GIỚI THIỆU ỦY BAN NHÂN QUYỀN ASEAN - AICHR
Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR)được thành lập theo Điều 14 Hiến chương ASEAN. Ủy ban đã nhóm họp phiên đầu tiên từ ngày 28/3 đến ngày 1/4/2010 tại Jakarta, Indonesia. Dù hiện nay thẩm quyền của cơ quan này tương đối hẹp, chưa có chức năng nhận khiếu nại của cá nhân từ các quốc gia, nhưng có thể được mở rộng trong tương lai.


Địa vị pháp lý

Khác với các cơ chế nhân quyền ở các khu vực khác, AICHR chỉ là một cơ quan tư vấn liên chính phủ (theo Điều 4 Quy chế). Tuy nhiên, Quy chế để mở cho việc kiểm điểm lại quy định này sau năm năm kể từ khi Ủy ban đi vào hoạt động. Việc kiểm điểm này sẽ được thực hiện bởi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, với mục đích hướng đến việc tăng cường hiệu quả thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực (Điều 9.6).


Mục đích và các nguyên tắc hoạt động

Điều 1 Quy chế của AICHR xác định sáu mục đích của cơ quan này, bao gồm:

·         Thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của nhân dân các nước ASEAN;

·         Bảo vệ quyền của người dân ASEAN được sống trong hòa bình, tôn trọng và thịnh vượng;

·         Góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của ASEAN như đã nêu trong Hiến chương ASEAN nhằm thúc đẩy ổn định và hòa hợp trong khu vực, tình hữu nghị và họp tác giữa các nước thành viên ASEAN cũng như bảo đảm hạnh phúc, sinh kế, phúc lợi và sự tham gia của người dân ASEAN vào quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN;

·         Thúc đẩy nhân quyền trên cơ sở bối cảnh khu vực, ghi nhớ tính đặc thù của từng nước và của khu vực, tôn trọng sự khác biệt về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, có tính đến sự cân bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm;

·         Tăng cường hợp tác khu vực với mong muốn bổ trợ cho nỗ lực của các quốc gia và quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; và

·         Duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế được quy định trong Tuyên bố chung về nhân quyền, Tuyên bố và chương trình hành động Viên và các văn kiện quốc tế về nhân quyền mà các nước thành viên ASEAN tham gia.


AICHR tuân theo năm nhóm nguyên tắc hoạt động nêu tại Điều 2 của Quy chế, cụ thể như sau:

·         Tôn trọng các nguyên tắc của ASEAN như đã nêu trong Điều 2 Hiến chương ASEAN, đặc biệt là: tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các nước thành viên ASEAN; không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên ASEAN; tôn trọng quyền của mỗi nước thành viên bảo vệ đất nước mình tránh khỏi sự can thiệp, lật đổ hay áp đặt từ bên ngoài; tuân thủ luật pháp, sự quản lý tốt, các nguyên tắc dân chủ và chính phủ hợp hiến; tôn trọng các quyền tự do cơ bản, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, và thúc đẩy công bằng xã hội; tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân đạo quốc tế được các nước thành viên ASEAN tán thành; và tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo giữa các nước ASEAN, đồng thời nhấn mạnh các giá trị chung trên tinh thần thông nhất trong đa dạng.

·         Tôn trọng các nguyên tắc nhân quyền quốc tế, bao gồm tính toàn thể, không tách rời nhau, phụ thuộc lẫn nhau và tính tương quan của tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người, cũng như không thiên vị, khách quan, không chọn lọc, không phân biệt và tránh tình trạng tiêu chuẩn kép và chính trị hóa;

·         Nhận thức được trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản thuộc về mỗi nước thành viên;

·         Theo đuổi cách tiếp cận và hợp tác xây dựng và không đối đầu nhằm tăng cường thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; và

·         Áp dụng cách tiếp cận tiệm tiến giúp phát triển các tiêu chuẩn và chuẩn mực nhân quyền trong ASEAN.


Chức năng và nhiệm vụ

AICHR có các chức năng và nhiệm vụ trong nhiều lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, cụ thể như: xây dựng chiến lược, tăng cường nhận thức, thu thập thông tin, triển khai nghiên cứu, khuyến khích các nước thành viên ASEAN xem xét gia nhập và thông qua các văn kiện nhân quyền quốc tế; thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ các văn kiện ASEAN liên quan đến nhân quyền... Ngoài ra, AICHR có nhiệm vụ “thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào khác mà Hội nghị Bộ trưởng ASEAN có thể giao phó” (Điều 4 Quy chế).


Cơ cấu tổ chức

AICHR bao gồm đại diện của tất cả các nước thành viên ASEAN. Mỗi nước thành viên bổ nhiệm một đại diện, người này sẽ chịu trách nhiệm trước chính phủ cử đại diện. Quy chế không nêu những tiêu chí cụ thể của người đại diện mà chỉ khuyến nghị các nước thành viên khi bổ nhiệm các đại diện vào AICHR cần có sự xem xét hợp lý dựa trên cơ sở bình đẳng giới, khả năng và mức độ tham gia trong lĩnh vực nhân quyền. Mặt khác, các nước thành viên cần tham khảo các chủ thể liên quan trong việc bổ nhiệm các đại diện tới AICHR.

Nhiệm kỳ của mỗi đại diện là ba năm và có thể được tái bổ nhiệm, song chỉ được thêm một nhiệm kỳ. Chính phủ bổ nhiệm có thể quyết định thay thế đại diện của mình theo ý muốn. Các đại diện có trách nhiệm tuân thủ Hiến chương ASEAN, Quy chế của AICHR và tham dự các cuộc họp của cơ quan này. Chủ tịch AICHR sẽ là đại diện của nước thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN.


Phương thức hoạt động

       Điều 6 Quy chế quy định các phương thức hoạt động, cụ thể như việc ra quyết định, các cuộc họp, thực hiện báo cáo và công bố thông tin... Khi ra quyết định, AICHR sẽ căn cứ trên cơ sở tham vấn và đồng thuận tuân thủ Điều 20 Hiến chương ASEAN. AICHR sẽ họp hai lần mỗi năm, mỗi cuộc họp kéo dài không quá năm ngày. Các cuộc họp thường niên của AICHR sẽ được tổ chức luân phiên tại Ban Thư ký ASEAN và nước thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN. AICHR phải trình báo cáo thường niên và các báo cáo khác tới Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. AICHR sẽ định kỳ công khai công việc và các hoạt động của mình thông qua các phương tiện thông tin công cộng thích hợp.

Về quan hệ với các cơ quan nhân quyền khác trong khuôn khổ ASEAN, Quy chế khẳng định AICHR là một thể chế nhân quyền bao quát, chịu trách nhiệm tổng thể về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong ASEAN. Theo đó, AICHR sẽ làm việc với tất cả các cơ quan chuyên trách khác của ASEAN về nhân quyền để quyết định phương thức liên kết cuối cùng của họ với AICHR. Để đạt được điều này, AICHR sẽ tham vấn, phối hợp và cộng tác chặt chẽ với các cơ quan nói trên để tăng cường tính bổ trợ và gắn kết trong quá trình thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.

Ngân sách hàng năm sẽ được đóng góp trên cơ sở chia đều cho các nước thành viên ASEAN. AICHR cũng có thể nhận các nguồn hỗ trợ từ bất cứ nước thành viên ASEAN nào cho các chương trình riêng ngoài ngân sách trong kế hoạch làm việc. AICHR cũng sẽ thành lập một quỹ ủng hộ bao gồm các khoản đóng góp tự nguyện từ các nước thành viên ASEAN và các nguồn khác.

 

 

Những cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR)


Cuộc họp lần 1: 28/3 - 1/4/2010, tại Jakarta, Indonesia:

- Thảo luận về phương thức bảo đảm hiệu quả hoạt động của AICHR

- Thảo luận về việc hình thành Các Quy tắc về thủ tục (Rules of Procedure).

- Chuẩn bị soạn thảo Kế hoạch hoạt động năm năm.

- Tham vấn và ký thỏa thuận hợp tác với các cơ quan liên quan của ASEAN, bao gồm  Ủy ban Đại diện thường trực ASEAN (CPR), Cuộc họp viên chức cao cấp về các vấn đề xã hội và phát triển (SOMSWD) và Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW)…


Cuộc họp lần 2: 28/6 - 2/7/2010, tại Đà Nẵng, Việt Nam

- AICHR không ra thông cáo báo chí về kết quả của cuộc họp này.


Cuộc họp lần 3: 20 - 24 /9/2010, tại Kuala Lumpur, Malaysia

- Thảo luận về việc thực thi Chương trình hành động ưu tiên giai đoạn 2010-2011 mà đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng thứ 43 ASEAN (Hà Nội, tháng 7/2010)

-Thảo luận về ngân sách cho giai đoạn 2012-2015 của Kế hoạch hoạt động năm năm.

- Thảo luận về việc soạn thảo Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN.

- Gặp gỡ, trao đổi về định hướng hợp tác với Nhóm công tác vì cơ chế nhân quyền ASEAN.

- Trước cuộc họp này, khoảng 50 tổ chức xã hội dân sự trong khu vực đã có cuộc họp và đệ trình một kiến nghị đến AICHR liên quan đến Các Quy tắc về thủ tục (ROP), Tuyên ngôn Nhân quyền và Kế hoạch hoạt động của AICHR.


Cuộc họp lần 4: 10 – 13/ 2/2011, tại Solo, Indonesia

- Thảo luận và thông qua Các Hướng dẫn hoạt động (Guidelines of Operations) của AICHR.

- Thảo luận về Quy chế hoạt động cho Nhóm soạn thảo (Drafting Group) Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN,

- Tổ chức đối thoại với Chủ tịch Ủy ban Đại diện thường trực ASEAN (CPR), hai bên thống nhất sẽ thúc đẩy hợp tác đặc biệt trong lĩnh vực nhân quyền với các đối tác đối thoại ASEAN.


Cuộc họp lần 5: 25 – 29/4/2011, tại Jakarta, Indonesia

- Thảo luận và thông qua Quy chế hoạt động cho Nhóm soạn thảo Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN cùng thủ tục Hoạt động của AICHR.

- Thảo luận về ngân sách và phương thức tổ chức nghiên cứu về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và nhân quyền tại ASEAN. 

- Thảo luận và đi đến thống nhất những điểm căn bản của Kế hoạch hoạt động năm năm 2012-2015 và phương thức tổ chức nghiên cứu chủ đề lao động di trú.

- Thảo luận việc chuẩn bị xuất bản một cuốn sách nhỏ giới thiệu về AICHR.


Cuộc họp lần 6: 28/ 6 – 2/7/2011, tại Viên Chăn, Lào

- Thảo luận về vai trò của Ban thư ký ASEAN đối với công việc của Ủy ban, đưa ra các ưu tiên cho kế hoạch năm năm 2011 – 2015 trước khi đệ trình lên hội nghị bộ trưởng lần thứ 44 để thông qua trong tháng 7/2011.

- Thảo luận về việc xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN.

- Xem xét Quy chế hoạt động (TOR) cho nghiên cứu chuyên đề về Di trú và về Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.


QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA AICHR
 

(TERMS OF REFERENCE OF ASEAN INTERGOVERNMENTAL COMMISSION                                            ON HUMAN RIGHTS)

Tuân thủ Điều 14 của Hiến chương ASEAN, Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) sẽ hoạt động theo các Quy chế hoạt động (TOR) như sau:

1. Các mục đích

Các mục đích của AICHR là:

1.1 Thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của nhân dân các nước ASEAN;

1.2 Bảo vệ quyền của người dân ASEAN được sống trong hòa bình, tôn trọng và thịnh vượng;

1.3 Góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của ASEAN như đã nêu trong Hiến chương ASEAN nhằm thúc đẩy ổn định và hòa hợp trong khu vực, tình hữu nghị và họp tác giữa các nước thành viên ASEAN cũng như bảo đảm hạnh phúc, sinh kế, phúc lợi và sự tham gia của người dân ASEAN vào quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN;

1.4 Thúc đẩy nhân quyền trên cơ sở bối cảnh khu vực, ghi nhớ tính đặc thù của từng nước và của khu vực, tôn trọng sự khác biệt về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, có tính đến sự cân bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm;

1.5 Tăng cường họp tác khu vực với mong muốn bổ trợ cho nỗ lực của các quốc gia và quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; và

1.6 Duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế được quy định trong Tuyên bố chung về nhân quyền, Tuyên bố và chương trình hành động Vienna và các văn kiện quốc tế về nhân quyền mà các nước thành viên ASEAN tham gia.

2. Các nguyên tắc

AICHR sẽ tuân theo các nguyên tắc như sau:

2.1 Tôn trọng các nguyên tắc của ASEAN như đã nêu trong điều 2 Hiến chương ASEAN, đặc biệt là:

a) tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các nước thành viên ASEAN;

b) không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên ASEAN;

c) tôn trọng quyền của mỗi nước thành viên bảo vệ đất nước mình tránh khỏi sự can thiệp, lật đổ hay áp đặt từ bên ngoài.

d) tuân thủ luật pháp, sự quản lý tốt, các nguyên tắc dân chủ và chính phủ hợp hiến;

e) tôn trọng các quyền tự do cơ bản, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, và thúc đẩy công bằng xã hội;

f) tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân đạo quốc tế được các nước thành viên ASEAN tán thành; và

g) tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo giữa các nước ASEAN, đồng thời nhấn mạnh các giá trị chung trên tinh thần thông nhất trong đa dạng.

2.2 Tôn trọng các nguyên tắc nhân quyền quốc tế, bao gồm tính toàn thể, không tách rời nhau, phụ thuộc lẫn nhau và tính tương quan của tất cá các quyền con người và các quyền tự do cơ bản, cũng như không thiên vị, khách quan, không chọn lọc, không phân biệt và tránh tình trạng tiêu chuẩn kép và chính trị hóa;

2.3 Nhận thức được trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản thuộc về mỗi nước thành viên;

2.4 Theo đuổi cách tiếp cận và hợp tác xây dựng và không đối đầu nhằm tăng cường thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; và

2.5 Áp dụng cách tiếp cận tiệm tiến giúp phát triển các tiêu chuẩn và chuẩn mực nhân quyền trong ASEAN .

3. Cơ quan tư vấn liên chính phủ

AICHR là một cơ quan liên chính phủ và là bộ phận cấu thành của cơ cấu tổ chức ASEAN. Nó là một cơ quan tư vấn.

4. Chức năng và nhiệm vụ

4.1 Phát triển các chiến lược thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản hỗ trợ xây dựng cộng đồng ASEAN;

4.2 Phát triển một Tuyên bố nhân quyền ASEAN với mong muốn thiết lập khuôn khổ cho hợp tác nhân quyền thông qua các hiệp định khác nhau của ASEAN và các văn kiện khác về nhân quyền;

4.3 Tăng cường nhận thức của người dân ASEAN về nhân quyền thông qua giáo dục, nghiên cứu và phổ biến thông tin;

4.4 Thúc đẩy xây dựng khả năng triển khai hiệu quả các nghĩa vụ trong các hiệp ước nhân quyền quốc tế mà các nước thành viên ASEAN tham gia;

4 .5 Khuyến khích các nước thành viên ASEAN xem xét gia nhập và thông qua các văn kiện nhân quyền quốc tế; .

4.6 Thúc đẩy triển khai đầy đủ các văn kiện ASEAN liên quan đến nhân quyền;

4.7 Cung cấp dịch vụ tư vấn và trợ giúp kỹ thuật về các vấn đề nhân quyền theo yêu cầu của các cơ quan chuyên ngành ASEAN;

4.8 Khuyến khích đối thoại và tham vấn với các cơ quan ASEAN khác và các thực thể phối hợp với ASEAN, bao gồm các tổ chức xã hội dân sự và các nhóm lợi ích, như đã nêu trong chương V Hiến chương ASEAN;

4.9 Tham vấn khi thích hợp với các thể chế và cơ quan quốc gia, khu vực và quốc tế có liên quan tới thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền;

4.10 Thu thập thông tin từ các nước thành viên ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền;

4.11 Phát triển các cách tiếp cận và quan điểm chung về các vấn đề nhân quyền thuộc lợi ích của ASEAN;

4.12 Chuẩn bị nghiên cứu về các chuyên đề về nhân quyền trong ASEAN;

4.13 Đệ trình một báo cáo thường niên về các hoạt động của ủy ban, hoặc các báo cáo khác nếu cần thiết, tới Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN; và

4.14 Thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào khác mà Hội nghị Bộ trưởng ASEAN có thể giao phó.

5. Cơ cấu

Thành viên

5.1 AICHR sẽ bao gồm các nước thành viên ASEAN

5.2 Mỗi nước thành viên ASEAN sẽ bổ nhiệm một Đại diện tới AICHR, người này sẽ chịu trách nhiệm trước chính phủ cử đại diện.

Các tiêu chí

5.3 Khi bổ nhiệm các Đại diện tới AICHR, các nước thành viên sẽ có sự xem xét hợp lý dựa trên cơ sở bình đẳng giới, khả năng và mức độ tham gia trong lĩnh vực nhân quyền.

5.4 Các nước thành viên nên tham khảo, nếu tiến trình nội bộ đòi hỏi, các chủ thể liên quan trong việc bổ nhiệm các Đại diện tới AICHR.

Nhiệm kỳ

5.5 Mỗi Đại diện có nhiệm kỳ ba năm và có thể được tái bổ nhiệm tiếp thêm chỉ một nhiệm kỳ.

5.6 Bất kể đoạn 5.5, Chính phủ bổ nhiệm vẫn có thể quyết định thay thế đại diện của mình theo ý muốn.

Trách nhiệm

5.7 Mỗi Đại diện, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, sẽ hành động một cách công bằng tuân theo Hiến chương ASEAN và Quy chế hoạt động này.

5.8 Các Đại diện sẽ có nghĩa vụ tham dự các cuộc họp AICHR. Nếu một đại diện không thể tham dự cuộc họp vì một tình huống ngoại lệ Chính phủ liên quan sẽ thông báo chính thức tới Chủ tịch AICHR việc bổ nhiệm đại diện lâm thời với đầy đủ quyền đại diện cho nước thành viên nói trên.

Chủ tịch AICHR

5.9 Chủ tịch AICHR sẽ là Đại diện của nước thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN.

5.10 Chủ tịch AICHR sẽ thực hiện vai trò của mình phù hợp với Quy chế hoạt động này, bao gồm:

a) chỉ đạo việc chuẩn bị các báo cáo của AICHR và trình bày các báo cáo đó tới  Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN;

b) phối hợp với các Đại diện AICHR trong các cuộc họp của AICHR và với các cơ quan ASEAN liên quan;

c) đại diện AICHR tại các sự kiện khu vực và quốc tế liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền mà AICHR có trách nhiệm; và

d) đảm nhận các chức năng đặc thù khác của AICHR phù hợp với Quy chế hoạt động này.

Miễn trừ và ưu đãi

5.11 Tuân thủ điều 19 Hiến chương ASEAN, các Đại diện tham gia các hoạt động chính thức của AICHR sẽ được hưởng các quyền miễn trừ và ưu đãi cần thiết cho việc thực hiện các chức năng của họ.

6. Các phương thức hoạt động

Ra quyết định

6.1 Việc ra quyết định ở AICHR sẽ căn cứ trên tham vấn và đồng thuận tuân thủ điều 20 Hiến chương ASEAN.

Số lượng các cuộc họp

6.2 AICHR sẽ triệu tập hai cuộc họp thường niên mỗi năm. Thông thường mỗi cuộc họp sẽ kéo dài không quá năm ngày.

6.3 Các cuộc họp thường niên của AICHR sẽ được tổ chức luân phiên tại Ban Thư ký ASEAN và nước thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN.

6.4 Khi thích hợp, AICHR có thể tổ chức các cuộc họp bổ sung tại Ban Thư ký ASEAN hoặc tại địa điểm được các Đại diện tán thành.

6.5 Khi cần thiết, các Ngoại trưởng ASEAN có thể chỉ đạo AICHR tiến hành họp.

Phương thức báo cáo

6.6 AICHR sẽ trình một báo cáo thường niên và các báo cáo khác tới Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN để xem xét.

Thông tin công bố

6.7 AICHR sẽ công khai định kỳ công việc và các hoạt động của mình thông qua các phương tiện thông tin công cộng thích hợp của AICHR.

Quan hệ với các quan nhân quyền khác trong khuôn khổ ASEAN

6.8 AICHR là một thể chế nhân quyền bao quát trong ASEAN, chịu trách nhiệm tổng thể về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong ASEAN.

6.9 AICHR sẽ làm việc với tất cả các cơ quan chuyên trách ASEAN về nhân quyền để quyết định phương thức liên kết cuối cùng của họ với AICHR. Để đạt được điều này, ẠIDHR sẽ tham vấn, phối hợp và cộng tác chặt chẽ với các cơ quan nói trên để tăng cường tính tính bổ trợ và gắn kết trong quá trình thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.

7. Vai trò của Tổng thư ký ASEAN và Ban Thư ký ASEAN

7.1 Tổng thư ký ASEAN có thể đưa các vấn đề liên quan ra AICHR xem xét tuân thủ Điều 11.2 (a) và (b) Hiến chương ASEAN. Với việc này, Tổng thư ký ASEAN sẽ đồng thời thông báo tới các Ngoại trưởng ASEAN về các vấn đề này.

7.2 Ban Thư ký ASEAN sẽ cung cấp các hỗ trợ về hành chính cho AICHR để bảo đảm hiệu quả công việc. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hỗ trợ của Ban Thư ký cho AICHR, các nước thành viên ASEAN có thể, cử nhân viên tới Ban thư ký ASEAN với sự đồng tình của Tổng thư ký ASEAN.

8. Kế hoạch làm việc và tài chính

8.1 AICHR sẽ chuẩn bị và trình một Kế hoạch làm việc gồm các chương trình và hành động với ngân sách dự toán trong vòng năm năm để Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN xét duyệt, dựa trên đề xuất của ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN.

8.2 AICHR cũng sẽ chuẩn bị và trình một ngân sách hàng năm để hỗ trợ các chương trình và hoạt động ưu tiên cao, ngân sách này sẽ được thông qua tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN dựa trên đề xuất của ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN.

8.2 Ngân sách hàng năm sẽ được đóng góp trên cơ sở chia đều cho các nước thành viên ASEAN.

8.4 AICHR cũng có thể nhận các nguồn hỗ trợ từ bất cứ nước thành viên ASEAN nào cho các chương trình riêng ngoài ngân sách trong kế hoạch làm việc

8.5 AICHR cũng sẽ thành lập một quỹ ủng hộ bao gồm các khoản đóng góp tự nguyện từ các nước thành viên ASEAN và các nguồn khác.

8.6 Cung cấp tài chính và các nguồn khác từ các nước không phải là thành viên ASEAN sẽ chỉ dành cho thúc đẩy nhân quyền, xây dựng khả năng và giáo dục.

8.7 Tất cả các nguồn tài chính AICHR sử dụng sẽ được quản lý và giải ngân theo các nguyên tắc tài chính chung của ASEAN.

8.8 Hỗ trợ về hành chính cho AICHR sẽ được cung cấp từ ngân sách hoạt động hàng năm của Ban thư ký ASEAN.

9. Các điều khoản chung cuối cùng

9.1 Quy chế hoạt động này sẽ có hiệu lực khi có sự chấp thuận của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN.

Sửa đổi bổ sung

9.2 Bất cứ quốc gia thành viên nào cũng có thể trình yêu cầu chính thức sửa đổi Quy chế hoạt động này.

9.3 Yêu cầu sửa đổi sẽ được xem xét bởi ủy ban các đại diện thưởng trực tại ASEAN có tham vấn AICHR, và trình lên Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN xét duyệt.

9.4 Các sửa đổi nói trên sẽ có hiệu lực khi được sự chấp thuận của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN.

9.5 Các sửa đổi nói trên sẽ không làm tổn hại đến các quyền và nghĩa vụ phát sinh hoặc căn cứ từ Quy chế hoạt động này trước hoặc cho đến khi có sửa đổi đó

Kiểm điểm

9.6 Quy chế hoạt động này sẽ bắt đầu được kiểm điểm năm năm sau khi nó đi vào hiệu lực. Bản kiểm điểm này và các kiểm điểm tiếp theo sẽ được đảm nhận bởi Hội nghị Ngoại tưởng ASEAN, với mong muốn tăng cường hơn nữa việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong ASEAN.

9.7 Về vấn đề này, AICHR sẽ đánh giá công việc của mình và trình các đề xuất lên Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN xem xét về các nỗ lực có thể thực hiện trong tương lai để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong ASEAN, nhất quán với các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương ASEAN và Quy chế hoạt động này.

Diễn giải

9.8 Bất cứ diễn giải nào khác của Quy chế hoạt động này mà không thề giải quyết sẽ được đưa ra Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN để quyết định.


LKT 

 

 

 


Các tin khác: