Điều 19 ICCPR - Tự do quan điểm và biểu đạt
ỦY BAN NHÂN QUYỀN - Phiên họp 102 (Geneva, 11-29/7/2011: Bình luận chung số 34 ve Điều 19 ICCPR: Tự do quan điểm và biểu đạt (Freedom of opinion and expression)

 ỦY BAN NHÂN QUYỀN

Phiên họp 102 (Geneva, 11-29/7/2011)

 

Bình luận chung số 34

Điều 19: Tự do quan điểm và biểu đạt

(Freedom of opinion and expression)

Nhận xét chung

1.         Bình luận chung này thay thế Bình luận chung số 10 (phiên họp thứ 19).

2.         Tự do quan điểm và tự do biểu đạt là những điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển đầy đủ của con người. Bất kỳ xã hội nào cũng cần có tự do quan điểm và tự do biểu đạt.[1] Chúng tạo thành nền tảng cho mọi xã hội tự do và dân chủ. Hai quyền tự do này có liên quan chặt chẽ, trong đó tự do biểu đạt là phương tiện cho việc trao đổi và phát triển các quan điểm.

3.         Tự do biểu đạt là điều kiện cần cho việc hiện thực hóa các nguyên tắc minh bạch và trách nhiệm giải trình, đến lượt mình, chúng lại cần thiết cho việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người.

4.         Trong số các điều khoản bao hàm việc đảm bảo tự do quan điểm và/ hoặc tự do biểu đạt, có các điều 18, 17, 25 và 27. Tự do quan điểm và tự do biểu đạt tạo lập nền tảng cho việc thụ hưởng một cách đầy đủ nhiều quyền con người khác. Ví dụ, tự do biểu đạt là thành tố của việc thụ hưởng các quyền tự do hội họp và tự do lập hội, và thực hành quyền bầu cử.

5.         Xem xét đến những khái niệm cụ thể của khoản 1, Điều 19 cũng như mối quan hệ giữa quan điểm và tư tưởng (Điều 18), việc bảo lưu khoản 1 là không phù hợp với đối tượng và mục đích của Công ước.[2] Thêm nữa, mặc dù tự do quan điểm không được nêu ra trong số các quyền không thể đình chỉ như trong Điều 4 của Công ước, cần nhắc lại rằng, “trong những điều khoản của Công ước không được nhắc đến trong khoản 2, Điều 4, có những yếu tố mà theo quan điểm của Ủy ban là không thể phải chịu sự đình chỉ hợp pháp theo Điều 4”.[3] Tự do quan điểm là một yếu tố như vậy, vì không bao giờ có thể cần thiết phải đình chỉ tự do quan điểm ngay cả trong tình trạng khẩn cấp.[4]

6.         Xem xét đến mối quan hệ giữa tự do biểu đạt và các quyền khác trong Công ước, trong khi việc bảo lưu với những yếu tố cụ thể của khoản 2, Điều 19 có thể được chấp nhận, một bảo lưu chung với các quyền đưa ra trong khoản 2 sẽ là không phù hợp với đối tượng và mục đích của Công ước.[5]

7.         Nghĩa vụ tôn trọng tự do quan điểm và tự do biểu đạt là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi Quốc gia thành viên như một chỉnh thể. Tất cả mọi nhánh quyền lực nhà nước (hành pháp, lập pháp và tư pháp) và các cơ quan công quyền và tổ chức của chính phủ, dù ở cấp độ nào – quốc gia, khu vực hay địa phương – đều có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của Quốc gia thành viên.[6] Các trách nhiệm đó cũng có thể phát sinh với một Quốc gia thành viên trong một số trường hợp nhất định liên quan đến các chủ thể có tư cách bán nhà nước.[7] Nghĩa vụ này cũng yêu cầu các Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng mọi người được bảo vệ khỏi bất kỳ hành vi nào của cá nhân hay pháp nhân thuộc khu vực tư có thể ảnh hưởng xấu đến việc thụ hưởng các quyền tự do quan điểm và tự do biểu đạt đến mức độ những quyền theo Công ước này dễ bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng của các cá nhân hoặc pháp nhân thuộc khu vực tư.[8]

8.         Các Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng các quyền trong Điều 19 của Công ước có hiệu lực trong hệ thống nội luật của quốc gia, và có tinh thần nhất quán với những chỉ dẫn của Ủy ban trong Bình luận chung số 31 về bản chất của các nghĩa vụ pháp lý chung đối với Nước thành viên Công ước. Nhắc lại rằng các Quốc gia thành viên phải cung cấp cho Ủy ban, trong các báo cáo theo Điều 49, những quy tắc trong nội luật, các thủ tục hành chính và quyết định tư pháp, cũng như các chính sách liên quan và các thực tiễn bởi các ngành khác nhau liên quan đến các quyền được bảo vệ theo Điều 19, bao gồm các vấn đề được thảo luận trong bình luận chung này. Nội dung báo cáo cũng phải có thông tin về các biện pháp khắc phục sẵn có nếu những quyền này bị vi phạm.

                   Tự do quan điểm

9.         Khoản 1, Điều 19 yêu cầu bảo vệ quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp. Đây là một quyền mà Công ước không cho phép có ngoại lệ hay hạn chế. Tự do quan điểm còn bao gồm quyền của một người được tự do lựa chọn thay đổi quan điểm bất cứ khi nào và vì bất cứ lý do gì. Không ai có thể bị hạn chế bất kỳ quyền nào trong Công ước do quan điểm của mình, dù đó là quan điểm thực tế, quan điểm được ghi nhận hoặc suy đoán là của người đó. Mọi hình thức quan điểm đều được bảo vệ, bao gồm các quan điểm có bản chất chính trị, khoa học, lịch sử, đạo đức hay tự nhiên. Hình sự hóa việc duy trì một quan điểm là không phù hợp với khoản 1.[9]  Sách nhiễu, đe dọa hay kỳ thị một người, bao gồm việc bắt, giam giữ, truy tố hay bỏ tù một người vì những lý do những quan điểm họ có thể có là vi phạm khoản 1, Điều 19.[10]  

10.       Cấm bất kỳ nỗ lực nào nhằm cưỡng bức việc giữ hay không giữ bất kỳ quan điểm nào.[11] Tự do biểu đạt quan điểm của một người cũng cần phải bao gồm tự do không biểu đạt quan điểm của một người.

                   Tự do biểu đạt

11.       Khoản 2 yêu cầu Quốc gia thành viên phải đảm bảo quyền tự do biểu đạt, bao gồm quyền tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi loại thông tin và ý tưởng bất kể biên giới. Quyền này bao gồm việc biểu đạt và tiếp nhận những thông điệp về ý tưởng và quan điểm dưới mọi hình thức có thể truyền đạt đến người khác, theo quy định trong khoản 3, Điều 19 và Điều 20.[12] Quyền này bao gồm các tranh luận chính trị,[13] bình luận về một người[14] và về các vấn đề chung,[15] vận động,[16] thảo luận về nhân quyền,[17] báo chí,[18] các biểu đạt văn hóa và nghệ thuật,[19] dạy học,[20] và tranh luận tôn giáo.[21] Quyền này cũng có thể bao gồm các quảng cáo thương mại. Phạm vi của khoản 2 bao gồm cả các biểu đạt có thể được xem là gây xúc phạm,[22] mặc dù những biểu đạt này có thể bị hạn chế theo quy định của khoản 3, Điều 19 và Điều 20.

12.       Khoản 2 bảo vệ mọi hình thức biểu đạt và hình thức truyền bá các biểu đạt đó. Những hình thức này bao gồm dạng nói, viết hay ngôn ngữ ký hiệu và cả các biểu đạt không lời như bằng hình hay vật thể nghệ thuật.[23] Các phương tiện biểu đạt bao gồm sách, báo,[24] tờ rơi,[25] áp-phích, biểu ngữ,[26] trang phục và các đơn từ pháp lý. [27]  Các phương tiện ấy bao gồm mọi hình thức âm thanh – hình ảnh cũng như các dạng biểu đạt bằng điện tử và qua internet.

                   Tự do biểu đạt và truyền thông

13.       Một nền báo chí hay truyền thông tự do, không bị kiểm duyệt và không bị cản trở là cần thiết trong bất kỳ xã hội nào để đảm bảo tự do quan điểm và tự do biểu đạt và thụ hưởng các quyền khác theo Công ước. Đó là một trong các trụ cột của một xã hội dân chủ.[28] Công ước bao hàm một quyền mà với quyền ấy truyền thông có thể tiếp nhận thông tin để từ đó có thể thực hiện chức năng của mình.[29] Tự do truyền bá thông tin và các ý tưởng về các vấn đề xã hội và chính trị giữa những công dân, các ứng cử viên và đại biểu dân cử là cần thiết. Điều này có nghĩa là một tờ báo hay một phương tiện truyền thông có thể bình luận về một vấn đề xã hội mà không bị kiểm duyệt hay hạn chế và để thông tin quan điểm của công chúng. [30] Gắn với điều đó, công chúng cũng có một quyền tương ứng tiếp nhận các sản phẩm truyền thông.[31]

14.       Là một phương tiện bảo vệ các quyền của người sử dụng truyền thông, bao gồm những người thiểu số về dân tộc và ngôn ngữ, được tiếp nhận rộng rãi các loại thông tin và ý tưởng, các Quốc gia thành viên phải đặc biệt quan tâm đến việc khuyến khích một nền truyền thông độc lập và đa dạng.

15.       Quốc gia thành viên cần cân nhắc đến mức độ phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, đã làm thay đổi đáng kể các hành vi thông tin trên toàn thế giới, như các hệ thống truyền thông dựa vào internet và điện thoại di động,. Ngày nay có cả một mạng lưới toàn cầu để trao đổi thông tin và quan điểm mà không nhất thiết phải dựa vào những hình thức truyền thông đại chúng truyền thống. Quốc gia thành viên phải tiến hành những bước cần thiết để thúc đẩy tính độc lập của những phương tiện truyền thông mới này và để đảm bảo các cá nhân có thể tiếp cận được với những phương tiện ấy.

16.       Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng các phương tiện phát thanh truyền hình công vận hành một cách độc lập.[32] Theo đó, Quốc gia thành viên phải đảm bảo tính độc lập và tự do biên tập của những phương tiện ấy. Quốc gia thành viên phải cấp ngân sách theo cách thức không làm ảnh hưởng đến tính độc lập của các phương tiện này.

17.       Các vấn đề khác về truyền thông được thảo luận trong phần sau của Bình luận chung này về những hạn chế đối với tự do biểu đạt.

                   Quyền tiếp cận thông tin

18.       Khoản 2, Điều 19 bao hàm một quyền tiếp cận thông tin mà các cơ quan công quyền nắm giữ. Các thông tin ấy bao gồm các dạng hồ sơ do một cơ quan công quyền nắm giữ, bất kể hình thức lưu trữ, nguồn tin và ngày xác lập. Các cơ quan công quyền là các cơ quan được nêu tại trong đoạn 7 của Bình luận chung này. Những cơ quan ấy có thể cũng bao gồm các pháp nhân đang thực hiện chức năng công. Như đã lưu ý, cũng theo Điều 25 của Công ước, quyền tiếp cận thông tin bao gồm một quyền mà với quyền ấy truyền thông được tiếp cận thông tin về các vấn đề công[33] và quyền của công chúng nói chung được tiếp nhận sản phẩm truyền thông.[34] Các yếu tố của quyền tiếp cận thông tin cũng được đề cập trong các phần khác của Công ước. Như Ủy ban đã đưa ra Bình luận chung số 16 về Điều 17 của Công ước, mỗi cá nhân có quyền xác định qua một hình thức dễ hiểu xem rằng những dữ liệu cá nhân nào được lưu trữ dưới dạng các tập dữ liệu tự động và vì mục đích gì. Mỗi cá nhân cũng phải có thể xác định cơ quan công quyền hay cá nhân hay tổ chức nào kiểm soát hoặc có thể kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình. Nếu những tập số liệu đó bao gồm các dữ liệu cá nhân không đúng hoặc đã được thu thập hay xử lý không theo quy định của pháp luật, mọi cá nhân đều phải có quyền yêu cầu điều chỉnh dữ liệu của mình. Theo Điều 10 của Công ước, một người tù không mất đi quyền tiếp cận thông tin y tế của mình.[35] Ủy ban, trong Bình luận chung số 32 về Điều 14, đã đưa ra nhiều quyền về thông tin đối với những người bị buộc tội hình sự.[36] Theo quy định của Điều 2, con người phải được nhận thông tin về các quyền theo Công ước nói chung.[37] Theo Điều 27, một quyết định của một Quốc gia thành viên mà kết quả có thể là phải hy sinh lối sống và văn hóa của một nhóm thiểu số thì việc ra quyết định phải được tiến hành theo tiến trình chia sẻ thông tin và tham vấn với những cộng đồng bị ảnh hưởng.[38]

19.       Để quyền tiếp cận thông tin có hiệu lực, Quốc gia thành viên phải chủ động đưa ra công chúng những thông tin nhà nước vì lợi ích công. Quốc gia thành viên phải bằng mọi nỗ lực để đảm bảo tiếp cận những thông tin này được dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả và thực tiễn. Quốc gia thành viên cũng phải xây dựng những thủ tục cần thiết để một người có thể tiếp cận được thông tin, ví dụ như bằng các biện pháp lập pháp về tự do thông tin.[39] Những thủ tục ấy phải tạo điều kiện xử lý nhanh chóng các yêu cầu thông tin theo những nguyên tắc rõ ràng và phù hợp với Công ước. Chi phí yêu cầu thông tin không được trở thành rào cản phi lý trong tiếp cận thông tin. Cơ quan chức năng phải đưa ra lý do cho bất kỳ việc từ chối cung cấp tiếp cận thông tin nào. Phải có cơ chế để khiếu nại việc từ chối tiếp cận thông tin cũng như các trường hợp không thực hiện việc phản hồi yêu cầu tiếp cận thông tin.

                   Tự do biểu đạt và các quyền chính trị

20.       Ủy ban, trong Bình luận chung số 25 về sự tham gia vào các hoạt động xã hội và quyền bầu cử, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do biểu đạt trong thực hành các hoạt động xã hội và việc thực thi hiệu quả quyền bầu cử. Tự do truyền bá thông tin và ý tưởng về các vấn đề công cộng và vấn đề chính trị giữa các công dân, các ứng cử viên và đại biểu dân cử là cần thiết. Điều này có nghĩa là báo chí hay phương tiện truyền thông khác có thể bình luận về một vấn đề công cộng và để thông tin về quan điểm của công chúng mà không có kiểm duyệt hay hạn chế.[40] Quốc gia thành viên cần chú ý đến những chỉ dẫn trong bình luận chung số 25 về việc thúc đẩy và bảo vệ tự do biểu đạt trong bối cảnh này.

                   Việc áp dụng Điều 19 (3)

21.       Khoản 3 thể hiện rõ ràng rằng việc thực thi quyền tự do biểu đạt đi kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Vì lý do này, được phép có hai lĩnh vực để hạn chế quyền này, chúng có thể liên quan đến việc tôn trọng các quyền hay uy tín của người khác hoặc để bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự công (ordre public) hay vì sức khỏe hoặc đạo đức công chúng. Tuy nhiên, khi Quốc gia thành viên đặt ra những hạn chế với việc thực hành quyền tự do biểu đạt, các biện pháp hạn chế này không được làm ảnh hưởng đến bản chất của quyền. Ủy ban nhắc lại rằng không được lẫn lộn về quan hệ giữa quyền và hạn chế với quan hệ giữa quy phạm với ngoại lệ.[41] Ủy ban cũng nhắc lại quy phạm của khoản 1, Điều 5 của Công ước, theo đó “không nội dung nào trong Công ước này có thể được diễn giải để bất kỳ Nhà nước, nhóm hay người nào có bất kể quyền gì để tham gia vào bất kỳ hành động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào đã được ghi nhận trong Công ước hay hạn chế những quyền và tự do ấy ở một phạm vi rộng hơn những hạn chế được cho phép trong Công ước này”.

22.       Khoản 3 đưa ra những điều kiện cụ thể và chỉ dưới những điều kiện này mới có thể áp dụng các hạn chế: các hạn chế này phải “được luật pháp quy định”; chỉ được áp dụng các hạn chế dựa trên những lý do đưa ra trong mục (a) và (b) của khoản 3; và những hạn chế này phải tuân thủ những kiểm chứng nghiêm ngặt về tính cần thiết và mức độ tương xứng.[42]  Không được đưa ra những hạn chế với những lý do không nằm trong khoản 3, ngay cả nếu những lý do này có thể phù hợp để áp dụng hạn chế những quyền khác trong Công ước. Những hạn chế này chỉ được áp dụng với những mục đích mà vì những mục đích ấy những hạn chế này được đặt ra, và phải trực tiếp liên quan đến nhu cầu cụ thể mà những hạn chế này được định liệu.[43]

23.       Quốc gia thành viên phải đặt ra những biện pháp hiệu quả để bảo vệ chống lại những tấn công nhằm làm im tiếng những ai đang thực thi quyền tự do biểu đạt của mình. Khoản 3 không bao giờ được đưa ra làm căn cứ để bịt miệng bất kỳ việc vận động cho nền dân chủ đa đảng, các nguyên tắc dân chủ và các quyền con người.[44] Cũng không dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, việc tấn công một người, vì việc thực hành quyền tự do quan điểm hay biểu đạt của người ấy, bao gồm các hình thức tấn công như bắt giữ trái luật, tra tân, đe dọa mạng sống và sát hại, có thể coi là phù hợp với Điều 19.[45] Các nhà báo thường là đối tượng của những nguy cơ này, bị đe dọa, và bị tấn công vì hoạt động của họ.[46] Tương tự với những người tham gia vào việc thu thập và phân tích thông tin về tình hình nhân quyền và những người công bố các báo cáo liên quan đến nhân quyền, bao gồm các thẩm phán và luật gia.[47] Những tấn công này phải được điều tra triệt để một cách nhanh chóng, và người tấn công phải bị truy tố,[48]  và các nạn nhân, hay, trong trường hợp bị sát hại thì là đại diện của họ, phải nhận được các hình thức bồi hoàn thích đáng.[49]

24.       Các hạn chế phải do luật quy định. Luật có thể bao gồm luật về đặc quyền nghị viện[50]  và luật về khinh miệt tòa án.[51] Vì bất kỳ một hạn chế nào với tự do biểu đạt đều tạo nên một sự ảnh hưởng xấu đến nhân quyền, một hạn chế đưa ra theo các lý do truyền thống, tôn giáo hay các luật tục đều không phù hợp với Công ước.[52]

25.       Vì mục đích nêu trong khoản 3, một quy phạm để được coi là một “luật” phải được xác lập với độ chính xác thích đáng để căn cứ vào đó cá nhân có thể điều chỉnh hành vi của mình[53] và phải được đưa ra để công chúng có thể tiếp cận. Một luật không thể trao thẩm quyền quyết định giới hạn tự do biểu đạt cho chính chủ thể có nhiệm vụ thi hành nó.[54] Các luật phải đưa ra hướng dẫn phù hợp để những người thừa hành có thể hiểu biết rõ những loại biểu đạt nào bị hạn chế và những loại biểu đạt nào không bị hạn chế.

26.       Các luật hạn chế những quyền theo khoản 2, Điều 19, bao gồm các luật nêu trong đoạn 24, không những phải tuân thủ những yêu cầu chặt chẽ của khoản 3, Điều 19 mà còn phải phù hợp với những điều khoản và mục đích của Công ước.[55] Các luật không được vi phạm điều khoản không biệt đối xử của Công ước. Các luật không được đưa ra những hình phạt không phù hợp với Công ước, ví dụ như trừng phạt thân thể.[56]

27.       Quốc gia thành viên phải chứng minh cơ sở pháp lý để đưa ra bất kỳ biện pháp nào hạn chế tự do biểu đạt.[57] Nếu, liên quan đến một Quốc gia thành viên cụ thể, Ủy ban phải xem xét liệu một biện pháp cụ thể có thể được áp dụng theo luật, Quốc gia thành viên đó phải cung cấp thông tin chi tiết về luật ấy và về các hành động nằm trong phạm vi của luật ấy.[58]

28.       Lý do chính đáng đầu tiên để đưa ra biện pháp hạn chế nêu trong khoản 3 là để tôn trọng các quyền hay uy tín của người khác. Thuật ngữ “các quyền” bao gồm các quyền con người ghi nhận trong Công ước và nhìn chung trong luật nhân quyền quốc tế. Ví dụ, hạn chế tự do biểu đạt nhằm bảo vệ quyền bầu cử theo Điều 25 hoặc các quyền theo Điều 17 (xem đoạn 37) là chính đáng.[59] Những biện pháp hạn chế này phải được xây dựng một cách cẩn trọng: trong khi được phép hạn chế để bảo vệ người đi bỏ phiếu khỏi những hình thức biểu đạt tạo ra sự đe dọa hoặc cưỡng ép, những biện pháp hạn chế không được làm ảnh hưởng đến những tranh luận chính trị, ví dụ, kêu gọi tẩy chay một cuộc bầu cử không bắt buộc.[60] Thuật ngữ “người khác” có thể liên quan đến những cá nhân người hoặc những thành viên của một cộng đồng.[61] Tuy vậy, nó có thể, ví dụ, chỉ những thành viên cá thể của một cộng đồng được xác định bằng niềm tin tôn giáo[62] hay sắc tộc.[63]

29.       Lý do chính đáng thứ hai là bảo vệ an ninh quốc gia hay trật tự công (ordre public), hay sức khỏe hoặc đạo đức công cộng.

30.       Quốc gia thành viên phải tuyệt đối cẩn trọng để đảm bảo rằng luật về tội phản bội tổ quốc[64] và những quy định tương tự liên quan đến an ninh quốc gia, dù được gọi tên là luật về bí mật nhà nước hay về lật đổ chính quyền hay bất kỳ hình thức nào, phải được xây dựng và áp dụng theo cách thức tuân thủ những yêu cầu chặt chẽ của khoản 3. Sẽ không phù hợp với khoản 3 nếu, ví dụ, dung những luật này để trấn áp hay bưng bít những thông tin chung liên quan đến công ích mà không làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, hay truy bức các nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động môi trường, những người bảo vệ nhân quyền, hay những người khác vì truyền bá những thông tin đó.[65] Hay nhìn chung sẽ là không phù hợp nếu đưa vào những luật này những thông tin liên quan đến các lĩnh vực thương mại, ngân hàng hay tiến bộ khoa học.[66] Ủy ban đã kết luận trong một trường hợp việc hạn chế ban hành một tuyên bố ủng hộ trong một tranh chấp lao động, bao gồm việc chủ trì một cuộc đình công quốc gia, với lý do an ninh quốc gia, là không chấp nhận được.[67]

31.       Trên cơ sở duy trì trật tự công (ordre public), có thể, ví dụ, được phép trong những hoàn cảnh nhất định, hạn chế việc phát biểu trước công chúng tại một địa điểm công cộng cụ thể.[68] Coi thường các thủ tục tòa án liên quan đến các hình thức biểu đạt có thể bị kiểm chứng với lý do giữ trật tự công (ordre public). Để tuân thủ với khoản 3, những quy trình thủ tục và hình phạt áp dụng phải được thể hiện là để đảm bảo việc thực thi quyền lực của toàn án nhằm duy trì các quy trình thủ tục ấy một cách trật tự.[69] Những thủ tục này dù sao cũng không được dùng để hạn chế việc thực hành một cách chính đáng quyền bào chữa.

32.       Ủy ban nêu ra trong Bình luận chung số 22 rằng, “khái niệm đạo đức bắt nguồn từ rất nhiều truyền thống xã hội, triết lý và tôn giáo; vì thế, các hạn chế,... vì mục đích bảo vệ đạo đức phải dựa trên những nguyên tắc không bắt nguồn chủ đạo từ một truyền thống đơn lẻ nào”. Bất kỳ hạn chế nào như vậy cần được hiểu dưới góc độ tính phổ quát của các quyền con người và nguyên tắc không phân biệt đối xử.

33.       Các hạn chế phải là “cần thiết” vì một mục đích chính đáng. Vì thế, ví dụ, việc cấm một quảng cáo thương mại bằng một ngôn ngữ, với quan điểm bảo vệ ngôn ngữ của một cộng đồng cụ thể, vi phạm nguyên tắc cân thiết nếu việc bảo vệ ấy có thể đạt được bằng những hình thức khác mà không hạn chế tự do biểu đạt.[70] Mặt khác, Ủy ban đã kết luận rằng một Quốc gia thành viên đã tuân thủ nguyên tắc cần thiết khi Quốc gia ấy chuyển một giáo viên đã xuất bản tài liệu biểu hiện sự thù nghịch với một cộng đồng tôn giáo sang một vị trí không giảng dạy để bảo vệ quyền và tự do của trẻ em thuộc cộng đồng tôn giáo ấy trong trường học đó.[71]

34.       Các hạn chế không được quá rộng. Ủy ban đã đưa ra trong Bình luận chung số 27 rằng “các biện pháp hạn chế phải tuân thủ nguyên tắc tương xứng (proportionality); các biện pháp ấy phải phù hợp để đạt được chức năng bảo vệ; các biện pháp ấy phải là phương tiện ít xâm hại nhất trong số những biện pháp có thể để đạt được chức năng bảo vệ; những biện pháp ấy phải tương xứng với lợi ích cần được bảo vệ... Nguyên tắc tương xứng phải được tôn trọng không chỉ trong các luật đưa ra những biện pháp hạn chế mà còn cả với những cơ quan chức năng hành chính và tư pháp khi áp dụng luật”.[72] Nguyên tắc tương xứng cũng phải tính đến những hình thức biểu đạt với từng vấn đề cụ thể cũng như với các phương tiện truyền bá hình thức biểu đạt. Ví dụ, Ủy ban đánh giá cao những biểu đạt không bị ngăn cản trong những hoàn cảnh tranh luận công khai trong một xã hội dân chủ về những nhân vật của công chúng và trong giới chính trị.[73]

35.       Khi một Quốc gia thành viên lấy một căn cứ chính đáng làm cơ sở để hạn chế tự do biểu đạt, Quốc gia ấy phải chứng tỏ một cách cụ thể và với chính trường hợp ấy, bản chất chính xác của mối nguy cơ, sự cần thiết và tính phù hợp về quy mô của hành động cụ thể đã được tiến hành, đặc biệt bằng cách xác lập mối quan hệ trực tiếp và tức thì giữa việc biểu đạt bị hạn chế và nguy cơ.[74]

36.       Ủy ban bảo lưu việc đánh giá xem, trong một tình huống cụ thể, có thể có những điều kiện khiến một hạn chế tự do biểu đạt là cần thiết.[75] Về việc này, Ủy ban nhắc lại rằng phạm vi của quyền tự do này không thể đánh giá bằng việc dẫn chiếu đến một “sự khác biệt trong phạm vi cho phép” (a “margin of appreciation”) [76] và để Ủy ban có thể thực hiện chức năng này, một Quốc gia thành viên, trong một trường hợp cụ thể, phải chứng tỏ một cách cụ thể bản chất chính xác của mối nguy cơ với bất kỳ căn cứ nào đã liệt kê trong khoản 3 khiến cho Quốc gia ấy phải hạn chế tự do biểu đạt.[77]

                   Phạm vi giới hạn của các biện pháp hạn chế tự do biểu đạt ở một số lĩnh vực nhất định

37.       Trong số những hạn chế lên các tranh luận chính trị đã khiến Ủy ban quan ngại có việc cấm vận động đến từng nhà,[78] hạn chế số lượng và hình thức tài liệu có thể được phân phát trong các chiến dịch tranh cử,[79] ngăn cản tiếp cận với các nguồn tin trong giai đoạn bầu cử, bao gồm truyền thông địa phương và quốc tế, hay các bình luận chính trị,[80] và hạn chế các đảng phái và chính trị gia đối lập tiếp cận các cổng truyền thông.[81] Mỗi biện pháp hạn chế phải phù hợp với khoản 3. Tuy nhiên, có thể là chính đáng khi Quốc gia thành viên hạn chế bỏ phiếu thăm dò ngay trước cuộc bầu cử để duy trì tính toàn vẹn của quá trình bầu cử.[82]

38.       Như đã lưu ý trong đoạn 13 và 20, về nội dung của các tranh luận chính trị, Ủy ban đã cho rằng trong bối cảnh tranh luận công khai về các nhân vật của công chúng trong lĩnh vực chính trị và các thể chế công, Công ước đánh giá cao những biểu đạt không bị ngăn cản.[83] Vì thế, đơn thuần chỉ những hình thức biểu đạt được coi là xúc phạm một nhân vật của công chúng thì không đủ để làm căn cứ áp dụng hình phạt, cũng như các nhân vật của công chúng cũng có thể được hưởng lợi từ các quy định của Công ước.[84] Thêm nữa, mọi nhân vật của công chúng, bao gồm cả những người nắm giữ quyền lực chính trị cao nhất như người đứng đầu nhà nước và chính phủ, đều có thể là đối tượng chính đáng của những phê phán và đối lập về chính trị.[85] Theo đó, Ủy ban bày tỏ quan ngại với những luật về những vấn đề này, như tội khi quân,[86] desacato (bất kính),[87] không tôn trọng người có thẩm quyền,[88] không tôn trọng cờ và các biểu tượng, phỉ báng người đứng đầu nhà nước[89] và bảo vệ danh dự của các công chức,[90] và luật không nên quy định gia tăng hình phạt khi chỉ dựa vào nhân thân của người bị công kích. Các quốc gia thành viên không nên cấm đoán việc phê phán các thể chế như quân đội hay chính quyền.[91]

39.       Quốc gia thành viên phải đảm bảo hành lang pháp lý và hành chính điều chỉnh các phương tiện truyền thông đại chúng phù hợp với các quy định trong khoản 3.[92] Hệ thống quy định này phải tính đến sự khác biệt giữa báo in, truyền thanh truyền hình và internet, trong khi cũng phải lưu ý rằng các phương tiện truyền thông cũng có nhiều điểm chung. Từ chối cấp phép xuất bản báo hay các phương tiện truyền thông bằng bản in khác trên cơ sở những lý do ngoài điều kiện cụ thể đưa ra trong khoản 3 là trái với Điều 19. Những điều kiện này không bao giờ bao gồm việc cấm một ấn phẩm cụ thể, trừ phi có nội dung cụ thể và không tách rời, có thể bị cấm một cách chính đáng theo khoản 3. Quốc gia thành viên phải tránh áp đặt các điều kiện cấp phép kiểu lựa chọn và phí lên các phương tiện pháp thanh truyền hình, bao gồm việc thu phí đối với cộng đồng và và với các trạm phát song thương mại.[93] Tiêu chuẩn áp dụng các điều kiện này và phí cấp phép phải hợp lý và khách quan,[94] rõ ràng,[95] minh bạch,[96] không phân biệt đối xử và nhìn chung phải phù hợp với Công ước.[97] Cơ chế cấp phép truyền phát song qua truyền thông với khả năng hạn chế, như với phát thanh và truyền hình trong lãnh thổ và dịch vụ vệ tinh, phải dành tần số và thời lượng bình đẳng giữa các đơn vị phát sóng của nhà nước, thương mại và cộng đồng. Ủy ban khuyến khích các quốc gia thành viên chưa thiết lập cơ quan cấp phép phát sóng độc lập và phục vụ công, có quyền xem xét các đơn đề nghị phát sóng và cấp phép nên thiết lập cơ quan này.[98]

40.       Ủy ban nhấn mạnh nhận xét của Ủy ban trong Bình luận chung số 10 rằng “do sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, cần có các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn việc kiểm soát truyền thông vì sự kiểm soát đó sẽ can thiệp vào quyền của mỗi người thụ hưởng tự do biểu đạt”. Quốc gia thành viên không nên độc quyền kiểm soát truyền thông và phải khuyến khích tính đa nguyên của truyền thông.[99] Theo đó, Quốc gia thành viên phải tiến hành các hành động cần thiết và nhất quán với Công ước, để ngăn chặn việc chi phối hay tập trung truyền thông một cách bất hợp lý do các nhóm cơ quan truyền thông tư nhân trong những tình huống đã bị độc quyền hóa có thể có hại cho tính đa dạng của nguồn tin và quan điểm.

41.       Phải cẩn trọng để đảm bảo rằng các hệ thống của chính phủ trợ cấp cho các cổng truyền thông và các quảng cáo của chính phủ[100] không bị sử dụng vào mục đích cản trở tự do biểu đạt.[101] Thêm nữa, không được đặt các phương tiện truyền thông tư nhân dưới các điều kiện kém hơn trong những vấn đề như đảm bảo tiếp cận với các phương tiện truyền bá, phân phối và tiếp cận tin tức.[102]

42.       Việc xử phạt một cổng truyền thông, nhà xuất bản hay nhà báo chỉ vì phê phán chính phủ hay hệ thống chính trị xã hội được chính phủ tán thành[103] không bao giờ được coi là một hạn chế tự do biểu đạt cần thiết.

43.       Bất kỳ hạn chế nào lên việc vận hành các trang web, trang blog hay bất kỳ hệ thống truyền bá thông tin bằng internet, điện tử hay hệ thống nào khác, bao gồm cả các kệ thống phụ trợ thông tin như nhà cung cấp dịch vụ internet hay công cụ tìm kiếm, chỉ được phép ở mức độ phù hợp với khoản 3. Những hạn chế được phép nói chung phải cụ thể về nội dung; việc cấm đoán chung chung hoạt động của một địa chỉ hay hệ thống cụ thể là không phù hợp với khoản 3. Việc cấm một địa chỉ hay một hệ thống truyền bá thông tin không được xuất bản tài liệu chỉ dựa trên cơ sở là tài liệu ấy có thể phê phán chính phủ hay hệ thống chính trị xã hội được chính phủ ủng hộ là không phù hợp với khoản 3.[104]

44.       Báo chí là một chức năng do rất nhiều chủ thể thực hiện, bao gồm các nhà báo và nhà phân tích chuyên nghiệp, các blogger và những người tham gia dưới các hình thức tự xuất bản bằng cách in ấn, qua internet hay bằng các phương tiện khác, cũng như hệ thống chung của Nhà nước về đăng ký hay cấp phép cho nhà báo phải phù hợp với khoản 3. Chỉ được phép áp dụng các cơ chế cấp phép hạn chế nếu cần phải dành cho các nhà báo đặc quyền tiếp cận những địa điểm hay sự kiện cụ thể. Những cơ chế ấy phải được áp dụng theo cách không phân biệt đối xử và phù hợp với Điều 19 và các điều khoản khác của Công ước, dựa trên các tiêu chí khách quan và có tính đến việc báo chí là một chức năng do rất nhiều chủ thể thực thi.

45.       Thông thường, sẽ là không phù hợp với khoản 3 nếu hạn chế tự do của nhà báo và những người khác muốn thực thi quyền tự do biểu đạt của họ (ví dụ như người muốn di đến các cuộc họp về nhân quyền)[105] để di chuyển ra ngoài Quốc gia thành viên, hạn chế di chuyển vào Quốc gia thành viên với các nhà báo nước ngoài từ một số nước cụ thể[106] hay hạn chế tự do đi lại trong Nước thành viên của các nhà báo và những người điều tra nhân quyền (bao gồm khu vực bị ảnh hưởng của xung đột, khu vực thiên tai và các khu vực có cáo buộc vi phạm nhân quyền). Các nước thành viên phải công nhận và tôn trọng rằng quyền tự do biểu đạt bao hàm đặc quyền của báo chí không tiết lộ nguồn tin.[107]

46.       Các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng các biện pháp chống khủng bố phải phù hợp với khoản 3. Những hành vi tội phạm như “khuyến khích khủng bố”[108] và “hành vi quá khích”[109] hay các hành vi phạm tội “đề cao”, “ca tụng” hay “biện minh” cho khủng bố phải được định nghĩa rõ ràng để đảm bảo rằng những quy định ấy không dẫn tới việc can thiệp không cần thiết và quá mức tới tự do biểu đạt. Cũng phải tránh những hạn chế quá mức đối với tiếp cận thông tin. Truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc thông tin tới công chúng về các hành vi khủng bố và năng lực vận hành của truyền thông không nên bị hạn chế một cách trái luật. Theo đó, các nhà báo không nên bị xử phạt vì tiến hành các hoạt động chính đáng.

47.       Các luật về bôi nhọ (defamation) phải được soạn thảo một cách cẩn trọng để đảm bảo chúng tuân thủ khoản 3 và không làm hạn chế tự do biểu đạt trong thực tế.[110] Tất cả các luật tương tự, đặc biệt là luật quy định xử phạt hình sự với tội bôi nhọ, phải bao gồm các biện pháp bào chữa như xác minh sự thật và các luật này không nên được áp dụng cho các hình thức biểu đạt mà, về bản chất, không thể xác minh. Tối thiểu, với những bình luận về các nhân vật của công chúng, cần phải cân nhắc để tránh xử phạt hay thu hồi những thông điệp không đúng sự thật và trái luật đã được xuất bản do lỗi mà không có ác ý. [111] Trong bất kỳ trường hợp nào, lợi ích công chúng trong chủ đề phê phán phải được công nhận là một lý do bào chữa. Quốc gia thành viên phải cẩn trọng để tránh các biện pháp xử phạt và trừng phạt quá mức. Bất kỳ khi nào phù hợp, Quốc gia thành viên phải đưa ra những giới hạn hợp lý của bên nguyên về hoàn trả chi phí cho bên thắng.[112] Quốc gia thành viên phải xem xét phi hình sự hóa việc bôi nhọ[113] và, trong bất kỳ trường hợp nào, luật hình sự chỉ được đem ra áp dụng với những trường hợp nghiêm trọng nhất và việc bỏ tù không bao giờ là một hình phạt phù hợp. Việc một Quốc gia thành viên buộc tội hình sự một người về tội bôi nhọ nhưng sau đó không khẩn trương tiến hành phiên tòa là không chấp nhận được – những động thái có tính đe dọa như vậy có thể hạn chế việc thực thi quyền tự do biểu đạt của người đó và những người khác một cách bất hợp pháp.[114]

48.       Việc cấm đoán biểu trưng thiếu tôn trọng một tôn giáo hay một hệ thống tin ngưỡng, bao gồm các luật về phỉ báng (blasphemy), là không phù hợp với Công ước, trừ khi trong những hoàn cảnh cụ thể đã nêu trong khoản 2, Điều 20 của Công ước. Việc cấm ấy phải tuân thủ những yêu cầu chặt chẽ của khoản 3, Điều 19 cũng như trong các điều 2, 5, 17, 18 và 26. Vì thế, ví dụ, không được phép có bất kỳ luật nào có sự phân biệt tích cực hay tiêu cực với một tôn giáo hay một hệ thống tín ngưỡng cụ thể, hay với tín đồ của họ với tín đồ một tôn giáo hoặc hệ thống tín ngưỡng khác, hay giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo. Cũng không được dùng những sự ngăn cấm ấy để ngăn chặn hay trừng phạt những phê phán với các lãnh tụ tôn giáo hay với những bình luận về các hệ thống tín ngưỡng và  giáo lý.[115]

49.       Các luật xử phạt việc biểu đạt quan điểm về các thực tế lịch sử là không phù hợp với các nghĩa vụ mà Công ước áp đặt lên các Quốc gia thành viên trong việc tôn trọng tự do quan điểm và biểu đạt.[116] Công ước không cho phép việc cấm đoán chung chung những biểu đạt  một quan điểm có tính sai trái hay một cách diễn dịch không đúng về các sự kiện đã qua. Không bao giờ được hạn chế quyền tự do quan điểm và, với tự do biểu đạt, những hạn chế này không bao giờ được vượt quá những gì cho phép trong khoản 3 hay cần có theo Điều 20.

                   Mối quan hệ giữa các điều 19 và 20

50.       Các điều 19 và 20 tương thích và bổ sung cho nhau. Các hành vi nêu trong Điều 20 đều là đối tượng hạn chế trong khoản 3, Điều 19. Vì thế, một giới hạn được cho là hợp lý dựa vào Điều 20 cũng phải tuân theo khoản 3, Điều 19.[117]

51.             Điểm phân biệt các hành vi nêu trong Điều 20 với các hành vi khác có thể là đối tượng hạn chế theo khoản 3, Điều 19 là, với các hành vi trong Điều 20, Công ước chỉ ra biện pháp phản hồi cụ thể từ nhà nước: phải có luật cấm. Chỉ với khía cạnh này Điều 20 được coi là luật riêng (lex specialis) liên quan đến Điều 19.

52.             Quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải có luật quy định cấm những hình thức biểu đạt cụ thể trong Điều 20. Trong mỗi trường hợp nhà nước hạn chế tự do biểu đạt, cần phải chứng minh lệnh cấm và các điều khoản của nó tuân thủ nghiêm ngặt Điều 19.

 



   [1]            Xem Khiếu nại số 1173/2003, Benhadj v. Algeria, Quan điểm được thông qua ngày 20 tháng 7 năm 2007; số 628/1995, Park v. Hàn Quốc, Quan điểm được thông qua ngày 5 tháng 7 năm 1996.

    [2]        Xem Bình luận chung của Ủy ban số 24 (năm 1994) về các vấn đề liên quan đến bảo lưu khi phê chuẩn hoặc tham gia Công ước hay Nghị định thư Tùy chọn, hay về các tuyên bố về Điều 41 của Công ước, Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên thứ 50, phụ lục số 40 tập I  (A/50/40 (Vol. I)), phụ lụcV.

   [3]        Xem Bình luận chung của Ủy ban số 29 (năm 2001) về đình chỉ trong điều kiện khẩn cấp, đoạn 13,  Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên thứ 50, phụ lục số 40 tập I  (A/56/40 (Vol. I)), phụ lục VI.

   [4]        Bình luận chung số 29, đoạn 11.

   [5]        Bình luận chung số 24.

   [6]        Xem Bình luận chung của Ủy ban số 31 (năm 2004) về bản chất của nghĩa vụ pháp lý áp dụng cho các nước thành viên Công ước, đoạn 4, Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên thứ 50, phụ lục số 40 tập I  (A/59/40 (Vol. I)), phụ lục III

   [7]        Xem Khiếu nại số 61/1979, Hertzberg et al. v. Phần Lan, Quan điểm được thông qua ngày 2 tháng 4 năm 1982.

    [8]        Bình luận chung số 31, đoạn 8; Xem Khiếu nại số 633/1995, Gauthier v. Canada, Quan điểm được thông qua ngày 7 tháng 4 năm 1999.

   [9]        Xem Khiếu nại số 550/93, Faurisson v. Pháp, Quan điểm được thông qua ngày 8 tháng 11 năm 1996.

[10]        Xem Khiếu nại số 157/1983, Mpaka-Nsusu v. Zaire, Quan điểm được thông qua ngày 26 tháng 3 năm 1986; số 414/1990, Mika Miha v. Guinea Xích đạo., Quan điểm được thông qua ngày 8 tháng 7 năm 1994.

[11]        Xem Khiếu nại số 878/1999, Kang v. Hàn Quốc, Quan điểm được thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2003.

[12]        Xem các Khiếu nại số 359/1989 và 385/1989, Ballantyne, Davidson và McIntyre v. Canada, Quan điểm được thông qua ngày 18 tháng 10 năm 1990.

  [13]        Xem Thông tin số 414/1990, Mika Miha v. Guinea Xích đạo.

  [14]        Xem Khiếu nại số 1189/2003, Fernando v. Sri Lanka, Quan điểm được thông qua ngày 31 tháng 3 năm 2005.

[15]        Xem Khiếu nại số 1157/ 2003, Coleman v. Australia, Quan điểm được thông qua ngày 17 tháng 7 năm 2006.

[16]        Nhận xét kết luận về Nhật Bản (CCPR/C/JPN/CO/5).

[17]        Xem Khiếu nại số 1022/ 2001, Velichkin v. Belarus, Quan điểm được thông qua ngày 20 tháng 10 năm 2005.

[18]        Xem Khiếu nại số 1334/2004, Mavlonov và Sa’di v. Uzbekistan, Quan điểm được thông qua ngày 19 tháng 3 năm 2009.

[19]        Xem Khiếu nại số 926/2000, Shin v. Hàn Quốc, Quan điểm được thông qua ngày 16 tháng 3 năm 2004.

[20]        Xem Khiếu nại số 736/97, Ross v. Canada, Quan điểm được thông qua ngày 18 tháng 10 năm 2000.

[21]        Như trên.

[22]        Như trên.

[23]        Xem Khiếu nại số 926/2000, Shin v. Hàn Quốc.

[24]        Xem Khiếu nại số 1341/2005, Zundel v. Canada, Quan điểm được thông qua ngày 20 tháng 3 năm 2007.

[25]        Xem Khiếu nại số 1009/2001, Shchetoko et al. v. Belarus, Quan điểm được thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2006.

[26]        Xem Khiếu nại số 412/1990, Kivenmaa v. Phần Lan, Quan điểm được thông qua ngày 31 tháng 3 năm 1994.

[27]        Xem Khiếu nại số 1189/ 2003, Fernando v. Sri Lanka.

[28]        Xem Khiếu nại số 1128/ 2002, Marques v. Angola, Quan điểm được thông qua ngày 29 tháng 3 năm 2005.

[29]        Xem Khiếu nại số 633/95, Gauthier v. Canada.

[30]        Xem Bình luận chung của Ủy ban số 25 (năm 1996) về Điều 25 (Sự tham gia trong quan hệ công và quyền bầu cử), đoạn 25, Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên thứ 50, phụ lục số 40 tập I  (A/51/40 (Vol. I)), phụ lụcV.

[31]        Xem Khiếu nại số 1334/2004, Mavlonov và Sa’di v. Uzbekistan.

[32]        Nhận xét kết luận về Cộng hòa Moldova (CCPR/CO/75/MDA).

[33]        Xem Khiếu nại số 633/95, Gauthier v. Canada.

[34]        Xem Khiếu nại số 1334/2004, Mavlonov và Sa’di v. Uzbekistan.

[35]        Xem Khiếu nại số 726/1996, Zheludkov v. Ukraine, Quan điểm được thông qua ngày 29 Tháng Mười năm 2002.

[36]        Xem Bình luận chung của Ủy ban số 32 (năm 2007) về quyền bình đẳng trước các tòa án và phiên tòa và quyền được xét xử công bằng, đoạn 33, Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên 62, Phụ lục số 40, tập I (A/62/40 (Vol. I)), phụ lụcVI

[37]        Bình luận chung số 31.

[38]        Xem Khiếu nại số 1457/ 2006, Poma v. Peru, Quan điểm được thông qua ngày 27 tháng 3 năm 2009.

[39]        Nhận xét kết luận về Azerbaijan (CCPR/C/79/Add.38 (năm 1994)).

[40]        Xem Bình luận chung số 25 về Điều 25 của Công ước, đoạn 25. 

[41]        Xem Bình luận chung của Ủy ban số 27 về Điều 12, Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên họp 55, Phụ lục số 40, vol. I (A/55/40 (Vol. I)), phụ lục VI, sect. A

  [42]        Xem Khiếu nại số 1022/2001, Velichkin v. Belarus, Quan điểm được thông qua ngày 20 tháng 10 năm 2005.

[43]        Xem Bình luận chung của Ủy ban số 22, Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên 48, Phụ lục số 40 (A/48/40), phụ lụcVI

[44]            Xem Khiếu nại số 458/91, Mukong v. Cameroon, Quan điểm được thông qua ngày 21 tháng 7 năm 1994.

[45]        Xem Khiếu nại số 1353/2005, Njaru v. Cameroon, Quan điểm được thông qua ngày 19 tháng 3 năm 2007.

[46]        Tham khảo, ví dụ, Nhận xét kết luận về Algeria (CCPR/C/DZA/CO/3); Nhận xét kết luận về Costa Rica (CCPR/C/CRI/CO/5); Nhận xét kết luận về Sudan (CCPR/C/SDN/CO/3).

[47]        Xem Khiếu nại số 1353/2005, Njaru v. Cameroon ; Nhận xét kết luận về Nicaragua (CCPR/C/NIC/CO/3); Nhận xét kết luận về Tunisia (CCPR/C/TUN/CO/5); Nhận xét kết luận về The Syrian Arab Republic (CCPR/CO/84/SYR); Nhận xét kết luận về Colombia (CCPR/CO/80/COL).

[48]        Như trên. và Nhận xét kết luận về Georgia (CCPR/C/GEO/CO/3).

[49]        Nhận xét kết luận về Guyana (CCPR/C/79/Add.121).

  [50]        Xem Khiếu nại số 633/95, Gauthier v. Canada.

[51]        Xem Khiếu nại số 1373/2005, Dissanayake v. Sri Lanka, Quan điểm được thông qua ngày 22 tháng 7 năm 2008.

[52]        Xem Bình luận chung số 32.

[53]        Xem Khiếu nại số 578/1994, de Groot v. Hà Lan, Quan điểm được thông qua ngày 14 tháng 7 năm 1995.

  [54]        Xem Bình luận chung số 27.

[55]        Xem Khiếu nại số 488/1992, Toonen v. Australia, Quan điểm được thông qua ngày 30 tháng 3 năm 1994.

[56]        Bình luận chung số 20, Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên 47, Phụ lục số 40 (A/47/40), phụ lục VI, sect. A.

[57]        Xem Khiếu nại số 1553/2007, Korneenko et al. v. Belarus, Quan điểm được thông qua ngày 31 tháng 10 năm 2006.

[58]        Xem Khiếu nại số 132/1982, Jaona v. Madagascar, Quan điểm được thông qua ngày 1 tháng 4 năm 1985.

  [59]        Xem Khiếu nại số 927/ 2000, Svetik v. Belarus, Quan điểm được thông qua ngày 8 tháng 7 năm 2004.

[60]        Như trên.

[61]        Xem Khiếu nại số 736/97, Ross v. Canada, Quan điểm được thông qua ngày 18 tháng 10 năm 2000.

[62]        Xem Khiếu nại số 550/93, Faurisson v. Pháp; Nhận xét kết luận về Áo (CCPR/C/AUT/CO/4).

[63]        Nhận xét kết luận về Slovakia (CCPR/CO/78/SVK); Nhận xét kết luận về Israel (CCPR/CO/78/ISR).

[64]            Nhận xét kết luận về Hong Kong (CCPR/C/HKG/CO/2).

[65]        Nhận xét kết luận về Liên bang Nga (CCPR/CO/79/RUS).

y [66]        Nhận xét kết luận về Uzbekistan (CCPR/CO/71/UZB).

[67]        Xem Khiếu nại số 518/1992, Sohn v. Hàn Quốc, Quan điểm được thông qua ngày 18 tháng 3 năm 1994.

[68]        Xem Khiếu nại số 1157/2003, Coleman v. Australia.

[69]        Xem Khiếu nại số 1373/2005, Dissanayake v. Sri Lanka.

[70]        Xem Khiếu nại số 359, 385/89, Ballantyne , Davidson và McIntyre v. Canada.

[71]        Xem Khiếu nại số 736/97, Ross v. Canada, Quan điểm được thông qua ngày 17 tháng 7 năm 2006.

[72]        Bình luận chung số 27, đoạn 14. Tham khảo thêm các khiếu nại số 1128/2002, Marques v. Angola; số 1157/2003, Coleman v. Australia.

[73]        Xem Khiếu nại số 1180/2003, Bodrozic v. Serbia và Montenegro, Quan điểm được thông qua ngày 31 tháng 10 năm 2005.

[74]        Xem Khiếu nại số 926/2000, Shin v. Hàn Quốc .

[75]        Xem Khiếu nại số 518/1992, Sohn v. Hàn Quốc .

[76]        Xem Khiếu nại số 511/1992, Ilmari Länsman, et al. v. Phần Lan, Quan điểm được thông qua ngày 14 tháng 10 năm 1993.

[77]        Xem Khiếu nại số 518/92, Sohn v. Hàn Quốc; số 926/năm 2000, Shin v. Hàn Quốc,.

  [78]        Nhận xét kết luận về Nhật Bản (CCPR/C/JPN/CO/5).

[79]        Như trên.

[80]        Nhận xét kết luận về Tunisia (CCPR/C/TUN/CO/5).

[81]        Nhận xét kết luận về Togo (CCPR/CO/76/TGO); Nhận xét kết luận về Moldova (CCPR/CO/75/MDA).

[82]        Xem Khiếu nại số 968/2001, Kim v. Hàn Quốc, Quan điểm được thông qua ngày 14 tháng 3 năm 1996.

[83]        Xem Khiếu nại số 1180/2003, Bodrozic v. Serbia và Montenegro, Quan điểm được thông qua ngày 31 tháng 10 năm 2005.

[84]        Như trên.

[85]        Xem Khiếu nại số 1128/2002, Marques v. Angola.

[86]            Xem Khiếu nại số 422-424/1990, Aduayom et al. v. Togo, Quan điểm được thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1994.

[87]        Nhận xét kết luận về Cộng hòa Dominica (CCPR/CO/71/DOM).

[88]        Nhận xét kết luận về Honduras (CCPR/C/HND/CO/1).

[89]        Xem Nhận xét kết luận về Zambia (CCPR/ZMB/CO/3), đoạn25.

[90]        Xem Nhận xét kết luận về Costa Rica (CCPR/C/CRI/CO/5), đoạn 11.

[91]        Như trên., and Xem Nhận xét kết luận về Tunisia (CCPR/C/TUN/CO/5), đoạn 91..

[92]        Xem Nhận xét kết luận về Việt Nam (CCPR/CO/75/VNM), đoạn 18, and Nhận xét kết luận về Lesotho (CCPR/CO/79/Add.106), đoạn 23.

[93]        Nhận xét kết luận về Gambia (CCPR/CO/75/GMB).

[94]        Xem Nhận xét kết luận về Lebanon (CCPR/CO/79/Add.78), đoạn 25.

[95]        Nhận xét kết luận về Kuwait (CCPR/CO/69/KWT); Nhận xét kết luận về Ukraine (CCPR/CO/73/UKR).

  [96]        Nhận xét kết luận về Kyrgyzstan (CCPR/CO/69/KGZ).

[97]        Nhận xét kết luận về Ukraine (CCPR/CO/73/UKR).

[98]        Nhận xét kết luận về Lebanon (CCPR/CO/79/Add.78).

[99]        Xem Nhận xét kết luận về Guyana (CCPR/CO/79/Add.121), đoạn 19; Nhận xét kết luận về Liên bang Nga (CCPR/CO/79/RUS); Nhận xét kết luận về Việt Nam (CCPR/CO/75/VNM); Nhận xét kết luận về Italy (CCPR/C/79/Add. 37).

[100]        Xem Nhận xét kết luận về Lesotho (CCPR/CO/79/Add.106), đoạn 22.

[101]        Nhận xét kết luận về Ukraine (CCPR/CO/73/UKR).

[102]        Nhận xét kết luận về Sri Lanka (CCPR/CO/79/LKA); và xem Nhận xét kết luận về Togo (CCPR/CO/76/TGO), đoạn 17.

[103]        Nhận xét kết luận về Peru (CCPR/CO/70/PER).

[104]        Nhận xét kết luận về the Syrian Arab Republic (CCPR/CO/84/SYR).

[105]        Nhận xét kết luận về Uzbekistan (CCPR/CO/83/UZB); Nhận xét kết luận về Morocco (CCPR/CO/82/MAR).

[106]        Nhận xét kết luận về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CCPR/CO/72/PRK).

[107]        Nhận xét kết luận về Kuwait (CCPR/CO/69/KWT).

[108]        Nhận xét kết luận về the Vương quốc Anh và Bắc Ailen (CCPR/C/GBR/CO/6).

[109]        Nhận xét kết luận về Liên bang Nga (CCPR/CO/79/RUS).

[110]        Nhận xét kết luận về Vương quốc Anh và Bắc Ailen (CCPR/C/GBR/CO/6).

[111]        Như trên.

[112]        Như trên.

[113]        Nhận xét kết luận về Italy (CCPR/C/ITA/CO/5); Nhận xét kết luận về the Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ (CCPR/C/MKD/CO/2).

[114]        Xem Khiếu nại số 909/2000, Kankanamge  v. Sri Lanka, Quan điểm được thông qua ngày 27 tháng 7 năm 2004.

[115]        Nhận xét kết luận về Vương quốc Anh và Bắc Ailen, khu vực Jersey, Guernsey và đảo Man (CCPR/C/79/Add.119). Xem Nhận xét kết luận về Kuwait (CCPR/CO/69/KWT).

[116]        Được gọi là “Luật về ký ức” (“Memory-laws”, Xem Khiếu nại số 550/93, Faurisson v. Pháp. Tham khảo thêm Nhận xét kết luận về Hungary (CCPR/C/HUN/CO/5) đoạn 19.

[117]        Xem Khiếu nại số 736/1997, Ross v. Canada, Quan điểm được thông qua ngày 18 tháng 10 năm 2000.

 

 

 

ỦY BAN NHÂN QUYỀN

Phiên họp 102 (Geneva, 11-29/7/2011)

 

Bình luận chung số 34

Điều 19: Tự do quan điểm và biểu đạt

(Freedom of opinion and expression)

Nhận xét chung

1.         Bình luận chung này thay thế Bình luận chung số 10 (phiên họp thứ 19).

2.         Tự do quan điểm và tự do biểu đạt là những điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển đầy đủ của con người. Bất kỳ xã hội nào cũng cần có tự do quan điểm và tự do biểu đạt.[1] Chúng tạo thành nền tảng cho mọi xã hội tự do và dân chủ. Hai quyền tự do này có liên quan chặt chẽ, trong đó tự do biểu đạt là phương tiện cho việc trao đổi và phát triển các quan điểm.

3.         Tự do biểu đạt là điều kiện cần cho việc hiện thực hóa các nguyên tắc minh bạch và trách nhiệm giải trình, đến lượt mình, chúng lại cần thiết cho việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người.

4.         Trong số các điều khoản bao hàm việc đảm bảo tự do quan điểm và/ hoặc tự do biểu đạt, có các điều 18, 17, 25 và 27. Tự do quan điểm và tự do biểu đạt tạo lập nền tảng cho việc thụ hưởng một cách đầy đủ nhiều quyền con người khác. Ví dụ, tự do biểu đạt là thành tố của việc thụ hưởng các quyền tự do hội họp và tự do lập hội, và thực hành quyền bầu cử.

5.         Xem xét đến những khái niệm cụ thể của khoản 1, Điều 19 cũng như mối quan hệ giữa quan điểm và tư tưởng (Điều 18), việc bảo lưu khoản 1 là không phù hợp với đối tượng và mục đích của Công ước.[2] Thêm nữa, mặc dù tự do quan điểm không được nêu ra trong số các quyền không thể đình chỉ như trong Điều 4 của Công ước, cần nhắc lại rằng, “trong những điều khoản của Công ước không được nhắc đến trong khoản 2, Điều 4, có những yếu tố mà theo quan điểm của Ủy ban là không thể phải chịu sự đình chỉ hợp pháp theo Điều 4”.[3] Tự do quan điểm là một yếu tố như vậy, vì không bao giờ có thể cần thiết phải đình chỉ tự do quan điểm ngay cả trong tình trạng khẩn cấp.[4]

6.         Xem xét đến mối quan hệ giữa tự do biểu đạt và các quyền khác trong Công ước, trong khi việc bảo lưu với những yếu tố cụ thể của khoản 2, Điều 19 có thể được chấp nhận, một bảo lưu chung với các quyền đưa ra trong khoản 2 sẽ là không phù hợp với đối tượng và mục đích của Công ước.[5]

7.         Nghĩa vụ tôn trọng tự do quan điểm và tự do biểu đạt là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi Quốc gia thành viên như một chỉnh thể. Tất cả mọi nhánh quyền lực nhà nước (hành pháp, lập pháp và tư pháp) và các cơ quan công quyền và tổ chức của chính phủ, dù ở cấp độ nào – quốc gia, khu vực hay địa phương – đều có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của Quốc gia thành viên.[6] Các trách nhiệm đó cũng có thể phát sinh với một Quốc gia thành viên trong một số trường hợp nhất định liên quan đến các chủ thể có tư cách bán nhà nước.[7] Nghĩa vụ này cũng yêu cầu các Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng mọi người được bảo vệ khỏi bất kỳ hành vi nào của cá nhân hay pháp nhân thuộc khu vực tư có thể ảnh hưởng xấu đến việc thụ hưởng các quyền tự do quan điểm và tự do biểu đạt đến mức độ những quyền theo Công ước này dễ bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng của các cá nhân hoặc pháp nhân thuộc khu vực tư.[8]

8.         Các Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng các quyền trong Điều 19 của Công ước có hiệu lực trong hệ thống nội luật của quốc gia, và có tinh thần nhất quán với những chỉ dẫn của Ủy ban trong Bình luận chung số 31 về bản chất của các nghĩa vụ pháp lý chung đối với Nước thành viên Công ước. Nhắc lại rằng các Quốc gia thành viên phải cung cấp cho Ủy ban, trong các báo cáo theo Điều 49, những quy tắc trong nội luật, các thủ tục hành chính và quyết định tư pháp, cũng như các chính sách liên quan và các thực tiễn bởi các ngành khác nhau liên quan đến các quyền được bảo vệ theo Điều 19, bao gồm các vấn đề được thảo luận trong bình luận chung này. Nội dung báo cáo cũng phải có thông tin về các biện pháp khắc phục sẵn có nếu những quyền này bị vi phạm.

                   Tự do quan điểm

9.         Khoản 1, Điều 19 yêu cầu bảo vệ quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp. Đây là một quyền mà Công ước không cho phép có ngoại lệ hay hạn chế. Tự do quan điểm còn bao gồm quyền của một người được tự do lựa chọn thay đổi quan điểm bất cứ khi nào và vì bất cứ lý do gì. Không ai có thể bị hạn chế bất kỳ quyền nào trong Công ước do quan điểm của mình, dù đó là quan điểm thực tế, quan điểm được ghi nhận hoặc suy đoán là của người đó. Mọi hình thức quan điểm đều được bảo vệ, bao gồm các quan điểm có bản chất chính trị, khoa học, lịch sử, đạo đức hay tự nhiên. Hình sự hóa việc duy trì một quan điểm là không phù hợp với khoản 1.[9]  Sách nhiễu, đe dọa hay kỳ thị một người, bao gồm việc bắt, giam giữ, truy tố hay bỏ tù một người vì những lý do những quan điểm họ có thể có là vi phạm khoản 1, Điều 19.[10]  

10.       Cấm bất kỳ nỗ lực nào nhằm cưỡng bức việc giữ hay không giữ bất kỳ quan điểm nào.[11] Tự do biểu đạt quan điểm của một người cũng cần phải bao gồm tự do không biểu đạt quan điểm của một người.

                   Tự do biểu đạt

11.       Khoản 2 yêu cầu Quốc gia thành viên phải đảm bảo quyền tự do biểu đạt, bao gồm quyền tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi loại thông tin và ý tưởng bất kể biên giới. Quyền này bao gồm việc biểu đạt và tiếp nhận những thông điệp về ý tưởng và quan điểm dưới mọi hình thức có thể truyền đạt đến người khác, theo quy định trong khoản 3, Điều 19 và Điều 20.[12] Quyền này bao gồm các tranh luận chính trị,[13] bình luận về một người[14] và về các vấn đề chung,[15] vận động,[16] thảo luận về nhân quyền,[17] báo chí,[18] các biểu đạt văn hóa và nghệ thuật,[19] dạy học,[20] và tranh luận tôn giáo.[21] Quyền này cũng có thể bao gồm các quảng cáo thương mại. Phạm vi của khoản 2 bao gồm cả các biểu đạt có thể được xem là gây xúc phạm,[22] mặc dù những biểu đạt này có thể bị hạn chế theo quy định của khoản 3, Điều 19 và Điều 20.

12.       Khoản 2 bảo vệ mọi hình thức biểu đạt và hình thức truyền bá các biểu đạt đó. Những hình thức này bao gồm dạng nói, viết hay ngôn ngữ ký hiệu và cả các biểu đạt không lời như bằng hình hay vật thể nghệ thuật.[23] Các phương tiện biểu đạt bao gồm sách, báo,[24] tờ rơi,[25] áp-phích, biểu ngữ,[26] trang phục và các đơn từ pháp lý. [27]  Các phương tiện ấy bao gồm mọi hình thức âm thanh – hình ảnh cũng như các dạng biểu đạt bằng điện tử và qua internet.

                   Tự do biểu đạt và truyền thông

13.       Một nền báo chí hay truyền thông tự do, không bị kiểm duyệt và không bị cản trở là cần thiết trong bất kỳ xã hội nào để đảm bảo tự do quan điểm và tự do biểu đạt và thụ hưởng các quyền khác theo Công ước. Đó là một trong các trụ cột của một xã hội dân chủ.[28] Công ước bao hàm một quyền mà với quyền ấy truyền thông có thể tiếp nhận thông tin để từ đó có thể thực hiện chức năng của mình.[29] Tự do truyền bá thông tin và các ý tưởng về các vấn đề xã hội và chính trị giữa những công dân, các ứng cử viên và đại biểu dân cử là cần thiết. Điều này có nghĩa là một tờ báo hay một phương tiện truyền thông có thể bình luận về một vấn đề xã hội mà không bị kiểm duyệt hay hạn chế và để thông tin quan điểm của công chúng. [30] Gắn với điều đó, công chúng cũng có một quyền tương ứng tiếp nhận các sản phẩm truyền thông.[31]

14.       Là một phương tiện bảo vệ các quyền của người sử dụng truyền thông, bao gồm những người thiểu số về dân tộc và ngôn ngữ, được tiếp nhận rộng rãi các loại thông tin và ý tưởng, các Quốc gia thành viên phải đặc biệt quan tâm đến việc khuyến khích một nền truyền thông độc lập và đa dạng.

15.       Quốc gia thành viên cần cân nhắc đến mức độ phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, đã làm thay đổi đáng kể các hành vi thông tin trên toàn thế giới, như các hệ thống truyền thông dựa vào internet và điện thoại di động,. Ngày nay có cả một mạng lưới toàn cầu để trao đổi thông tin và quan điểm mà không nhất thiết phải dựa vào những hình thức truyền thông đại chúng truyền thống. Quốc gia thành viên phải tiến hành những bước cần thiết để thúc đẩy tính độc lập của những phương tiện truyền thông mới này và để đảm bảo các cá nhân có thể tiếp cận được với những phương tiện ấy.

16.       Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng các phương tiện phát thanh truyền hình công vận hành một cách độc lập.[32] Theo đó, Quốc gia thành viên phải đảm bảo tính độc lập và tự do biên tập của những phương tiện ấy. Quốc gia thành viên phải cấp ngân sách theo cách thức không làm ảnh hưởng đến tính độc lập của các phương tiện này.

17.       Các vấn đề khác về truyền thông được thảo luận trong phần sau của Bình luận chung này về những hạn chế đối với tự do biểu đạt.

                   Quyền tiếp cận thông tin

18.       Khoản 2, Điều 19 bao hàm một quyền tiếp cận thông tin mà các cơ quan công quyền nắm giữ. Các thông tin ấy bao gồm các dạng hồ sơ do một cơ quan công quyền nắm giữ, bất kể hình thức lưu trữ, nguồn tin và ngày xác lập. Các cơ quan công quyền là các cơ quan được nêu tại trong đoạn 7 của Bình luận chung này. Những cơ quan ấy có thể cũng bao gồm các pháp nhân đang thực hiện chức năng công. Như đã lưu ý, cũng theo Điều 25 của Công ước, quyền tiếp cận thông tin bao gồm một quyền mà với quyền ấy truyền thông được tiếp cận thông tin về các vấn đề công[33] và quyền của công chúng nói chung được tiếp nhận sản phẩm truyền thông.[34] Các yếu tố của quyền tiếp cận thông tin cũng được đề cập trong các phần khác của Công ước. Như Ủy ban đã đưa ra Bình luận chung số 16 về Điều 17 của Công ước, mỗi cá nhân có quyền xác định qua một hình thức dễ hiểu xem rằng những dữ liệu cá nhân nào được lưu trữ dưới dạng các tập dữ liệu tự động và vì mục đích gì. Mỗi cá nhân cũng phải có thể xác định cơ quan công quyền hay cá nhân hay tổ chức nào kiểm soát hoặc có thể kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình. Nếu những tập số liệu đó bao gồm các dữ liệu cá nhân không đúng hoặc đã được thu thập hay xử lý không theo quy định của pháp luật, mọi cá nhân đều phải có quyền yêu cầu điều chỉnh dữ liệu của mình. Theo Điều 10 của Công ước, một người tù không mất đi quyền tiếp cận thông tin y tế của mình.[35] Ủy ban, trong Bình luận chung số 32 về Điều 14, đã đưa ra nhiều quyền về thông tin đối với những người bị buộc tội hình sự.[36] Theo quy định của Điều 2, con người phải được nhận thông tin về các quyền theo Công ước nói chung.[37] Theo Điều 27, một quyết định của một Quốc gia thành viên mà kết quả có thể là phải hy sinh lối sống và văn hóa của một nhóm thiểu số thì việc ra quyết định phải được tiến hành theo tiến trình chia sẻ thông tin và tham vấn với những cộng đồng bị ảnh hưởng.[38]

19.       Để quyền tiếp cận thông tin có hiệu lực, Quốc gia thành viên phải chủ động đưa ra công chúng những thông tin nhà nước vì lợi ích công. Quốc gia thành viên phải bằng mọi nỗ lực để đảm bảo tiếp cận những thông tin này được dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả và thực tiễn. Quốc gia thành viên cũng phải xây dựng những thủ tục cần thiết để một người có thể tiếp cận được thông tin, ví dụ như bằng các biện pháp lập pháp về tự do thông tin.[39] Những thủ tục ấy phải tạo điều kiện xử lý nhanh chóng các yêu cầu thông tin theo những nguyên tắc rõ ràng và phù hợp với Công ước. Chi phí yêu cầu thông tin không được trở thành rào cản phi lý trong tiếp cận thông tin. Cơ quan chức năng phải đưa ra lý do cho bất kỳ việc từ chối cung cấp tiếp cận thông tin nào. Phải có cơ chế để khiếu nại việc từ chối tiếp cận thông tin cũng như các trường hợp không thực hiện việc phản hồi yêu cầu tiếp cận thông tin.

                   Tự do biểu đạt và các quyền chính trị

20.       Ủy ban, trong Bình luận chung số 25 về sự tham gia vào các hoạt động xã hội và quyền bầu cử, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do biểu đạt trong thực hành các hoạt động xã hội và việc thực thi hiệu quả quyền bầu cử. Tự do truyền bá thông tin và ý tưởng về các vấn đề công cộng và vấn đề chính trị giữa các công dân, các ứng cử viên và đại biểu dân cử là cần thiết. Điều này có nghĩa là báo chí hay phương tiện truyền thông khác có thể bình luận về một vấn đề công cộng và để thông tin về quan điểm của công chúng mà không có kiểm duyệt hay hạn chế.[40] Quốc gia thành viên cần chú ý đến những chỉ dẫn trong bình luận chung số 25 về việc thúc đẩy và bảo vệ tự do biểu đạt trong bối cảnh này.

                   Việc áp dụng Điều 19 (3)

21.       Khoản 3 thể hiện rõ ràng rằng việc thực thi quyền tự do biểu đạt đi kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Vì lý do này, được phép có hai lĩnh vực để hạn chế quyền này, chúng có thể liên quan đến việc tôn trọng các quyền hay uy tín của người khác hoặc để bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự công (ordre public) hay vì sức khỏe hoặc đạo đức công chúng. Tuy nhiên, khi Quốc gia thành viên đặt ra những hạn chế với việc thực hành quyền tự do biểu đạt, các biện pháp hạn chế này không được làm ảnh hưởng đến bản chất của quyền. Ủy ban nhắc lại rằng không được lẫn lộn về quan hệ giữa quyền và hạn chế với quan hệ giữa quy phạm với ngoại lệ.[41] Ủy ban cũng nhắc lại quy phạm của khoản 1, Điều 5 của Công ước, theo đó “không nội dung nào trong Công ước này có thể được diễn giải để bất kỳ Nhà nước, nhóm hay người nào có bất kể quyền gì để tham gia vào bất kỳ hành động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào đã được ghi nhận trong Công ước hay hạn chế những quyền và tự do ấy ở một phạm vi rộng hơn những hạn chế được cho phép trong Công ước này”.

22.       Khoản 3 đưa ra những điều kiện cụ thể và chỉ dưới những điều kiện này mới có thể áp dụng các hạn chế: các hạn chế này phải “được luật pháp quy định”; chỉ được áp dụng các hạn chế dựa trên những lý do đưa ra trong mục (a) và (b) của khoản 3; và những hạn chế này phải tuân thủ những kiểm chứng nghiêm ngặt về tính cần thiết và mức độ tương xứng.[42]  Không được đưa ra những hạn chế với những lý do không nằm trong khoản 3, ngay cả nếu những lý do này có thể phù hợp để áp dụng hạn chế những quyền khác trong Công ước. Những hạn chế này chỉ được áp dụng với những mục đích mà vì những mục đích ấy những hạn chế này được đặt ra, và phải trực tiếp liên quan đến nhu cầu cụ thể mà những hạn chế này được định liệu.[43]

23.       Quốc gia thành viên phải đặt ra những biện pháp hiệu quả để bảo vệ chống lại những tấn công nhằm làm im tiếng những ai đang thực thi quyền tự do biểu đạt của mình. Khoản 3 không bao giờ được đưa ra làm căn cứ để bịt miệng bất kỳ việc vận động cho nền dân chủ đa đảng, các nguyên tắc dân chủ và các quyền con người.[44] Cũng không dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, việc tấn công một người, vì việc thực hành quyền tự do quan điểm hay biểu đạt của người ấy, bao gồm các hình thức tấn công như bắt giữ trái luật, tra tân, đe dọa mạng sống và sát hại, có thể coi là phù hợp với Điều 19.[45] Các nhà báo thường là đối tượng của những nguy cơ này, bị đe dọa, và bị tấn công vì hoạt động của họ.[46] Tương tự với những người tham gia vào việc thu thập và phân tích thông tin về tình hình nhân quyền và những người công bố các báo cáo liên quan đến nhân quyền, bao gồm các thẩm phán và luật gia.[47] Những tấn công này phải được điều tra triệt để một cách nhanh chóng, và người tấn công phải bị truy tố,[48]  và các nạn nhân, hay, trong trường hợp bị sát hại thì là đại diện của họ, phải nhận được các hình thức bồi hoàn thích đáng.[49]

24.       Các hạn chế phải do luật quy định. Luật có thể bao gồm luật về đặc quyền nghị viện[50]  và luật về khinh miệt tòa án.[51] Vì bất kỳ một hạn chế nào với tự do biểu đạt đều tạo nên một sự ảnh hưởng xấu đến nhân quyền, một hạn chế đưa ra theo các lý do truyền thống, tôn giáo hay các luật tục đều không phù hợp với Công ước.[52]

25.       Vì mục đích nêu trong khoản 3, một quy phạm để được coi là một “luật” phải được xác lập với độ chính xác thích đáng để căn cứ vào đó cá nhân có thể điều chỉnh hành vi của mình[53] và phải được đưa ra để công chúng có thể tiếp cận. Một luật không thể trao thẩm quyền quyết định giới hạn tự do biểu đạt cho chính chủ thể có nhiệm vụ thi hành nó.[54] Các luật phải đưa ra hướng dẫn phù hợp để những người thừa hành có thể hiểu biết rõ những loại biểu đạt nào bị hạn chế và những loại biểu đạt nào không bị hạn chế.

26.       Các luật hạn chế những quyền theo khoản 2, Điều 19, bao gồm các luật nêu trong đoạn 24, không những phải tuân thủ những yêu cầu chặt chẽ của khoản 3, Điều 19 mà còn phải phù hợp với những điều khoản và mục đích của Công ước.[55] Các luật không được vi phạm điều khoản không biệt đối xử của Công ước. Các luật không được đưa ra những hình phạt không phù hợp với Công ước, ví dụ như trừng phạt thân thể.[56]

27.       Quốc gia thành viên phải chứng minh cơ sở pháp lý để đưa ra bất kỳ biện pháp nào hạn chế tự do biểu đạt.[57] Nếu, liên quan đến một Quốc gia thành viên cụ thể, Ủy ban phải xem xét liệu một biện pháp cụ thể có thể được áp dụng theo luật, Quốc gia thành viên đó phải cung cấp thông tin chi tiết về luật ấy và về các hành động nằm trong phạm vi của luật ấy.[58]

28.       Lý do chính đáng đầu tiên để đưa ra biện pháp hạn chế nêu trong khoản 3 là để tôn trọng các quyền hay uy tín của người khác. Thuật ngữ “các quyền” bao gồm các quyền con người ghi nhận trong Công ước và nhìn chung trong luật nhân quyền quốc tế. Ví dụ, hạn chế tự do biểu đạt nhằm bảo vệ quyền bầu cử theo Điều 25 hoặc các quyền theo Điều 17 (xem đoạn 37) là chính đáng.[59] Những biện pháp hạn chế này phải được xây dựng một cách cẩn trọng: trong khi được phép hạn chế để bảo vệ người đi bỏ phiếu khỏi những hình thức biểu đạt tạo ra sự đe dọa hoặc cưỡng ép, những biện pháp hạn chế không được làm ảnh hưởng đến những tranh luận chính trị, ví dụ, kêu gọi tẩy chay một cuộc bầu cử không bắt buộc.[60] Thuật ngữ “người khác” có thể liên quan đến những cá nhân người hoặc những thành viên của một cộng đồng.[61] Tuy vậy, nó có thể, ví dụ, chỉ những thành viên cá thể của một cộng đồng được xác định bằng niềm tin tôn giáo[62] hay sắc tộc.[63]

29.       Lý do chính đáng thứ hai là bảo vệ an ninh quốc gia hay trật tự công (ordre public), hay sức khỏe hoặc đạo đức công cộng.

30.       Quốc gia thành viên phải tuyệt đối cẩn trọng để đảm bảo rằng luật về tội phản bội tổ quốc[64] và những quy định tương tự liên quan đến an ninh quốc gia, dù được gọi tên là luật về bí mật nhà nước hay về lật đổ chính quyền hay bất kỳ hình thức nào, phải được xây dựng và áp dụng theo cách thức tuân thủ những yêu cầu chặt chẽ của khoản 3. Sẽ không phù hợp với khoản 3 nếu, ví dụ, dung những luật này để trấn áp hay bưng bít những thông tin chung liên quan đến công ích mà không làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, hay truy bức các nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động môi trường, những người bảo vệ nhân quyền, hay những người khác vì truyền bá những thông tin đó.[65] Hay nhìn chung sẽ là không phù hợp nếu đưa vào những luật này những thông tin liên quan đến các lĩnh vực thương mại, ngân hàng hay tiến bộ khoa học.[66] Ủy ban đã kết luận trong một trường hợp việc hạn chế ban hành một tuyên bố ủng hộ trong một tranh chấp lao động, bao gồm việc chủ trì một cuộc đình công quốc gia, với lý do an ninh quốc gia, là không chấp nhận được.[67]

31.       Trên cơ sở duy trì trật tự công (ordre public), có thể, ví dụ, được phép trong những hoàn cảnh nhất định, hạn chế việc phát biểu trước công chúng tại một địa điểm công cộng cụ thể.[68] Coi thường các thủ tục tòa án liên quan đến các hình thức biểu đạt có thể bị kiểm chứng với lý do giữ trật tự công (ordre public). Để tuân thủ với khoản 3, những quy trình thủ tục và hình phạt áp dụng phải được thể hiện là để đảm bảo việc thực thi quyền lực của toàn án nhằm duy trì các quy trình thủ tục ấy một cách trật tự.[69] Những thủ tục này dù sao cũng không được dùng để hạn chế việc thực hành một cách chính đáng quyền bào chữa.

32.       Ủy ban nêu ra trong Bình luận chung số 22 rằng, “khái niệm đạo đức bắt nguồn từ rất nhiều truyền thống xã hội, triết lý và tôn giáo; vì thế, các hạn chế,... vì mục đích bảo vệ đạo đức phải dựa trên những nguyên tắc không bắt nguồn chủ đạo từ một truyền thống đơn lẻ nào”. Bất kỳ hạn chế nào như vậy cần được hiểu dưới góc độ tính phổ quát của các quyền con người và nguyên tắc không phân biệt đối xử.

33.       Các hạn chế phải là “cần thiết” vì một mục đích chính đáng. Vì thế, ví dụ, việc cấm một quảng cáo thương mại bằng một ngôn ngữ, với quan điểm bảo vệ ngôn ngữ của một cộng đồng cụ thể, vi phạm nguyên tắc cân thiết nếu việc bảo vệ ấy có thể đạt được bằng những hình thức khác mà không hạn chế tự do biểu đạt.[70] Mặt khác, Ủy ban đã kết luận rằng một Quốc gia thành viên đã tuân thủ nguyên tắc cần thiết khi Quốc gia ấy chuyển một giáo viên đã xuất bản tài liệu biểu hiện sự thù nghịch với một cộng đồng tôn giáo sang một vị trí không giảng dạy để bảo vệ quyền và tự do của trẻ em thuộc cộng đồng tôn giáo ấy trong trường học đó.[71]

34.       Các hạn chế không được quá rộng. Ủy ban đã đưa ra trong Bình luận chung số 27 rằng “các biện pháp hạn chế phải tuân thủ nguyên tắc tương xứng (proportionality); các biện pháp ấy phải phù hợp để đạt được chức năng bảo vệ; các biện pháp ấy phải là phương tiện ít xâm hại nhất trong số những biện pháp có thể để đạt được chức năng bảo vệ; những biện pháp ấy phải tương xứng với lợi ích cần được bảo vệ... Nguyên tắc tương xứng phải được tôn trọng không chỉ trong các luật đưa ra những biện pháp hạn chế mà còn cả với những cơ quan chức năng hành chính và tư pháp khi áp dụng luật”.[72] Nguyên tắc tương xứng cũng phải tính đến những hình thức biểu đạt với từng vấn đề cụ thể cũng như với các phương tiện truyền bá hình thức biểu đạt. Ví dụ, Ủy ban đánh giá cao những biểu đạt không bị ngăn cản trong những hoàn cảnh tranh luận công khai trong một xã hội dân chủ về những nhân vật của công chúng và trong giới chính trị.[73]

35.       Khi một Quốc gia thành viên lấy một căn cứ chính đáng làm cơ sở để hạn chế tự do biểu đạt, Quốc gia ấy phải chứng tỏ một cách cụ thể và với chính trường hợp ấy, bản chất chính xác của mối nguy cơ, sự cần thiết và tính phù hợp về quy mô của hành động cụ thể đã được tiến hành, đặc biệt bằng cách xác lập mối quan hệ trực tiếp và tức thì giữa việc biểu đạt bị hạn chế và nguy cơ.[74]

36.       Ủy ban bảo lưu việc đánh giá xem, trong một tình huống cụ thể, có thể có những điều kiện khiến một hạn chế tự do biểu đạt là cần thiết.[75] Về việc này, Ủy ban nhắc lại rằng phạm vi của quyền tự do này không thể đánh giá bằng việc dẫn chiếu đến một “sự khác biệt trong phạm vi cho phép” (a “margin of appreciation”) [76] và để Ủy ban có thể thực hiện chức năng này, một Quốc gia thành viên, trong một trường hợp cụ thể, phải chứng tỏ một cách cụ thể bản chất chính xác của mối nguy cơ với bất kỳ căn cứ nào đã liệt kê trong khoản 3 khiến cho Quốc gia ấy phải hạn chế tự do biểu đạt.[77]

                   Phạm vi giới hạn của các biện pháp hạn chế tự do biểu đạt ở một số lĩnh vực nhất định

37.       Trong số những hạn chế lên các tranh luận chính trị đã khiến Ủy ban quan ngại có việc cấm vận động đến từng nhà,[78] hạn chế số lượng và hình thức tài liệu có thể được phân phát trong các chiến dịch tranh cử,[79] ngăn cản tiếp cận với các nguồn tin trong giai đoạn bầu cử, bao gồm truyền thông địa phương và quốc tế, hay các bình luận chính trị,[80] và hạn chế các đảng phái và chính trị gia đối lập tiếp cận các cổng truyền thông.[81] Mỗi biện pháp hạn chế phải phù hợp với khoản 3. Tuy nhiên, có thể là chính đáng khi Quốc gia thành viên hạn chế bỏ phiếu thăm dò ngay trước cuộc bầu cử để duy trì tính toàn vẹn của quá trình bầu cử.[82]

38.       Như đã lưu ý trong đoạn 13 và 20, về nội dung của các tranh luận chính trị, Ủy ban đã cho rằng trong bối cảnh tranh luận công khai về các nhân vật của công chúng trong lĩnh vực chính trị và các thể chế công, Công ước đánh giá cao những biểu đạt không bị ngăn cản.[83] Vì thế, đơn thuần chỉ những hình thức biểu đạt được coi là xúc phạm một nhân vật của công chúng thì không đủ để làm căn cứ áp dụng hình phạt, cũng như các nhân vật của công chúng cũng có thể được hưởng lợi từ các quy định của Công ước.[84] Thêm nữa, mọi nhân vật của công chúng, bao gồm cả những người nắm giữ quyền lực chính trị cao nhất như người đứng đầu nhà nước và chính phủ, đều có thể là đối tượng chính đáng của những phê phán và đối lập về chính trị.[85] Theo đó, Ủy ban bày tỏ quan ngại với những luật về những vấn đề này, như tội khi quân,[86] desacato (bất kính),[87] không tôn trọng người có thẩm quyền,[88] không tôn trọng cờ và các biểu tượng, phỉ báng người đứng đầu nhà nước[89] và bảo vệ danh dự của các công chức,[90] và luật không nên quy định gia tăng hình phạt khi chỉ dựa vào nhân thân của người bị công kích. Các quốc gia thành viên không nên cấm đoán việc phê phán các thể chế như quân đội hay chính quyền.[91]

39.       Quốc gia thành viên phải đảm bảo hành lang pháp lý và hành chính điều chỉnh các phương tiện truyền thông đại chúng phù hợp với các quy định trong khoản 3.[92] Hệ thống quy định này phải tính đến sự khác biệt giữa báo in, truyền thanh truyền hình và internet, trong khi cũng phải lưu ý rằng các phương tiện truyền thông cũng có nhiều điểm chung. Từ chối cấp phép xuất bản báo hay các phương tiện truyền thông bằng bản in khác trên cơ sở những lý do ngoài điều kiện cụ thể đưa ra trong khoản 3 là trái với Điều 19. Những điều kiện này không bao giờ bao gồm việc cấm một ấn phẩm cụ thể, trừ phi có nội dung cụ thể và không tách rời, có thể bị cấm một cách chính đáng theo khoản 3. Quốc gia thành viên phải tránh áp đặt các điều kiện cấp phép kiểu lựa chọn và phí lên các phương tiện pháp thanh truyền hình, bao gồm việc thu phí đối với cộng đồng và và với các trạm phát song thương mại.[93] Tiêu chuẩn áp dụng các điều kiện này và phí cấp phép phải hợp lý và khách quan,[94] rõ ràng,[95] minh bạch,[96] không phân biệt đối xử và nhìn chung phải phù hợp với Công ước.[97] Cơ chế cấp phép truyền phát song qua truyền thông với khả năng hạn chế, như với phát thanh và truyền hình trong lãnh thổ và dịch vụ vệ tinh, phải dành tần số và thời lượng bình đẳng giữa các đơn vị phát sóng của nhà nước, thương mại và cộng đồng. Ủy ban khuyến khích các quốc gia thành viên chưa thiết lập cơ quan cấp phép phát sóng độc lập và phục vụ công, có quyền xem xét các đơn đề nghị phát sóng và cấp phép nên thiết lập cơ quan này.[98]

40.       Ủy ban nhấn mạnh nhận xét của Ủy ban trong Bình luận chung số 10 rằng “do sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, cần có các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn việc kiểm soát truyền thông vì sự kiểm soát đó sẽ can thiệp vào quyền của mỗi người thụ hưởng tự do biểu đạt”. Quốc gia thành viên không nên độc quyền kiểm soát truyền thông và phải khuyến khích tính đa nguyên của truyền thông.[99] Theo đó, Quốc gia thành viên phải tiến hành các hành động cần thiết và nhất quán với Công ước, để ngăn chặn việc chi phối hay tập trung truyền thông một cách bất hợp lý do các nhóm cơ quan truyền thông tư nhân trong những tình huống đã bị độc quyền hóa có thể có hại cho tính đa dạng của nguồn tin và quan điểm.

41.       Phải cẩn trọng để đảm bảo rằng các hệ thống của chính phủ trợ cấp cho các cổng truyền thông và các quảng cáo của chính phủ[100] không bị sử dụng vào mục đích cản trở tự do biểu đạt.[101] Thêm nữa, không được đặt các phương tiện truyền thông tư nhân dưới các điều kiện kém hơn trong những vấn đề như đảm bảo tiếp cận với các phương tiện truyền bá, phân phối và tiếp cận tin tức.[102]

42.       Việc xử phạt một cổng truyền thông, nhà xuất bản hay nhà báo chỉ vì phê phán chính phủ hay hệ thống chính trị xã hội được chính phủ tán thành[103] không bao giờ được coi là một hạn chế tự do biểu đạt cần thiết.

43.       Bất kỳ hạn chế nào lên việc vận hành các trang web, trang blog hay bất kỳ hệ thống truyền bá thông tin bằng internet, điện tử hay hệ thống nào khác, bao gồm cả các kệ thống phụ trợ thông tin như nhà cung cấp dịch vụ internet hay công cụ tìm kiếm, chỉ được phép ở mức độ phù hợp với khoản 3. Những hạn chế được phép nói chung phải cụ thể về nội dung; việc cấm đoán chung chung hoạt động của một địa chỉ hay hệ thống cụ thể là không phù hợp với khoản 3. Việc cấm một địa chỉ hay một hệ thống truyền bá thông tin không được xuất bản tài liệu chỉ dựa trên cơ sở là tài liệu ấy có thể phê phán chính phủ hay hệ thống chính trị xã hội được chính phủ ủng hộ là không phù hợp với khoản 3.[104]

44.       Báo chí là một chức năng do rất nhiều chủ thể thực hiện, bao gồm các nhà báo và nhà phân tích chuyên nghiệp, các blogger và những người tham gia dưới các hình thức tự xuất bản bằng cách in ấn, qua internet hay bằng các phương tiện khác, cũng như hệ thống chung của Nhà nước về đăng ký hay cấp phép cho nhà báo phải phù hợp với khoản 3. Chỉ được phép áp dụng các cơ chế cấp phép hạn chế nếu cần phải dành cho các nhà báo đặc quyền tiếp cận những địa điểm hay sự kiện cụ thể. Những cơ chế ấy phải được áp dụng theo cách không phân biệt đối xử và phù hợp với Điều 19 và các điều khoản khác của Công ước, dựa trên các tiêu chí khách quan và có tính đến việc báo chí là một chức năng do rất nhiều chủ thể thực thi.

45.       Thông thường, sẽ là không phù hợp với khoản 3 nếu hạn chế tự do của nhà báo và những người khác muốn thực thi quyền tự do biểu đạt của họ (ví dụ như người muốn di đến các cuộc họp về nhân quyền)[105] để di chuyển ra ngoài Quốc gia thành viên, hạn chế di chuyển vào Quốc gia thành viên với các nhà báo nước ngoài từ một số nước cụ thể[106] hay hạn chế tự do đi lại trong Nước thành viên của các nhà báo và những người điều tra nhân quyền (bao gồm khu vực bị ảnh hưởng của xung đột, khu vực thiên tai và các khu vực có cáo buộc vi phạm nhân quyền). Các nước thành viên phải công nhận và tôn trọng rằng quyền tự do biểu đạt bao hàm đặc quyền của báo chí không tiết lộ nguồn tin.[107]

46.       Các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng các biện pháp chống khủng bố phải phù hợp với khoản 3. Những hành vi tội phạm như “khuyến khích khủng bố”[108] và “hành vi quá khích”[109] hay các hành vi phạm tội “đề cao”, “ca tụng” hay “biện minh” cho khủng bố phải được định nghĩa rõ ràng để đảm bảo rằng những quy định ấy không dẫn tới việc can thiệp không cần thiết và quá mức tới tự do biểu đạt. Cũng phải tránh những hạn chế quá mức đối với tiếp cận thông tin. Truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc thông tin tới công chúng về các hành vi khủng bố và năng lực vận hành của truyền thông không nên bị hạn chế một cách trái luật. Theo đó, các nhà báo không nên bị xử phạt vì tiến hành các hoạt động chính đáng.

47.       Các luật về bôi nhọ (defamation) phải được soạn thảo một cách cẩn trọng để đảm bảo chúng tuân thủ khoản 3 và không làm hạn chế tự do biểu đạt trong thực tế.[110] Tất cả các luật tương tự, đặc biệt là luật quy định xử phạt hình sự với tội bôi nhọ, phải bao gồm các biện pháp bào chữa như xác minh sự thật và các luật này không nên được áp dụng cho các hình thức biểu đạt mà, về bản chất, không thể xác minh. Tối thiểu, với những bình luận về các nhân vật của công chúng, cần phải cân nhắc để tránh xử phạt hay thu hồi những thông điệp không đúng sự thật và trái luật đã được xuất bản do lỗi mà không có ác ý. [111] Trong bất kỳ trường hợp nào, lợi ích công chúng trong chủ đề phê phán phải được công nhận là một lý do bào chữa. Quốc gia thành viên phải cẩn trọng để tránh các biện pháp xử phạt và trừng phạt quá mức. Bất kỳ khi nào phù hợp, Quốc gia thành viên phải đưa ra những giới hạn hợp lý của bên nguyên về hoàn trả chi phí cho bên thắng.[112] Quốc gia thành viên phải xem xét phi hình sự hóa việc bôi nhọ[113] và, trong bất kỳ trường hợp nào, luật hình sự chỉ được đem ra áp dụng với những trường hợp nghiêm trọng nhất và việc bỏ tù không bao giờ là một hình phạt phù hợp. Việc một Quốc gia thành viên buộc tội hình sự một người về tội bôi nhọ nhưng sau đó không khẩn trương tiến hành phiên tòa là không chấp nhận được – những động thái có tính đe dọa như vậy có thể hạn chế việc thực thi quyền tự do biểu đạt của người đó và những người khác một cách bất hợp pháp.[114]

48.       Việc cấm đoán biểu trưng thiếu tôn trọng một tôn giáo hay một hệ thống tin ngưỡng, bao gồm các luật về phỉ báng (blasphemy), là không phù hợp với Công ước, trừ khi trong những hoàn cảnh cụ thể đã nêu trong khoản 2, Điều 20 của Công ước. Việc cấm ấy phải tuân thủ những yêu cầu chặt chẽ của khoản 3, Điều 19 cũng như trong các điều 2, 5, 17, 18 và 26. Vì thế, ví dụ, không được phép có bất kỳ luật nào có sự phân biệt tích cực hay tiêu cực với một tôn giáo hay một hệ thống tín ngưỡng cụ thể, hay với tín đồ của họ với tín đồ một tôn giáo hoặc hệ thống tín ngưỡng khác, hay giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo. Cũng không được dùng những sự ngăn cấm ấy để ngăn chặn hay trừng phạt những phê phán với các lãnh tụ tôn giáo hay với những bình luận về các hệ thống tín ngưỡng và  giáo lý.[115]

49.       Các luật xử phạt việc biểu đạt quan điểm về các thực tế lịch sử là không phù hợp với các nghĩa vụ mà Công ước áp đặt lên các Quốc gia thành viên trong việc tôn trọng tự do quan điểm và biểu đạt.[116] Công ước không cho phép việc cấm đoán chung chung những biểu đạt  một quan điểm có tính sai trái hay một cách diễn dịch không đúng về các sự kiện đã qua. Không bao giờ được hạn chế quyền tự do quan điểm và, với tự do biểu đạt, những hạn chế này không bao giờ được vượt quá những gì cho phép trong khoản 3 hay cần có theo Điều 20.

                   Mối quan hệ giữa các điều 19 và 20

50.       Các điều 19 và 20 tương thích và bổ sung cho nhau. Các hành vi nêu trong Điều 20 đều là đối tượng hạn chế trong khoản 3, Điều 19. Vì thế, một giới hạn được cho là hợp lý dựa vào Điều 20 cũng phải tuân theo khoản 3, Điều 19.[117]

51.             Điểm phân biệt các hành vi nêu trong Điều 20 với các hành vi khác có thể là đối tượng hạn chế theo khoản 3, Điều 19 là, với các hành vi trong Điều 20, Công ước chỉ ra biện pháp phản hồi cụ thể từ nhà nước: phải có luật cấm. Chỉ với khía cạnh này Điều 20 được coi là luật riêng (lex specialis) liên quan đến Điều 19.

52.             Quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải có luật quy định cấm những hình thức biểu đạt cụ thể trong Điều 20. Trong mỗi trường hợp nhà nước hạn chế tự do biểu đạt, cần phải chứng minh lệnh cấm và các điều khoản của nó tuân thủ nghiêm ngặt Điều 19.

 



   [1]            Xem Khiếu nại số 1173/2003, Benhadj v. Algeria, Quan điểm được thông qua ngày 20 tháng 7 năm 2007; số 628/1995, Park v. Hàn Quốc, Quan điểm được thông qua ngày 5 tháng 7 năm 1996.

    [2]        Xem Bình luận chung của Ủy ban số 24 (năm 1994) về các vấn đề liên quan đến bảo lưu khi phê chuẩn hoặc tham gia Công ước hay Nghị định thư Tùy chọn, hay về các tuyên bố về Điều 41 của Công ước, Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên thứ 50, phụ lục số 40 tập I  (A/50/40 (Vol. I)), phụ lụcV.

   [3]        Xem Bình luận chung của Ủy ban số 29 (năm 2001) về đình chỉ trong điều kiện khẩn cấp, đoạn 13,  Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên thứ 50, phụ lục số 40 tập I  (A/56/40 (Vol. I)), phụ lục VI.

   [4]        Bình luận chung số 29, đoạn 11.

   [5]        Bình luận chung số 24.

   [6]        Xem Bình luận chung của Ủy ban số 31 (năm 2004) về bản chất của nghĩa vụ pháp lý áp dụng cho các nước thành viên Công ước, đoạn 4, Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên thứ 50, phụ lục số 40 tập I  (A/59/40 (Vol. I)), phụ lục III

   [7]        Xem Khiếu nại số 61/1979, Hertzberg et al. v. Phần Lan, Quan điểm được thông qua ngày 2 tháng 4 năm 1982.

    [8]        Bình luận chung số 31, đoạn 8; Xem Khiếu nại số 633/1995, Gauthier v. Canada, Quan điểm được thông qua ngày 7 tháng 4 năm 1999.

   [9]        Xem Khiếu nại số 550/93, Faurisson v. Pháp, Quan điểm được thông qua ngày 8 tháng 11 năm 1996.

[10]        Xem Khiếu nại số 157/1983, Mpaka-Nsusu v. Zaire, Quan điểm được thông qua ngày 26 tháng 3 năm 1986; số 414/1990, Mika Miha v. Guinea Xích đạo., Quan điểm được thông qua ngày 8 tháng 7 năm 1994.

[11]        Xem Khiếu nại số 878/1999, Kang v. Hàn Quốc, Quan điểm được thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2003.

[12]        Xem các Khiếu nại số 359/1989 và 385/1989, Ballantyne, Davidson và McIntyre v. Canada, Quan điểm được thông qua ngày 18 tháng 10 năm 1990.

  [13]        Xem Thông tin số 414/1990, Mika Miha v. Guinea Xích đạo.

  [14]        Xem Khiếu nại số 1189/2003, Fernando v. Sri Lanka, Quan điểm được thông qua ngày 31 tháng 3 năm 2005.

[15]        Xem Khiếu nại số 1157/ 2003, Coleman v. Australia, Quan điểm được thông qua ngày 17 tháng 7 năm 2006.

[16]        Nhận xét kết luận về Nhật Bản (CCPR/C/JPN/CO/5).

[17]        Xem Khiếu nại số 1022/ 2001, Velichkin v. Belarus, Quan điểm được thông qua ngày 20 tháng 10 năm 2005.

[18]        Xem Khiếu nại số 1334/2004, Mavlonov và Sa’di v. Uzbekistan, Quan điểm được thông qua ngày 19 tháng 3 năm 2009.

[19]        Xem Khiếu nại số 926/2000, Shin v. Hàn Quốc, Quan điểm được thông qua ngày 16 tháng 3 năm 2004.

[20]        Xem Khiếu nại số 736/97, Ross v. Canada, Quan điểm được thông qua ngày 18 tháng 10 năm 2000.

[21]        Như trên.

[22]        Như trên.

[23]        Xem Khiếu nại số 926/2000, Shin v. Hàn Quốc.

[24]        Xem Khiếu nại số 1341/2005, Zundel v. Canada, Quan điểm được thông qua ngày 20 tháng 3 năm 2007.

[25]        Xem Khiếu nại số 1009/2001, Shchetoko et al. v. Belarus, Quan điểm được thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2006.

[26]        Xem Khiếu nại số 412/1990, Kivenmaa v. Phần Lan, Quan điểm được thông qua ngày 31 tháng 3 năm 1994.

[27]        Xem Khiếu nại số 1189/ 2003, Fernando v. Sri Lanka.

[28]        Xem Khiếu nại số 1128/ 2002, Marques v. Angola, Quan điểm được thông qua ngày 29 tháng 3 năm 2005.

[29]        Xem Khiếu nại số 633/95, Gauthier v. Canada.

[30]        Xem Bình luận chung của Ủy ban số 25 (năm 1996) về Điều 25 (Sự tham gia trong quan hệ công và quyền bầu cử), đoạn 25, Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên thứ 50, phụ lục số 40 tập I  (A/51/40 (Vol. I)), phụ lụcV.

[31]        Xem Khiếu nại số 1334/2004, Mavlonov và Sa’di v. Uzbekistan.

[32]        Nhận xét kết luận về Cộng hòa Moldova (CCPR/CO/75/MDA).

[33]        Xem Khiếu nại số 633/95, Gauthier v. Canada.

[34]        Xem Khiếu nại số 1334/2004, Mavlonov và Sa’di v. Uzbekistan.

[35]        Xem Khiếu nại số 726/1996, Zheludkov v. Ukraine, Quan điểm được thông qua ngày 29 Tháng Mười năm 2002.

[36]        Xem Bình luận chung của Ủy ban số 32 (năm 2007) về quyền bình đẳng trước các tòa án và phiên tòa và quyền được xét xử công bằng, đoạn 33, Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên 62, Phụ lục số 40, tập I (A/62/40 (Vol. I)), phụ lụcVI

[37]        Bình luận chung số 31.

[38]        Xem Khiếu nại số 1457/ 2006, Poma v. Peru, Quan điểm được thông qua ngày 27 tháng 3 năm 2009.

[39]        Nhận xét kết luận về Azerbaijan (CCPR/C/79/Add.38 (năm 1994)).

[40]        Xem Bình luận chung số 25 về Điều 25 của Công ước, đoạn 25. 

[41]        Xem Bình luận chung của Ủy ban số 27 về Điều 12, Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên họp 55, Phụ lục số 40, vol. I (A/55/40 (Vol. I)), phụ lục VI, sect. A

  [42]        Xem Khiếu nại số 1022/2001, Velichkin v. Belarus, Quan điểm được thông qua ngày 20 tháng 10 năm 2005.

[43]        Xem Bình luận chung của Ủy ban số 22, Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên 48, Phụ lục số 40 (A/48/40), phụ lụcVI

[44]            Xem Khiếu nại số 458/91, Mukong v. Cameroon, Quan điểm được thông qua ngày 21 tháng 7 năm 1994.

[45]        Xem Khiếu nại số 1353/2005, Njaru v. Cameroon, Quan điểm được thông qua ngày 19 tháng 3 năm 2007.

[46]        Tham khảo, ví dụ, Nhận xét kết luận về Algeria (CCPR/C/DZA/CO/3); Nhận xét kết luận về Costa Rica (CCPR/C/CRI/CO/5); Nhận xét kết luận về Sudan (CCPR/C/SDN/CO/3).

[47]        Xem Khiếu nại số 1353/2005, Njaru v. Cameroon ; Nhận xét kết luận về Nicaragua (CCPR/C/NIC/CO/3); Nhận xét kết luận về Tunisia (CCPR/C/TUN/CO/5); Nhận xét kết luận về The Syrian Arab Republic (CCPR/CO/84/SYR); Nhận xét kết luận về Colombia (CCPR/CO/80/COL).

[48]        Như trên. và Nhận xét kết luận về Georgia (CCPR/C/GEO/CO/3).

[49]        Nhận xét kết luận về Guyana (CCPR/C/79/Add.121).

  [50]        Xem Khiếu nại số 633/95, Gauthier v. Canada.

[51]        Xem Khiếu nại số 1373/2005, Dissanayake v. Sri Lanka, Quan điểm được thông qua ngày 22 tháng 7 năm 2008.

[52]        Xem Bình luận chung số 32.

[53]        Xem Khiếu nại số 578/1994, de Groot v. Hà Lan, Quan điểm được thông qua ngày 14 tháng 7 năm 1995.

  [54]        Xem Bình luận chung số 27.

[55]        Xem Khiếu nại số 488/1992, Toonen v. Australia, Quan điểm được thông qua ngày 30 tháng 3 năm 1994.

[56]        Bình luận chung số 20, Biên bản chính thức của Đại hội đồng, Phiên 47, Phụ lục số 40 (A/47/40), phụ lục VI, sect. A.

[57]        Xem Khiếu nại số 1553/2007, Korneenko et al. v. Belarus, Quan điểm được thông qua ngày 31 tháng 10 năm 2006.

[58]        Xem Khiếu nại số 132/1982, Jaona v. Madagascar, Quan điểm được thông qua ngày 1 tháng 4 năm 1985.

  [59]        Xem Khiếu nại số 927/ 2000, Svetik v. Belarus, Quan điểm được thông qua ngày 8 tháng 7 năm 2004.

[60]        Như trên.

[61]        Xem Khiếu nại số 736/97, Ross v. Canada, Quan điểm được thông qua ngày 18 tháng 10 năm 2000.

[62]        Xem Khiếu nại số 550/93, Faurisson v. Pháp; Nhận xét kết luận về Áo (CCPR/C/AUT/CO/4).

[63]        Nhận xét kết luận về Slovakia (CCPR/CO/78/SVK); Nhận xét kết luận về Israel (CCPR/CO/78/ISR).

[64]            Nhận xét kết luận về Hong Kong (CCPR/C/HKG/CO/2).

[65]        Nhận xét kết luận về Liên bang Nga (CCPR/CO/79/RUS).

y [66]        Nhận xét kết luận về Uzbekistan (CCPR/CO/71/UZB).

[67]        Xem Khiếu nại số 518/1992, Sohn v. Hàn Quốc, Quan điểm được thông qua ngày 18 tháng 3 năm 1994.

[68]        Xem Khiếu nại số 1157/2003, Coleman v. Australia.

[69]        Xem Khiếu nại số 1373/2005, Dissanayake v. Sri Lanka.

[70]        Xem Khiếu nại số 359, 385/89, Ballantyne , Davidson và McIntyre v. Canada.

[71]        Xem Khiếu nại số 736/97, Ross v. Canada, Quan điểm được thông qua ngày 17 tháng 7 năm 2006.

[72]        Bình luận chung số 27, đoạn 14. Tham khảo thêm các khiếu nại số 1128/2002, Marques v. Angola; số 1157/2003, Coleman v. Australia.

[73]        Xem Khiếu nại số 1180/2003, Bodrozic v. Serbia và Montenegro, Quan điểm được thông qua ngày 31 tháng 10 năm 2005.

[74]        Xem Khiếu nại số 926/2000, Shin v. Hàn Quốc .

[75]        Xem Khiếu nại số 518/1992, Sohn v. Hàn Quốc .

[76]        Xem Khiếu nại số 511/1992, Ilmari Länsman, et al. v. Phần Lan, Quan điểm được thông qua ngày 14 tháng 10 năm 1993.

[77]        Xem Khiếu nại số 518/92, Sohn v. Hàn Quốc; số 926/năm 2000, Shin v. Hàn Quốc,.

  [78]        Nhận xét kết luận về Nhật Bản (CCPR/C/JPN/CO/5).

[79]        Như trên.

[80]        Nhận xét kết luận về Tunisia (CCPR/C/TUN/CO/5).

[81]        Nhận xét kết luận về Togo (CCPR/CO/76/TGO); Nhận xét kết luận về Moldova (CCPR/CO/75/MDA).

[82]        Xem Khiếu nại số 968/2001, Kim v. Hàn Quốc, Quan điểm được thông qua ngày 14 tháng 3 năm 1996.

[83]        Xem Khiếu nại số 1180/2003, Bodrozic v. Serbia và Montenegro, Quan điểm được thông qua ngày 31 tháng 10 năm 2005.

[84]        Như trên.

[85]        Xem Khiếu nại số 1128/2002, Marques v. Angola.

[86]            Xem Khiếu nại số 422-424/1990, Aduayom et al. v. Togo, Quan điểm được thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1994.

[87]        Nhận xét kết luận về Cộng hòa Dominica (CCPR/CO/71/DOM).

[88]        Nhận xét kết luận về Honduras (CCPR/C/HND/CO/1).

[89]        Xem Nhận xét kết luận về Zambia (CCPR/ZMB/CO/3), đoạn25.

[90]        Xem Nhận xét kết luận về Costa Rica (CCPR/C/CRI/CO/5), đoạn 11.

[91]        Như trên., and Xem Nhận xét kết luận về Tunisia (CCPR/C/TUN/CO/5), đoạn 91..

[92]        Xem Nhận xét kết luận về Việt Nam (CCPR/CO/75/VNM), đoạn 18, and Nhận xét kết luận về Lesotho (CCPR/CO/79/Add.106), đoạn 23.

[93]        Nhận xét kết luận về Gambia (CCPR/CO/75/GMB).

[94]        Xem Nhận xét kết luận về Lebanon (CCPR/CO/79/Add.78), đoạn 25.

[95]        Nhận xét kết luận về Kuwait (CCPR/CO/69/KWT); Nhận xét kết luận về Ukraine (CCPR/CO/73/UKR).

  [96]        Nhận xét kết luận về Kyrgyzstan (CCPR/CO/69/KGZ).

[97]        Nhận xét kết luận về Ukraine (CCPR/CO/73/UKR).

[98]        Nhận xét kết luận về Lebanon (CCPR/CO/79/Add.78).

[99]        Xem Nhận xét kết luận về Guyana (CCPR/CO/79/Add.121), đoạn 19; Nhận xét kết luận về Liên bang Nga (CCPR/CO/79/RUS); Nhận xét kết luận về Việt Nam (CCPR/CO/75/VNM); Nhận xét kết luận về Italy (CCPR/C/79/Add. 37).

[100]        Xem Nhận xét kết luận về Lesotho (CCPR/CO/79/Add.106), đoạn 22.

[101]        Nhận xét kết luận về Ukraine (CCPR/CO/73/UKR).

[102]        Nhận xét kết luận về Sri Lanka (CCPR/CO/79/LKA); và xem Nhận xét kết luận về Togo (CCPR/CO/76/TGO), đoạn 17.

[103]        Nhận xét kết luận về Peru (CCPR/CO/70/PER).

[104]        Nhận xét kết luận về the Syrian Arab Republic (CCPR/CO/84/SYR).

[105]        Nhận xét kết luận về Uzbekistan (CCPR/CO/83/UZB); Nhận xét kết luận về Morocco (CCPR/CO/82/MAR).

[106]        Nhận xét kết luận về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CCPR/CO/72/PRK).

[107]        Nhận xét kết luận về Kuwait (CCPR/CO/69/KWT).

[108]        Nhận xét kết luận về the Vương quốc Anh và Bắc Ailen (CCPR/C/GBR/CO/6).

[109]        Nhận xét kết luận về Liên bang Nga (CCPR/CO/79/RUS).

[110]        Nhận xét kết luận về Vương quốc Anh và Bắc Ailen (CCPR/C/GBR/CO/6).

[111]        Như trên.

[112]        Như trên.

[113]        Nhận xét kết luận về Italy (CCPR/C/ITA/CO/5); Nhận xét kết luận về the Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ (CCPR/C/MKD/CO/2).

[114]        Xem Khiếu nại số 909/2000, Kankanamge  v. Sri Lanka, Quan điểm được thông qua ngày 27 tháng 7 năm 2004.

[115]        Nhận xét kết luận về Vương quốc Anh và Bắc Ailen, khu vực Jersey, Guernsey và đảo Man (CCPR/C/79/Add.119). Xem Nhận xét kết luận về Kuwait (CCPR/CO/69/KWT).

[116]        Được gọi là “Luật về ký ức” (“Memory-laws”, Xem Khiếu nại số 550/93, Faurisson v. Pháp. Tham khảo thêm Nhận xét kết luận về Hungary (CCPR/C/HUN/CO/5) đoạn 19.

[117]        Xem Khiếu nại số 736/1997, Ross v. Canada, Quan điểm được thông qua ngày 18 tháng 10 năm 2000.


Các tin khác: