Các tổ chức xã hội vận động mở rộng các quyền tự do
Với định hướng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật liên quan đến dân quyền, nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức, nhóm xã hội đang hướng quan tâm đến một số đạo luật cơ bản về quyền tự do hiệp hội, quyền tiếp cận thông tin, trưng cầu ý dân, biểu tình.


Việc các tổ chức xã hội, tiếng nói đại diện cho các nhóm xã hội, tham gia vào tiến trình lập pháp là một đòi hỏi của Hiến pháp 2013 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008.

Trong hai ngày 10 và 11/12/2014, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo tập huấn "Kỹ năng tham vấn và vận động chính sách liên quan đến Luật về Hội" tại Hà Nội, nhằm trang bị cho các tổ chức xã hội các kiến thức liên quan đến vận động chính sách, thông tin về quá trính vận động Luật về Hội giai đoạn trước (2005-2006), hướng tới sự tham gia đóng góp ý kiến cho văn bản luật này trong thời gian tới. Các đại biểu đến từ các hội thành viên, tổ chức trực thuộc Liên hiệp hội đã được các chuyên gia, những người đã tham gia tham vấn xây dựng Luật về Hội như các ông Nguyễn Ngọc Lâm (nguyên Vụ trưởng Vụ Các tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ), Hồ Uy Liêm (nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp hội Việt Nam), Phạm Bích San (nguyên Phó Tổng thư ký Liên hiệp hội), bà Đỗ Thị Vân (nguyên Trưởng ban Tổ chức-Cán bộ Liên hiệp hội) chia sẻ các nội dung như lý thuyết về chính sách và phân tích chính sách, một số vấn đề cần nghiên cứu từ kinh nghiệm giai đoạn 2005-2006 và gợi ý một số vấn đề cho giai đoạn tới... Bộ Nội vụ chưa cho biết khi nào sẽ có dự thảo (mới) đầu tiên.

Trong ngày 15 và 16/12/2014, cũng tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo về Luật Tiếp cận thông tin. Đạo luật này sẽ được khởi thảo từ đầu, nên các các tổ chức xã hội cũng có cơ hội để góp ý từ những nguyên tắc, vấn đề cơ bản nhất (phạm vi thông tin được yêu cầu - cung cấp, nghĩa vụ của các cơ quan công quyền, thủ tục cần thực hiện...). Tại hội thảo, một đại biểu đã cho rằng Luật về thông tin có vai trò quan trọng đặc biệt chỉ  sau Hiến pháp, vì nó ảnh hưởng đến việc thực thi tất cả các quyền khác (dân sự, chính trị, kinh tế...) của người dân. Cũng tại hội thảo, một dự thảo luật cũ được gửi đến các đại biểu để tham khảo.

Trước đó, ngày 4/12/2014, tại trụ sở Trung ương Hội Luật gia Việt Nam (VLA), Ban soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân đã họp phiên thứ 3 với sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch và ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch danh dự Hội. Đây là một trong  những dự luật hiếm hoi mà việc soạn thảo được giao cho một tổ chức xã hội (thay vì một Bộ như thông thường). Ban soạn thảo của Hội Luật gia đang nỗ lực hoàn thiện dự thảo, tờ trình để hỏi thêm ý kiến các Bộ, ngành, trước khi trình Ủy Ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3 năm 2015.

Hiến pháp năm 2013 đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết với việc triển khai các hoạt động lập pháp và thực tiễn để hiện thực hóa các quyền hiến định và các hình thức dân chủ trực tiếp. Trong năm 2014, Quốc Hội đã thông qua Nghị quyết số 70/2014/QH13 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 trong đó đặt ra ưu tiên cụ thể hóa bằng luật một số quyền dân sự, chính trị mà hiện đã được hiến định từ lâu nhưng chưa triển khai thực hiện được trên thực tế, bao gồm tự do hội họp, lập hội, biểu tình, tiếp cận thông tin (Điều 25) và quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29).  

Theo quy định tại Điều 28 Hiến pháp năm 2013, công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Quyền này, cùng với các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin nêu ở Điều 25 là cơ sở hiến định trực tiếp mà qua đó mọi tổ chức xã hội và người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến vào tiến trình soạn thảo các văn bản pháp luật.

Trong khi thời sự cho thấy có những diễn biến trái chiều liên quan đến các quyền tự do ngôn luận và hiệp hội, nhiều tổ chức, nhóm xã hội vẫn kiên trì tham gia, vận động để có một khuôn khổ pháp lý thoáng hơn tại Việt Nam trong dài hạn. Tuy nhiên, nguồn lực của xã hội dân sự về chất xám - kiến thức, khả năng tổ chức, truyền thông, cũng như các kỹ năng, tinh thần xây dựng và lòng kiên nhẫn vẫn là những thách thức lớn cho tiến trình vận động.


K.T


Các tin khác: