SỐ 7 - QUYỀN ĐƯỢC ĐỐI XỬ NHÂN ĐẠO CỦA NGƯỜI BỊ TƯỚC TỰ DO
Quyền được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm của những người bị tước tự do được quy định trong Điều 10 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Theo Điều này, những người bị tước tự do phải được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người.

 Khoản 2 Điều này quy định, trừ những hoàn cảnh đặc biệt, bị can, bị cáo phải được giam giữ tách biệt với những người đã bị kết án và phải được đối xử theo chế độ riêng, phù hợp với quy chế dành cho những người bị tạm giam. Những bị can chưa thành niên phải được giam giữ tách riêng khỏi người lớn và phải được đưa ra xét xử càng sớm càng tốt. Đặc biệt, Khoản 3 Điều này đề cập đến một nguyên tắc định hướng việc đối xử với những người bị tước tự do, theo đó, việc đối xử với tù nhân trong hệ thống trại giam nhằm mục đích chính yếu là cải tạo và đưa họ trở lại xã hội, chứ không phải nhằm mục đích chính là trừng phạt hay hành hạ họ.

Ngoài những khía cạnh đã được nêu rõ, trong Bình luận chung số 9 thông qua tại phiên họp lần thứ 16 năm 1982, HRC đã giải thích thêm một số khía cạnh có liên quan đến nội dung của Điều 10 ICCPR. Những ý kiến bình luận này sau đó được thay thế, bổ sung bằng Bình luận chung số 21 thông qua tại phiên họp lần thứ 44 năm 1992 mà có thể tóm tắt những điểm quan trọng như sau:

Thứ nhất, khái niệm “những người bị tước tự do’ nêu ở Khoản 1 Điều 10 không chỉ giới hạn ở những tù nhân hoặc người bị tạm giam, tạm giữ, mà còn mở rộng đến tất cả những đối tượng khác bị hạn chế tự do theo quy định pháp luật của các nước thành viên, chẳng hạn như những người bị quản chế để học tập, lao động, rèn luyện ở các trại cải tạo, trường giáo dưỡng, bệnh viện tâm thần, cơ sở cai nghiện...(đoạn 2). 

Thứ hai, việc đối xử nhân đạo với những người bị tước tự do như quy định trong Khoản 1 Điều 10 là một nghĩa vụ của các quốc gia thành viên. Bản chất của nghĩa vụ này là phải tôn trọng nhân phẩm của những người bị tước tự do tương tự như nhân phẩm của những người tự do. Những người bị tước tự do vẫn có những quyền dân sự, chính trị được quy định trong ICCPR, chỉ bị hạn chế một số quyền bắt nguồn từ môi trường bị quản chế. Nghĩa vụ đối xử nhân đạo với những người bị tước tự do bao gồm việc tuân thủ các quy định về cấm tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc sử dụng họ vào các thí nghiệm y tế hay khoa học mà trái với ý muốn của họ, theo như quy định ở Điều 7 ICCPR (đoạn 3).

Thứ ba, đối xử nhân đạo và với sự tôn trọng nhân phẩm của những người bị tước tự do là một nguyên tắc cơ bản về quyền con người trong tố tụng hình sự mà đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Các quốc gia thành viên phải áp dụng nguyên tắc này như một yêu cầu tối thiểu, không phụ thuộc vào nguồn lực sẵn có của quốc gia và không mang tính phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào (đoạn 4).

Thứ bốn, những văn kiện của Liên hợp quốc được sử dụng để làm tiêu chuẩn đánh giá việc thực hiện quyền được đối xử nhân đạo khi bị tước tự do và để lập báo cáo quốc gia về việc thực hiện quyền này bao gồm: Các tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về việc đối xử với tù nhân (1955)[1]; Tập hợp các nguyên tắc bảo vệ tất cả những người bị giam hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào (1988); Các quy tắc đạo đức trong ứng xử của quan chức thực thi pháp luật (1979) và Các quy tắc đạo đức trong ứng xử của nhân viên y tế trong việc bảo vệ tù nhân và những người bị giam giữ khỏi sự tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm (1982) (đoạn 5).

Thứ năm, các quốc gia nên xác định dưới 18 là độ tuổi được coi là vị thành niên trong tố tụng hình sự. Việc đối xử phù hợp với lứa tuổi và tư cách pháp lý của người chưa thành niên nêu ở Khoản 3 Điều 10 phải thể hiện ở những yếu tố như: điều kiện giam giữ tốt hơn phạm nhân đã thành niên; giờ lao động ngắn hơn; được liên lạc với người thân...Văn kiện của Liên hợp quốc được sử dụng để làm tiêu chuẩn đánh giá việc thực hiện và để lập báo cáo quốc gia trong vấn đề này là Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về hoạt động tư pháp với người chưa thành niên (Các quy tắc Bắc Kinh, 1985) (đoạn 5).

Thứ sáu, Điều 10 đã xác định các nguyên tắc và quy định cơ bản làm cơ sở cho việc xác định rõ ràng hơn nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự (đoạn 8). Theo các nguyên tắc này, không nên coi các trại giam là nơi để trả thù phạm nhân mà cần coi đó là nơi để giúp họ hoàn lương (đoạn 10).



[1] Sau này, vào năm 1990, Liên hợp quốc thông qua một văn kiện mới có tên là Các nguyên tắc cơ bản về đối xử với tù nhân.


(Trích Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật - ĐHQGHN, NXB CTQG, 2009, trang  203 - 205)

Ảnh: cảnh trong phim "Prisoner" của Nhật, dựa trên tiểu thuyết "Tù nhân ở Phnom Penh" về một người Nhật bị tù oan.
 
jdramas.wordpress.com


Các tin khác: