CAT VÀ HOA KỲ
Liên Hợp quốc, trong đó có Cao ủy Nhân quyền Navi Pillay, nhiều lần đã kêu gọi Hoa Kỳ đóng cửa trại giam tại Vịnh Guantanamo, vì việc giam giữ không xét xử, cũng như giam giữ hà khắc là trái với luật pháp quốc tế. Trong tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama hứa sẽ có thêm hành động để đóng cửa trại giam ở Vịnh Guantanamo, Cuba. Tuy nhiên, Hạ viện Mỹ tiếp tục không đồng ý cho Tổng thống đóng cửa trại giam. Dưới đây là một bài phân tích liên quan đến tra tấn từ góc độ pháp lý quốc tế và pháp luật Hoa Kỳ của một luật sư nhằm tư vấn cho các dân biểu Quốc hội.

 

 

CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN CỦA LIÊN HỢP QUỐC:

KHÁI QUÁT VÀ VIỆC ÁP DỤNG

ĐỐI VỚI CÁC KỸ THUẬT THẨM VẤN

 

Michael John Garcia

Luật sư Quốc hội

26/1/2009

Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Phục vụ Quốc hội (CRS)

Soạn thảo cho các đại biểu và các ủy ban Quốc hội

 

Tóm tắt

Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác (Convention Against Torture and Other Cruel, Inhuman, or Degrading Treatment or Punishment - CAT) đòi hỏi các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp loại bỏ tra tấn trong lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình và hình sự hóa mọi hành vi tra tấn. Không như nhiều điều ước và tuyên bố cấm tra tấn khác, CAT đưa ra một định nghĩa khái quát về tra tấn. CAT định nghĩa khái quát tra tấn như là việc gây ra các đau đớn về thể chất và/ hoặc tinh thần được thực hiện liên quan đến việc thực thi pháp luật. CAT không cho phép tra tấn vào bất kỳ hoàn cảnh nào hoặc bởi bất kỳ cơ quan nào.

Hoa Kỳ đã phê chuẩn CAT, kèm theo những tuyên bố, bảo lưu và giải thích nhất định, bao gồm việc công ước này không được áp dụng trực tiếp và cần có luật pháp quốc gia các tòa án Hoa Kỳ thực thi. Nhằm bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ hình sự hóa mọi hành vi tra tấn như yêu cầu của CAT, Hoa Kỳ đã thông qua chương 113 C của Bộ luật Hình sự Hoa Kỳ (United States Criminal Code), theo đó cấm tra tấn ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ (tra tấn diễn ra tại Hoa Kỳ đã được cấm chung dưới các đạo luật liên bang và tiểu bang hình sự hóa các hành vi như tấn công, bạo hành và giết người). Khả năng áp dụng và phạm vi của các luật này là đối tượng của nhiều biên bản ghi nhớ (memorandums) của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp vào năm 2002, mà đã được bình luận nhiều. Các biên bản ghi nhớ này bị phê phán bởi một số người vì chứa quan điểm quá hạn hẹp về cách đối xử cấu thành tra tấn. Vào cuối năm 2004, Bộ Tư pháp đưa ra một biên bản ghi nhớ thay thế biên bản trước đó và sửa đổi một số kết luận. Vào tháng Giêng 2009, Tổng thống Barack Obama ban hành một Sắc lệnh (Executive Order) quy định rằng khi thực hiện thẩm vấn, nhân viên Hoa Kỳ nói chung bị cấm căn cứ vào các giải thích luật về thẩm vấn do Bộ Tư pháp đưa ra trong giai đoạn từ ngày 11/9/2001 đến ngày cuối cùng của Chính quyền Bush, nếu không có hướng  dẫn chi tiết của Bộ trưởng Tư pháp (Tổng Chưởng lý - Attorney General). Với việc cho rằng các mục tiêu thảo luận liệu một cơ quan của Hoa Kỳ phải xem lại các biện pháp thẩm vấn mạnh tay để xác định liệu nó có cấu thành tra tấn theo CAT hoặc theo luật Hoa Kỳ liên quan, có thể xem xét án lệ quốc tế để phân tích liệu các phương thức thẩm vấn đó có cấu thành tra tấn hay không. Mặc dù các phán quyết đó không phải tiền lệ có giá trị ràng buộc đối với Hoa Kỳ, chúng có thể được thảo luận tại đây.

Quốc hội đã thông qua các hướng dẫn bổ sung cho CAT liên quan đến những người bị giam. Luật về đối xử với người bị giam (Detainee Treatment Act - DTA), được ban hành phù hợp với cả Luật Bộ Quốc phòng, ngân sách bổ sung khẩn cấp để giải quyết cơn bão ở Vịnh Mexico và dịch cúm (Department of Defense, Emergency Supplemental Appropriations to Address Hurricanes in the Gulf of Mexico, and Pandemic Influenza Act) 2006 (P.L. 109-148) và Luật ủy quyền về Quốc phòng cho năm tài chính 2006 (National Defense Authorization Act for FY2006) (P.L. 109-163), bao gồm cả một điều khoản cấm đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục những người bị giam giữ hoặc trong sự kiểm soát của Hoa Kỳ (điều khoản này thường được nhắc đến như là Điều bổ sung McCain - McCain Amendment). Luật các Ủy ban Quân sự (Military Commissions Act) 2006 (MCA, P.L. 109-366) bao gồm một phương thức xác định và cũng đòi hỏi Tổng thống thiết lập các quy tắc và thủ tục hành chính để áp dụng chuẩn mực đó. Các đạo luật này sẽ được thảo luận sơ bộ trong báo cáo này và chi tiết hơn tại báo cáo của cơ quan Nghiên cứu Phục vụ Quốc hội (CRS) số RL33655, “Thẩm vấn người bị giam: Các đòi hỏi của Luật đối xử với người bị giam” (Interrogation of Detainees: Requirements of the Detainee Treatment Act) của Michael John Garcia.


Mục lục

 

KHÁI QUÁT VỀ CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN

Định nghĩa “tra tấn” theo CAT

Các yêu cầu của CAT liên quan đến hình sự hóa tra tấn

Các yêu cầu của CAT liên quan đến việc bồi thường cho các nạn nhân của tra tấn

Các yêu cầu của CAT liên quan đến cấm đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục

Các biện pháp thực thi và giám sát CAT

THỰC THI CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN TẠI HOA KỲ

Các Tuyên bố, bảo lưu và điều kiện về cách hiểu của việc phê chuẩn CAT của Hoa Kỳ

Hình sự hóa tra tấn diễn ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ

Sẵn có cơ chế bồi thường dân sự cho các hành vi tra tấn diễn ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ

Cấm đối xử tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục

Sổ tay cho quân đội trên chiến trường về các hạn chế đối xử tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục

Các hạn chế khi thẩm vấn người bị giam giữ bởi Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA)

Áp dụng CAT và pháp luật thực thi trong xung đột vũ trang

PHÁN QUYẾT CỦA CÁC QUỐC GIA KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN KỸ THUẬT THẨM VẤN ĐẾN MỨC ĐỘ TRA TẤN

Các kỹ thuật thẩm vấn của Anh quốc được sử dụng tại Bắc Ireland

Các kỹ thuật thẩm vấn của Israel sử dụng đối với nhân viên an ninh Palestin bị giam giữ

 

Thông tin về tác giả

 


KHÁI QUÁT VỀ CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN

 

Trong mấy thập niên vừa qua, một số điều ước và tuyên bố quốc tế đã lên án và nỗ lực cấm hành vi tra tấn được thực thi bởi các công chức nhà nước,[1] dẫn đến việc nhiều người kết luận rằng tra tấn hiện đã bị cấm theo luật tập quán quốc tế.[2] Có lẽ điều ước đáng lưu ý nhất cấm tra tấn là Công ước của Liên hợp quốc chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục (Convention Against Torture and Other Cruel, Inhuman, or Degrading Treatment or Punishment - CAT)[3] đã được ký bởi Hoa Kỳ và hơn 140 quốc gia khác.

Định nghĩa “Tra tấn” theo CAT

Trong khi một số điều ước và tuyên bố quốc tế trước đó đã lên án và/ hoặc cấm tra tấn, CAT dường như là điều ước quốc tế đầu tiên thực sự định nghĩa khái niệm “tra tấn”. Điều 1 của CAT quy định chi tiết rằng, trong Công ước này, “tra tấn” được hiểu là:

bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì  bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức. Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc chịu đựng xuất phát từ, gắn liền với hoặc có liên quan đến các biện pháp trừng phạt hợp pháp.

Điều quan trọng là Công ước này cụ thể hóa cả các đau đớn (chịu đựng) về thể chất (physical) và tinh thần (mental) có thể cấu thành tra tấn, và để đến mức sự đau đớn đó cấu thành hành vi tra tấn, nó phải nhằm đến mục tiêu cụ thể. Ngoài ra, các hành vi tra tấn được điều chỉnh bởi Công ước phải được thực hiện bởi một người đang thi hành công vụ. Do đó, chẳng hạn một cá nhân gây ra đau đớn cho một cá nhân khác, không có sự xúi giục, đồng tình hay yêu cầu của một công chức nhà nước, hành vi như vậy không cấu thành “tra tấn” trong phạm vi của CAT.

Định nghĩa “tra tấn” của Công ước không bao gồm mọi hành vi đối xử tệ gây những chịu đựng về thể chất hoặc tâm thần, mà chỉ những hành vi ở mức độ nghiêm trọng. Theo phân tích từng điều khoản CAT của Bộ Ngoại giao, bao gồm báo cáo của Tổng thống Reagan đến Thượng viện để xin tư vấn và thông qua, định nghĩa của Công ước về tra tấn nhắm để giải thích trong một cách “tương đối giới hạn, theo cách hiểu chung về tra tấn như một hành vi cực đoạn bị quốc tế lên án.” [4] Chẳng hạn, Bộ Ngoại giao đã đề xuất rằng đối xử thô bạo thuộc vào loại đối xử tàn bạo của cảnh sát, “cho dù là đáng trách, chúng không đến mức “tra tấn” trong phạm vi Công ước này, thường được coi các đối xử cực đoan, tùy tiện và độc ác không bình thường …[chẳng hạn như] đánh đập có hệ thống, dí điện vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, trói hay buộc theo những tư thế gây đau đớn nghiêm trọng”.[5] Cách hiểu về tra tấn như thể một hình thức đối xử nghiêm trọng được làm rõ thêm bởi Điều 16 của CAT, theo đó các quốc gia thành viên có nghĩa vụ “ngăn chặn tại lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình các hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác chưa đến mức hành vi tra tấn,”[6] theo đó chỉ ra rằng không phải mọi hình thức đối xử vô nhân đạo đều cấu thành tra tấn.

Nói chung, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện “các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác để ngăn chặn các hành vi tra tấn trong lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình.”[7] Họ cũng bị cấm trục xuất, trả về hay dẫn độ một người đến một quốc gia khác, nơi mà họ “có căn cứ rõ ràng” để tin rằng người đó có khả năng trở thành nạn nhân của tra tấn.[8]

Các yêu cầu của CAT liên quan đến hình sự hóa tra tấn

Một mục tiêu chính yếu của CAT là hình sự hóa mọi trường hợp tra tấn. Điều 4 của CAT đòi hỏi các quốc gia bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn là tội phạm và phải chịu hình phạt tương ứng tùy theo mức độ “nghiêm trọng”. Các quốc gia thành viên cũng có nghĩa vụ áp dụng các hình phạt tương tự đối với việc thực hiện, đồng lõa hoặc tham gia tra tấn.[9] Theo đó, có vẻ như mặc dầu CAT đỏi hỏi các quốc gia thực thi “các biện pháp hiệu quả” để ngăn ngừa tra tấn chỉ trong lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình, điều này không có nghĩa là các quốc gia đó được phép thực hiện tra tấn tại các lãnh thổ nằm ngoài quyền tài phán. Mặc dù một quốc gia có thể được yêu cầu thực thi các biện pháp tích cực để ngăn ngừa các hành vi tra tấn ngoài lãnh thổ thuộc quyền tài phán, quốc gia đó có nghĩa vụ hình sự hóa các hành vi ngoài lãnh thổ đó và áp dụng các hình phạt thích hợp. Điều 5 của CAT thiết lập các biện pháp tài phán tối thiểu mà mỗi quốc gia phải thực hiện liên quan đến các vi phạm mô tả tại Điều 4 của CAT. Phù hợp với Điều 5 CAT, một quốc gia thành viên phải thiết lập quyền tài phán đối với các vi phạm Điều 4 CAT khi:

·        Các vi phạm được thực hiện trên bất kỳ lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán hoặc trên máy bay, tàu biển được đăng ký tại quốc gia đó;

·        Người bị tình nghị phạm tội mang quốc tịch của quốc gia đó;

·        Nạn nhân là người mang quốc tịch của quốc gia đó và nếu quốc gia đó cho là hợp lý; hoặc

·        Người bị tình nghị phạm tội hiện có mặt tại bất kỳ lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán và quốc gia không trục xuất người đó theo Điều 8 CAT.

CAT cấm tra tấn một cách tuyệt đối: “Không có bất kỳ hoàn cảnh ngoại lệ nào, cho dù là trong tình trạng chiến tranh, hoặc đang bị đe doạ bởi chiến tranh, mất ổn định chính trị trong nước hoặc bất kỳ tình trạng  khẩn cấp nào có thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn.”[10] Theo Bộ Ngoại giao, điều cấm bao trùm này được những người soạn CAT coi là “cần thiết để cho Công ước có hiệu lực đáng kể, vì tình trạng khẩn cấp thường được viện dẫn như là tình huống đặc biệt để được trao các quyền lực đặc biệt hoặc để biện minh cho việc giới hạn các quyền và tự do cơ bản.”[11]

Các yêu cầu của CAT liên quan đến việc có sự bồi thường cho các nạn nhân của tra tấn

Điều 14 của CAT quy định rằng các quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng hệ thống pháp luật của mình cung cấp cho nạn nhân của tra tấn (hoặc những người thân thích của họ, trong các trường hợp nạn nhân đã chết do tra tấn) khả năng được bồi thường dân sự dưới dạng “bồi thường đầy đủ và công bằng, bao gồm các phương tiện để hòa nhập tối đa có thể.” Theo Bộ Ngoại giao, Điều 14 đã được thông qua với sự dẫn chiếu rõ ràng rằng nghĩa vụ này chỉ áp dụng với “nạn nhận của hành vi tra tấn được thực hiện tại lãnh thổ thuộc thẩm quyền tài phán [của quốc gia thành viên]”, thế nhưng điều khoản giới hạn này “đã bị xóa bỏ đi do nhầm lẫn”.[12]

Các yêu cầu của CAT liên quan đến cấm đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục

Điều 16 của CAT đòi hỏi các quốc gia thành viên thực thi các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn hành vi “đối xử hoặc hình phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục” trong bất kỳ lãnh thổ thuộc thẩm quyền tài phán khi những hành vi như vậy thực hiện liên quan đến thực thi công vụ. CAT không định nghĩa các thuật ngữ này và Bộ Ngoại giao đã đề nghị rằng các đòi hỏi trong Điều 16 liên quan đến đối xử “hạ nhục” bao gồm đối xử “có thể không bị cấm bởi Hiến pháp Hoa Kỳ.”[13] Tuy vậy, không giống như trường hợp tra tấn, CAT không đòi hỏi rõ ràng quốc gia phải hình sự hóa các hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục xảy ra trong hoặc ngoài lãnh thổ thuộc quyền tài phán.

Các biện pháp thực thi và giám sát CAT

CAT cũng thiết lập một Ủy ban chống Tra tấn (Committee Against Torture - CAT Committee), bao gồm mười chuyên gia có năng lực được thừa nhận trong lĩnh vực nhân quyền được bầu chọn với nhiệm kỳ 2 năm bởi các quốc gia thành viên. [14] Mỗi thành viên được yêu cầu nộp trong vòng một năm, từ khi Công ước có hiệu lực đối với quốc gia, một báo cáo đến Ủy ban nêu chi tiết các biện pháp đã thực thi các điều khoản của CAT, cũng như các báo cáo bổ sung sau mỗi bốn năm về bất kỳ biện pháp mới nào được thực hiện, ngoài các báo cao mà ủy ban có thể yêu cầu.[15] Ủy ban giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước của các quốc gia,[16] điều tra các nghi vấn vi phạm CAT một cách hệ thống bởi quốc gia thành viên và đưa ra các khuyến nghị thúc đẩy sự tuân thủ [17] và gửi các báo cáo hàng năm đến các thành viên CAT và Đại hội đồng Liên hợp quốc.[18]

Điều 30 của CAT quy định rằng các tranh chấp giữa hai hoặc nhiều quốc gia thành viên liên quan đến việc hiểu và áp dụng Công ước có thể được nộp ra trọng tài khi có yêu cầu.[19] Nếu, trong vòng 6 tháng từ ngày yêu cầu trọng tài, các bên không thể thỏa thuận được về tổ chức trọng tài, bất kỳ bên nào cũng có thể đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice).[20]  Tuy vậy, Điều 30 có một điều khoản về “khả năng lựa chọn” cho phép các quốc gia (bao gồm Hoa Kỳ) có các bảo lưu vào thời điểm phê chuẩn CAT tuyên bố rằng họ không chấp thuận ràng buộc bởi Điểu 30.[21]

 

THỰC THI CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN TẠI HOA KỲ

Hoa Kỳ đã ký CAT vào ngày 18/4/1988 và phê chuẩn vào ngày 21/10/1994, với một số tuyên bố, bảo lưu và giải thích nhất định.[22] Có lẽ đáng kể nhất, Hoa Kỳ có một tuyên bố trong văn kiện phê chuẩn rằng từ Điều 1 đến Điều 16 của CAT sẽ không có gia trị áp dụng trực tiếp (self-executing).[23]  Các phần tiếp theo của nghiên cứu này sẽ thảo luận về các tuyên bố, bảo lưu và giải thích mà Hoa Kỳ đưa ra đối với CAT và luật pháp Hoa Kỳ thực thi các yêu cầu tại Điều 4 của CAT về hình sự hóa tra tấn.

Các Tuyên bố, bảo lưu và điều kiện về cách hiểu của việc phê chuẩn CAT của Hoa Kỳ có liên quan

Như đã đề cập, khuyến nghị và sự chấp thuận của Thượng viện Hoa Kỳ đối với việc phê chuẩn CAT đi kèm điều kiện là Công ước này không được áp dụng trực tiếp, [24] nghĩa là phải có luật pháp quốc gia áp dụng để thực thi các nghĩa vụ của Hoa Kỳ theo CAT, pháp luật áp dụng đó là thiết yếu để CAT có hiệu lực trong nước.[25] Với việc đưa ra khuyến nghị và chấp thuận về CAT, Thượng viện cũng đã đưa ra một danh mục chi tiết những cách hiểu (giải thích - understandings) liên quan đến phạm vi của định nghĩa tra tấn trong Công ước. Liên quan đến tra tấn về tinh thần, loại hành vi không được xác định cụ thể bởi CAT, Hoa Kỳ hiểu những hành vi như vậy là để nhắc đến các hành vi gây hại về tinh thần kéo dài gây ra hoặc là kết quả của việc (1) gây ra hoặc cố ý gây ra đau đớn và chịu đựng về thể chất nghiêm trọng; (2) áp dụng các chất hay thủ tục tác động vào tâm trí để làm tê liệt các giác quan của nạn nhân; (3) đe dọa cái chết ngay lập tức; hoặc (4) đe dọa rằng một người khác sẽ đối diện với cái chết, đau đớn về thể chất hoặc chịu đựng nghiêm trọng, hoặc thực thi các nội dung hay thủ tục tác động vào tâm trí đến mức làm tê liệt các giác quan hoặc nhân cách.[26]

Định nghĩa của Công ước về tra tấn không chỉ bao gồm các hành vi được thực thi bởi các công chức nhà nước, mà cả những hành vi được họ đồng tình.[27] Như đã nêu trong cách hiểu của Hoa Kỳ về điều này, để một công chức đồng tình với một hành vi tra tấn, công chức đó “trước khi hành vi tra tấn diễn ra, đã biết về hành vi như vậy nhưng không thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình, không can thiệp ngăn chặn hành vi đó.” [28] Các quy định thực thi luật pháp Hoa Kỳ cấm việc chuyển những người nước ngoài đến các quốc gia mà họ có nhiều khả năng phải chịu tra tấn phản ánh cách hiểu này.[29] Án lệ và các phán quyết hành chính về sau liên quan đến việc chuyển người nước ngoài đến các quốc gia mà họ có nhiều khả năng phải chịu tra tấn đã thừa nhận rằng “sự cố ý lờ tảng” bởi các quan chức đối với tra tấn có thể cấu thành “sự đồng tình”,[30] nhưng sự đồng tình không xảy ra khi một chính quyền hay một công chức dù biết rằng có việc tra tấn bởi bên thứ ba nhưng không thể ngăn chặn được.[31] Cạnh đó, tự thân việc chỉ không phù hợp với chuẩn mực pháp luật tố tụng không cấu thành tra tấn. [32]

Liên quan đến Điều 14 của Công ước, buộc các quốc gia thực thi cơ chế đền bù dân sự cho các nạn nhân của tra tấn, khuyến nghị và chấp thuận của Thượng viện Hoa Kỳ dựa trên cách hiểu rằng một quốc gia chỉ buộc phải quy định quyền khiếu kiện của cá nhân đối với các hành vi tra tấn trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của quốc gia.[33]

Liên quan đến Điều 16 của Công ước, khuyến nghị và chấp thuận của Thượng viện dựa trên bảo lưu rằng Hoa Kỳ tuân thủ Điều 16 đến mức các đối xử và hình phạt tàn ác, bất thường và vô nhân đạo bị cấm bởi các Điều sửa đổi (Tu chính án) thứ 5, 8 và/ hoặc 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ.[34] Các Điều sửa đối này áp dụng trong các bối cảnh khác nhau. Điều sửa đổi thứ 8 cấm việc sử dụng “hình phạt tàn ác và bất thường” như một chế tài hình sự.[35] Hạn chế của hiến pháp trong một số lĩnh vực khác, chẳng hạn như thẩm vấn trước khi xét xử, quy định tại điều khoản về đúng trình tự luật định (Due Process Clauses) của Điều sử đổi thứ 5 (liên quan đến nghĩa vụ của Chính quyền Liên bang Hoa Kỳ) và Điều sửa đổi 14 (liên quan đến nghĩa vụ của chính quyền các tiểu bang Hoa Kỳ). Quyền được xem xét đúng trình tự luật định này bảo vệ các cá nhân khỏi việc lạm dụng của các cơ quan hành pháp mà có thể làm “trấn động lương tri.”[36] Điều khoản về đúng trình tự luật định của Điều sửa đổi thứ 14 cũng đã được giải thích là bao gồm cả điều cấm “hình phạt tàn ác và bất thường” trong Điều sửa đổi thứ 8 ở cấp tiểu bang.[37]

Hoa Kỳ cũng đã loại trừ các điều khoản về giải quyết tranh chấp của Điều 30 CAT,[38] nhưng bảo lưu quyền thỏa thuận cụ thể theo điều khoản đó hoặc bất kỳ thủ tục trọng tài nào khác liên quan đến giải quyết các tranh chấp liên quan đến áp dụng CAT.

Hình sự hóa tra tấn thực hiện ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ

Để thực thi Điều 4 và 5 của CAT, Quốc hội đã không đề ra một điều khoản mới để hình sự hóa các hành vi tra tấn thực hiện trong phạm vi thẩm quyền tài phán của Hoa Kỳ. Các hành vi đó được cho là sẽ “được điều chỉnh bởi các luật của tiểu bang và liên bang hiện hành có thể áp dụng,”[39] chẳng hạn như các luật hình sự hóa hành vi tấn công và giết người, Tuy vậy, Hoa Kỳ đã bổ sung chương 113C vào Bộ luật Hình sự Hoa Kỳ (United States Criminal Code) (Luật Liên bang về Tra tấn - Federal Torture Statute, 18 U.S.C. §§ 2340-2340B), theo đó đã hình sự hóa các hành vi tra tấn diễn ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. “Tra tấn” được định nghĩa là “hành vi thực hiện bởi một người thực hiện liên quan đến việc thực thi pháp luật nhằm gây ra đau đớn hay khổ đau nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần (ngoài đau đớn và khổ đau gây ra do các chế tài luật định) đối với một người khác đang bị giam hoặc dưới sự kiểm soát của mình.”[40] Luật 18 U.S.C. § 2340 định nghĩa thêm rằng “đau đớn hay khổ đau nghiêm trọng về tinh thần” là các tổn hại tinh thần kéo dài gây ra bởi:

·        Việc cố ý gây ra hoặc đe dọa gây ra  đau đớn hay chịu đựng nghiêm trọng về thể chất;

·        thực thi hoặc áp dụng, hay đe dọa thực thi hoặc áp dụng, các chất tác động vào tâm trí hay các thủ tục khác để làm tê liệt các giác quan hoặc nhận thức;

·        đe dọa cái chết cận kề; hoặc

·        đe dọa rằng một người khác cận kề cái chết, đau đớn hay chịu đựng nghiêm trọng, hay bị áp dụng các chất tác động vào tâm trí hay các thủ tục khác đến mức làm tê liệt các giác quan hoặc nhận thức;[41]

Theo điều § 2340A, bất kỳ người nào thực hiện hoặc âm mưu thực thiện một hành vi tra tấn ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ nói chung phải chịu hình phạt và/hoặc chịu phạt tù lên đến 20 năm.[42] Trong các trương hợp có việc chết người gây ra từ các hành vi trái luật, kẻ vi phạm có thể chịu tù chung thân hoặc hình phạt tử hình.[43] Nói chung, một người thực hiện hay âm mưu thực hiện hành vi tra tấn bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ phải chịu hình phạt tương tự như một người thực hiện hay âm mưu thực hiện trong lãnh thổ Hoa Kỳ, chỉ có điều khác là người đó không bị tuyên phạt tử hình.[44] Bởi lẽ điều § 2340A cũng hình sự hóa các âm mưu thực hiện tra tấn ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, có sự tranh luận liệu rằng có thể áp dụng nó đối với tình huống một công dân Hoa Kỳ chuyển một cá nhân “ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ” để có thể tra tấn cá nhân đó hay không.

Cho đến năm 2004, nhằm thực thi Luật Liên bang chống Tra tấn, thuật ngữ “Hoa Kỳ” để chỉ mọi khu vực thuộc quyền tài phán của Hoa Kỳ, bao gồm cả quyền tài phán về hàng hải và lãnh thổ, chẳng hạn như các căn cứ và tòa nhà quân sự ở nước ngoài, khi một hành vi phạm tội được thực hiện bởi hoặc chống lại một người mang quốc tịch Hoa Kỳ.[45] Theo đó, Luật Liên bang về Tra tấn có vẻ không được áp dụng đối với các vụ việc tra tấn có thể xảy ra tại các địa điểm như vậy, vì chúng không được coi là “ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ”. Tuy vậy, theo Điều § 1089 của Luật Ủy quyền Quốc phòng Ronald W. Reagan cho năm tài chính 2005 (Ronald W. Reagan National Defense Authorization Act for Fiscal Year 2005) (P.L. 108-375), luật về tra tấn được sửa đổi, theo đó “Hoa Kỳ” nghĩa là một số bang của Hoa Kỳ, Quận Columbia, khối thịnh vượng chung, các lãnh thổ và tài sản của Hoa Kỳ. Như vậy, Luật Liên bang về Tra tấn hiện nay bao trùm các hành vi bị nghi là tra tấn có thể diễn ra tại cơ sở của Hoa Kỳ ở nước ngoài. Hoa Kỳ đòi quyền tài phán đối với các hành vi được hình sự hóa theo Luật Liên bang về Tra tấn khi (1) người bị tình nghi phạm tội mang quốc tịch Hoa Kỳ hoặc (2) người bị tình nghi phạm tội hiện diện tại Hoa Kỳ, bất kể quốc tịch của nạn nhân hay người phạm tội.[46]

Ngoài ra, một số luật hình sự liên bang điều chỉnh cụ thể các hành vi thực hiện ngoài biên giới lãnh thổ Hoa Kỳ nhưng thuộc thẩm quyền tài phán về hàng hải hay lãnh thổ của Hoa Kỳ,[47] bao gồm các luật hình sự hóa tấn công,[48] gây thương tích với mục đích tra tấn,[49] giết người[50] và sát nhân,[51] cũng như âm mưu thực hiện các tội phạm đó.[52] Ngoài ra những người trong thẩm quyền tài phán của Hoa Kỳ có âm mưu giết người, gây thương tích, hoặc gây tổn thương cho người khác ngoài Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm hình sự.[53] “Vi phạm nghiêm trọng” các Công ước Geneva 1949, bao gồm tra tấn hoặc đối xử tàn ác đối với thường dân hay chiến binh bị giam trong các xung đột vũ trang,[54] bị hình sự hóa theo Luật các tội phạm chiến tranh (War Crimes Act) (18 U.S.C. § 2441), và những người bị kết án vì phạm tội theo đạo luật này có thể chịu hình phạt chung thân, nếu dẫn đến chết người thì có thể bị tử hình.[55] Quân luật Hoa Kỳ còn quy định thêm về giới hạn đối xử đối với các cá nhân bị giam bởi quân đội.[56] Một số quy định nêu trên, bao gồm điều § 2340A, quy định rằng lỗi cố ý trực tiếp (ý định cụ thể - specific intent) của người thực hiện hành vi là một yếu tố cấu thành cần có của tội phạm hình sự.[57] Lỗi cố ý trực tiếp là “ý định hoàn tất một hành vi tội phạm cụ thể mà một người sau đó bị truy tố.”[58] Trạng thái tâm lý này có thể khác với các tội phạm chỉ cần chủ thể có lỗi cố ý gián tiếp (chủ định chung) đối với hành vi phạm pháp. Cố ý gián tiếp (chủ định chung) thường “dưới dạng vô ý (liên quan đến nhận thức về rủi ro hay khả năng có thể vượt qua rủi ro) hoặc không biết (do thiếu thận trọng một cách đáng trách).”[59]

Hai biên bản ghi nhớ do Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao vào năm 2002 đã thảo luận phân biệt giữa cố ý trực tiếp và gián tiếp (ý định chung và cụ thể) liên quan đến điều § 2340A và khuyến nghị rằng “chỉ việc biết rằng một kết quả cụ thể là chắc chắn xảy ra không cấu thành một sự cố ý trực tiếp.”[60] Tuy vậy, cả hai biên bản ghi nhớ xác định rõ rằng đây là “một vấn đề lý thuyết” và lưu ý rằng các bồi thẩm đoàn có thể suy luận ra từ các hoàn cảnh cụ thể về có sự hiện diện của lỗi cố ý hay không.[61] Theo đó, “khi một bị cáo biết rằng các hành vi của anh ta sẽ mang lại các kết quả bị cấm, một bồi thẩm đoàn sẽ có nhiều khả năng để kết luận rằng bị cáo hành xử với lỗi cố ý.”[62] Vào cuối năm 2004, Bộ Tư pháp (DOJ) đưa ra một biên bản ghi nhớ thay thế biên bản trước và sửa đổi một số kết luận của mình trước đó.[63] Biên bản của DOJ năm 2004 khẳng định rằng “theo tinh thần của chỉ thị của Tổng thống rằng Hoa Kỳ không tham gia tra tấn, sẽ là không thích hợp khi dựa vào việc phân tích yếu tố cố ý trực tiếp luật định để cho răng một hành vi có thể tương đương với tra tấn là đúng luật.”[64] Tuy vậy, biên bản của DOJ năm 2004 cho rằng khó có khả năng một người “hành động thiện chí và chỉ sau khi điều tra thích hợp thấy rằng hành vi của anh ta sẽ không gây ra đau đớn hay chịu đựng nghiêm trọng về thể chất hay tinh thần,” sẽ có sự cố ý trực tiếp cần thiết cấu thành một vi phạm Luật Liên bang về Tra tấn.[65] Biên bản của DOJ năm 2004 cũng phân biệt giữa ý định thực hiện tội phạm với động cơ đằng sau hành vi phạm tội, xác định rằng “động cơ của một bị cáo (chẳng hạn như để bảo vệ an ninh quốc gia) không liên quan đến vấn đề liệu anh ta có hành động với sự cố ý trực tiếp luật đòi hỏi.”[66] Vào tháng 1 năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã ban hành một Sắc lệnh quy định rằng khi thực hiện thẩm vấn, công chức Hoa Kỳ nói chung là bị cấm dựa vào bất kỳ cách giải thích luật nào điều chỉnh việc thẩm vấn do Bộ Tư pháp ban hành trong khoảng thời gian 11/9/2001 đến ngày cuối cùng của Chính quyền Bush, nếu thiếu hướng dẫn bổ sung của Bộ trưởng Tư pháp.[67]

Mặc dù điều § 2340A quy định rằng Hoa Kỳ có thẩm quyền truy cứu các hành vi tra tấn, thẩm quyền này ít khi được sử dụng. Tính đến ngày 26/1/2009, dường như mới chỉ có một trường hợp có một người bị kết án vì vi phạm Luật Liên bang chống Tra tấn.[68]

Sẵn có cơ chế bồi thường dân sự cho các hành vi tra tấn diễn ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ

Mặc dù Hoa Kỳ đưa ra một giải thích (cách hiểu) khi phê chuẩn CAT bảy tỏ quan điểm rằng Điều 14 CAT không yêu cầu quốc gia thừa nhận tố quyền cá nhân cho các nạn nhân của tra tấn xảy ra ngoài lãnh thổ thuộc quyền tài phán quốc gia, tuy vậy, Hoa Kỳ đã đề ra trong Luật bảo vệ nạn nhân của tra tấn (Torture Victims Protection Act) năm 1991 (TVPA) tố quyền cá nhân cho nạn nhân của tra tấn thực hiện bởi công chức nhà nước, thực tế hoặc có vẻ liên quan đến thực thi pháp luật, của bất kỳ quốc gia nào.[69] Trong TVPA, “tra tấn” được định nghĩa theo cách tương tự như định nghĩa có trong luật liên bang khi hình sự hóa tra tấn.[70] Một khiếu kiện theo TVPA phải được đệ trình trong vòng 10 năm sau khi phát sinh nguyên nhân của hành vi, và người khiếu nại đã thực hiện hết mọi các cơ chế sẵn có tại quốc gia mà hành vi bị cáo buộc tra tấn xảy ra để một tòa án Hoa Kỳ có thể xem xét.[71] Nếu hành vi tra tấn xảy ra tại Hoa Kỳ, một khiếu nại đòi bồi thường có thể được đưa ra bởi một nguyên đơn đòi bồi thường theo luật tiểu bang, liên bang hoặc luật bồi thường hiến định có thể áp dụng.[72]

Cấm đối xử tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục

Tiếp sau việc phê chuẩn CAT, Quốc hội đã không thông qua luật thực thi liên quan đến Điều 16 CAT, theo đó đòi hỏi các quốc gia thành viên CAT cấm đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục trong “bất kỳ lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán.” Gần đây đã có tranh luận về việc Quốc hội chưa thông qua luật thực thi Điều 16 CAT là do chủ quan hay do Quốc hội tin rằng Hoa Kỳ chỉ bị ràng buộc theo Điều 16 CAT đến mức độ giới hạn đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục theo Hiến pháp và các luật khác của Hoa Kỳ điều chỉnh.

Như đã đề cập, Thượng viện đã đưa ra khuyến nghị và chấp thuận việc phê chuẩn CAT đi kèm bảo lưu rằng đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục bị Điều 16 CAT cấm chỉ bao hàm các dạng đối xử hoặc trừng phạt bị cấm bởi Hiến pháp Hoa Kỳ. Với cách hiểu này, nghĩa vụ của Hoa Kỳ theo Điều 16 có thể được giải thích theo hai cách.

Cách thứ nhất hiểu Hoa Kỳ đã chấp thuận chịu ràng buộc bởi Điều 16 CAT chỉ đến mức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục mà Hiến pháp cấm. Mặc dù Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã khẳng định rằng Hiến pháp áp dụng với công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài, theo đó bảo vệ họ khỏi các vi phạm bởi quan chức Hoa Kỳ thực hiện việc đối xử hay trừng phạt mà bị cấm theo Hiến pháp, [73] những người không phải công dân nhận được ít sự bảo vệ của hiến pháp đến khi họ đã vào Hoa Kỳ (mặc dù người không phải công dân tại các địa điểm nước ngoài dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Hoa Kỳ có thể nhận được sự bảo vệ lớn hơn người không công dân tại các địa điểm nước ngoài khác). Theo cách hiểu này, Điều 16 của CAT, như đã được nhất trí bởi Hoa Kỳ, sẽ không nhất thiết cấm Hoa Kỳ khỏi buộc người không phải công dân Hoa Kỳ chịu “đối xử hay trừng phạt tàn ác vô nhân đạo và hạ nhục” tại các địa điểm ngoài biên giới lãnh thổ, nơi mà Hoa Kỳ vẫn thực thi quyền tài phán về lãnh thổ (chẳng hạn các địa điểm hiện diện các cơ quan Hoa Kỳ tại nước ngoài).[74] Trong thời kỳ Chính quyền Bush, DOJ duy trì quan điểm rằng Điều 16 CAT, như được Hoa Kỳ chấp nhận, không áp dụng đối với những người ngoại quốc bị giam ở nước ngoài.[75] Không rõ là quan điểm này còn được duy trì bởi Chính quyền Obama hay không.

Cách hiểu thứ hai, nhiều người tranh luận rằng Điều 16 CAT, như đã được chấp thuận bởi Hoa Kỳ, đòi hỏi Hoa Kỳ cấm đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục tại bất kỳ lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình nếu việc đối xử đó bị cho là bất hợp hiến nếu xảy ra tại Hoa Kỳ. Quan điểm này cho răng mục tiêu bảo lưu của Hoa Kỳ đối với Điều 16 CAT được định nghĩa rõ ràng hơn loại đối xử “tàn ác vô nhân đạo và hạ nhục”, hơn là giới hạn địa lý của nghĩa vụ của Hoa Kỳ theo Điều 16 CAT. Ít nhất một cựu quan chức Bộ Ngoại giao đã tham gia vào tiến trình đàm phán và phê chuẩn CAT coi cách hiểu này là chính xác.[76] Ủy ban chống Tra tấn cũng đã thúc giục Hoa Kỳ bảo đảm rằng CAT được áp dụng đối với mọi người trong phạm vi kiểm soát của nhà chức trách Hoa Kỳ “bất kể dạng nào, bất kể tại nơi nào trên thế giới.”[77]

Phần nào do bối cảnh mâu thuẫn này, Quốc hội đã thông qua các hướng dẫn bổ sung liên quan đến đối xử với người bị giam giữ thông qua Luật về đối xử với người bị giam (Detainee Treatment Act - DTA), được ban hành phù hợp với cả Luật Bộ Quốc phòng, ngân sách bổ sung khẩn cấp giải quyết cơn bão ở Vịnh Mexico và dịch cúm (Department of Defense, Emergency Supplemental Appropriations to Address Hurricanes in the Gulf of Mexico, and Pandemic Influenza Act) 2006 (P.L. 109-148) và Luật ủy quyền về Quốc phòng cho năm tài chính 2006 (National Defense Authorization Act for FY2006) (P.L. 109-163), và cấm “đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục những người bị giam giữ hoặc trong sự kiểm soát của Hoa Kỳ.”[78] Các điều khoản này được đệ trình bởi thượng nghị sỹ John McCain nên thường được nhắc đến như là Điều bổ sung McCain (McCain Amendment). Luật các Ủy ban Quân sự (Military Commissions Act) 2006 (MCA, P.L. 109-366) đưa ra một phương thức xác định và cũng đòi hỏi Tổng thống thiết lập các quy tắc và thủ tục hành chính để áp dụng chuẩn mực đó. Những điều khoản này được thảo luận chi tiết hơn tại báo cáo của cơ quan Nghiên cứu Phục vụ Quốc hội (CRS) số RL33655, “Thẩm vấn người bị giam: Các đòi hỏi của Luật đối xử với người bị giam” (Interrogation of Detainees: Requirements of the Detainee Treatment Act) của Michael John Garcia.

Khi ký công bố DTA (Luật về đối xử với người bị giam) thành luật, Tổng thống Bush đã đưa ra một tuyên bố bằng văn bản khẳng định rằng ông sẽ coi Điều sửa đổi McCain “theo phương thức phù hợp với thẩm quyền hiến định của Tổng thống giám sát nhánh hành pháp và với tư cách Tổng tư lệnh…sẽ hỗ trợ để đạt được các mục tiêu chung của Quốc hội và Tổng thống…để bảo vệ người dân Hoa Kỳ khỏi tiếp tục bị tấn công của khủng bố.”[79] Tuyên bố này đã được giải thích là Tổng thống tin rằng ông ta có thể từ chối sự hạn chế của quốc hội về các kỹ thuật thẩm vấn trong các trường hợp nhất định liên quan đến an ninh quốc gia, phù hợp với thẩm quyền hiến định của Tổng tư lệnh.[80] Tuy vậy, khi Tổng thống ký MCA thì lại không có tuyên bố tương tự nào kèm theo, mặc dù nó có một điều khoản cụ thể cấm “đối xử tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục.”

Điều sửa đổi McCain không áp đặt chế tài hình sự hay dân sự lên các nhân viên Hoa Kỳ có thể tham gia vào việc đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục, tuy nhiên người đó có khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi như vậy theo các luật khác.[81] Tuy vậy, nó đưa ra một sự bào chữa pháp lý rõ ràng cho nhân viên Hoa Kỳ khi có bất kỳ cáo buộc hình sự hay dân sự nào chống lại họ với lý do họ tham gia vào việc thẩm vấn được phép đối với các nghi can khủng bố nước ngoài. Điều sửa đổi McCain quy định cụ thể rằng bào chữa pháp lý tồn tại đối với cáo buộc dân sự hay truy tố hình sự khi nhân viên Hoa Kỳ “đã không biết rằng hành vi [thẩm vấn] là bất hợp pháp và một người có nhận thức và hiểu biết bình thường cũng không biết hành vi là bất hợp pháp.”[82] Sự tin cậy thiện chí vào lời khuyên của luật sư được cụ thể hóa là “một yếu tố quan trọng, trong số nhiều điều khác, để đánh giá liệu một người có nhận thức và hiểu biết bình thường sẽ không biết hành vi là hợp pháp.”[83]

Sổ tay cho quân nhân trên chiến trường về các hạn chế đối xử tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục

Vào ngày 6/9/2006, Bộ Quốc phòng áp dụng các yêu cầu của Điều sửa đổi McCain bằng việc sửa đổi Sổ tay Chiến trường (Army Field Manual) cấm đối xử tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục đối với bất kỳ người nào bị giam giữ hoặc dưới sự kiểm soát của quân đội Hoa Kỳ. Tám kỹ thuật cụ thể bị cấm sử dụng khi thẩm vấn lấy thông tin tình báo:

·        Buộc người bị giam cởi trần, thực hiện các hành vi tính dục hoặc ở tư thế gợi dục;

·        Đặt mũ trùm hoặc bao tải trên đầu người bị giam, dùng dải băng bịt mắt;

·        Đánh, sốc điện, đốt hoặc các hình thức gây đau đớn thể chất khác;

·        Trấn nước;

·        Dùng chó nghiệp vụ quân đội;

·        Gây tổn thương bằng nhiệt độ lạnh hoặc nóng;

·        Không cung cấp đồ ăn, đồ uống hoặc chăm sóc y tế cần thiết.[84]

·        Ngoài ra, Sổ tay còn giới hạn việc sử dụng những kỹ thuật thẩm vấn nhất định, nhưng những giới hạn này có thể còn được quy định theo các nghĩa vụ pháp lý khác ngoài Điều sửa đổi McCain.[85]

Các hạn chế khi thẩm vấn người bị giam giữ bởi Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA)

Vào tháng 10/2007, tờ Thời báo New York (New York Times) đăng tin rằng vào đầu năm 2005, Bộ Tư pháp (DOJ) đã đưa ra một quan điểm pháp lý vẫn được giữ kín, cho phép sử dụng các kỹ thuật mạnh tay nhất định bởi Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đối với các nghi can khủng bố, bao gồm vỗ mạnh vào đầu, nhấn vào nước (trấn nước) và chịu nhiệt độ nóng.[86] Cuối năm đó, khi Quốc hội xem xét việc thực thi DTA, DOJ đã đưa ra một quan điểm khác tuyên bố rằng các kỹ thuật này sẽ không bị cấm theo DTA, ít nhất là khi sử dụng đối với các nghi can khủng bố có các thông tin quan trọng liên quan đến các vụ tấn công khủng bố trong tương lai.[87] Theo Thời báo New York, các biên bản ghi nhớ “tiếp tục có giá trị và các kết luận pháp lý của chúng đã được tái khẳng định bởi một số biên bản gần đây hơn” mà không công khai.[88] Các quan điểm này gây tranh cãi, một số dân biểu Quốc hội phản đối các kết luận pháp lý đó và cho rằng họ đã không được biết về sự tồn tại của các quan điểm khi xem xét DTA. [89]

Về phần mình, Chính quyền Bush cho rằng các ủy ban hay các nghị sỹ quốc hội thích hợp đã được thông báo về các kỹ thuật thẩm vấn mà Chính quyền đã thông qua.[90] Theo giám đốc CIA Michael Hayden, CIA đã trấn nước ba nghi can cao cấp của Al Qaeda nhưng không còn dùng kỹ thuật này từ năm 2003.[91] Tướng Hayden còn khẳng định thêm tại cuộc điều trần quốc hội vào năm 2008 rằng trấn nước không thuộc thành phần chương trình thẩm vấn của CIA và rằng “không chắc rằng kỹ thuật này có được coi là bất hợp pháp theo các luật hiện hành.[92]

Ngày 20/7/2007, Tổng thống Bush ký một Sắc lệnh liên quan đến việc giam và thẩm vấn những nghi can ngoại quốc nhất định bởi CIA, khi những người này (1) được xác định là thành viên hoặc ủng hộ viên của Al Qaeda- Taliban hoặc các tổ chức liên kết; và (2) có nhiều khả năng có thông tin có thể giúp ích cho việc phát hiện và ngăn cản một cuộc tấn công khủng bố chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh, hoặc có thể giúp định vị lãnh đạo cao cấp của Al Qaeda hay của Taliban.[93] Sắc lệnh không cho phép cụ thể việc sử dụng bất kỳ một kỹ thuật thẩm vẫn cụ thể nào, mà cấm bất kỳ chương trình  giam giữ và thẩm vấn nào thực hiện một số hành vi cụ thể. Đặc biệt, Sắc lệnh cấm sử dụng:

·        tra tấn, như được định nghĩa trong Luật Liên bang về Tra tấn (18 U.S.C. § 2340);

·        đối xử tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục như được định nghĩa trong DTA và MCA;

·        bất kỳ hành vi nào phải chịu trách nhiệm hình sự theo Luật về các tội phạm chiến tranh (như giết người, hiếp dâm, hành hình);

·        các hành vi bạo lực khác đến mức tương đương với loại hành vi bị cấm theo Luật về các tội phạm chiến tranh;

·        các hành vi cố ý lạm dụng nhằm sỉ nhục hoặc hạ thấp nhân phẩm một cách nghiêm trọng, với tư cách là một người bình thường, có sự xem xét hoàn cảnh, là các hành vi vượt ra ngoài đạo đức con người, chẳng hạn như tấn công tính dục nhằm mục đích nhục mạ, buộc một người thực hiện các hành vi tính dục hoặc tư thế gợi dục, đe dọa làm mất khả năng tính dục hoặc sử dụng cơ thể người như một tấm lá chắn; hoặc

·        các hành vi nhằm phỉ báng tôn giáo, các thực hành tôn giáo hoặc các vật biểu trưng tôn giáo của cá nhân.

Mặc dù có một số loại hành vi bị cấm bởi Sắc lệnh có thể được nhận ra dễ dàng (như giết người, hiếp dâm, các hành vi tính dục), vẫn không rõ là những kỹ thuật thẩm vấn nào theo Sắc lệnh trong các hành vi bị cấm là “tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục.”  Một số kỹ thuật thẩm vấn nhất định đã gây tranh cãi và bị cấm sử dụng bởi quân đội theo phiên bản gần đây nhất của Sổ tay Chiến trường (Army Field Manual) – trấn nước, trùm đầu, không cho ngủ hoặc buộc phải đứng trong thời gian dài – không được nêu cụ thể trong Sắc lệnh. Các hành vi như vậy dưới thời Chính quyền Bush có bị cấm bởi ngôn từ giới hạn chung của Sắc lệnh hay không thì không rõ ràng.

Đến ngày 22/1/2009, Tổng thống Barack Obama đã ban hành một Sắc lệnh hủy bỏ lệnh của Tổng thống Bush ngày 20/7/2007, đề ra các yêu cầu mới đối với việc thẩm vấn của CIA và các cơ quan khác. Nói chung, Sắc lệnh mới cấm không để cho bất kỳ người nào dưới sự kiểm soát hoặc bị giam giữ bởi Hoa Kỳ trong một xung đột vũ trang phải chịu các kỹ thuật thẩm vấn hoặc đối xử ngoài những gì nêu trong Sổ tay Chiến trường.[94] Sắc lệnh không ngăn cản các cơ quan thực thi pháp luật liên bang khỏi việc tiếp tục “sử dụng các kỹ thuật thẩm vấn được phép, không cưỡng bức được thiết kế để lấy được lời khai tự nguyện và không liên quan đến việc sử dụng vũ lực, đe dọa hay hứa hẹn.”[95] Sắc lệnh cũng quy định rằng khi tiến hành thẩm vấn, các quan chức, viên chức, nhân viên chính quyền Hoa Kỳ không được căn cứ vào bất kỳ cách giải thích luật về thẩm vấn nào do Bộ Tư pháp ban hành trong giai đoạn giữa ngày 11/9/2001 đến ngày cuối cùng của Chính quyền Bush, nếu không có hướng  dẫn chi tiết của Bộ trưởng Tư pháp. Lệnh còn thiết lập một Nhóm công tác liên cơ quan đặc biệt về các chính sách thẩm vấn và chuyển giao (Special Interagency Task Force on Interrogation and Transfer Policies) đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Tư pháp, có nhiệm vụ

nghiên cứu và đánh giá liệu các thực hành và kỹ thuật thẩm vấn trong Sổ tay Chiến trường … khi được sử dụng bởi các ngành và cơ quan ngoài quân đội, cung cấp các phương tiện thích đáng để có được các thông tin tình báo cần thiết để bảo vệ quốc gia, và nếu bảo đảm, đưa ra các hướng dẫn bổ sung hoặc thay thế cho các ngành và cơ quan…[96]

Nhóm công tác có nhiệm vụ đệ trình một báo cáo cho Tổng thống nêu lên các đề xuất trong vòng 180 ngày kể từ ngày ban hành Sắc lệnh.

Áp dụng CAT và pháp luật thực thi trong xung đột vũ trang

Trong những năm gần đây, đã có nhiều tranh cãi xung quanh việc thực thi CAT bởi Hoa Kỳ đối với những người bị bắt ở Iraq, Afghanistan và các nơi khác trong bối cảnh “cuộc chiến chống khủng bố” và về việc thực thi đó liên quan như thế nào đến các chuẩn mực được nêu trong Công ước Geneva 1949 liên quan đến bảo vệ thường dân và tù nhân chiến tranh trong xung đột vũ trang. Nguyên tắc áp dụng luật cụ thể (lex specialis) quy định rằng khi hai chuẩn mực pháp lý mâu thuẫn nhau có thể cùng được áp dụng đối với một vấn đề, chuẩn mực nào cụ thể hơn sẽ được ưu tiên.[97] Theo đó các Công ước Geneva, mô tả cụ thể các nguyên tắc đối xử với người bị giam giữ trong thời kỳ xung đột vũ trang, sẽ thiết lập các trách nhiệm pháp lý căn bản đối với Hoa Kỳ với những người bị giam trên chiến trường, chứ không phải là CAT – có phạm vi rộng hơn.

Cũng có một số tranh luận rằng liệu nguyên tắc luật cụ thể (lex specialis) có nghĩa là các luật về chiến tranh là chuẩn mực đơn lẻ điều chỉnh việc đối xử với con người trong xung đột vũ trang hay là các điều ước nhân quyền như là CAT có thể áp đặt các nghĩa vụ bổ sung.[98] Quan điểm của Chính quyền Bush có vẻ rằng CAT không áp dụng đối với các xung đột vũ trang. Trong một buổi tường trình vào năm 2006 trước Ủy ban chống Tra tấn, đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tranh luận rằng CAT không áp dụng đối với những người bị giam tại Afghanistan, Iraq và Guantanamo, họ được điều chỉnh bởi các luật về xung đột vũ trang[99] (dù rằng về mặt chính sách, Chính quyền Bush cho rằng mình hành xử phù hợp với CAT khi quyết định việc chuyển giao những người bị giam ở Guantanamo đến quốc gia thứ ba[100] ). Để ủng hộ quan điểm này, Hoa Kỳ lập luận rằng lịch sử đàm phán CAT cho thấy cách hiểu bởi các bên đàm phán là điều ước nhắm đến điều chỉnh các nghĩa vụ trong nước của các bên mà không nhắm đến việc lặp lại các điều ước khác điều chỉnh các chuẩn mực trong xung đột vũ trang.[101] Ủy ban chống tra tấn phản đối quan điểm này và khuyến cáo Hoa Kỳ “nên thừa nhận và bảo đảm Công ước được áp dụng vào mọi thời điểm, dù trong chiến tranh hay xung đột vũ trang, tại bất kỳ lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình.”[102] Không rõ là Chính quyền Obama có chấp nhận quan điểm rằng CAT không điều chỉnh việc đối xử đối với những người bị giam trong xung đột vũ trang hay không. Tuy vậy, Tổng thống Obama đã ban hành một Sắc lệnh rằng mọi đối tượng bị giam giữ bởi Hoa Kỳ trong thời gian xung đột vũ trang sẽ được đối xử phù hợp với một số luật quốc gia và điều ước quốc tế, bao gồm CAT và Luật Liên bang về Tra tấn. [103]

Không đề cập đến việc chính CAT có áp dụng trong xung đột vũ trang hay không, một số luật ban hành bởi Hoa Kỳ để thực thi CAT áp dụng trong những tình huống đó. Như đã nhắc đến, Luật Liên bang chống Tra tấn hình sự hóa tra tấn bất kỳ nơi nào ngoài Hoa Kỳ, không quan tâm đến việc hành vi đó xảy ra trong xung đột vũ trang hay không. Cả DTA và MCA đều cấm đối xử tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục những người bị Hoa Kỳ giam giữ, bất kể họ bị giữ ở đâu và vì mục đích gì. Tại Quốc hội khóa 111, nhiều dự luật về ngân sách đã được thông qua để ngăn chặn các quỹ khỏi bị sử dụng một cách trái với CAT và pháp luật thực thi nó.[104] Cả Luật Ngân sách cho sự sẵn sàng của quân đội Hoa Kỳ, chăm sóc cựu chiến binh, khôi phục bão Katrina và trách nhiệm tại Iraq (U.S. Troop Readiness, Veterans’ Care, Katrina Recovery, and Iraq Accountability Appropriations Act) năm 2007 (P.L. 110-28) và Luật Ngân sách Bộ quốc phòng (Department of Defense Appropriations Act) năm 2008 (P.L. 110-116) đều ngăn chặn ngân quỹ khỏi bị sử dụng trái với CAT và pháp luật, các quy định thực thi nó, trong khi Luật Ngân sách bổ sung (Consolidated Appropriations Act) năm 2008 (P.L. 110-161) cấm rộng hơn việc ủng hộ tra tấn hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo bởi bất kỳ quan chức hoặc nhân viên hợp đồng nào của Hoa Kỳ. Có thể luật tương tự như vậy sẽ được xem xét thêm tại Quốc hội khóa 111.



[1] Xem Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 55 (kêu gọi các thành viên LHQ thúc đẩy “sự tôn trọng và tuân thủ chung đối với các quyền con người và tự do cơ bản cho mọi người…”; Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, UN GAOR, Supp. No. 16, at 52, UN Doc. A/6316, tại Điều 5 (1948) (quy định rằng “không ai phải chịu tra tấn hoặc đối xử hay hình phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạn nhục”); Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, G.A. Res. 2200A, U.N. GAOR, 3rd Comm., 21st Sess., 1496th plen. mtg. at 49, U.N. Doc. A/RES/ 2200A (XXI), tại Điều 7 (1966) (quy định rằng “không ai phải chịu tra tấn hoặc đối xử hay hình phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạn nhục”).

[2] Xem  Filartiga v. Pena-Irala, 630 F2d 876, 880-85 (2nd Cir. 1980) (liệt kê nhiều nguồn, bao gồm quan điểm của Bộ Ngoại giao, ủng hộ quan điểm rằng tra tấn bị cấm theo luật tập quán quốc tế, và lưu ý rằng mặc dù có tra tấn tiếp diễn tại nhiều quốc gia, về mặt hình thức thì mọi quốc gia đã phản đối tra tấn công khai, thông qua các thỏa thuận và tuyên bố quốc tế ); RESTATEMENT (THIRD) OF FOREIGN RELATIONS LAW OF THE UNITED STATES § 702, Reporters note 5(d) (1987). Xem A. Mark Weisbard, Customary International Law and Torture: The Case of India, 2 CHI. J. INT’L. L. 81 (Spring 2001) (cho rằng việc sử dụng tra tấn rộng rãi bởi các quốc gia trong những tình huống nhất định và sự thờ ơ nói chung của các quốc gia khác đối với thực tiễn, dù cho đã có nhiều điều ước và tuyên bố chống tra tấn, chỉ ra rằng việc cấm tra tấn vẫn chưa đạt được vị trí của luật tập quán quốc tế).

[3] Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, G.A. Res. 39/46, Annex, 39 U.N. GAOR Supp. No. 51, U.N. Doc. A/39/51 (1984) [từ sau đây gọi là  “CAT”].

[4] Thông điệp của Tổng thống đến Quốc hội chuyển giao Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, Tóm tắt và Phân tích Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, May 23, 1988, S. TREATY DOC. NO. 100-20, in lại trong 13857 U.S. Cong. Serial Set at 3 (1990) [sau đây gọi là  “Tóm tắt của Bộ Ngoại giao”] (nhấn mạnh bổ sung).

[5] Như trên  tại đoạn 4. Cho rằng sự tàn bạo của cảnh sát đến mức nghiêm trọng có thể ngang mức “tra tấn.”

[6] Điều 16(2) CAT.

[7] Điều 2(1) CAT.

[8] Xem chi tiết hơn về Điều 3 CAT và luật Hoa Kỳ liên quan, xem Báo cáo CRS RL32276, The U.N. Convention Against Torture: Overview of U.S. Implementation Policy Concerning the Removal of Aliens, của Michael John Garcia.

[9] Điều 4(1) CAT.

[10] Như trên  tại Điều 2(2).

[11] Tóm tắt của Bộ Ngoại giao, cùng nguồn trên chú thích 4, điểm 5.

[12] Như trên  tại điểm 13-14.

[13] Như trên tại điểm 15. Bộ Ngoại giao đã lưu ý, chẳng hạn, Ủy ban Nhân quyền châu Âu đã từng kết luận rằng việc nhà chức trách Đức từ chối việc thừa nhận quyền đổi giới tính của một cá nhân có thể coi là đối xử « hạ nhục ».

[14] Điều 17 – 18 CAT

[15] Như trên  tại Điều 19(1). Theo Văn phòng Cao Ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, Báo cáo đầu tiên của Hoa Kỳ theo CAT đáo hạn vào ngày 15/11/ 1995, và được nộp vào ngày 15/11/1999. Xem Văn phòng Cao Ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, Tình trạng báo cáo về Công ước, tại http://www.unhchr.ch/tbs/doc.nsf/RepStatfrset?OpenFrameSet. Báo cáo thứ đáo hạn vào ngày 19/11/ 2001, được nộp cho Ủy ban ngày 6/5/ 2005. Báo cáo định kỳ thứ hai của Hoa Kỳ cho Ủy ban chống tra tấn có tại http://www.state.gov/g/drl/rls/45738.htm. Các kết luận và khuyến nghị của Ủy ban về báo cáo này được đưa ra vào ngày 25/7/ 2006: Các kết luận và khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn liên quan đến Hoa Kỳ, ngày 25/7/ 2006 có tại trang tin điện tử của Liên hợp quốc: http://www.unhchr.ch/tbs/doc.nsf/898586b1dc7b4043c1256a450044f331/e2d4f5b2dccc0a4cc12571ee00290ce0/$FILE/G0643225.pdf [sau đây gọi là  “Các khuyến nghị của Ủy ban”].

[16] Điều 19 – 23 CAT.

[17] Như trên  at arts. 20-23.

[18] Như trên  . at art. 24.

[19] Như trên  . at art. 30(1).

[20] Điều 30 (1) CAT.

[21] Như trên  Điều 30(2).

[22] Xem SEN. EXEC. RPT. 101-30, Nghị quyết về khuyến nghị và chấp thuận để phê chuẩn, (1990) [sau đây gọi là “Nghị quyết Thượng viện”].

[23] Như trên  tại III.(2). Các tòa án Hoa Kỳ xử các vụ liên quan đến trục xuất người nước ngoài đã thường giải thích các điều khoản của CAT cấm trục xuất người nước ngoài đến các nước mà một người có nhiều khả năng bị tra tấn là không thể áp dụng trực tiếp và về mặt tư pháp không thể thực thi được trừ trường hợp đến mức cho phép thep luật quốc gia áp dụng. Xem, ví dụ Yuen Jin v. Mukasey. 538 F.3d 143 (2nd Cir. 2008) (Điều 3 của CAT là không áp dụng trực tiếp được); Castellano-Chacon v. I.N.S., 341 F.3d 533 (6th Cir. 2003) (nguyên đơn đòi rút lại việc trục xuất không thể dẫn chiếu CAT trực tiếp, nhưng có thể dựa vào các quy định thực thi); Akhtar v. Reno, 123 F.Supp.2d 191 (S.D.N.Y. 2000) (từ chối khiếu kiện bởi tội phạm người nước ngoài việc trục xuất theo CAT, và khẳng định rằng “với chủ ý của Hoa Kỳ là Công ước này không áp dụng trực tiếp, Tòa án cùng quan điểm với nhiều tòa án khác đã kết luận rằng Công ước không được áp dụng trực tiếp”). Theo Luật Cải cách và tái cấu trúc Ngoại giao (Foreign Affairs Reform and Restructuring Act) năm 1998 (FARRA), P.L. 105-277 at § 2242, Hoa Kỳ áp dụng một số điều khoản của CAT bằng các tuyên bố một chính sách không trục xuất hoặc cưỡng bức chuyển đi bất kỳ người nào đến một quốc gia mà có căn cứ vững chắc để tin rằng người đó sẽ có thể bị tra tấn. Các quy định liên quan đến điều này được pháp điển hóa tại 8 C.F.R. §§ 208.16-18, 1208.16-18, và 22 C.F.R. § 95.2.

[24] Nghị quyết Thượng viện, cùng nguồn trên chú thích 22, at III.(2).

[25] Xem RESTATEMENT, cùng nguồn trên chú thích 2, § 111 (“ một thỏa thuận ‘không thực thi trực tiếp được’ sẽ không có giá trị như luật nếu không có việc áp dụng cần thiết”). Tuy vậy, Hoa Kỳ có một nghĩa vụ quốc tế điều chỉnh luật pháp như cần thiết để làm cho các điều ước quốc tế có giá trị. Như trên tại bình luận. Xem thêm  Báo cáo của CRS RL32528, International Law and Agreements: Their Effect Upon U.S. Law, của Michael John Garcia và Arthur Traldi.

[26] Nghị quyết Thượng viện, cùng nguồn trên chú thích 22, at II.(1)(a) (nhấn mạnh được bổ sung).

[27] Điều 1 CAT

[28] Nghị quyết Thượng viện, cùng nguồn trên chú thích 22, tại II.(1)(d).

[29] 8 C.F.R. § 1208.18(a)(7).

[30] Xem, ví dụ, Silva-Rengifo v. Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ, 473 F.3d 58, 70 (3rd Cir. 2007) (“sự đồng tình với tra tấn chỉ cần đòi hỏi rằng viên chức chính quyền cố ý lờ tảng đối với các hành vi tra tấn và vi phạm trách nhiệm phải ngăn chặn nó”); Zheng v. Ashcroft, 332 F.3d 1186 (9th Cir. 2003) (tuyên bố rằng việc điều tra chính xác khi quyết định một người nhập cư Trung Quốc có được quyền khỏi bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ theo CAT không phải là liệu quan chức Trung Quốc có thể thực hiện việc tra tấn đối với anh ta không, mà là liệu quan chức có lờ tảng đối với việc người nhập cư bị tra tấn bởi các cá nhân cụ thể); Ontunez-Turios v. Ashcroft, 303 F.3d 341 (5th Cir. 2002) (giữ nguyên lệnh trục xuất của Ban Khiếu nại Di trú, nhưng lưu ý rằng “cố tình tảng lờ” cấu thành sự đồng tình theo CAT); Bullies v. Nye, 239 F. Supp.2d 518 (M.D. Pa. 2003) (theo các luật áp dụng CAT, sự đồng tình bởi chính quyền đối với tra tấn bởi các chủ thể ngoài nhà nước đòi hỏi sự chủ động chấp nhận bởi các viên chức nhà nước hoặc ít nhất là sự lờ tảng không biết); Xem thêm Pascual-Garcia v. Ashcroft, 73 Fed.Appx. 232 (9th Cir. 2003) (cho rằng theo CAT không đòi hỏi tra tấn xảy ra khi nạn nhân đang bị giam hoặc dưới sự kiểm soát về thể chất bởi một quan chức chính quyền).

[31] Xem, ví dụ., 8 C.F.R. § 208.18(a)(7); Rodriguez Morales v. Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ, 488 F.3d 884 (11th Cir. 2007) (“đồng tình” với tra tấn nghĩa là chính quyền biết về tra tấn, nhưng lại không thực thi nghĩa vụ phải can thiệp); Moshud v. Blackman, 68 Fed. Appx. 328 (3rd Cir. 2003) (từ chối khiếu nại của người nước ngoài đòi xem xét lại việc trục xuất theo CAT do sợ bị cắt âm vật ở Ghana: mặc dù thực hành này là phổ biến, chính quyền Ghana không đồng tình với thực hành này vì nó đã coi là bất hợp pháp và các viên chức chính quyền đã lên án nó).

[32] Nghị quyết Thượng viện, cùng nguồn trên chú thích 22, tại II.(1)(e).

[33] Như trên  tại II.(3).

[34] Như trên  tại I.(2).

[35] Ingraham v. Wright, 430 U.S. 651 (1977). Liệu rằng đối xử bởi một viên chức chính quyền có cấu thành đối xử “tàn ác và bất thường” bị cấm bởi Hiến pháp không được đánh giá bằng hai điểm chính. Xem Farmer v. Brennan, 511 U.S.825, 834 (1994). Thứ nhất, cần phải xác định liệu cá nhân đã bị xử tệ có bị chối bỏ “các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống văn minh” hay không. Rhodes v. Chapman, 452 U.S. 337, 347 (1981). Chuẩn mực này có thể thay đổi theo thời gian phán ảnh các chuẩn mực đời sống. Như trên tại 346. Thứ hai, người bị xâm phạm phải có một “khả năng nhận thức đầy đủ”, chỉ ra rằng việc gây ra đau đớn là “cố ý” hoặc, trong bối cảnh điều kiện nhà tù nói chung “không quan tâm đến sức khỏe và an toàn của tù nhân.” Wilson v. Seiter, 501 U.S. 294, 297 (1991).

[36] Xem, ví dụ, Rochin v. California, 342 U.S. 165 (1952).

[37] Ví dụ, Robinson v. California, 370 U.S. 660 (1962).

[38] Xem Nghị quyết Thượng viện, cùng nguồn trên chú thích 22, tại I.(3).

 

[39] S.Rept. 103-107, tại 59 (1993) (thảo luận lập pháp thực thi Điều 4 và 5 của CAT).

[40] 18 U.S.C. § 2340(1).

[41] 18 U.S.C. § 2340(2).

[42] 18 U.S.C. § 2340A(a).

[43] Như trên

[44] Như trên

[45] Xem 18 U.S.C. § 2340(3) (2003). Liên quan đến các tội phạm thực hiện bởi hoặc chống lại công dân Hoa Kỳ, lãnh thổ thuộc quyền tài phán Hoa Kỳ bao gồm (1) các địa điểm ngoại giao, lãnh sự, quân sự Hoa Kỳ hoặc các địa điểm khác được dùng cho các mục đích thực thi công vụ tại nước ngoài, bao gồm các tòa nhà, bộ phận của các tòa nhà, vật đi kèm, được sử dụng cho các công vụ đó, bất kể sở hữu; và (2) các nhà ở tại nước ngoài và đất đai, vật đi kèm, bất kể sở hữu, được dùng cho các mục đích thực thi công vụ hoặc chủ thể hoặc bởi nhân viên Hoa Kỳ được giao các công vụ đó. 18 U.S.C. § 7(9).

[46] 18 U.S.C. § 2340A(b).

[47] Quyền tài phán lãnh thổ và hàng hải đặc biệt của Hoa Kỳ bao trùm các khu vực đặc biệt trong và ngoài biên giới lãnh thổ, bao gồm lãnh thổ trong biên giới lãnh thổ Hoa Kỳ dưới sự kiểm soát của liên bang, chẳng hạn như các căn cứ quân sự. 18 U.S.C. § 7(3).

[48] 18 U.S.C. § 113

[49] 18 U.S.C. § 114. Theo luật này, “tra tấn” được định nghĩa bởi 18 U.S.C. § 2340.

[50] 18 U.S.C. § 1112(b).

[51] 18 U.S.C. § 1111(b).

[52] 18 U.S.C. § 371.

[53] 18 U.S.C. § 956(a).

[54] Các Công ước Geneva 1949 thiết lập các chuẩn mực ứng xử bởi các quốc gia thành viên đối với các nhóm dễ bị tổn thương (chẳng hạn như thường dân, tù nhân chiến tranh) trong thời kỳ xung đột vũ trang giữa các quốc gia. Được coi là “vi phạm nghiêm trọng” Công ước khi những người đó phải chịu “tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo…cố ý gây ra đau đớn nghiêm trọng hoặc thương tích nghiêm trọng cho cơ thể hoặc sức khỏe.”  Xem Công ước Geneva (thứ nhất) về Cải thiện điều kiện của thương, bệnh binh trên chiến trường, 12/8/1949, 6 U.S.T. 3314, 75 U.N.T.S. 31, tại Điều 50; Công ước Geneva (thứ hai) về Cải thiện điều kiện của thương, bệnh binh và người đắm tàu, 12/8/1949, 6 U.S.T. 3217, 75 U.N.T.S. 85, tại Điều 51; Công ước Geneva (thứ ba) về đối xử đối với tù nhân chiến tranh, 12/8/1949, 6 U.S.T. 3316, 75 U.N.T.S. 135, tại Điều 130; Công ước Geneva (thứ tư) về bảo vệ thường dân trong thời gian chiến tranh, 12/8/1949, 6 U.S.T.3516, 75 U.N.T.S. 287, tại Điều 147. Trong các xung đột “không có tính chất quốc tế,” Điều 3 của mỗi Công ước Geneva 1949 (Điều 3 chung) thiết lập căn cứ bảo vệ tất cả mọi người không tham gia vào các hoạt động thù nghịch, bao gồm cả những người đã giao nộp vũ khí hoặc đã bị vô hiệu hóa do bị bắt hay bị thương. Những người như vậy cần phải được đối xử nhân đạo và được bảo vệ khỏi những đối xử nhất định, bao gồm “xâm phạm đến thân thể và cuộc sống”, “đối xử tàn ác và tra tấn” và “xúc phạm nhân phẩm, đặc biệt là, sỉ nhục hoặc đối xử hạ thấp nhân phẩm.” Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã giải thích Điều 3 chung này để áp dụng với xung đột với Al Qaeda, trao sự bảo vệ tối thiểu cho các nghi can Al Qaeda và các “chiến binh bất hợp pháp” khác. Hamdan v. Rumsfeld, 126 S.Ct. 2749 (2006). Mặc dù các Công ước Geneva không liệt kê các vi phạm Điều 3 chung như là một “vi phạm nghiêm trọng” các đòi hỏi của Công ước, theo luật của Hoa Kỳ, các vi phạm Điều 3 chung mức độ nghiêm trọng tương tự như “các vi phạm nghiêm trọng” các đòi hỏi của Công ước sẽ phải chịu chế tài hình sự tương tự. Xem 18 U.S.C. § 2441 (hình sự hóa “vi phạm nghiêm trọng” trong cả Công ước Geneva 1949 và Điều 3 chung).

[55] Về các thông tin cơ bản về Luật các tội phạm chiến tranh, xem Báo cáo của CRS RL33662, The War Crimes Act: Current Issues, của Michael John Garcia.

[56] Về thảo luận chi tiết hơn liên quan đến luật Hoa Kỳ áp dụng cho đối xử với tù nhân chiến tranh, xem Báo cáo của CRS RL32395, U.S. Treatment of Prisoners in Iraq: Selected Legal Issues, của Jennifer K. Elsea.

[57] Xem 18 U.S.C. § 2340 (định nghĩa tra tấn là “một hành vi thực hiện bởi một nguời thực thi công vụ nhằm gây ra đau đớn hoặc chịu đựng nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần”).

[58] TỪ ĐIỀN LUẬT BLACK (BLACK’S LAW DICTIONARY) 814 (7th ed. 1999)

[59] Như trên tại 813.

[60] Xem Bộ Quốc phòng, Báo cáo của nhóm công tác về thẩm vấn người bị giam giữ trong cuộc chiến chống khủng bố: các đánh giá về luật pháp, lịch sử, chính sách và thực tiễn (6 tháng 3, 2003), có tại

http://www.defenselink.mil/news/Jun2004/d20040622doc8.pdf [sau đây gọi là “Biên bản DOD”] tại 9; Biên bản ghi nhớ của Văn phòng Tư vấn pháp lý, Bộ Tư pháp, gửi đến Alberto R. Gonzales, Luật sư của Tổng thống, Về việc: Các chuẩn mực xử sự khi thẩm vấn theo 18 U.S.C. §§ 2340-2340A (1/8/2002), trên trang tin điện tử Washington Post, có tại: http://www.washingtonpost.com/wp-srv/nation/documents/dojinterrogationmemo20020801.pdf [sau đây gọi là “ Biên bản  DOJ 2002”] tại 4.

[61] Biên bản DOD, cùng nguồn trên chú thích 60, tại 9; 2002 Biên bản DOD, cùng nguồn trên chú thích 60, tại 4.

[62] Biên bản DOD, cùng nguồn trên chú thích 60, tại 9; 2002 Biên bản DOD, cùng nguồn trên chú thích 60, tại 4.

[63] Biên bản ghi nhớ của Văn phòng Tư vấn pháp lý, Bộ Tư pháp, gửi đến James B. Comey, Thứ trưởng Tư pháp, Về việc: Các chuẩn mực xử sự khi thẩm vấn theo 18 U.S.C. §§ 2340-2340A ( 30/12/ 2004), có tại

http://www.usdoj.gov/olc/18usc23402340a2.htm [hereinafter “2004 DOJ Memo”].

[64] Như trên tại 16-17. Biên bản ghi nhớ trích các tuyên bố bởi Tổng George W. Bush vào năm 2003 và 2004 mô tả rằng tự do khỏi bị tra tấn là “một nhân quyền không thể tước bỏ” và rằng “tra tấn bất kỳ nơi nào cũng làm tổn hại nhân phẩm ở mọi nơi.” Như trên tại 4.

[65] Như trên tại 17. Biên bản ghi nhớ của năm 2002 của DOJ và DOD khuyến cáo rằng phòng vệ cần thiết (tức là hành vi bất hợp pháp mà chủ thể tin rằng là cần thiết để tránh xảy ra một hậu quả hoặc tổn hại lớn hơn) hoặc tự vệ trong một số trường hợp có thể biện minh cho sự vi phạm luật hình sự chống tra tấn liên bang và có khả năng được xóa trách nhiệm hình sự. Biên bản DOD, cùng nguồn trên chú thích 60, at 25-31; Biên bản DOJ 2002, cùng nguồn trên chú thích 60, tại 39-46. Biên bản DOJ 2004 không trực tiếp giải quyết các trường hợp phòng vệ này, mặc dù nó có lưu ý rằng “không có ngoại lệ theo luật cho phép tra tấn dùng cho một ‘mục đích tốt.’” Biên bản DOJ 2004, cùng nguồn trên chú thích 63, at 17.

[66] Biên bản DOJ 2004, cùng nguồn trên chú thích 63, at 17.

[67] Sắc lệnh, “Bảo đảm thẩm vấn đúng luật,” 22/1/2009 [sau đây gọi là “Sắc lệnh 2009”].

[68] Bộ Tư pháp, “Roy Belfast Jr., aka Chuckie Taylor, bị kết án về tra tấn,” thông cáo báo chí, 30/10/ 2008, http://miami.fbi.gov/dojpressrel/pressrel08/mm20081030a.htm.

[69] P.L. 102-256.

[70] Trong TVPA, “tra tấn” mô tả “bất kỳ hành vi nào, hướng đến chống lại một cá nhân đang dưới sự kiểm soát hay giam giữ của chủ thể, tạo ra đau đớn hoặc chịu đựng nghiêm trọng (ngoài đau đớn hoặc chịu đựng là thuộc tính hoặc vô ý của chế tài luật định), cho dù về thể chất hay tinh thần, gây ra một cách chủ quan đối với cá nhân nhằm những mục đích như là để người đó hoặc người thứ ba cung cấp thông tin hoặc thú tội, để trừng phạt cá nhân đó vì một hành vi mà cá nhân hoặc người thứ ba đã thự hiện hoặc nghi ngờ là đã thực hiện, đe dọa hay ép buộc cá nhân đó hoặc người thứ ba, hoặc vì bất kỳ lý do nào khác dự trên bất kỳ loại kỳ thị nào.” Như trên tại § 3(b)(1).

[71] Như trên tại §§ 2(b)-(c).

[72] Xem, ví dụ, 22 U.S.C. § 1350 (quy định rằng một người nước ngoài có thể khởi kiện dân sự đòi bồi thường chỉ vì có sự vi phạm luật quốc tế hoặc một điều ước của Hoa Kỳ); 28 U.S.C. §§ 1346, 2674 (quy định quyền tài phán liên bang đối với các khiếu nại hiến pháp, luật liên bang và trách nhiệm dân sự nhất định); 42 U.S.C. §§ 1982-1988 (quy định quyền khởi kiện dân sự đối với hành vi vi phạm quyền dân sự).

[73] Xem, ví dụ, Reid v. Covert, 354 U.S. 1, 6 (1957) (“Khi Chính quyền định trừng phạt một công dân đang ở nước ngoài, sự bảo đảm của Luật về các quyền (Bill of Rights) và các nội dung khác của Hiến pháp đối với quyền sống và tự do đối với người đó không nên tước đoạt đi chỉ vì do anh ta đang ở ngoại quốc.”).

[74] Xem, ví dụ, Verdugo-Urquidez v. United States, 494 U.S. 259, 270-71 (1990) (“ những người nước ngoài nhận được sự bảo vệ hiến định khi họ đã vào lãnh thổ Hoa Kỳ và đã hình thành những mối quan hệ đáng kể đối với quốc gia”). Trong vụ việc Boumediene v. Bush năm 2008, 553 U.S. __, 128 S.Ct. 2229, Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng lệnh bảo thân (writ of habeas corpus) (quyền được tòa án xem xét về tính hợp pháp của việc giam giữ) hiến định áp dụng cả với phạm nhân người nước ngoài bị giam tại Guantanamo, một lý do đáng kể vì Guantanamo, dù về mặt kỹ thuật không là một phần của lãnh thổ Hoa Kỳ, nhưng lại dưới sự kiểm soát hoàn toàn của quốc gia. Quan điểm của Tòa án đã không giải quyết thêm về các bảo vệ hiến định khác đối với các phạm nhân tại Guantanamo, và khuyến nghị rằng những người không phải công dân bị Hoa Kỳ giam giữ tại lãnh thổ ngoại quốc nơi mà sự kiểm soát của Hoa Kỳ không tuyệt đối bằng Guantanamo sẽ có ít sự bảo vệ hơn. Xem như trên tại 2262 (lưu ý rằng Tòa án trước đây chưa bao giờ kết luận rằng người không phải công dân bị giam giữ tại lãnh thổ nước ngoài có bất kỳ quyền gì theo Hiến pháp Hoa Kỳ, mà chỉ kết luận rằng vụ việc đang thụ lý “thiếu vụ việc tương tự trong lịch sử”). Đáng lưu ý là Tòa án đã không phủ nhận phán quyết của mình trước đây trong vụ Johnson v. Eisentrager, 339 U.S. 763 (1950), trong đó, Tòa đã kết luận rằng lệnh bảo thân không áp dụng cho kẻ thù ngoại quốc bị giam tại Đức sau chiến tranh. Thay vì vậy, Tòa án đã phân biệt hai trường hợp và lưu ý rằng khác với nguyên đơn trong vụ Eisentrager, những người bị giam tại Guantanamo không cho rằng mình là chiến binh đối phương và sự kiểm soát của chính quyền đối với lãnh thổ Đức sau Chiến tranh Thế giới II là không hoàn toàn như kiểm soát đối với Guantanamo. Boumediene, 128 S. Ct. tại 2259-2260.

[75] Bộ Tư pháp thời kỳ Bush duy trì quan điểm rằng Điều 16 CAT, với tinh thần bảo lưu của Hoa Kỳ, (1) không bao hàm các hành vi ở hải ngoại mà không thuộc thẩm quyền tài phán của Hoa Kỳ, và (2) không áp đặt bất kỳ nghĩa vụ mới nào đối với Hoa Kỳ ngoài những gì đã đòi hỏi bởi Hiến pháp Hoa Kỳ. Cũng có tranh luận rằng Hiến pháp không bao gồm những người không phải công dân bị giam giữ ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Xem Lat thư từ Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp William E. Moschella đến Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, 4/4/ 2005, có tại http://www.scotusblog.com/movabletype/archives/

CAT%20Article%2016.Leahy-Feinstein-Feingold%20Letters.pdf. Mối quan hệ tiếp diễn của quan điểm pháp lý này đối với các nhân viên Hoa Kỳ là chưa rõ ràng, khi đối chiếu với Sắc lệnh của Tổng thống Obama nói chung là cấm dựa vào các quan điểm của Bộ Tư pháp thời kỳ Bush về các luật về thẩm vấn. Xem Sắc lệnh 2009, cùng nguồn trên chú thích 67.

[76] Thư từ Abraham Sofaer gửi Thượng nghị sỹ Patrick J. Leahy, 21/1/ 2005, in lại trong CONG. REC. H.R. 12383 (4/11/2005).

[77] Các khuyến nghị của Ủy ban, cùng nguồn trên chú thích 15, tại ¶ 15.

[78] P.L. 109-148, Title X, § 1004; P.L. 109-163, Title XIV, § 1404.

[79] Tuyên bố của Tổng thống khi ký luật H.R. 2863, “Luật Bộ Quốc phòng, ngân sách bổ sung khẩn cấp để đối phó với bão ở Vịnh Mexico và dịch cúm, 2006,” 30/12/ 2005, có tại http://www.whitehouse.gov/news/releases/2005/12/20051230-8.html.

[80] Xem khái quát Charlie Savage, Bush Could Bypass New Torture Ban, BOSTON GLOBE, 4/1/ 2006, trang A1(trích lời một nhân viên cấp cao Nhà Trắng với điều kiện dấu tên và một số học giả về ý nghĩa của tuyên bố khi ký ban hành luật).

[81] Xem cùng nguồn trên trang 10-11.

[82] P.L. 109-148, Title X, § 1004; P.L. 109-163, Title XIV, § 1404.

[83] P.L. 109-148, Title X, § 1004; P.L. 109-163, Title XIV, § 1404.

[84] Sổ tay Chiến trường 2-22.3 (FM 34-52), Các hoạt động thu thập tin tình báo, tại trang 5-75 (2006), có tại http://fl1.findlaw.com/news.findlaw.com/hdocs/docs/dod/armyfm2223humanintel.pdf.

[85] Sổ tay quy định rằng có ba loại kỹ thuật thẩm vấn chỉ có thể được sử dụng khi được chấp thuận của thủ trưởng cấp cao: (1) “Mutt và Jeff,” chiến thuật thẩm vấn nhân viên – tốt, nhân viên – xấu, để cho một người bị giam giữ gặp một điều tra viên thân thiện hơn; (2) “cờ giả,” khi một người bị giam giữ bị lừa tin rằng mình đang bị giữ bởi một quốc gia thường sử dụng biện pháp mạnh tay khi thẩm vấn; và (3) cách ly, theo đó những người bị giam giữ bị cách ly để họ không thể điều chỉnh các lời khai của mình. Việc cách ly không có thể được sử dụng chống lại “các chiến binh hợp pháp,” vì chiến thuật này bị cấm bởi Công ước Geneva về đối xử với tù nhân chiến tranh, nhưng được phép dùng trong các hoàn cảnh chống lại chiến binh bất hợp pháp. Như trên tại Chương 8, Phụ lục M.

[86] Scott Shane, et al., “Secret U.S. Endorsement Of Severe Interrogations,” New York Times, 4/10/ 2007, tại trang A1.

[87] Như trên

[88] Như trên

[89] David Johnson và Scott Shane, “Debate Erupts On Techniques Used by C.I.A.,” New York Times, 5/10/2007, tại trang A1. DTA không mô tả loại kỹ thuật thẩm vấn mà cho là cấu thành “đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục.” Trong khu Thượng viện xem xét dự luật, Thượng nghị sỹ Richard Durbin, vị đồng bảo trợ của DTA, đã kiến nghị rằng chấn nước, bắt chịu lạnh và không cho ngủ là “các ví dụ về hành vi bị cấm rõ ràng bởi Điều  bổ sung McCain.” 151 Congressional Record S14274 (21/12/ 2005).

[90] Xem Sheryl Gay Stolberg, “Bush Says Interrogation Methods Aren’t Torture,” New York Times, 6/10/2007, trang A1 (trích lời Tổng thống Bush khẳng định rằng các kỹ thuật thẩm vấn được phê chuẩn đã được “tiết lộ đầy đủ” cho các thành viên thích hợp; Thư ký Báo chí Văn phòng Nhà trắng, “thông cáo báo chí bởi Thư ký Báo chí Văn phòng Nhà trắng Dana Perino,” 5/10/2007 (cho rằng các ủy ban thích hợp của Quốc hội được “tiết lộ đầy đủ” về các biện pháp thẩm vấn được phê chuẩn).

[91] Phúc trình về đánh giá các mối đe dọa thường niên trước Ủy ban Tình báo Thượng viện, Biên bản CQ, 5/2/2008 (lời đáp của giám đốc CIA Tướng Michael Hayden về câu hỏi nêu bởi Thượng nghị sỹ Bond).

[92] Phúc trình về đánh giá các mối đe dọa toàn cầu thường niên trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, 7/2/2008 (trình bày của giám đốc CIA Tướng Michael Hayden khi hỏi đáp).

[93] Sắc lệnh 13340, “Giải thích Điều 3 chung Công ước Geneva khi được áp dụng đối với một Chương trình Giam và thẩm vấn bởi Cơ quan tình báo Trung ương,” 72 Federal Register 40707 (20/7/2007).

[94] Sắc lệnh 2009, cùng nguồn trên chú thích 67, tại § 3(b).

[95] Như trên, § 4.

[96] Như trên, § 5. Ngoài Bộ trưởng Tư pháp, Nhóm công tác gồm Giám đốc Tình báo Quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng (đồng phó chủ tịch); Bộ trưởng Ngoại giao; Bộ trưởng An ninh Nội địa; Giám đốc CIA; Chủ tịch Tư lệnh liên quân; và các quan chức khác hoặc nhân viên toàn thời gian hoặc bán thời gian của Hoa Kỳ, như đã được xác định bởi Bộ trưởng Bộ tư pháp, với người lãnh đạo các bộ và cơ quan liên quan.

[97] Xem Robert M. Chesney, Leaving Guantánamo: the Law of International Detainee Transfers, 40 U. RICH. L. REV. 657 (2006) (mô tả nguyên tắc lex specialis và áp dụng đối với CAT).

[98] Xem khái quát Heike Krieger, A Conflict of Norms: the Relationship Between Humanitarian Law and Human Rights Law in the ICRC Customary Law Study, 11 J. CONFLICT & SECURITY L. 265 (2006).

[99] Ủy ban chống tra tấn, Xem xét các Báo cáo nộp bởi các quốc gia thành viên theo Điều 19 của Công ước (Hoa Kỳ), Báo cáo Tóm tắt, CAT/C/SR.703 (12/5/2006) [sau đây gọi là “Báo cáo của Hoa Kỳ về CAT”].

[100] Tuyên bố của Joseph Benkert, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc về các vấn đền An ninh Toàn cầu, DoD, thực hiện vào ngày 8/6/2007, tại đoạn 6, Vụ việc phạm nhân tại Vịnh Guantanamo, Vụ việc số 1:05-cv-01220 (D.D.C.2007) (khẳng định rằng “chính là chính sách của Hoa Kỳ, phù hợp với cách tiếp cận mà Hoa Kỳ áp dụng khi áp dụng …[CAT], không hồi hương hoặc chuyển giao…[phạm nhân Guantanamo] đến các quốc gia khác nơi nó cho rằng có nhiều khả năng họ sẽ bị tra tấn”).

[101] Báo cáo của Hoa Kỳ về CAT, cùng nguồn trên chú thích 99.

[102] Các khuyến nghị của Ủy ban, cùng nguồn trên chú thích 15, tại ¶ 14.

[103] Sắc lệnh 2009, cùng nguồn trên chú thích 67, at § 3(a).

[104] P.L. 110-28; P.L. 110-116; P.L. 110-161; P.L. 110-252; P.L. 110-329.

 


Các tin khác: