NGO Philippin bảo vệ nhân quyền
Liên kết tạo thành sức mạnh, đây gần như là lựa chọn duy nhất cho người dân khi phải đối diện các chế độ chuyên chế. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) tại Philippin đã có những đóng góp đáng kể trước và sau khi chế độ Marcos bị lật đổ (1986). Nhiều người đã nhận xét rằng NGOs tại Philippin có sự trưởng thành sớm và mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Ở đây, chúng tôi giới thiệu một số NGOs tiêu biểu đang hoạt động trên lĩnh vực bảo vệ các quyền dân sự, chính trị ở quốc gia này:


a. Tổ chức hành động vì những người bị giam giữ Philippin (TFDP)

Tổ chức hành động vì những người bị giam giữ Philippin (Task Force Detainees of the Philippines - TFDP) được thành lập sớm và có phạm vi hoạt động rộng tại quốc gia này. TFDP được hình thành dưới chế độ độc tài Marcos. Từ cuối thập niên 1960, cuộc tranh đấu của người dân Philippin chống lại trật tự chính trị, kinh tế và xã hội bất công ngày càng dâng cao. Tổng thống Marcos sử dụng các chính sách khủng bố để trấn áp và tuyên bố thiết quân luật vào năm 1972. Việc tra tấn, bắt bớ tùy tiện, mất tích cưỡng bức xảy ra một cách phổ biến nhằm vào các lãnh đạo phong trào công nhân, nông dân, sinh viên. Marcos thâu tóm cả các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhiều lĩnh vực của xã hội bị tê liệt, các quyền tự do ngôn luận, mọi sự chỉ trích chính quyền đều bị bóp nghẹt. Tại quốc gia có 90% dân số là người Thiên chúa giáo, ảnh hưởng của cộng đồng này là rất lớn. Dưới chế độ Marcos, đa số chức sắc trong giáo hội giữ im lặng hoặc đồng lõa với chính quyền. Tuy vậy, một số linh mục và nữ tu, những người có liên lạc trực tiếp và hỗ trợ người nghèo và những người bị đàn áp đã dũng cảm lên tiếng. Họ hỗ trợ các nạn nhân bị đàn áp chính trị bằng nhiều phương cách, họ chấp nhận rủi ro và nhiều khi chính mình trở thành nạn nhân của sự tàn bạo của chế độ.

Vào năm 1974, Hội chức sắc tôn giáo chính yếu Philippin (Association of Major Religious Superiors of the Philippines - AMRSP) đã thiết lập Tổ chức hành động vì những người bị giam giữ (Task Force Detainees of the Philippines - TFDP) nhằm hỗ trợ cho các tù nhân chính trị trong bối cảnh hầu hết các hiệp hội bị cấm đoán. AMRSP đã tiến hành một khảo sát cho thấy sự hiện diện của tù chính trị tại mọi khắp nơi trong nước. Các tù nhân chính trị, đa số chịu tra tấn thường có gia đình bị đặt dưới sự giám sát và nhiều khi bị yêu cầu nộp thêm tiền để thân nhân được đối xử tốt hoặc trả tự do.

TFDP ủng hộ về tinh thần cho các tù nhân chính trị, hỗ trợ các nhu cầu vật chất, lập hồ sơ vụ việc cũng như nỗ lực bảo đảm quyền được xét xử công bằng và giúp họ nhanh chóng được trả tự do. Trong nhiều trường hợp các tù nhân chính trị thực hiện việc tuyệt thực đòi trả tự do hoặc đòi cải thiện điều kiện nhà tù và TFDP luôn sẵn sàng giúp đỡ họ. Các nữ tu sỹ thường đến thăm những người bị giam giữ trong trại giam hay nhà tù. Bên cạnh sự hỗ trợ của AMRSP, TFDP có nguồn lực mạnh mẽ từ những người tình nguyện, các thành viên, thân hữu theo nhiều phương thức để thực hiện các công việc hữu ích cho những người tù chính trị. Mặc dù TFDP khởi đầu từ cộng đồng Công giáo, nhiều người theo Tin lành, Do Thái và những người không tín ngưỡng cũng tham gia tổ chức và cùng hoạt động vì những người tù.

Tổ chức với định hướng ban đầu là hoạt động vì những người tù chính trị tại Manila dần có thêm nhiều hoạt động vì các nạn nhân của các vi phạm các quyền dân sự và chính trị khác tại nhiều địa phương trong nước, qua đó, TFDP trở thành một tổ chức nhân quyền tập hợp dữ liệu về các vi phạm nhân quyền, hỗ trợ các nạn nhân về nhu cầu pháp lý và nhu cầu vật chất cũng như vận động chống lại vi phạm nhân quyền, chống lại các chính sách và cơ cấu gây ra các vi phạm đó.

TFDP cũng tiến hành hoạt động giáo dục nhân quyền để tăng cường năng lực cho người dân, đặc biệt trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền cá nhân. Tổ chức này cũng xuất bản các ấn phẩm, trong số đó có TFDP Update, Lusong và Pumipiglas, nhằm báo động về thực trang nhân quyền. Tạp chí Komiks, cũng được khởi đầu từ năm 1989, sử dụng nhiều hình minh họa để nói về nhân quyền bằng ngôn ngữ của đại chúng.

TFDP đã giúp thiết lập nhiều tổ chức nhân quyền khác như Gia đình nạn nhân mất tích cưỡng bức (Families of Involutary Disappearance - FIND), SELDA (một tổ chức của cựu tù chính trị), KAPATID (một tổ chức của các gia đình tù chính trị), và Tổ chức Những người mẹ và thân nhân chống độc tài và đàn áp (Mothers and Relatives Against Tyranny and Oppression - MARTYR). Về sau, trong thời kỳ Corazon Aquino, TFDP đã dành nhiều nguồn lực để hình thành nên một liên minh bảo vệ nhân quyền trong nước – Liên minh những người vận động nhân quyền Philippin (Philippine Alliance of Human Rights Advocates - PAHRA) – nhằm hiện thực hóa hiệu quả hơn các quyền và phẩm giá của con người.[1]


b. Tổ chức gia đình các nạn nhân mất tích cưỡng bức (FIND)


Tổ chức gia đình các nạn nhân mất tích cưỡng bức (Families of Victims of Involuntary Disappearance - FIND) được thành lập vào tháng 11 năm 1985, giữa thời kỳ gia tăng biểu tình, chống đối lại chế độ tộc tài của Marcos. FIND liên kết các gia đình, thân nhân, bạn hữu và đồng nghiệp của những người mất tích, những người vốn thường có những hoạt động bảo vệ nhân quyền. Đến nay, FIND vẫn tiếp tục quyết tâm tranh dấu nhằm xóa bỏ hoàn toàn nạn mất tích trong nước cũng như trên phạm vi quốc tế.

FIND tin rằng hiện tượng mất tích cưỡng bức có nguồn gốc từ các mặt tiêu cực của xã hội và chừng nào chúng chưa bị xóa bỏ thì các vi phạm từ phía chính quyền tiếp tục tồn tại. Hệ thống tham nhũng và độc tài nuôi dưỡng nghèo đói, lạc hầu và các vi phạm nhân quyền. FIND nỗ lực tìm kiếm những người bị mất tích và tranh đấu vì công bằng thông qua việc tăng cường năng lực cho các thành viên của mình, kết nppos với các nhóm địa phương và quốc tế có cùng mục tiêu với tinh thần tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.

FIND hướng đến mục tiêu liên kết mọi gia đình, thân nhân và bạn hữu của những người đã mất tích cũng như những người trở về sau một thời gian bị bắt để tham gia vào cuộc tranh đấu cho công bằng và dân chủ như là tiền đề cho việc xóa bỏ nạn mất tích cưỡng bức. FIND thực hiện việc tập hợp thông tin, tư liệu về các vụ việc mất tích cưỡng bức và tìm kiếm người mất tích, thực hiện các chiến dịch vận động, giáo dục nhằm xóa bỏ mất tích cưỡng bức, một trong những hình thức vi phạm nhân quyền tàn bạo nhất và là một tội ác chống nhân loại, và đòi hỏi những kẻ vi phạm phải chịu trách nhiệm…



[1] Trang tin điện tử của TFDP: http://www.tfdp.net


c. Liên minh những người vận động nhân quyền Philippin (PAHRA)


Liên minh những người vận động nhân quyền Philippin (The Philippine Alliance of Human Rights Advocates - PAHRA) được thành lập vảo ngày 9/8/1986 tại một đại hội với hơn một trăm tổ chức từ khắp đất nước về tham dự. Nó được thành lập như một tổ chức gồm các cá nhân, thể chế và tổ chức hoạt động thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.

Trong số các thành viên của PAHRA có nhiều cá nhân và tổ chức đã từng đi đầu trong cụôc tranh đấu chống lại chế độ độc tài của cựu Tổng thống Ferdinand Marcos. Việc thiết lập PAHRA củng cố phong trào nhân quyền trong nước và là sự thừa nhận vai trò của các tổ chức nhân quyền trong cuộc tranh đấu chống độc tài. Sự ra đời của liên minh cũng phản ánh nhu cầu hợp tác giữa các nhóm nhân quyền trong nước. Tử khi thành lập, PAHRA luôn đi đầu trong cuộc tranh đấu vì nhân quyền. Đến nay, nó không chỉ là tổ chức hàng đầu mà còn là tiếng nói hàng đầu vận động cho nhân quyền tại Philippin. Qua sáng kiến của PAHRA, Tuyên ngôn Nhân quyền Philippin (Philippine Declaration of Human and People’s Rights) đã được thông qua vào tháng 12 năm 1993 tại Hội nghị Thượng đỉnh về nhân quyền do PAHRA khởi xướng.  PAHRA là đại diện duy nhất của xã hội dân sự tại Ủy ban Nhân quyền của Tổng thống (Government’s Presidential Human Rights Committee - PHRC), là một thành viên của Liên đoàn quốc tế nhân quyền (International Federation of Human Rights Leagues - FIDH) và nhiều tổ chức khác như Diễn đàn  châu Á vì nhân quyền và phát triển (FORUM-ASIA), Mạng lưới  châu Á vì bầu cử tự do (ANFREL)...

Từ khi thành lập năm 1986, PAHRA dần trở thành một trung tâm vận động và cam kết thúc đẩy và bảo vệ, hiện thực hóa các quyền con người như đã được nêu trong các văn kiện luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế. PAHRA tiến hành nhiều chiến dịch vận động cho các quyền dân sự và chính trị (thúc đẩy các lực lượng dân chủ, duy trì sự lãnh đạo của dân sự đối với quân sự, bồi thường cho mọi nạn nhân của vi phạm nhân quyền…), cũng như các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa…[1]


d. Trung tâm thông tin nhân quyền Philippin (
PhilRights)


Trung tâm thông tin nhân quyền Philippin (
Philippine Human Rights Information Center - PhilRights) là tổ chức tập trung vào hoạt động nghiên cứu và thông tin, một thành viên của PAHRA. PhilRights thực hiện các công việc cung cấp thông tin, lưu trữ, nghiên cứu và phân tích.

PhilRights hướng đến việc bảo vệ quyền của người dân Philippin, trực tiếp và gián tiếp, thông qua việc tăng cường nhận thức, hiểu biết về PAHRA và về các vấn đề, cơ chế nhân quyền; tham gia vào phong trào để có thể vận động nhiều nhóm, giai tầng xã hội tham gia vào việc thúc đẩy nhân quyền, cung cấp các thông tin và các phương tiện truyền tải, lan tỏa thông tin; giám sát việc thực thi các nghĩa vụ của nhà nước; củng cố hợp tác với các mạng lưới quốc gia và quốc tế nhằm chia sẻ thông tin;  tăng cường năng lực cho người dân thông qua hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và thông tin…PhilRights xuất bản tạp chí In Focus và Human Rights Forum (từ năm 2004) để cung cấp các thông tin và phân tích các vấn đề nhân quyền trong nước cũng như quốc tế.[2]


đ. Trung tâm Tự do và trách nhiệm Truyền thông (CMFR)


Trung tâm Tự do và trách nhiệm Truyền thông (Center for Media Freedom and Responsibility - CMFR) là một tổ chức phi chính phủ tập trung thúc đẩy tự do báo chí, đồng thời thiết lập một khuôn khổ trách nhiệm cho hoạt động báo chí. Trung tâm cân bằng cả hai yếu tố tự do và trách nhiệm trong hoạt động báo chí. Các chương trình của trung tâm nhằm bảo vệ báo chí cũng như thúc đẩy các giá trị đạo đức nghề nghiệp báo chí.

CMFR được hình thành nhằm đáp ứng một trong những nhu cầu căn bản của xã hội Philippin sau khi chế độ Marcos bị lật đổ vào năm 1986, đó là kêu gọi sự chú ý của chính quyền cũng như công chúng đối với quyền năng của truyền thông và vai trò của tự do báo chí trong việc thúc đẩy nền dân chủ Philippin. Tự do báo chí không chỉ liên quan đến những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông, mà cả cộng đồng mà truyền thông phục vụ - các công chức, viên chức chính quyền, khu vực tư nhân, các nhóm xã hội dân sự, bạn đọc, thính giả và những người xem truyền hình – những người tiếp nhận thông tin và là một phần của chu kỳ truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, tự do báo chí, cũng giống như mọi quyền tự do khác, có giới hạn của nó, bởi lẽ nó có khả năng bị người ta lợi dụng.

Trong bối cảnh đó, CMFR được thành lập vào năm 1989 như một tổ chức phi lợi nhuận liên quan đến nhiều giai tầng trong xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển của báo chí và truyền thông như một trụ cột của xã hội dân chủ. Các chương trình thúc đẩy tự do báo chí, thúc đẩy trách nhiệm báo chí, khuyến khich hoạt động báo chí chất lượng cao và hiệu quả.

Hiện nay, CMFR đang tiếp tục triển khai chương trình Giám sát truyền thông. Qua việc phân tích nội dung, CMFR đánh giá các phương tiện truyền thông làm tin về các vấn đề, sự kiện cơ bản như bấu cử và tham nhũng, CMFR đưa ra các khuyến nghị để truyền thông được tốt hơn. CMFR xuất bản các nghiên cứu và tạp chí. Bên cạnh Tạp chí Báo chí Philippin (Philippine Journalism Review - PJR) dành cho các sinh viên, giảng viên báo chí, Báo cáo về Báo chí Philippin (PJR Reports) được xuất bản hàng tháng dành cho những người hành nghề báo, đáp ứng nhu cầu giáo dục thường xuyên cho các nhà báo. Được gửi đến 500 ký giả trên toàn quốc, PJR Reports còn là một diễn đàn thảo luận về nhiều khía cạnh và vấn đề của truyền thông Philippin và là một nguồn hữu ích cho sinh viên báo chí tại các trường đại học.

Hàng năm, CMFR tổ chức giải thưởng Báo chí tốt Jaime V. Ongpin (Jaime V. Ongpin Awards for Excellence in Journalism - JVOAEJ) nhằm thúc đẩy báo chí điều tra và phân tích sâu. Giải thưởng này được khởi động từ cuộc Hội thảo về báo chí điều tra lần thứ nhất được tổ chức vào năm 1995 nhằm mở rộng sự quan tâm và ủng hộ của công chúng cho sự tiến triển của điều tra báo chí. Cuộc hội thảo đã mời các phóng viên, giảng viên từ nhiều trường đến trao đổi với nhóm chuyên gia về các bài viết và về các quan điểm về nghề báo.

CMFR giám sát các mối đe dọa, sự tấn công tự do báo chí tại Philippin. Tổ chức này duy trì một cơ sở dữ liệu về các phóng viên bị giết khi đang hành nghề, đào tạo một mạng lưới các phóng viên chuyên viết về các vụ tấn công báo chí. Các ký giả cập nhật các vụ việc phóng viên bị giết mà chưa được giải quyết và đưa ra các kiến nghị khi cần thiết. CMFR còn là nguồn thẩm định thông tin và cung cấp tin cho các nhóm quốc tế. CMFR cung cấp thông tin về tình hình tự do báo chí tại Philippin cho Liên minh tự do báo chí Đông Nam Á (Southeast Asian Press Alliance - SEAPA), Tổ chức trao đổi tự do ngôn luận quốc tế (International Freedom of Expression eXchange - IFEX), Ký giả không biên giới (Reporters Without Borders - RSF) và Ủy ban bảo vệ ký giả (Committee to Protect Journalists - CPJ).

Hàng năm, CMFR tổ chức xuất bản báo cáo “Báo chí  châu Á ” (Journalism Asia) về tình hình báo chí và các vấn đề liên quan đến truyền thông tại  châu Á . Những người đóng góp cho tạp chí là các phóng viên trong khu vực thường tập trung lại trong một hội thảo định kỳ để thảo luận về các vấn đề nhất định do tạp chí lựa chọn. Bên cạnh việc xuất bản nhiều sách và tạp chí về các chủ đề liên quan đến truyền thông (quan hệ truyền thông với chính quyền, truyền thông và tiếp cận thông tin, vấn đề giới…), CMFR biên soạn nhiều cuốn sổ tay cho nhà báo (Sổ tay truyền thông: làm tin về tòa án, Sổ tay truyền thông: làm tin về bầu cử, Báo chí và phân tích chính sách …) và tổ chức nhiều hội thảo (với các chủ đề như tiếp cận thông tin, tham nhũng trong lĩnh vực truyền thông, truyền thông và xã hội dân sự…). CMFR là thành viên sáng lập của Quỹ Tự do cho phóng viên Philippin (Freedom Fund for Filipino Journalists  - FFFJ) và tổ chức SEAPA, đồng thời là một thành viên của tổ chức IFEX.[3]



[1] Trang tin điện tử của PAHRA tại http://philippinehumanrights.org/about-us.html

[2] Trang tin điện tử PhilRights tại http://philrights.org/

[3] Trang tin điện tử của CMFR: www.cmfr-phil.org.

LKT


Các tin khác: