Việt Nam chuẩn bị nộp Báo cáo UPR cho Hội đồng Nhân quyền LHQ
Ngày 6/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam được sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo Tham vấn về Dự thảo Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Báo cáo náy sẽ được nộp trong tháng 10/2013 và phái đoàn Việt Nam sẽ trình bày báo cáo vào tháng 1/2014 tại Geneva.


Dự thảo Báo cáo của Chính phủ tập trung vào kết quả thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 1 (năm 2009) và những phát triển mới trong việc đảm bảo quyền con người ở Việt Nam.

Tại hội thảo, bên cạnh những ý kiến đánh giá cao Dự thảo Báo cáo, một số ý kiến nếu lên hạn chế và thách thức trong việc đảm bảo quyền của những người thuộc nhóm yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật, vấn đề bình đẳng giới, chăm sóc và bảo vệ trẻ em...


Các ý kiến đóng góp sẽ được Tổ công tác liên ngành tổng hợp, bổ sung vào Dự thảo. Các cá nhân, tổ chức có thể tiếp tục đóng góp ý kiến đến hết ngày 15/8/2013. Bản dự thảo đã được đăng trên Internet từ đầu tháng 7/2013 nhưng ít được người dân biết đến. (Link:
http://www.mofa.gov.vn/humanrights/nr070521170056/nr080918104657/dt130724202808/mldocument_view  )


Đại diện Vụ Các tổ chức quốc tế - Bộ NG phát biểu với tinh thần cầu thị: “Việc tổ chức lấy ý kiến tham vấn của tất cả các bên liên quan không chỉ là nghĩa vụ theo hướng dẫn của Hội đồng Nhân quyền LHQ về quy trình soạn thảo Báo cáo UPR, mà còn là cơ hội để cùng trao đổi, đối thoại về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền con người, những thành tựu đạt được và những thách thức cần giải quyết, qua đó giúp Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR của Việt Nam trở nên cân bằng, toàn diện và phản ánh sát với tình hình thực tế đảm bảo quyền con người ở Việt Nam”. Dẫu vậy, thời gian để người dân và các tổ chức xã  hội quan tâm tìm hiểu và góp ý là quá ngắn.

 

Trước đó (trước hạn cuối ngày 17/6/2013), nhiều tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước đã nộp báo cáo độc lập (thường được gọi là "báo cáo bóng") cho Hội đồng Nhân quyền theo cơ chế UPR. Trong số này, từ trong nước, có báo cáo của ba mạng GPAR, GENCOMNET và CIFPEN. Quá trình chuẩn bị báo cáo đã có sự đóng góp trực tiếp và tham vấn của 60 tổ chức xã hội dân sự và các nhóm cộng đồng. Các chủ đề và nội dung báo cáo đã được tham vấn qua 6 hội thảo chuyên đề và các cuộc thảo luận nhóm, một nghiên cứu thực địa và 3 hội thảo tham vấn, bao gồm một hội thảo tham vấn cấp quốc gia và một hội thảo tham vấn cấp khu vực được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh với tổng số 471 lượt tham gia của nhiều nhóm khác nhau. Tiến trình này do một nhóm công tác gồm các thành viên của ba Mạng lưới các Tổ chức xã hội dân sự (GPAR- Nhóm hợp tác thúc đẩy quản trị và cải cách hành chính công, GENCOMNET-Mạng giới và phát triển cộng đồng và CIFPEN- Mạng lưới an ninh lương thực) điều phối, cùng hợp tác với các nhà nghiên cứu độc lập.

 

Từ trong nước còn có báo cáo độc lập của hai tổ chức ISEE (về quyền của nhóm LGBT), CODES (về quyền riêng tư của trẻ em) và của một số nhóm, phong trào hoạt động độc lập không được Chính phủ thừa nhận.


Các NGO quốc tế cũng quan tâm và có báo cáo về Việt Nam gồm: Access, Article 19, PEN International, PEN English (báo cáo chung, quan tâm đến tự do ngôn luận, thông tin); Frontline Defender (về những người bảo vệ nhân quyền); Norwegian Bar Association; World Evangelical Alliance, Aktion für verfolgte Christen (AVC), Groupe de travail pour la liberté religieuse (GLR) du Réseau évangélique suisse (SEA-RES), The International Institute for Religious Freedom (IIRF) (báo cáo chung về tự do tôn giáo); Lawyers for Lawyers, The Law Society of England and Wales, Lawyers’ Rights Watch Canada (báo cáo chung về vai trò, tính độc lập và bảo vệ các luật sư); Freedom Now (về việc giam giữ tùy tiện)...

 

So với 4 năm trước đây (chu kỳ 1 - 2009), rõ ràng cơ chế UPR của LHQ lần này được nhiều người Việt Nam biết đến hơn và đã tận dụng cơ hội để vận động cho các mục tiêu đang theo đuổi.


 

L.K.Tung (HN)


Các tin khác: