SỐ 17 - TỰ DO LẬP HỘI
Quyền tự do lập hội (freedom of association), cùng với quyền tự do hội họp một cách hòa bình, đầu tiên được ghi nhận trong Điều 20 Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế (UDHR). Ngoài việc quy định mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hoà bình, Điều này còn nêu rõ (trong Khoản 2), không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ hiệp hội nào.

... Điều 22 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) tái khẳng định và cụ thể hóa quy định về quyền tự do lập hội trong Điều 20 UDHR, trong đó nêu rõ: Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác. Điều này không ngăn cản việc đặt ra những hạn chế hợp pháp trong việc thực hiện quyền này đối với những người làm việc trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát.

 Ủy ban Nhân quyền (HRC) hiện chưa có bình luận chung nào đề cập đến nội dung Điều 22, tuy nhiên, từ nội dung của nó, có thể thấy quyền này bao gồm cả ba khía cạnh: (i) lập ra các hội mới, (ii) gia nhập các hội đã có sẵn, và (iii) điều hành các hội, bao gồm cả việc tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí cho hoạt động.

Theo các chuyên gia, quyền tự do lập hội bổ sung cho quyền tự do hội họp hòa bình quy định ở Điều 21 ICCPR. Cần lưu ý rằng, tương tự như quyền tự do hội họp hòa bình, quyền tự do lập hội không phải là quyền tuyệt đối, bởi nó cho phép các quốc gia có thể đưa ra những hạn chế trong việc thực hiện quyền này, miễn là phải dựa trên những quy định của Công ước.

(Theo Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật - ĐHQGHN, NXB CTQG, 2009, tr.240 - 241)

Ảnh: Báo cáo hàng năm 2009 của EU về quyền tự do lập hội.


Các tin khác: