Làm trọng tài cho cuộc tranh luận về UPR
Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc được nhắc đến nhiều hơn khi một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đang thảo luận và xây dựng báo cáo chu kỳ thứ 3 để nộp cho Hội đồng này trước hạn chót vào tháng 7/2018. Các tranh luận hẳn sẽ trở nên sôi nổi hơn, cả online và offline, khi nhà nước Việt Nam nộp và bảo vệ báo cáo của mình cho Hội đồng vào đầu năm sau (2019).



Trong bối cảnh chung là sự hiểu biết, tin tưởng và vận dụng các công cụ quốc tế để bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam còn khá hạn chế, những người bảo vệ nhân quyền bằng việc vận dụng cơ chế Liên Hợp quốc (bao gồm UPR) đang phải đối diện với nhiệm vụ khó khăn là thuyết phục những người xung quanh, và cả chính bản thân mình, rằng đây là một việc cần làm, đáng để bỏ thời gian và công sức.

Một cuộc tranh luận

Tháng 11/2017, trên trang cá nhân của một bạn trẻ, người thường phê phán các nhà hoạt động xã hội và các sáng kiến mới mẻ, đăng bài “Cơ chế UPR – có tốt thật như nó đang được tung hô?”. Bài viết này trực tiếp phê bình một bài viết trước đó trên trang web Luật Khoa tạp chí mang tựa đề “Cơ chế kiểm điểm nhân quyền UPR của LHQ là dành cho mỗi chúng ta”. Tác giả bài viết trên Luật Khoa bị chê là đã “tán dương nó (UPR) lên tận trời xanh”!

Nhà phê bình nữ đã nêu ra các luận điểm chính sau đây: Thứ nhất, “cơ chế UPR chỉ là một chiêu bài của Hoa Kỳ để sử dụng nhân quyền như một chính sách ngoại giao nhằm can thiệp vào tình hình chính trị của các quốc gia không cùng phe”; Thứ hai, “các quốc gia tham gia khuyến nghị chẳng thực sự có thông tin về quốc gia được khuyến nghị nhưng vẫn cứ đưa ra yêu cầu một cách hình thức”; Thứ ba, Hiến Chương LHQ chỉ “ có giá trị tham khảo” và Việt Nam cũng như mọi quốc gia khác sẽ “áp dụng trong điều kiện phù hợp”.

Các phê phán nêu trên không phải là hoàn toàn sai, chúng có thể phản ánh suy nghĩ của một số người. (Còn đa số người dân Việt có lẽ cũng chưa nghe đến và chẳng quan tâm “iu-pi-a” hay “u – pê – e rờ” là gì! ) Nhưng chúng cũng đáng để suy nghĩ, trao đổi, và đây cũng là dịp để làm rõ thêm một số khía cạnh liên quan.

Một số đánh giá

Quả là cơ chế của UPR (Universal Periodic Review) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, bắt đầu hoạt động từ năm 2007, có những hạn chế. Một số hạn chế cơ bản thuộc về bản chất, một số hạn chế thuộc về kỹ thuật hoặc do chưa được tận dụng tốt. Thế nhưng, nếu cho rằng UPR bị thao túng bởi một quốc gia, dù là Hoa Kỳ, thì lại hoàn toàn không thực tế.


Trước hết, Hội đồng Nhân quyền là một cơ quan chính trị, tức là nó bao gồm đại diện của các nhà nước (47 thành viên, được bầu theo nhiệm kỳ 3 năm). Đại diện của các nhà nước thường là các nhà ngoại giao, mà không phải là các chuyên gia, luật gia về nhân quyền (như thành viên của các ủy ban giám sát điều ước nhân quyền). Thế nên, ngôn ngữ, đối thoại tại diễn đàn UPR chủ yếu là ngôn ngữ ngoại giao, nói cách khác, diễn đàn này khá bị “chính trị hóa”.


Bản chất của UPR là tiến trình để các thành viên Liên Hợp quốc đánh giá lẫn nhau. Nó là một sân khấu, tiến trình hoàn toàn tự nguyện, Liên Hợp quốc tạo ra một diễn đàn để các quốc gia đánh giá lẫn nhau. Tất cả các thành viên, kể cả các quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất (như Bắc Triều Tiên) đều tự nguyện nộp báo cáo. Dù họ không nộp cũng “không ai làm gì được”. Giá trị nổi bật của UPR là diễn đàn mở, có tác dụng tố cáo công khai trước cộng đồng quốc tế các vi phạm và gây áp lực đòi hỏi cải thiện tình hình (về pháp luật, thể chế hay thực hành).


Thứ hai, các quốc gia “thao túng” và “chính trị hóa” Hội đồng Nhân quyền hiện nay chủ yếu là các nước đang phát triển, các nước có hồ sơ nhân quyền kém cỏi. Bởi số ghế của Hội đồng được chia theo khu vực (Nhóm các nước châu Phi: 13 ghế; Nhóm các nước châu Á: 13 ghế; Nhóm các nước Đông Âu: 6 ghế; Nhóm các nước châu Mỹ Latinh và Caribe: 8 ghế; Nhóm các nước Tây Âu và các quốc gia khác: 7 ghế), các nước phương Nam (đang phát triển) có số ghế rất lớn trên tổng số 47 ghế. Các nước phương Nam lại thường kết bè, kéo cánh với nhau. Nổi bật nhất là các nước thuộc Nhóm châu Phi (African Group), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Phong trào Không liên kết (Non-Aligned Movement), G 77...Chiến thuật của các nước này là liên kết và cùng nhau bỏ phiếu chống lại việc thông qua nghị quyết phê phán một thành viên, làm lãng phí thời gian thảo luận vào những nội dung không cơ bản. 


Thế nên, nếu cho rằng Hoa Kỳ hay Tây phương đang chi phối tiến trình UPR và “UPR không có gì hơn là một sân khấu khôi hài để Hoa Kỳ can thiệp tình hình chính trị của các quốc gia khác phe” lại là không có cơ sở và chưa hiểu lắm về cơ chế này. Mặc dù sự chi phối của Hoa Kỳ, cũng như các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an khác, đối với Liên Hợp quốc nói chung, và một số cơ quan của nó, là khá rõ ràng.


Thứ ba, để đưa ra được các khuyến nghị có giá trị, các quốc gia khuyến nghị cần có đầy đủ thông tin. Ở điểm này, nhà phê bình nữ phần nào đúng khi nhắc đến việc “chẳng thực sự có thông tin” của một số quốc gia. Việc thiếu thông tin sẽ dẫn đến đưa ra các khuyến nghị quá chung chung, hoặc không phải vấn đề cơ bản.


Tuy nhiên, đối với các nước khép kín, hội nhập quốc tế thấp, xã hội dân sự và vận động nhân quyền bị cấm cản thì cũng không có nhiều thông tin ra bên ngoài. Chính các báo cáo độc lập và thông tin từ các hội nhóm là nguồn để các nước tham khảo, đưa ra khuyến nghị.


Việt Nam báo cáo UPR lần thứ nhất vào năm 2009, lần thứ 2 vào năm 2014, nay là lần thứ 3. Nhìn chung việc quan tâm hơn của các tổ chức xã hội, nhất là việc thể hiện trong các báo cáo độc lập, vừa có vai trò giáo dục cộng đồng, vừa có vai trò cung cấp thông tin toàn diện hơn cho các bên liên quan.


Nhà nước Việt Nam cũng đã ít nhiều cố gắng thể hiện sự minh bạch của mình khi mời một số tổ chức xã hội tham gia vào các “Hội thảo tham vấn” về Dự thảo Báo cáo quốc gia theo UPR (vào tháng 8/2013), hay về kế hoạch thực hiện các khuyến nghị UPR (vào tháng 8/2015).


Cuối cùng, Hiến chương Liên Hợp quốc là một điều ước quốc tế đa phương, có giá trị ràng buộc pháp lý. Hiến chương đã mạnh mẽ quy định rằng nghĩa vụ đối với Liên Hiệp quốc cao hơn tất cả các nghĩa vụ trong các hiệp ước khác. Nếu coi Hiến chương, giống như Hiến pháp, chỉ là chuyện chơi thì thật không xứng đáng là thành viên của Liên Hợp quốc, chứ đừng nói đến “thành viên tích cực”. Mặc dù trong lịch sử, tổ chức này chưa bao giờ khai trừ thành viên nào. Cạnh đó, cách lập luận rằng việc phê bình các vi phạm nhân quyền của một quốc gia là “can thiệp vào tình hình chính trị” cũng trái với nguyên tắc của Hiến chương (Điều 55, hợp tác quốc tế để  tôn trọng và tuân thủ triệt để các quyền và các tự do cơ bản) và đã quá lỗi thời.

 


Nhìn chung, nếu bạn là người có mong muốn bảo vệ quyền con người, trong bối cảnh các cơ chế trong nước còn khá hạn chế về tính độc lập, hiệu quả và thời gian, thì việc sử dụng các cơ chế Liên Hợp quốc là một kênh đáng kể. Nếu nó không tạo ra ảnh hưởng thì nhiều nhà nước đã chẳng cấm cản công dân của mình trong việc thực thi quyền cơ bản khi nỗ lực vận dụng các cơ chế này ở trong nước hay ở tận Geneva (Thụy Sỹ)!

K.T


(Ảnh: Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ)






Các tin khác: