Quyền được hỗ trợ về gia đình đầu tiên được đề cập trong Khoản 3 Điều 16 và Khoản 2 Điều 25 UDHR. Theo Khoản 3 Điều 16, gia đình là tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội, được nhà nước và xã hội bảo vệ. Khoản 2 Điều 25 quy định, các bà mẹ và trẻ em có quyền được hưởng sự chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt. Mọi trẻ em, dù sinh ra trong hay ngoài giá thú, đều phải được hưởng sự bảo trợ xã hội như nhau.
Các quy định kể trên của UDHR sau đó được cụ thể hóa cả trong ICCPR (Điều 23, đã phân tích ở trên) và Điều 10 ICESCR, mặc dù quy định của hai công ước ít nhiều khác nhau.
Điều 10 ICESCR yêu cầu các quốc gia thành viên: (1) Dành sự giúp đỡ và bảo hộ tới mức tối đa có thể được cho gia đình - tế bào cơ bản và tự nhiên của xã hội - nhất là đối với việc tạo lập gia đình và trong khi gia đình chịu trách nhiệm chăm sóc và giáo dục trẻ em đang sống lệ thuộc; (2) Dành sự bảo hộ đặc biệt cho các bà mẹ trong một khoảng thời gian thích đáng trước và sau khi sinh con..;(3) Áp dụng những biện pháp bảo vệ và trợ giúp đặc biệt đối với mọi trẻ em và thanh thiếu niên mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào vì các lý do xuất thân hoặc các điều kiện khác...
Liên quan đến Điều 10 ICESCR, Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa chưa có Bình luận chung nào về Điều này, tuy nhiên, một số đoạn trong Bình luận chung số 19 của Ủy ban quyền con người có thể coi là những giải thích bổ sung cho quyền được hỗ trợ về gia đình, cụ thể là:
Thứ nhất, Điều 23 ICCPR ghi nhận gia đình là tế bào cơ bản và tự nhiên của xã hội, được xã hội và nhà nước bảo vệ. Nghiêm cấm sự can thiệp tuỳ tiện và bất hợp pháp vào gia đình (đoạn 1).
Thứ hai, khái niệm gia đình có thể khác nhau giữa các quốc gia, thậm chí giữa các tôn giáo trong một quốc gia, do đó ICCPR không đưa ra một định nghĩa chung về gia đình. Tuy nhiên, khi một đơn vị người được coi là gia đình căn cứ theo phong tục hay pháp luật của một nước, thì đơn vị người đó sẽ được bảo vệ bởi Điều 23 ICCPR.
(Trích Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật - ĐHQGHN, NXB CTQG 2009, tr 270 - 272)