh mà tôi có dịp đến thăm. Các nghiên cứu trên khắp thế giới đã công nhận cách tiếp cận này. Giảng dạy tiếng mẹ đẻ như một môn học là chưa đủ. Tiếng mẹ đẻ cần phải là ngôn ngữ sư phạm ở cấp mẫu giáo, và ba năm đầu đến trường, sau đó sẽ được chuyển tiếp sang tiếng Việt.


Ở nhiều nước với độ đa dạng tương tự như Việt Nam, có rất nhiều thách thức đối với việc đảm bảo rằng mỗi thành viên của các nhóm thiểu số có thể đạt được hoàn toàn các quyền của họ về kinh tế, xã hội, dân sự và chính trị và có thể sống trong các điều kiện bình đẳng. Các quyền của người thiểu số bao gồm quyền tự do thực hành tôn giáo của mình mà không bị hạn chế, quyền tự do lập hội và tự do bày tỏ chính kiến, quyền hội họp một cách hòa bình, quyền bình đẳng trong việc sở hữu và sử dụng đất đai cũng như quyền được tham gia một cách đầy đủ và hiệu quả vào những quyết định có ảnh hưởng đến họ. Những quan ngại về các quyền này đã được nêu ra trong chuyến thăm của tôi và về phía mình, tôi cũng đã nêu những vấn đề này với Chính phủ Việt Nam ở cấp quốc gia và địa phương. Tôi sẽ nghiên cứu cụ thể những thông tin tôi đã thu thập được cũng như phúc đáp của Chính phủ cho những vấn đề nêu ra trước khi đề cập đến những vấn đề này trong báo cáo cuối cùng của tôi.


Cuối cùng tôi muốn bày tỏ rằng, tôi tin tưởng rằng chuyến thăm của tôi đánh dấu một bước quan trọng của Chính phủ Việt Nam trong việc gắn kết với các cơ quan nhân quyền và cơ chế nhân quyền của hệ thống Liên Hiệp quốc. Tôi hoan nghênh lời hứa của Chính phủ sẽ tiếp tục mời các chuyên gia nhân quyền khác của Liên Hiệp quốc đến Việt Nam trong những tháng tới và tôi hy vọng rằng những lời mời này sẽ bao gồm cả lời mời tới nhiều chuyên gia và báo cáo viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả các lĩnh vực về quyền dân sự và chính trị.


Tôi trông đợi tiếp tục những đối thoại liên lục và mang tính xây dựng với Chính phủ Việt Nam và tôi sẵn sàng ủng hộ những sáng kiến của Chính phủ trong lĩnh vực quyền của người thiểu số.


Xin cảm ơn.

(KẾT THÚC)


Dịch từ bản tiếng Anh tại: http://www.ohchr.org/EN/NewsEvents/Pages/DisplayNews.aspx?NewsID=10223&LangID=E



Chuyên gia độc lập là một trong các Thủ tục đặc biệt về nhân quyền báo cáo lên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp quốc. Bà Gay McDougall (quốc tịch Hoa Kỳ) được bổ nhiệm là người đầu tiên giữ vai trò chuyên gia độc lập của Liên Hiệp quốc về các vấn đề thiểu số vào tháng 7 năm 2005. Chuyên gia độc lập về các vấn đề thiểu số có nhiệm vụ thúc đẩy việc thực thi Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Các quyền của những người thiểu số về dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ và xác định những thách thức cũng như các mô hình tiến bộ trong lĩnh vực này.
 
Để biết thêm về vai trò và công việc của Chuyên gia, truy cập: http://www2.ohchr.org/english/issues/minorities/expert/index.htm

Tham khảo Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Các quyền của những người thiểu số về dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ: http://www2.ohchr.org/english/law/minorities.htm

Các thông tin về Việt Nam của Cao ủy Liên Hiệp quốc về Nhân quyền: http://www.ohchr.org/EN/Countries/AsiaRegion/Pages/VNIndex.aspx

Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp quốc

http://www.un.org/millenniumgoals/bkgd.shtml

Về các yêu cầu của báo chí và thông tin thêm về chuyến thăm của Chuyên gia, liên hệ với Graham Fox, Cán bộ của Cao ủy Liên Hiệp quốc về Nhân quyền (Mobile: +41 22 917 9640 / e-mail: gfox@ohchr.org)

 

 




Ảnh: Em bé Hà Nhì (Lào Cai) 



QUAN HỆ VIỆT NAM VỚI CƠ CHẾ NHÂN QUYỀN LHQ - MỘT SỐ CỘT MỐC:


1977:
VN gia nhập LHQ

1982:
VN gia nhập ICCPR và ICESCR (1966)

1990:
VN gia nhập Công ước về quyền trẻ em (1989)

1998:
Ông Abdelfattah Amor, Báo cáo viên đặc biệt về Tôn giáo của LHQ đến Việt Nam ( 19 - 28 /10): làm việc tại Hà Nội (19 - 21 & 28), TP.HCM (24 - 27) và Tây Ninh (27/10).

........

2008

2009:
8/5: VN báo cáo theo cơ chế quốc gia kiểm điểm định kỳ (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Gieneva).

2010:

4 - 15/7: bà Gay McDougall - Chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc về các vấn đề thiểu số đến VN


TÀI LIỆU ĐỌC THÊM:

Trang Việt Nam trên Văn phòng Cao Ủy Nhân quyền LHQ:

http://www.ohchr.org/EN/countries/AsiaRegion/Pages/VNIndex.aspx

Phát biểu tại lễ ký kết văn kiện dự án “Thực thi các hiệp ước về quyền con người tại Việt Nam” của Ông John Hendra, Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam (tháng 3/ 2008)

Bộ Ngoại giao VN: https://www.mofa.gov.vn/,


Các tin khác: