SỐ 10 - QUYỀN BẢO VỆ ĐỜI TƯ
Quyền được bảo vệ đời tư (right to privacy) trước hết được đề cập trong Điều 12 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR). Theo Điều này, không ai phải chịu sự can thiệp một cách tuỳ tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy.

Quy định trong Điều 12 UDHR sau đó được tái khẳng định trong Điều 17 Công ước các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), trong đó nêu rằng:  Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.

Một số khía cạnh liên quan đến nội dung Điều 17 ICCPR sau đó được HRC làm rõ thêm trong Bình luận chung số 16 thông qua tại phiên họp lần thứ 31 năm 1988 của Ủy ban, có thể tóm tắt những điểm quan trọng như sau:

Thứ nhất, Điều 17 nhằm ngăn chặn những hành vi xâm phạm tùy tiện và bất hợp pháp vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, danh dự, uy tín của mọi người mà có thể do các quan chức nhà nước hay do các thể nhân và pháp nhân khác gây ra (đoạn 1). Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ ngăn chặn cả các quan chức nhà nước và các thể nhân hay pháp nhân khác có những hành động xâm phạm tùy tiện và bất hợp pháp như vậy (đoạn 9).

Thứ hai, thuật ngữ can thiệp “bất hợp pháp’ (unlawful) dùng trong Điều 17 hàm nghĩa bất kỳ sự can thiệp nào vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, danh dự, uy tín của mọi người mà không được quy định trong pháp luật. Những can thiệp hợp pháp vào đời tư phải được quy định trong pháp luật, và phải phù hợp với các quy định khác của ICCPR (đoạn 3).

Thứ ba, thuật ngữ “can thiệp tùy tiện’ (arbitrary interference) dùng trong Điều 17 hàm nghĩa cả những can thiệp bất hợp pháp và những can thiệp được quy định trong pháp luật nhưng không phù hợp với các quy định khác của ICCPR (đoạn 4).

Thứ tư, thuật ngữ“gia đình’ (family) dùng trong Điều 17 cần được hiểu rộng theo nghĩa là bất cứ từ nào chỉ nhà ở hay nơi cư trú của một người mà được sử dụng trong xã hội của các quốc gia thành viên, ví dụ như từ "home" ở nước Anh, "manzel" ở các nước A-rập, "zóhzhi" ở Trung Quốc, "domicile" ở Pháp, "zhilische" ở Liên bang Nga, "domicilio" ở Tây Ban Nha...(đoạn 5).

Thứ năm, vì sự an toàn của tất cả mọi người trong xã hội, quyền về sự riêng tư không phải là quyền tuyệt đối. Tuy nhiên, các quốc gia chỉ nên thu thập thông tin về đời tư nếu như những thông tin đó là thiết yếu để bảo đảm lợi ích chung của xã hội như được thừa nhận trong ICCPR. Các quốc gia cần chỉ ra trong báo cáo thực hiện Công ước những quy định pháp luật nước mình liên quan đến những trường hợp được và những biện pháp can thiệp vào đời tư cùng những hoàn cảnh cụ thể được áp dụng (đoạn 7). Theo quy định ở Điều 17, tính toàn vẹn và bảo mật của thư tín phải được bảo đảm cả về mặt pháp lý và thực tế. Thư từ phải được giao tận tay người nhận mà không bị chặn lại, mở ra hay nói cách khác là xem trước. Việc theo dõi, bất kể bằng biện pháp điện tử hay các biện pháp khác, ví dụ như nghe trộm điện thoại, điện tín...đều bị nghiêm cấm. Việc lục soát nhà cửa phải bị giới hạn chỉ được sử dụng trong trường hợp để tìm chứng cứ cần thiết và không được phép gây phiền nhiễu cho chủ nhà. Việc khám xét thân thể phải theo cách thức phù hợp để bảo đảm nhân phẩm của người bị khám xét; người khám xét phải cùng giới tính với người bị khám xét (đoạn 8). Việc thu thập và lưu giữ các thông tin cá nhân trong máy tính, các ngân hàng dữ liệu và các thiết bị khác, cho dù là bởi các quan chức nhà nước hay các thể nhân, pháp nhân khác, đều phải được quy định trong pháp luật. Nhà nước phải có những biện pháp hiệu quả để bảo đảm rằng những thông tin cá nhân đó không rơi vào tay những người không được pháp luật cho phép và không bị sử dụng vào các mục đích trái với Công ước. Để bảo đảm bảo vệ đời tư một cách hiệu quả, mỗi cá nhân cần có quyền được biết liệu thông tin cá nhân của mình có bị thu thập, lưu giữ bởi chủ thể nào không và nếu có, thì ở đâu, nhằm mục đích gì, chủ thể quản lý thông tin cá nhân của mình là ai? Thêm vào đó, mỗi cá nhân cũng cần có quyền yêu cầu sửa chữa hoặc xóa bỏ thông tin cá nhân của mình nếu thông tin đang được lưu trữ không chính xác, hoặc bị thu thập hay lưu trữ một cách trái pháp luật (đoạn 10).

Thứ sáu, Điều 17 cũng đặt ra trách nhiệm với các quốc gia thành viên trong việc ban hành các quy định pháp luật cần thiết để bảo vệ danh dự và uy tín của các cá nhân, bao gồm những quy định cho phép mọi người có khả năng tự bảo vệ trước những sự can thiệp hoặc xâm hại bất hợp pháp hay tùy tiện vào danh dự, uy tín của mình (đoạn 11).

(Theo Giáo trình Lý luận và Pháp luật về quyền con người, Khoa Luật - ĐHQGHN, NXB CTQG, 2009, tr. 227 - 230)


Các tin khác: