Về việc Việt Nam ký Công ước chống tra tấn (CAT, 1984)
Ngày 7/11/2013, tại trụ sở chính của LHQ ở New York (Mỹ), Đại sứ Lê Hoài Trung đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác (gọi tắt là Công ước chống tra tấn).


Công ước chống tra tấn (CAT)
được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987 (ngày 26/6 hàng năm đã được lấy làm ngày quốc tế chống tra tấn). Công ước quy định các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp cụ thể về lập pháp, hành pháp, tư pháp và các biện pháp hiệu quả khác nhằm ngăn chặn mọi hành vi tra tấn. Các quốc gia thành viên cần thực thi các biện pháp phổ biến thông tin, đào tạo các lực lượng thực thi pháp luật, thường xuyên rà soát các quy định về thẩm vấn và giam giữ. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ trừng trị tội phạm tra tấn bằng các hình phạt thích đáng, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ nạn nhân.

Như vậy, cho đến nay Việt Nam đã gia nhập 5 (ICCPR, ICESCR, CRC, CEDAW và CERD) và ký 2 (CPWD và CAT) trong tổng số 9 công ước cơ bản về nhân quyền của Liên Hợp quốc.

Việc quốc gia ký CAT chậm trễ, so với các quốc gia trong khu vực, phản ánh mức độ quan tâm của nhà nước đối với lĩnh vực này, đồng thời thể hiện sự thiếu vắng các tiếng nói tập thể từ xã hội dân sự trong những năm qua.

Đầu tháng 11, tại Indonesia, Diễn đàn Nhân quyền Jakarta (lần 2) (ngày 2 và 3/11) cũng đã thảo luận về chủ đề chống tra tấn. Trong khi Điều 14 của Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN đã quy định về việc cấm tra tấn, đây vẫn là một vấn nạn đối với nhiều quốc gia trong khu vực. Các đại biểu tham dự diễn đàn đã kêu gọi các chủ thể khác nhau (Ủy ban Nhân quyền ASEAN - AICHR, các chính phủ, tổ chức xã hội...) cần có các hành động để hướng đến một "ASEAN không có tra tấn".

Người Việt Nam đã có thêm một công cụ để vận động cải thiện thực trạng. Trước mắt, việc phổ biến các nội dung của Công ước, các bình luận chung (đến nay mới có 3) và kết luận của Ủy ban chống tra tấn, Báo cáo viên đặc biệt về chống tra tấn và các cơ chế quốc tế, khu vực khác là việc cần làm. Việc biên soạn các tài liệu, giáo trình, hình thành các diễn đàn, nhóm chống tra tấn cũng là các bước cần thiết để từng bước "xã hội hóa" các chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam.

(Ảnh bên: các nhà nước có nghĩa vụ giảng dạy về việc cấm tra tấn cho các cán bộ thi hành pháp luật.)

KT


Các tin khác: