XÉT XỬ CÔNG BẰNG TRONG QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT
Quyền được xét xử công bằng (right to a fair trial), được các chuẩn mực nhân quyền quốc tế quy định khá chặt chẽ, là một nhân quyền cơ bản, có vai trò quan trọng để bảo vệ các quyền khác (các quyền nhân thân, quyền tài sản…

Ngược dòng sử Việt, khi đặt Luật Hồng Đức - còn được gọi là “Lê triều Hình luật” hay “Quốc triều Hình luật”, ra đời thời vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460 –1497) - dưới ánh sáng của luật nhân quyền quốc tế, chúng ta thấy nhiều nội dung của bộ luật cổ Việt Nam này rất chặt chẽ, phù hợp và tương thích với những chuẩn mực hiện đại. Đối với người Việt, đây là những điểm lý thú và đáng tự hào về một truyền thống nhân bản và coi trọng công lý của cha ông cách ta từ hơn năm thế kỷ trước. Nó cũng gợi ra nhiều suy nghĩ khi liên hệ với luật pháp và hiện trạng của nền tư pháp nước nhà.

“Lê triều Hình luật” quy định về điều tra và xét xử chủ yếu trong Chương Đoán Ngục (Xử án), là chương cuối cùng của bộ luật với 65 điều luật. Dưới đây sẽ xem xét khái quát những yếu tố tích cực, cũng như những hạn chế của các quy định này qua lăng kính nhân quyền.

 

1. Những quy định đảm bảo xét xử công bằng

Chúng tôi đã có dịp giới thiệu các chuẩn mực quốc tế hiện đại về quyền được xét xử công bằng. Trong khi luật quốc tế thường mang tính khái quát, luật quốc gia luôn chi tiết, cụ thể hơn. Khi đối chiếu, chúng ta không khỏi ngạc nhiên thấy nhiều quy định trong “Lê triều Hình luật” hoàn toàn tương thích với đòi hỏi về đảm bảo và tôn trọng quyền được xét xử công bằng. Cụ thể là:

a. Xét xử khách quan, không thiên vị:

Quyền được xét xử bởi một toà án khách quan, không thiên vị là một nội dung căn bản, chính yếu để đảm bảo quyền được xét xử công bằng. “Lê triều Hình luật” đã có nhiều quy định chi tiết về các khía cạnh như:

- Về thẩm quyền xử sơ thẩm, việc phân cấp được quy định khá rõ ràng: việc rất nhỏ, đến kiện ở xã quan; việc nhỏ đến kiện ở lộ quan, việc trung bình đến kiện ở quan phủ; các quan kể trên phải xét xử cho công bằng, đúng pháp luật; còn việc lớn thì phải đến Kinh (Điều 15) (Chú thích: viết tắt Đ 15; đây là cách đánh số điều luật theo từng chương, khi dịch, nhiều tác giả đánh số điều luật từ chương đầu tiên đến hết bộ luật). Tương tự, thẩm quyền xử phúc thẩm được quy định: Nếu xã quan xử đoán không hợp lẽ thì kêu đến quan huyện; quan huyện xử đoán không hợp lẽ thì mới đến Kinh tâu bày (Đ 15).

- Người tiến hành tố tụng phải thực hiện đúng thẩm quyền: Các quan xử án, việc phải tâu lên mà không tâu, việc phải đợi trả lời mà không đợi, lại tự tiện phân xử ngay, thì xử biếm (Đ 27). Không được vượt thẩm quyền song hành với chỉ được xét xử trong phạm vi truy tố: Các quan xét án, phải theo tờ cáo trạng mà xét hỏi, nếu ra ngoài tờ cáo trạng, tìm việc khác để buộc tội người, thì xử là cố ý bắt tội người (Đ 13).

- Không được thiên vị, do tư lợi, nhận hối lộ của đương sự, tù nhân (Đ 7) hay do nể kẻ quyền thế (Đ 17): Các ngục quan xét án, thấy việc có liên can đến quan chức hay nhà quyền thế, nhưng chiếu luật đáng xử tội, mà che chở, không khép vào tội thì sẽ xử tội như kẻ phạm tội kia mà cho giảm hai bậc (Đ 17).  Để hạn chế việc nhận hối lộ, luật cấm việc giải quyết việc ở nhà riêng: ngục quan và ngục lại dung túng cho những người kiện tụng đi lại nhà riêng mình để xúi bảo, nếu nhân vì việc ấy mà ăn hối lộ, thì phải khép vào tội làm trái luật tuỳ theo việc nặng nhẹ mà định tội (Đ 54). Các loại nhũng lạm lặt vặt cũng được người soạn luật lường trước, như cấm vòi vĩnh “đòi tiền dấu đèn và tiền bút giấy quá số quy định”  (Đ 60).

- Điều tra, xét xử phải thận trọng, không được tuỳ tiện, độc đoán, phải theo sát luật định: Ngày quyết tụng, quan đại thần và các quan xét án đều phải hội đồng lại, xét hỏi kĩ càng cho rõ sự phải trái, cốt để mọi người đều yên lòng. Nếu có điều chưa rõ phải thẩm xét lại, không được cố chấp ý riêng mình, bắt mọi người phải theo, bày ra lí này lí khác để có người mắc oan. Luật này cũng không cho phép những quan phụ thẩm lúc đông đủ mọi người không hết bổn phận tranh biện về sau lại có câu nghị luận khác (Đ 63). Hình quan định tội danh, chiểu trong luật đã có chính điều lại tự ý thêm bớt bậy, hay viện dẫn điều khác, để tuỳ xử nặng nhẹ, thì bị xử nặng hơn tội thêm bớt tội người một bậc (Đ 65). Người xét xử cũng phải tránh chịu sự chi phối của cảm xúc cá nhân vui mừng, giận dữ (Đ 56).

- Bảo đảm quyền hồi tị (tránh mặt) để tránh việc vì mối quan hệ cá nhân mà thiên lệch đến tính khách quan: Những người đi kiện hay bị kiện xin tránh ngục quan, thì giao cho các quan Viện Thẩm hình hội đồng xét hỏi; nếu xét sự lí đáng cho tránh ngục quan ấy, mới được phép giao sang ti khác xét xử. Nếu bản ti vì tình ý riêng mà cố giữ việc để xét, thì xử phạt hay biếm; ngục lại cũng bị tội như thế (Đ 32).

- Bảo đảm nhân chứng không thiên vị: Những người làm chứng trong việc kiện tụng, nếu xét ra ngày thường đôi bên kiện tụng là người thân tình hay có thù oán, thì không cho phép ra làm chứng. Nếu những người ấy giấu giếm ra làm chứng, thì bị khép vào tội không nói đúng sự thực. Hình quan ngục quan biết, mà dung túng việc đó đều bị tội (Đ 57).

- Về trách nhiệm dân sự, tài sản liên quan đến vụ việc cũng phải bảo đảm công bằng: Truy thu số tiền bồi thường, phải trả cho người được bồi thường, không được bớt xén (Đ 21).

b. Xét xử nhanh chóng:

Bảo đảm điều tra, xét xử nhanh chóng, khôi phục lợi ích của bên bị thiệt hại trong thời gian nhan nhất, tránh việc kéo dài, chậm trễ làm ảnh hưởng tới lợi ích của người bị buộc tôi và các đương sự cũng là một đòi hỏi của xét xử công bằng, bảo đảm công lý. “Lê triều Hình luật” cũng quy định rất chặt chẽ về các thời hạn và có chế tài nếu không bảo đảm, “dùng dằng” quá hạn định. Cụ thể như:

- Phải nhanh chóng trong việc truy tố (Đ 16) và nhanh chóng trong việc xử án (Đ 14). Luật quy định rõ ràng về thời hạn đối với từng loại việc hình sự, dân sự: việc trộm cướp thì phải xét xử trong thới hạn ba tháng, việc huỷ báng trong bốn tháng, việc điền thổ trong ba tháng, việc hộ hôn, việc trái luật lặt vặt, việc đánh chửi nhau, cùng việc tạp tụng thì hai tháng; các việc này đều lấy ngày bắt bị cáo đến hầu kiện làm ngày đầu. Những quan xét án, dùng dằng để việc quá kì hạn không xét xử, thì bị tội theo luật đã định (Đ 14). Khi xét xử phúc thẩm (Đ 31) hay khi cần đối chất cũng phải thực hiện nhanh chóng (Đ 20).

- Thi hành án như tich thu tang vật, thi hành hình phạt bãi chức hay cách chức, phải thu bằng sắc  cũng phải kịp thời, đúng thời hạn: Nếu tội nhân nghèo khó quá không sao nộp được, thì thuộc lại được phép trình bản ti để tâu lên vua định đoạt (Đ 40).

- Bên cạnh việc yêu cầu xử đúng hạn, nhanh chóng, bộ luật cổ không coi nhẹ yêu cầu tuân thủ đúng luật tố tụng từ ghi lời khai (Đ 49), hình thức bản án (Đ 26), chỗ ngồi nơi xét xử (Đ 52)…và nhiều điểm về đòi hỏi khách quan đã nêu ở phần trên.

 

c. Trách nhiệm về làm oan sai và cơ chế giải quyết oan sai:

Các hệ thống tư pháp khó có thể tuyệt đối tránh được oan sai, do đó, cơ chế giải quyết oan sai cũng cần thiết để hạn chế, khắc phục những hậu quả. Về điểm này, “Lê triều hình luật” thể hiện được tính minh bạch và dân chủ của bộ máy nhà nước ở một số khía cạnh:

- Khẳng định quyền kêu oan của đương sự: Những người có tờ trạng kêu oan, được bày tỏ khi hỏi kiện (Đ 30).

- Quan xét xử không đúng, oan sai thì phải chịu hình phạt: Điều 29 quy định rất chi tiết các trường hợp oan sai cụ thể: cố tăng tội nhẹ thành nặng, gỡ tội nặng ra nhẹ; đem tội nhẹ buộc vào tội nặng.  Điều luật này cũng phân định rõ việc xử sai là do cố ý hay vô ý: Nếu xét tội kẻ phạm vì lầm lẫn mà thêm bớt tội người, thì bị tội trên nhưng được giảm hai bậc (ý nói quan án chỉ ngu tối hay lầm lẫn, không vì ăn hối lộ hay có điều ân oán mà xử bất công. Nếu đổi nhẹ thành nặng, đổi nặng thành nhẹ thì vẫn chiếu như trên mà luận tội). Ngục lại lầm lỗi về kiểm xét, thì bắt tội ngục lại. Ngục quan lầm lỗi trong sự tra hỏi, thì bắt tội ngục quan.

 

đ. Đối xử nhân đạo với người bị tạm giam

Một điểm tích cực nữa của “Lê triều Hình luật” liên quan đến tư pháp là có những yêu cầu đối xử nhân đạo với những người bị giam giữ: Nếu tù nhân phạm tội nặng, bị thương cần xét nghiệm, bị bệnh cần cấp thuốc men; những tù nhân phạm tội nhẹ, phải để cho người thân thuộc bảo lĩnh (Đ 6). Ngục giám vô cớ hành hạ, đánh đập tù nhân bị thương, thì xử tội theo luật đánh người bị thương; Nếu bớt xén quần áo và cơm, đồ ăn, thì chiếu số ăn bớt mà khép vào tội ăn trộm (Đ 50).

 

2. Một số hạn chế của cổ luật từ góc nhìn nhân quyền hiện đại:

Bên cạnh nhiều điểm tiến bộ, bảo đảm các nhân quyền cơ bản của người dân dưới chế độ quân chủ như nêu trên. “Lê triều Hình luật” không thoát khỏi những hạn chế chung của thời đại, trong đó nổi bật nhất là:

- Không phân tách các chức năng điều tra, truy tố với xét xử:

Dưới các triều đại phong kiến, vị quan hành chính đồng thời thực hiện chức năng tư pháp. Về cơ bản, một vị quan sẽ thực hiện toàn bộ các chức năng điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Cho dù ta thấy có nhiều chức danh của những người tiến hành tố tụng ở nhiều cấp được nhắc đến trong “Lê triều Hình luật”: quan đại thần, quan xét án, ngục quan…

- Quyền bào chữa hạn chế: Đương nhiên, ở thời điểm năm thế kỷ trước, người bị buộc tội chỉ có quyền tự bào chữa. Chỉ đến khi người Pháp vào Việt Nam thì nghề luật sư mới hình thành.

- Sử dụng tra tấn phổ biến: Việc sử dụng tra khảo (tra tấn) được coi như một “nghiệp vụ điều tra” dưới các triều đại phong kiến.

Tuy nhiên, bộ hình luật có những giới hạn áp dụng. Chẳng hạn, chỉ được áp dụng sau khi đã lấy lời khai và xem xét kỹ lưỡng: Các hình quan tra hỏi tù phạm, trước hết theo sự tình mà thẩm xét lời lẽ của tù khai; nếu xét đi xét lại, còn chưa quyết định được tội cần phải tra hỏi nữa, thì phải lập hội đồng các quan án, rồi mới tra khảo (Đ 11). Cạnh đó, luật quy định nhiều trường hợp không áp dụng: Những người đáng được nghị xét giảm tội, như 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống, hay bị phế tật (Đ 8); tù nhân bị bệnh ung nhọt, phải đợi đến khi khỏi (Đ12). Tra khảo cũng chỉ có giới hạn: không được quá ba lần; đánh bằng trượng không được quá số 100 (Đ 12).

 

Thay lời kết

Phải mất 43 năm sau khi thành lập nền cộng hoà, đến năm 1988 Việt Nam mới có “Bộ luật Tố tụng Hình sự” đầu tiên, nếu không kể đến bộ hình luật tố tụng của miền Nam trước năm 1975. Trong những năm vừa qua, Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành (năm 2003) cũng đang được nghiên cứu để sửa đổi, nhiều bất cập của luật hiện hành chưa có giải pháp có thể thoả mãn các luật gia cũng như người dân. Nhìn vào thực tiễn, bức tranh nền tư pháp hiện hành còn ngổn ngang, bề bộn hơn nhiều.

Rõ ràng là những quy phạm trong bộ luật cổ cách nay năm thế kỷ đã quá xa đối với thời đại chúng ta. Tuy nhiên, tinh thần của cổ luật, sự chi tiết, thấu đáo trong các quy định, sự cẩn trọng và coi trọng con người trong “Quốc triều Hình luật” thời Lê luôn là một lời nhắc nhở những người cầm cân nảy mực, cũng như những nhà lập pháp, luật gia hôm nay. Họ không thể vội vàng, thiếu cẩn trọng trong công việc quan trọng của mình, để có thể bảo vệ các quyền cơ bản của con người, bảo đảm công lý trong xã hội.

Hồng Lĩnh

6/2010

 

(Tham khảo bản dịch “Cổ luật Việt Nam - Quốc Triều hình luật và Hoàng Việt Luật Lệ”, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009)


Ảnh: một phiên tòa dưới thời phong kiến Việt Nam

 


Các tin khác: