Tuyên ngôn về Giáo dục Nhân quyền LHQ
Ngày 9/12/2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn về Giáo dục và đào tạo nhân quyền (UN Declaration on Human Rights Education and Training) với 14 điều khoản. Đây là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử vì lần đầu tiên đã khẳng định quyền của mọi cá nhân được hưởng giáo dục nhân quyền. Nói cách khác, các nhà nước có nghĩa vụ pháp lý bảo đảm và thúc đẩy quyền này của người dân. Đây cũng là một văn kiện nền tảng tạo khuôn khổ cho các quốc gia hoàn thiện chính sách của mình thúc đẩy giáo dục trong lĩnh vực này. Chúng tôi giới thiệu ở đây bản Tuyên ngôn do N.K.Hoa (HN) dịch:


TUYÊN NGÔN LIÊN HỢP QUỐC VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VỀ NHÂN QUYỀN

Đại hội đồng Liên Hợp quốc

Tái khẳng định các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc về khuyến khích và thúc đẩy việc tôn trọng tất cả các quyền con người và những tự do căn bản cho tất cả mọi người bất kể chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo,

Đồng thời tái khẳng định rằng mỗi cá nhân và mỗi tổ chức trong xã hội phải nỗ lực bằng việc dạy và giáo dục để thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền và những tự do căn bản,

Tái khẳng định thêm rằng mỗi người có quyền về giáo dục, và quyền đó phải đưa đến sự phát triển toàn diện của cá tính con người và lòng tự trọng, cho phép tất cả từng người tham gia hiệu quả vào một xã hội tự do và thúc đẩy sự thấu hiểu, lòng khoan dung và tình bằng hữu giữa tất cả các quốc gia và tất cả các nhóm chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo, cũng như thúc đẩy các hoạt động của Liên Hợp quốc để duy trì hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển và nhân quyền,

Tái khẳng định rằng Nhà nước có nghĩa vụ, như đã nêu trong Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa và trong các công ước nhân quyền khác, đảm bảo rằng giáo dục là nhằm củng cố sự tôn trọng các quyền con người và tự do căn bản,

Ghi nhận tầm quan trọng căn bản của giáo dục và đào tạo về nhân quyền trong việc góp phân thúc đẩy, bảo vệ và thực thi hiệu quả tất cả các quyền con người,

Tái khẳng định tuyên bố của Hội nghị Thế giới về Nhân quyền tổ chức tại Vienna năm 1993 kêu gọi tất cả các Nhà nước và các tổ chức đưa nhân quyền, luật nhân đạo, dân chủ và nguyên tắc thượng tôn pháp luật vào chương trình của tất cả các tổ chức đào tạo, và tuyên bố của hội nghị rằng giáo dục nhân quyền nên bao gồm hòa bình, dân chủ, phát triển và công bằng xã hội, như đã đưa ra trong các công ước nhân quyền quốc tế và khu vực, để đạt được một cách hiểu và nhận thức chung với xu thế tăng cường cam kết toàn cầu về nhân quyền,

Nhắc lại Kết quả 5 của Hội nghị Thượng đỉnh năm 2005, trong đó những người đứng đầu các chính phủ và nhà nước đã ủng hộ việc thúc đẩy giáo dục và học tập về nhân quyền ở mọi cấp bậc, bao gồm việc thực thi Chương trình Giáo dục Nhân quyền toàn cầu, và khuyến khích tất cả các nhà nước đưa ra những sáng kiến trong lĩnh vực này,

Được khuyến khích từ nguyện vọng đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ cho cộng đồng quốc tế để tăng cường mọi nỗ lực về giáo dục và đào tạo về nhân quyền thông qua một cam kết chung của tất cả các bên liên quan,

Tuyên bố:

Điều 1

1. Mọi người đều có quyền biết, tìm kiếm và tiếp nhận thông tin về tất cả các quyền con người và tự do căn bản, tiếp cận được với giáo dục và đào tạo về nhân quyền.

2. Giáo dục và đào tạo về nhân quyền cần thiết cho việc thúc đẩy sự tôn trọng và việc thực thi trên toàn cầu tất cả các quyền con người và tự do căn bản cho tất cả mọi người theo các nguyên tắc phổ quát, không thể tách rời và phụ thuộc lẫn nhau của các quyền con người.

3. Việc thụ hưởng hiệu quả tất cả các quyền con người, đặc biệt là quyền về giáo dục và tiếp cận thông tin, cho phép tiếp cận giáo dục và đào tạo về nhân quyền.

Điều 2

1. Giáo dục và đào tạo về nhân quyền bao gồm tất cả các hoạt động giáo dục, đào tạo, thông tin, nâng cao nhận thức và các hoạt động học tập nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và chấp hành trên toàn cầu với tất cả các quyền con người và các tự do căn bản và qua đó đóng góp trở lại với việc ngăn chặn các vi phạm và lạm dụng nhân quyền bằng cách chung cấp cho mọi người kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết cũng như xây dựng thái độ và hành xử, để trao cho họ khả năng đóng góp vào việc xây dựng và thúc đẩy một văn hóa toàn cầu về nhân quyền.

2. Giáo dục và đào tạo về nhân quyền bao gồm:

(a) Giáo dục về nhân quyền, bao gồm cung cấp kiến thức và sự hiểu biết về các quy tắc và nguyên tắc về nhân quyền, các giá trị nền tảng của nhân quyền và các cơ chế bảo vệ nhân quyền;

(b) Giáo dục thông qua nhân quyền, bao gồm việc học tập và giảng dạy theo cách thức tôn trọng các quyền của cả người dạy và người học;

(c) Giáo dục vì nhân quyền, bao gồm việc trao quyền cho mọi người để có thể thụ hưởng và thực thi các quyền của họ và để tôn trọng và phát huy các quyền của người khác.

Điều 3

1. Giáo dục và đào tạo về nhân quyền là một quá trình suốt đời, liên quan đến mọi lứa tuổi.

2. Giáo dục và đào tạo về nhân quyền liên quan đến mọi bộ phận của xã hội ở mọi cấp độ, bao gồm giáo dục trước tiểu học, tiểu học, trung học và giáo dục bậc cao, có tính đến tự do học thuật trong bất kỳ điều kiện có thể áp dụng, và bao gồm mọi hình thức giáo dục, đào tạo và học tập dù trong điều kiện công hay tư, chính quy, phi chính quy hay không chính quy. Giáo dục và đào tạo về nhân quyền bao gồm cả dạy nghề, đặc biệt là đào tạo giáo viên, giảng viên và cán bộ nhà nước, bao gồm giáo dục thường xuyên, giáo dục phổ thông và các hoạt động thông tin đại chúng và nâng cao nhận thức.

3. Giáo dục và đào tạo về nhân quyền cần sử dụng các ngôn ngữ và phương pháp phù hợp với các nhóm đối tượng, có tính đến những nhu cầu và điều kiện cụ thể của họ.

Điều 4

Giáo dục và đào tạo về nhân quyền phải dựa trên các nguyên tắc của Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền và các công ước cũng như các công cụ nhân quyền liên quan, theo quan điểm để:

(a) Nâng cao nhận thức, hiểu biết và sự chấp thuận các tiêu chuẩn và nguyên tắc nhân quyền phổ quát, cũng như đảm bảo việc bảo vệ các quyền con người và tự do căn bản ở cấp quốc tế, khu vực và quốc gia;

(b) Xây dựng một văn hóa toàn cầu về nhân quyền, trong đó mọi người nhận thức về các quyền và trách nhiệm của bản thân  trong việc tôn trọng các quyền của người khác, và thúc đẩy sự phát triển của cá nhân trở thành một thành viên có trách nhiệm của một xã hội hòa bình, đa nguyên và hòa nhập;

(c) Theo đuổi việc hiện thực hóa hiệu quả tất cả các quyền con người và thúc đẩy sự khoan dung, không phân biệt đối xử và bình đẳng;

(d) Đảm bảo các cơ hội công bằng cho tất cả mọi người thông qua tiếp cận với giáo dục và đào tạo về nhân quyền có chất lượng, mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào;

(e) Đóng góp vào việc ngăn chặn các vi phạm và lạm dụng nhân quyền để đấu tranh và xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc, kỳ thị và kích động hận thù, và những thái độ có hại và những thành kiến là nền tảng của chúng.

Điều 5

1. Giáo dục và đào tạo về nhân quyền, dù được tiến hành bởi chủ thể công hay tư, phải được dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, đặc biệt là giữa trẻ nam và nữ và giữa phụ nữ và nam giới, nhân phẩm, hòa nhập và không phân biệt đối xử.

2. Giáo dục và đào tạo về nhân quyền phải tiếp cận được và sẵn có với tất cả mọi người và phải tính đến những thách thức và rào cản cụ thể cũng như những nhu cầu và nguyện vọng của những người ở trong những hoàn cảnh hoặc các nhóm dễ bị thương tổn, bao gồm người khuyết tật, để thúc đẩy sự trao quyền và phát triển con người và để đóng góp vào việc xóa bỏ những nguyên nhân của việc loại trừ hay lề hóa, cũng như làm cho mọi người đềy có thể thực thi tất cả các quyền của họ.

3. Giáo dục và đào tạo về nhân quyền phải nắm bắt và làm phong phú thêm, cũng như lấy cảm hứng từ, sự đa dạng của các nền văn minh, tôn giáo, văn hóa và các truyền thổng của những nước khác nhau, như đã được phản ánh trong tính toàn cầu của nhân quyền.

4. Giáo dục và đào tạo về nhân quyền phải tính đến các hoàn cảnh khác nhau về kinh tế, xã hội và văn hóa, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến địa phương nhằm khuyến khích tính sở hữu với mục tiêu chung là đạt được tất cả các quyền con người cho mọi người.

Điều 6

1. Giáo dục và đào tạo về nhân quyền phải tranh thủ và sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông mới, cũng như truyền thông, để thúc đẩy tất cả các quyền con người và tự do căn bản.

2. Nghệ thuật nên được khuyến khích như là một biện pháp đào tạo và nâng cao nhận thức trong lĩnh vực nhân quyền.

Điều 7

1.     Nhà nước, và các cơ quan chính phủ liên quan, có trách nhiệm trong việc thúc đẩy và đảm bảo rằng việc giáo dục và đào tạo về nhân quyền được xây dựng và thực hiện theo tinh thần tham gia, hòa nhập và có trách nhiệm.

2.     Nhà nước nên tạo ra một môi trường an toàn và khuyến khích sự tham gia của xã hội dân sự, khu vực tư nhân cũng như các bên tham gia có liên quan khác trong giáo dục và đào tạo về nhân quyền, trong đó các quyền con người và tự do căn bản của mọi người, bảo gồm cả những người tham gia vào quá trình giáo dục và đào tạo đó, phải được bảo vệ một cách toàn diện.

3.     Nhà nước phải tiến hành các bước, tự mình và thông qua hỗ trợ và hợp tác quốc tế, để đảm bảo, với tối đa nguồn lực sẵn có, liên tục tiến bộ trong việc thực thi giáo dục và đào tạo về nhân quyền thông qua các hình thức thích hợp, bao gồm cả việc thông qua các biện pháp và chính sách về luật pháp và hành chính.

4.     Nhà nước, và các cơ quan nhà nước có liên quan, phải đảm bảo việc đào tạo thích đáng về nhân quyền và, nếu có thể, về luật nhân đạo quốc tế và luật hình sự quốc tế cho các cán bộ nhà nước, công chức, thẩm phán, nhân viên hành pháp và nhân sự trong quân đội, cũng như thúc đẩy việc đào tạo phù hợp về nhân quyền cho giáo viên, giảng viên, những người làm công tác giáo dục cũng như nhân viên trong khu vực tư nhân hoạt động nhân danh nhà nước.

Điều 8

l. Nhà nước phải xây dựng, hoặc thúc đẩy việc xây dựng, ở mức độ phù hợp, các chiến lược và chính sách và, nếu phù hợp, các kế hoạch hành động và chương trình để thực thi giáo dục và đào tạo về nhân quyền, ví dụ thông qua việc lồng ghép vào trường học và chương trình đào tạo. Trong đó, nhà nước phải tính đến Chương trình Giáo dục Nhân quyền Toàn cầu và những nhu cầu và ưu tiên cụ thể của từng quốc gia và địa phương.

2. Việc xây dựng, thực thi và đánh giá cũng như tiếp tục các chiến lược, chương trình hành động, chính sách và các chương trình phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các cơ quan nhân quyền quốc gia, để thúc đẩy, khi phù hợp, các sáng kiến nhiều bên.

Điều 9

Nhà nước nên thúc đẩy việc thành lập, phát triển và kiện toàn các cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập, theo các nguyên tắc về hiện trạng của cơ quan nhân quyền quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền (Các Nguyên tắc Paris), công nhận rằng các cơ quan nhân quyền quốc gia có thể đóng một vai trò quan trọng, bao gồm, khi cần thiết, một vai trò điều phối, trong việc thúc đẩy Giáo dục và đào tạo về nhân quyền thông qua các biện pháp bao gồm việc nâng cao nhận thức và huy động các tác nhân công và tư liên quan.

Điều 10

1.     Nhiều tác nhân trong xã hội, bao gồm các tổ chức giáo dục, truyền thông, các gia đình, cộng đồng địa phương, các thiết chế xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, những người bảo vệ nhân quyền và khu vực tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và thực hiện các hoạt động giáo dục và đào tạo về nhân quyền.

2.     Các thiết chế xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác được khuyến khích đảm bảo việc giáo dục và đào tạo về nhân quyền phù hợp cho cán bộ và nhân viên của mình.

Điều 11

Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế và khu vực cần cung cấp giáo dục và đào tạo về nhân quyền cho nhân viên dân sự và quân sự và cảnh sát phục vụ trong phạm vi chức năng của tổ chức mình.

Điều 12

1. Hợp tác quốc tể ở mọi cấp độ nên hỗ trợ và kiện toàn các nỗ lực quốc gia, bao gồm, khi có thể, ở cấp địa phương, để thực thi giáo dục và đào tạo về nhân quyền.

2. Các nỗ lực bổ sung lẫn nhau và được điều phối ở cấp quốc tế, khu vực, quốc gia và địa phương có thể đóng góp hiệu quả hơn vào việc thực hiện giáo dục và đào tạo về nhân quyền.

3. Tự nguyện tài trợ cho các dự án và sáng kiến ​​trong lĩnh vực quyền con người
giáo dục và đào tạo cần được khuyến khích.

Điều 13

1. Các cơ chế nhân quyền quốc tế và khu vực nên, trong phạm vi chức năng của mình, đưa gGiáo dục và đào tạo về nhân quyền vào công việc của mình.

2. Nhà nước được khuyến khích để đưa vào, nếu phù hợp, thông tin về các biện pháp họ đã thực hiện trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo về nhân quyền trong các báo cáo quốc gia với những cơ chế nhân quyền liên quan.

Điều 14

Nhà nước phải có các biện pháp phù hợp để đảm bảo thực hiện hiệu quả và tiếp nối Tuyên ngôn này cũng như luôn sẵn sàng các nguồn lực cần thiết trong việc thực thi đó.

* Xem thêm:
World Programme for Human Rights Education (2005-ongoing) 
http://www2.ohchr.org/english/issues/education/training/programme.htm

UNESCO - Human Rights Education:
http://www.unesco.org/new/en/education/themes/leading-the-international-agenda/human-rights-education/

 


Các tin khác: