TỰ DO VÀ CHỦ NGHĨA TỰ DO (1): DẪN NHẬP
Mặc dù đã có nhiều cách hiểu về Chủ nghĩa Tự do (Liberalism) trên thế giới vào những thời điểm khác nhau, những người Việt có cùng ước nguyện bảo vệ tự do, dân chủ và phẩm giá con người có thể cùng nhau thảo luận, hình thành một triết lý chung của mình.


Tự do, khả năng hành động hoặc không hành động theo lý trí và ý chí của bản thân, là giá trị nền tảng cho sự phát triển của mỗi cá nhân, cộng đồng và quốc gia. Xâm phạm tự do làm tổn hại đến phẩm giá con người, nên việc tước đoạt tự do chính là chống lại con người. Bảo vệ tự do, bảo vệ con người, cũng cần đến những tư tưởng, triết lý nền tảng định hướng cho hành động trong dài hạn.

Chủ nghĩa Tự do lấy tự do làm giá trị trung tâm, coi việc bảo vệ tự do trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị là những tiền đề mang lại hạnh phúc cho mỗi người dân.

Nhìn chung, Chủ nghĩa Tự do cổ điển xác định một số nguyên tắc (giá trị) cơ bản, có thể khái quát gồm: 1) Tự do; 2) Vai trò cá nhân ; 3) Xã hội dân sự ; 4) Thị trường tự do ; 5) Vai trò hạn chế của chính quyền ; 6) Pháp quyền ; 7) Khoan dung và hòa bình .

Như vậy, Tự do là giá trị cốt lõi, căn bản nhất của một triết lý toàn diện về con người và hạnh phúc của con người (cần có tự do bảo đảm) - với tên gọi là Chủ nghĩa Tự do.

Hình thành từ giữa thế kỷ 17, làm tiền đề cho các cuộc cách mạng Pháp và Mỹ, Chủ nghĩa Tự do là sự tấn công vào các chế độ chuyên chế, bảo vệ tự do cá nhân trước những can thiệp tùy tiện. Dù John Locke (1632-1704) được một số người coi là Người Cha của Chủ nghĩa Tự do cổ điển (Father of Classical Liberalism), các nhà tư tưởng Khai sáng như Rousseau, Voltaire, Montesquieu cũng có vai trò rất quan trọng.

Từ cuối thể kỷ 19, với sự trỗi dậy của chủ nghĩa thực dân và các phong trào đề cao tập thể, cộng đồng (như chủ nghĩa Marx), chủ nghĩa tự do có sự suy thoái đáng kể trên phạm vi thế giới. Đầu thế kỷ 20, sự khủng hoảng kinh tế tại nhiều quốc gia Tây phương cũng khiến cho học thuyết thị trường tự do bị đẩy lui bởi lý thuyết về can thiệp của nhà nước (lý thuyết kinh tế Keynes).

Tuy nhiên, nhiều trí thức (L. Mises, F. Hayek, M. Friedman...) vẫn nỗ lực kế tục, làm hồi sinh chủ nghĩa tự do cổ điển với những cập nhật với thời đại. Từ thập niên 1970, chủ nghĩa tự do lại dành ưu thế trên quy mô quốc tế.

Hòa chung vào các cuộc tranh đấu đòi quyền tự do, nhiều trí thức, nhà hoạt động xã hội và nhà tư tưởng từ châu Á, châu Mỹ Latinh (như A. Sen, H. de Soto...) cũng có đóng góp đáng kể cho trào lưu tự do của nhân loại.

Mặc dù đã có nhiều cách hiểu về Chủ nghĩa Tự do (Liberalism) trên thế giới vào những thời điểm khác nhau, những người Việt có cùng ước nguyện bảo vệ tự do, dân chủ và phẩm giá con người có thể cùng nhau thảo luận, hình thành một triết lý chung của mình.

Tạo tiền đề cho những thảo luận này, hiểu biết về tư tưởng tự do của nhân loại trong mấy thế kỷ qua hẳn là cần thiết và hữu ích. Chúng ta sẽ thấy, bên cạnh sự đa dạng, phong phú, những suy tư về bản chất con người, về bảo vệ tự do trước các chế độ chuyên quyền, tại nhiều quốc gia, nhiều thời điểm khác nhau, có nhiều nét tương đồng đến lạ kỳ.

Chúng tôi lần lượt giới thiệu các tác phẩm và các nhà tư tưởng tự do, đồng thời, thảo luận thêm về các chủ đề liên quan.

Bước đầu, 33 tác phẩm tiêu biểu của Chủ nghĩa Tự do (tạm chia thành 2 phần) sẽ được giới thiệu lần lượt, gồm: 


PHẦN I. CHỦ NGHĨA TỰ DO CỔ ĐIỂN


1.    Thủy quái (Leviathan), Thomas Hobbes, 1652


2.    Khảo luận thứ 2 về chính quyền (The Second Treatise on Civil Government), John Locke, 1689


3.    Khế ước xã hội (The Social Contract), Jean J. Rousseau, 1762


4.    Tinh thần pháp luật (The Spirit of the Laws), Ch. Baron de Montesquieu, 1748


5.    Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ (The Declaration of Independence), 1776


6.    Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp (The Declaration of the Rights of Man and of the Citizen), 1789


7.    Luật về các quyền Hoa Kỳ (The Bill of Rights) (Tu chính án Hiến pháp), 1791


8.    Phạm vi và trách nhiệm của chính quyền (The Sphere and Duties of Government), Wilhem von Humboldt, 1792


9.    Bất tuân dân sự (Civil Disobedience), Henry David Thoreau, 1849


10. Nền dân chủ Mỹ (On Democracy in America), Alexis de Toqueville, 1835


11. Bàn về tự do (On Liberty), John Stuart Mill, 1859


12. Chính thể đại diện (Representative Government), John Stuart Mill, 1861


13. Chủ nghĩa dân quyền, Tôn Trung Sơn, 1924


14. Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa, Phan Châu Trinh, 1925




PHẦN II. NHỮNG NỖ LỰC HỐI SINH CHỦ NGHĨA TỰ DO CỔ ĐIỂN


15. Chủ nghĩa tự do (Liberalism), Ludvig Von Mises, 1927


16. Đường về nô lệ (The Road to serfdom), Friedrich Hayek, 1944


17. Xã hội mở và các kẻ thù của nó (The Open Society and Its Enemies), Karl Popper, 1945


18. Sử dụng tri thức trong xã hội (The Use of Knowledge in Society), Friedrich Hayek, 1945


19. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (The Universal Declaration of Human Rights -UDHR), 1948


20. Hiện trạng của tự do (The Constitution of Liberty), Friedrich Hayek, 1960


21. Chủ nghĩa tư  bản, chủ nghĩa xã hội và dân chủ (Capitalism, Socialism and Democracy), Joseph A. Schumpeter, 1950


22. Hai khái niệm về tự do (Two Concepts of Liberty), Isaiah Berlin, 1958


23. Chủ nghĩa tư bản và tự do (Capitalism and Freedom), Milton Friedman, 1962


24. Một lý thuyết về công lý (A Theory of Justice), John Rawls, 1971


25. Vô chính phủ, nhà nước và địa đàng trần gian (Anarchy, State, and Utopia), M.Nozick,1974


26. Hiện đại hóa thứ 5 (The Fifth Modernization), Ngụy Kinh Sinh, 1978


27. Đạo đức của tự do (The Morality of Freedom), Joseph Raz, 1979


28. Phát triển là tự do (Development as Freedom), Amartya Sen, 1999


29. Cấu trúc của tự do: công bằng và pháp quyền (The Structure of Liberty: Justice and the Rule of Law), Randy Barnett, 2000


30. Bí ẩn của Tư bản (The Mystery of Capital), Hernando de Soto, 2000


31. Các quy phạm của tự do (Norms of Liberty), Douglas B.Rasmussen, Douglas J.Den Uyl, 2005


32. Nền kinh tế chính trị mạnh mẽ (Robust Political Economy), Mark Pennington, 2011


33. Sự hình thành chủ nghĩa tự do hiện đại (The Making of Modern Liberalism), Alan Ryan, 2012.




K.Tùng 


Các tin khác: