NGO Campuchia bảo vệ nhân quyền
Mặc dù thời gian hòa bình sau nội chiến tại Campuchia chưa dài, nhà nước đã có chính sách tương đối cởi mở đối với xã hội dân sự. Các tổ chức xã hội dân sự ở Campuchia phát triển nhanh chóng và đã bước đầu có những đóng góp đáng kể vào việc khắc phục hậu quả của chế độ diệt chủng và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Trong số các tổ chức xã hội dân sự đang hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền ở Campuchia, các tổ chức dưới đây có thể coi là tiêu biểu:

a. Liên đoàn thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền Campuchia - LICADHO

Liên đoàn thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền Campuchia (LICADHO) là một NGO lớn tại Campuchia trong lĩnh vực nhân quyền, được thành lập vào năm 1992. LICADHO hiện có 13 văn phòng ở 13 tỉnh thành trên khắp cả nước.

Đứng đầu LICADHO là nữ bác sỹ Kek Galabru (Pung Chhiv Kek), một công dân sống ở nước ngoài, người từng dàn xếp cuộc gặp giữa Thủ tướng Hun Sen và Quốc vương Norodom Sihanouk. Các cuộc đàm phán đó đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991, theo đó Liên hợp quốc cử một phái đoàn đến Campuchia giám sát các cuộc bầu cử và hỗ trợ dàn xếp cuộc tranh chấp kéo dài. Trong bối cảnh đó, bác sỹ Galabru và nhiều người Campuchia sống ở nước ngoài đã về nước để tìm cách giảm bớt các khổ đau mà đồng bào phải ghánh chịu sau chiến tranh.  Từ đó, Liên đoàn thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền Campuchia (LICADHO) được hình thành vào năm 1992. LICADHO là một trong số các tổ chức nhân quyền đầu tiên được thiết lập tại quốc gia này nhờ sự hiện diện của phái đoàn Liên hợp quốc. Một tổ chức nhân quyền độc lập như vậy khó có thể được thiết lập trong giai đoạn trước đó.

LICADHO khởi đầu bằng việc tổ chức các chiến dịch giáo dục cử tri về bầu cử cho các cuộc bầu cử diễn ra vào năm 1993 và giám sát việc bầu cử. Sau đó, tổ chức này tham gia vào các hoạt động giám sát các vi phạm quyền, đào tạo về nhân quyền, cung cấp chăm sóc y tế cho các tù nhân và nạn nhân của vi phạm nhân quyền. Năm 1994, tổ chức mở rộng với việc thiết lập thêm các văn phòng về quyền phụ nữ và quyền trẻ em.

Hiện nay, LICADHO đang tập trung vào một số chương trình giám sát và bảo vệ nhân quyền (giám sát các vi phạm của nhà nước, đại diện pháp lý, giám sát nhà tù) bên cạnh việc hỗ trợ y tế, công tác xã hội… LICADHO còn thực hiện việc vận động chính sách, đưa ra các nghiên cứu và đã trở thành một nguồn thông tin quan trọng về nhân quyền tại Campuchia.

Các văn phòng của LICADHO cũng cung cấp trợ giúp trong nhiều chương trình về nhân quyền. Nhiều luật sư đã được cử đề đại diện cho các khách hàng là những nạn nhân của vi phạm nhân quyền. Tổ chức này còn chăm sóc sức khỏe, cung cấp lương thực, nơi tạm trú cho các nạn nhân của vi phạm nhân quyền. LICADHO gần đây đặc biệt coi trọng việc kết nối với các cộng đồng và các nhóm tự lực tại các địa phương trong việc thu thập (chụp ảnh, quay phim…) và truyền tải các tin tức về các vi phạm nhân quyền tại các địa phương của Campuchia.

Trang tin điện tử của LICADHO  : http://www.licadho-cambodia.org

b. Uỷ ban hành động vì nhân quyền Campuchia (CHRAC)

Uỷ ban hành động vì nhân quyền Campuchia (Cambodian Human Rights Action Committee - CHRAC) là một liên minh được thành lập năm 1994 bởi một nhóm các tổ chức và hiệp hội nhằm hợp tác trong nỗ lực bảo vệ nhân quyền. Hiện nay CHRAC bao gồm 21 tổ chức và hiệp hội độc lập hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền của Campuchia, bao gồm các tổ chức ADHOC, LICADHO...[1]

c. Trung tâm nhân quyền Campuchia (CCHR)

Trung tâm nhân quyền Campuchia (Cambodian Centre for Human Rights - CCHR) được thành lập năm 2002 bởi nhà hoạt động nhân quyền Kem Sokha. Năm 2005, Kem Sokha và một số nhà hoạt động khác bị bắt giam do cáo buộc về nội dung của biểu ngữ sử dụng trong lễ kỷ niệm Ngày nhân quyền. Tuy vậy, nhờ áp lực của quốc tế và chiến dịch vận động cho quyền tự do ngôn luận của Giám đốc về vận động của CCHR khi đó là Ou Virak, chính quyền đã trả tự do cho Kem Sokha. Năm 2007, Kem Sokha ngưng hoạt động tại CCHR để chuyển sang hoạt động chính trị, Ou Virak thay thế vị trí Chủ tịch CCHR.

Từ khi thành lập, CCHR tập trung vào việc tăng cường năng lực cho các cộng đồng và là NGO đầu tiên thiết kế các “diễn đàn công chúng” tại nhiều địa phương ở Campuchia. Các diễn đàn này được phát thanh trên chương trình Tiếng nói Dân chủ (Voice of Democracy), một chương trình radio được CCHR thiết lập vào năm 2003, và sáu kênh phát thanh độc lập khác. Đến tháng 6/2007, Trung tâm Truyền thông độc lập Campuchia được thành lập nhằm vận hành Tiếng nói Dân chủ như một đài phát thanh độc lập. Các diễn đàn hiện nay cũng được quay phim và phát trên Youtube. Gần đây CCHR triển khai nhiều dự án như Dự án Thương mại và nhân quyền, Dự án Những người bảo vệ nhân quyền, Dự án Theo dõi các phiên tòa, Dự án Cổng thông tin điện tử về nhân quyền (Sithi.org)…[2]


d. Hiệp hội nhân quyền và phát triển Campuchia (ADHOC)

Hiệp hội nhân quyền và phát triển Campuchia (Cambodian Human Rights and Development Association - ADHOC) là một tổ chức được thành lập năm 1991 với mục tiêu ban đầu là điều tra các vi phạm nhân quyền tại Campuchia. Văn phòng của tổ chức lúc đầu đặt trong một ngôi chùa tại Phnom-pênh.



[1] Trang tin điện tử của CHRAC: http://www.chrac.org

 

[2] Trang tin điện tử: http://www.cchrcambodia.org/

 


Các tin khác: