C. CƠ CHẾ QUỐC GIA BẢO VỆ NHÂN QUYỀN
Bên cạnh cơ chế quốc tế và khu vực, các quốc gia thường có cơ quan chuyên trách bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Tuy nhiên, các quốc gia lại lựa chọn các mô hình tương đối khác nhau.

Dưới đây giới thiệu khái quát các mô hình, vai trò của Liên hợp quốc trong việc hỗ trợ các cơ quan này và chuẩn mực chung cho chúng (thường được gọi tắt là Các nguyên tắc Paris)


         1. Các hình thức của cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người          

         Cơ chế quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người xuất phát từ và nhằm thực hiện những nghĩa vụ của các nhà nước được nêu trong tất cả các văn kiện quốc tế về quyền con người. Các cơ chế quốc gia bảo vệ quyền con người, nếu xét theo nghĩa rộng, rất đa dạng. Về lý thuyết, các cơ quan nhà nước có chức năng duy trì ổn định, trật tự xã hội và bảo đảm quyền của người dân. Các chính quyền dân chủ tồn tại để phục vụ nhân dân, do đó, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đều có chức năng bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, chính các cơ quan và viên chức nhà nước cũng đồng thời là chủ thể chính vi phạm quyền con người, vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã thiết lập các cơ quan độc lập hoặc bán độc lập với bộ máy nhà nước để tăng cường hiệu quả của việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người. Dưới đây khái quát một số dạng chính của các cơ quan quốc gia quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người (national institution on the protection and promotion of human rights hoặc national human rights íntitutions – NHRIs) mà đã được thành lập ở nhiều nước trên thế giới.

   (1)  Ủy ban quyền con người quốc gia (National Commissions of Human Rights)

         Thiết chế này thường bao gồm nhiều thành viên đại diện cho nhiều nhóm xã hội, nghề nghiệp. Tên gọi của thiết chế này có thể khác nhau giữa các nước, ví dụ như Ủy ban/Trung tâm Quyền con người quốc gia, Ủy ban quyền con người và bình đẳng…Cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của thiết chế này cũng khác nhau giữa các nước. Ví dụ, nó có thể được quy định trong Hiến pháp (Philipines, Thailand…), bằng một đạo luật cụ thể (Malaysia…), bởi một nghị quyết của Nghị viện (Danmark..), hoặc theo một quyết định của Tổng thống (Indonesia…).

         Nhìn chung, chức năng cơ bản của các ủy ban quyền con người quốc gia là bảo vệ các cá nhân khỏi sự phân biệt đối xử và thúc đẩy các quyền con người, đặc  biệt là quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người thiểu số, người bản địa...Có những ủy ban được giao thẩm quyền xử lý tất cả vi phạm các quyền được nêu lên trong Hiến pháp, trong khi một số khác chỉ có thẩm quyền xử lý những vi phạm về chủng tộc, tôn giáo, giới, quan điểm chính trị…Một chức năng quan trọng nữa của các ủy ban quyền con người quốc gia là tiếp nhận, điều tra và giải quyết những khiếu nại của các cá nhân và các nhóm về những vi phạm quyền con người theo pháp luật quốc gia.

         Bên cạnh các chức năng kể trên, nhiều ủy ban quyền con người quốc gia được giao thẩm quyền nghiên cứu chính sách và hoạt động liên quan đến quyền con người của chính phủ để phát hiện những hạn chế và đề xuất các biện pháp khắc phục và thúc đẩy sự tiến bộ. Các ủy ban cũng có thể được giao quyền giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc tuân thủ pháp luật quốc gia và quốc tế về quyền con người. Cuối cùng, nhiều ủy ban quyền con người quốc gia còn được giao chức năng giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người.


         (2) Thanh tra Quốc hội (Ombudsman)

         Cơ chế Ombudsman xuất hiện đầu tiên tại Nghị viện Thụy Điển vào năm 1809. Thuật ngữ “Ombudsman” có nguồn gốc từ tiếng Thụy Điển (có nghĩa là người đại diện). Tại một số quốc gia, Ombudsman tương đương với thanh tra Quốc hội hoặc thanh tra nhà nước. Ombudsman có một bộ máy giúp việc, thường gọi là Văn phòng Ombudsman[1].

          Nhìn chung, chức năng chủ yếu của Ombudsman là giám sát sự công bằng và hợp pháp của bộ máy hành chính công. Cụ thể, văn phòng Ombudsman có trách nhiệm bảo vệ quyền của những người là nạn nhân của những hành vi, quyết định của cơ quan hành pháp. Do đó, ở các nước có định chế này, Ombudsman thường được coi là trung gian hòa giải giữa cá nhân có quyền bị xâm phạm với chính quyền. Hiện tại, một số quốc gia trên thế giới đã thành lập Ombudsman như là một cơ chế quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người (Danmark, Sweden, Austria, Spain, Venezuela …)

         Quy trình hoạt động của Ombudsman ở các quốc gia tương đối giống nhau. Ombudman nhận khiếu nại từ công chúng và tiến hành điều tra nếu vụ việc thuộc thẩm quyền của mình.  Ở một số quốc gia, người dân có thể gửi đơn khiếu nại trực tiếp đến văn phòng Ombudsman, nhưng ở một số quốc gia khác, người dân chỉ có thể gửi qua trung gian như thông qua các nghị sỹ quốc hội ở địa phương. Các đơn khiếu nại thường được giữ bí mật danh tính và Ombudman không được tiết lộ về người khiếu nại nếu chưa được sự đồng ý của họ.

         Không chỉ giải quyết các vụ việc khi được yêu cầu, giống như các ủy ban quyền con người quốc gia, ở nhiều nước, Ombudsman còn có thẩm quyền chủ động tiến hành điều tra những vi phạm quyền con người trên phạm vi rộng hoặc thu hút sự quan tâm lớn của công chúng. Nhìn chung, thẩm quyền của Ombudsman và ủy ban quyền con người quốc gia có nhiều điểm giống nhau liên quan đến tiếp nhận và giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, hai cơ chế này vẫn có những điểm khác biệt (đó là lý do mà một số quốc gia có cả hai loại cơ chế, ví dụ như Đan Mạch). Sự khác nhau thể hiện ở chỗ Ombudsman chủ yếu đảm bảo công bằng và pháp chế trong quản lý hành chính, trong khi các ủy ban quyền con người quốc gia chủ yếu quan tâm đến những vi phạm quyền con người ở phạm vi rộng hơn, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến vấn đề phân biệt đối xử. Thêm vào đó, Ombudsman chủ yếu tập trung vào những vi phạm quyền con người của các cơ quan và viên chức nhà nước, trong khi các ủy ban quyền con người quốc gia quan tâm cả đến cả các vi phạm quyền con người của các cá nhân và chủ thể tư nhân[2].

 

          Một số quốc gia có quan chức chuyên trách về nhân quyền với tên gọi khác. Chẳng hạn như Cao uỷ Nhân quyền của Nghị viện Ukraina (Ukrainian Parliament Commissioner for Human rights): Điều 55 Hiến pháp quốc gia này quy định: Mọi người có quyền khiếu nại đến Cao uỷ Nhân quyền Quốc hội (http://www.ombudsman.kiev.ua/om_01_e.htm )...


   2. Vai trò của Liên hợp quốc trong việc hình thành các chuẩn mực chung và hỗ trợ hoạt động của các cơ quan quyền con người quốc gia

         Ngay từ năm 1946, Hội đồng Kinh tế Xã hội đã đề nghị các quốc gia thành viên “xem xét khả năng thành lập các nhóm thông tin hoặc ủy ban quyền con người quốc gia để hợp tác trong các hoạt động trên lĩnh vực này với Ủy ban Quyền con người Liên hợp quốc” (Nghị quyết 2/9 ngày 21/6/1946, mục 5). Trong các thập kỷ 1960 và 1970, trên diễn đàn Liên hợp quốc đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận về cơ quan quyền con người quốc gia, trong đó tập trung vào phương thức mà hợp tác với các cơ quan này trong việc thực thi các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Năm 1978, Ủy ban quyền con người Liên hợp quốc đã tổ chức một cuộc hội thảo nhằm soạn ra các hướng dẫn cho việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan quyền con người quốc gia tại Geneva. Kết quả của cuộc hội thảo này là một bộ các hướng dẫn được thông qua và được chấp thuận bởi Ủy ban Quyền con người và Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đến năm 1991, Ủy ban Quyền con người Liên hợp quốc tổ chức một hội thảo nữa về cơ quan quyền con người quốc gia ở Paris (từ ngày 7 đến 9/10/1991). Kết luận của Hội thảo được phê chuẩn bởi của Ủy ban Quyền con người trong Nghị quyết 1992/54 như là Các nguyên tắc liên quan đến địa vị của các cơ quan quyền con người quốc gia (Principles relating to the status of national institutions, còn được gọi là Các Nguyên tắc Paris). Văn kiện này sau đó được phê chuẩn bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc trong Nghị quyết số 48/134 (ngày 20/12/1993) và hiện được coi là nền tảng cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan quốc gia về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

   Kể từ năm 1991, các hoạt động của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy việc thành lập và hoạt động của các cơ quan quyền con người quốc gia đạt được nhiều kết quả đáng kể. Năm 1993, tại Hội nghị quốc tế tổ chức tại Tunis (Tuynidi) do Liên hợp quốc bảo trợ, các cơ quan quyền con người quốc gia đã thành lập Ủy ban Điều phối Quốc tế Các cơ quan quyền con người quốc gia (International Coordinating Committee of NHRIs – ICC), có chức năng điều phối hoạt động của mạng lưới các cơ quan quyền con người quốc gia. Năm 2005, tại cuộc họp lần thứ 59 của Ủy ban quyền con người Liên hợp quốc, Ủy ban đã thông qua Nghị quyết số 2005/74 (ngày 20/4/2005), trong đó tái khẳng định tầm quan trọng của các cơ quan quyền con người quốc gia hiệu quả, độc lập và đa thành phần phù hợp với Các Nguyên tắc Paris; kêu gọi sự tham gia của các cơ quan quyền con người quốc gia vào các hoạt động của Ủy ban quyền con người và các cơ quan Liên hợp quốc; yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc hỗ trợ hoạt động của ICC…Gần đây nhất, Nghị quyết số 5/1 (ngày 18/6/2007) của Hội đồng quyền con người Liên hợp quốc có dẫn chiếu đến nội dung Nghị quyết số 2005/74 của Ủy ban quyền con người Liên hợp quốc, trong đó tiếp tục khẳng định phương thức tham gia và tham vấn với các cơ quan quyền con người quốc gia trong hoạt động của Hội đồng quyền con người.

 

3. Các Nguyên tắc Paris

 Về tổ chức của cơ quan quyền con người quốc gia, Các Nguyên tắc Paris khuyến nghị cần bảo đảm sự đa dạng của cơ quan này gồm đại diện của nhiều loại cơ quan, tổ chức trong xã hội, trong đó bao gồm:

·        Các tổ chức phi chính phủ hoạt động trên lĩnh vực quyền con người và chống phân biệt đối xử, các tổ chức công đoàn, các tổ chức xã hội và nghề nghiệp liên quan như đoàn luật sư, hiệp hội của các bác sỹ, nhà báo các nhà khoa học..

·        Các xu hướng tôn giáo và triết học;

·        Các trường đại học;

·        Các nghị viện;

·        Các cơ quan Chính phủ.

Về thẩm quyền, Các Nguyên tắc Paris khuyến khích việc trao thẩm quyền cho cơ quan quyền con người quốc gia “càng rộng càng tốt”, và thẩm quyền đó cần được quy định trong hiến pháp hoặc văn bản luật. Cụ thể, cơ quan quyền con người quốc gia cần có các thẩm quyền sau:

·        Trình lên Chính phủ, Nghị viện và bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào khác những quan điểm, khuyến nghị, đề xuất và báo cáo về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến thúc đẩy và bảo vệ quyền con người;

·        Thúc đẩy và đảm bảo sự tương thích của pháp luật quốc gia với các văn kiện pháp lý quốc tế mà quốc gia là thành viên, và việc áp dụng chúng một cách hiệu quả;

·        Khuyến khích việc phê chuẩn, gia nhập và áp dụng các văn kiện quốc tế về quyền con người;

·        Đóng góp ý kiến xây dựng các báo cáo quốc gia trình lên các ủy ban và cơ quan Liên hợp quốc cũng như cho các cơ quan khu vực; khi cần thiết bày tỏ quan điểm về nội dung của các báo cáo quốc gia;

·        Hợp tác với Liên hợp quốc, các cơ quan của Liên hợp quốc, các cơ quan khu vực và các cơ quan quốc gia về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của các nước khác;

·        Hỗ trợ việc xây dựng các chương trình giảng dạy và nghiên cứu về quyền con người và tham gia triển khai các chương trình đó trên thực tế;

·        Phổ biến các quyền con người và nỗ lực chống mọi hình thức phân biệt đối xử, đặc biệt là phân biệt đối xử về sắc tộc bằng việc tăng cường nhận thức cho công chúng, đặc biệt là qua việc giáo dục, thông tin, hợp tác với các cơ quan báo chí.

Về phương thức hoạt động của cơ quan quyền con người quốc gia, theo Các Nguyên tắc Paris, các cơ quan quyền con người quốc gia cần được:

·        Xem xét bất kỳ vấn đề nào về quyền con người thuộc phạm vi chức năng  của cơ quan, một cách chủ động hoặc theo đề nghị của chính quyền hoặc của các tổ chức, cá nhân khác;

·        Xem xét ý kiến của bất kỳ cá nhân nào và tìm kiếm bất kỳ thông tin, tài liệu cần thiết nào cho việc đánh giá thực trạng về quyền con người mà thuộc về  phạm vi chức năng hoạt động của cơ quan;

·        Trực tiếp trả lời công luận hoặc thông qua các cơ quan báo chí, đặc biệt trong việc phổ biến các ý kiến và khuyến nghị của cơ quan;

·        Gặp gỡ định kỳ các thành viên của cơ quan;

·        Thiết lập các nhóm hoạt động, các văn phòng địa phương hoặc khu vực nhằm hỗ trợ việc thực hiện các chức năng của cơ quan;

·        Duy trì tư vấn cho các cơ quan, tổ chức khác của quốc gia mà có trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề về quyền con người (đặc biệt là các cơ quan thanh tra, hòa giải…);

·        Quan tâm, phát triển quan hệ với các tổ chức phi chính phủ hoạt động trên lĩnh vực quyền con người, phát triển kinh tế và xã hội, chống phân biệt đối xử, bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương (đặc biệt là trẻ em, lao động nhập cư, người tị nạn, người khuyết tật về thể chất và tâm thần) hoặc tại các khu vực đặc biệt.

 



[1] Hiện tại, không chỉ dừng lại ở cấp quốc gia, định chế Ombudsman còn được hình thành ở trong doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức liên chính phủ (Liên minh châu Âu), tuy nhiên, Ombudsman được dùng phổ biến để chỉ một quan chức nhà nước.

 

[2] Xem thêm: National Human Rights Institutions, Professional Training Series No.4, Centre For Human Rights, Geneva, 1995


(Trích Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật - ĐHQGHN, NXB CTQG, 2009, trang  494 - 502)

Ảnh: Tổng thư ký Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Nigeria trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Liên hợp quốc hỗ trợ nạn nhân của tra tấn.

http://www.nigeriarights.gov.ng/


TƯ LIỆU ĐỌC THÊM:

- Liên kết đến một số diễn đàn của các cơ quan nhân quyền quốc gia (NHRI):

National Human Rights Institutions Forum: www.nhri.net

Asia Pacific Forum — Asia Pacific Forum: www.asiapacificforum.net

ASEAN National Human Rights Institutions (NHRI) Forum: www.aseannhriforum.org


Các tin khác: