Vai trò công dân trong cuộc đấu tranh vì dân chủ
Aung San Suu Kyi sinh năm 1945 tại Rangoon, Miến Điện. Từ những năm 1980, bà bắt đầu hoạt động đòi tự do và dân chủ cho Miến Điện và bị chính quyền quân sự giam lỏng tại nhà riêng trong nhiều năm, mãi cho đến gần đây mới được trả tự do. Bà được trao giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1991. Suu Kyi đã trở thành một trong những biểu tượng của cuộc tranh đấu ôn hòa cho dân chủ ở châu Á.

Năm 1995, cuốn sách “Freedom from Fear and other Writings” (Thoát khỏi sự sự hãi và các bài viết khác) của Suu Kyi được xuất bản, với lời giới thiệu của Václav Havel, Desmond M. TutuMichael Aris. Năm 2008, NXB Văn hóa Thông tin đã xuất bản bản dịch tiếng Việt cuốn sách này với tên gọi “Aung San Suu Kyi - Đấu tranh cho tự do”, do Huỳnh Văn Thanh biên dịch. Dưới đây, chúng tôi trích giới thiệu một số bài diễn văn quan trọng của Aung San Suu Kyi đăng trong cuốn sách đã nêu.

Vai trò công dân trong cuộc đấu tranh vì dân chủ

(Diễn văn đọc nhân ngày Độc lập của Miến Điện (3/12) năm 1988)


Mặc dù chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng chúng ta cũng cần phải thực hiện bằng hết cả sức mình, không chút run sợ, theo con đường của lẽ phải. Mặc dù chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng việc chúng ta tham gia vào cuộc đấu tranh này là đúng. Nếu các bạn hỏi chúng ta có sẽ giành được dân chủ hay không, sẽ có tổng tuyển cử hay chăng, thì đây tôi sẽ trả lời như thế này: Đừng nghĩ những điều này có sẽ xảy đến hay không. Chỉ cần tiếp tục làm những gì mà bạn đang tin là đúng. Sau này, kết quả của những gì bạn đang làm sẽ trở nên rành rành trước mắt chúng ta thôi. Trách nhiệm của người ta là làm điều xứng đáng.

Tất cả chúng ta đã bước vào cuộc đấu tranh vì dân chủ này bởi vì chúng ta tin rằng chúng ta có thể thắng. Chẳng hạn, một người bước vào một cuộc đua hay mua một tờ vé số là vì anh ta tin tưởng rằng mình có thể thắng cuộc hay trúng giải. Do đó, cũng vậy, nếu có ai đó hỏi tôi rằng tôi có tin tưởng chúng ta có thể thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì dân chủ hay không, tôi sẽ trả lời một cách thành thực rằng: "Có, chúng ta có thể thắng lợi", và bởi vì tôi tin chúng ta có thể thắng, nên tôi đã chọn tham gia. Tôi sẽ giống như các sinh viên và các bạn trẻ tiếp tục công việc của họ, đồng thời tin chắc trong đầu rằng chúng ta có thể thắng lợi. Chúng ta vẫn còn đang có những cuộc đấu tranh lớn chờ ở phía trước; chúng ta vẫn đang còn nhiều việc phải làm, và không chỉ trong một vài tháng là xong đâu. Chúng ta vẫn phải tiếp tục làm việc và đấu tranh trong nhiều năm. Mặc dù có những cuộc bầu cử và lực lượng dân chủ đã thắng lợi đi chăng nữa, phong trào vẫn chưa phải đã hết việc để làm; chúng ta vẫn phải tiếp tục. Hôm nay thì các sinh viên và các bạn trẻ đang ở độ tuổi hai mươi. Tuổi thọ ở Miến Điện là vào khoảng sáu mươi, và có thể rằng dưới chế độ dân chủ cũng như điều kiện sinh hoạt được cải thiện thì con số đó sẽ là bảy mươi. Điều đó có nghĩa rằng thanh niên của ngày hôm nay sẽ còn năm mươi năm đấu tranh đang chờ ở phía trước. Dân chủ là một điều mà người ta phải nuôi dưỡng đến trọn đời, nếu nó vẫn còn sống và khỏe mạnh. Giống như sức khỏe của một người vậy: mặc dù cha mẹ đã nuôi anh ta đến tuổi tráng niên, khỏe mạnh, nhưng nếu anh không biết chăm sóc mình, sức khỏe của anh ta sẽ sa sút, xuống dốc. Nếu mỗi người trong các bạn luôn tâm niệm trong suốt cuộc đời rằng các bạn có trách nhiệm đối với sự thịnh vượng của đất nước mình, khi ấy chúng ta sẽ chẳng có lý do gì để lo sợ rằng sức khỏe của đất nước chúng ta bị xuống dốc cả. Chúng ta cần phải làm việc gắn bó với hết thảy những ai đang cố sức vì dân chủ. Tôi không có ý nói đến thái độ hợp tác nửa vời - chúng ta cần làm việc chung với nhau bằng trọn trái tim và tâm hồn. Hôm nay là ngày kỷ niệm Độc lập. Tôi rất mong mọi người hãy quyết định, bắt đầu kể từ hôm nay, rằng bạn sẽ cố sức vì lợi ích của đất nước, nghĩa là vì đồng bào của mình, vì sự ổn định của Liên bang Miến Điện và vì lợi ích của hết thảy mọi người. Khi ra sức vì lợi ích của đất nước, chúng ta phải không có thái độ trung thành với riêng những ai đó hay với những mục tiêu thiển cận. Đừng có những thái độ trung thành như vậy. Tôi rất mong chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của mình bằng sự cảm thông chân chính và bằng một tâm hồn trong sáng. Tôi luôn luôn nói với mọi người rằng phải có những khát vọng cao - có những khát vọng cao nhất.


Thư ngỏ gửi Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc

(Mặc dù bức thư này không đề ngày tháng, nhưng rõ ràng đây là bức thư do A Ung San Suu Kyi đệ trình Ủy ban nhân quyền Liên Hợp Quốc trong khi hoạt động đấu tranh chính thức của đảng do bà lãnh đạo đang gia tăng và trước khi bà bị quản thúc tại tư gia vào ngày 20/7/1989. Vào năm 1990, Ủy ban đã có những biện pháp nhằm điều tra tình hình nhân quyền tại Miến Điện theo thủ tục 1503).


I. Mục tiêu chính của Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ (NLD) cùng các tổ chức khác đang đấu tranh cho việc thiết lập chính quyền dân chủ tại Miến Điện là tạo ra những thay đổi chính trị và xã hội, mà sẽ đảm bảo một xã hội tiến bộ, ổn định và hòa bình, như đã được nêu ra trong bản Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người được luật pháp bảo vệ.

II. Những ai đang đấu tranh cho nền dân chủ tại Miến Điện cũng đều mong muốn phân biệt rõ giữa "sự cai trị bằng luật pháp", điều vốn có nghĩa là sự quản lý công bằng và vô tư của luật pháp hiến định - tức những biện pháp do một quốc hội dân cử thông qua - và tiến trình luật pháp lẫn trật tự mà chỉ đơn thuần là sự cưỡng chế bằng sắc lệnh độc đoán của một chính quyền không do nhân dân ủy thác mà có.

III. Những ai tin tưởng vào sự thiêng liêng của nhân quyền không phản đối khái niệm luật pháp và trật tự, nhưng họ muốn được đảm bảo rằng, luật pháp chẳng phải là "ý muốn của phe thắng thế”, và trật tự không chỉ đơn thuần là "phản xạ của nỗi sợ tràn lan”. Đại đa số nhân dân Miến Điện đều khao khát một nhà nước mà biết giữ gìn dhamma và abhaya - tức lòng chính trực và không có sợ hãi.

IV. Tuyên bố rằng những quan tâm đến nhân quyền phải được cân bằng nhờ vào lòng tôn trọng luật pháp sẽ chỉ có giá trị nếu luật pháp bảo đảm rằng sự công bằng được thực hiện và người ta đã thấy nó đang được thực hiện. Không thể nói những sắc lệnh có mục đích thực hiện các biện pháp chống lại những ai đang đấu tranh bảo vệ tình trạng các quyền mà Liên Hợp Quốc thừa nhận như là cốt lõi của tự do, hòa bình và công bằng thoát khỏi cảnh bị chà đạp là lực lượng đạo đức hay hợp pháp được.

V. Chính sách trước sau như một của NLD là tôn trọng và giữ gìn tất cả những luật pháp công bằng. Cùng với đó, NLD cũng như đại đa số dân chúng Miến Điện đồng thừa nhận rằng, những ai mong muốn xây dựng một đất nước vững mạnh và hòa bình đều phải có bổn phận tránh những biện pháp tấn công vào chính nền tảng sự thật và phẩm hạnh của con người.

VI. Rất nhiều tù nhân chính trị đang bị giam giữ ở Miến Điện ngày nay đều bị quy vào tội hình sự bởi nỗ lực của họ nhằm thực hiện các điều 19, 20 và 21 của bản Tuyên ngôn Toàn thế giới về Nhân quyền. Thêm nữa, họ còn phản đối những hành động trái ngược các điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, và 12.

VII. NLD hay những người đang bày tỏ sự ủng hộ đối với NLD đều không hề mong muốn có xung đột và đối đầu - điều chỉ mang lại sự khốn khổ hơn nữa cho nhân dân vốn đã và đang bị đau khổ nhiều trước sự hà khắc chính trị và sự khốn đốn kinh tế. Tìm kiếm sự hiểu biết thông qua đối thoại và thương lượng chính là nguyên tắc được thừa nhận của truyền thống dân chủ, điều mà NLD vẫn luôn luôn tuân thủ kể từ bước đầu thành lập vào năm 1988.

VIII. Những ai đang mong muốn sớm có một cuộc chuyển đổi hòa bình sang một chính quyền dân chủ đều hiểu giá trị của phát biểu sau đây: "Phủ nhận quyền của con người tức là khơi mào cho sự bất ổn về chính trị lẫn xã hội”. Do đó, những nỗ lực của họ đều là nhằm tạo ra những điều kiện mà sẽ tránh được tình trạng rối ren chính trị và xã hội này. Thế nhưng, các nỗ lực của họ đã gặp phải sự cản trở bởi thái độ của nhà cầm quyền là không biết tôn trọng ý muốn của đa số.

IX. Hy vọng rằng Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ có thể giành được những điều kiện cho phép những ai quan tâm vận động cho nhân quyền tại Miến Điện (nhất là các tù nhân chính trị) được chân thành nói lên quan điểm của mình mà không phải lo sợ bị trả thù đối với bản thân mình, người thân của mình hay bạn bè mình.

X. Tuy biết rằng phải trông cậy vào chính sức mạnh của lòng can đảm, kiên nhẫn và sức chịu đựng ngoan cường của chính mình để cuộc đấu tranh - vì một hệ thống chính trị mà sẽ đảm bảo các quyền tự do cơ bản của con người - đi đến thắng lợi, nhưng nhân dân Miến Điện cũng mong có được sự giúp đỡ của Ủy ban cho sự nghiệp chính nghĩa của mình.

 


Các tin khác: