Nợ nước ngoài và nhân quyền ở Việt Nam qua nhận định của chuyên gia
Trong thời gian 21 đến 29 tháng 3, 2011, Ông C. Lumina - Chuyên gia độc lập về tác động của nợ nước ngoài và các nghĩa vụ tài chính có liên quan khác của Quốc gia về việc thụ hưởng đầy đủ các quyền con người, đặc biệt là quyền kinh tế, xã hội và văn hóa - đã có chuyến công tác tại Việt Nam. Đây là Chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc thứ 3 đến Việt Nam trong vòng 2 năm vừa qua (năm 2010 đã có 2 chuyên gia độc lập về nghèo đói và về các vấn đề thiểu số đến Việt Nam). Sau khi kết thúc chuyến thâm, Ông C. Lumina đã có bản BÁO CÁO TỔNG KẾT CÔNG TÁC vào ngày 29 tháng 3, cụ thể như sau:

Thưa các quý vị đại biểu, giới truyền thông,

Đầu tiên cho phép tôi được cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã có lời mời tôi thực hiện chuyến nghiên cứu tại Việt Nam, vì sự đánh giá cao của chính phủ Việt Nam cho chuyến nghiên cứu, cũng như là sự hợp tác toàn diện của Chính phủ trong suốt chuyến thăm. Tôi cũng xin được bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Nhóm Điều phối Quốc gia Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Văn phòng của Điều Phối viên Thường trú, vì sự trợ giúp cho đoàn trong quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm.

Mục tiêu chính của chuyến thăm của tôi lần này là nhằm đánh giá, trên tinh thần hợp tác và đối thoại, ảnh hưởng của nợ nước ngoài tới việc thực hiện các quyền con người và hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Thiên Niên Kỷ của Liên Hợp Quốc (MDGs). Tôi cũng tìm hiểu về tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tới gánh nặng nợ nước ngoài, nhân quyền và các MDGs của Việt Nam.

Tôi đã có những cuộc làm việc rất chi tiết và mang tính xây dựng với các quan chức cấp cao của các Bộ ban ngành, với đại diện của Ủy ban Ngân sách và Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các đối tác phát triển (cả song phương lẫn đa phương), cũng như là đại diện các tổ chức xã hội dân sự. Tôi xin cảm ơn các đối tác đã chia sẻ thông tin và quan điểm trong suốt quá trình làm việc.

Các cuộc tiếp xúc đã giúp tôi có được nhiều thông tin. Bên cạnh đó, tôi cũng được cung cấp một số lượng lớn các tài liệu chính thức và Chính phủ và các đối tác cũng đã hứa hẹn sẽ cung cấp thêm các tài liệu bổ sung. Những thông tin này sẽ được xem xét một cách kĩ lưỡng trong quá trình chuẩn bị báo cáo cuối cùng lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 6 năm 2012. Trong gian đoạn chuẩn bị, tôi cũng sẽ báo cáo các ghi chép sơ bộ của chuyến thăm lên Hội đồng Nhân quyền vào tháng 6 năm nay.

Hôm nay, tôi mong muốn chia sẻ với các quý vị những nhận định sơ bộ và các khuyến nghị rút ra được trong quá trình công tác, trên tinh thần hợp tác hơn nữa và nhằm góp phần thúc đẩy phát triển con người tại Việt Nam. Các điểm này sẽ được phát triển và nêu chi tiết hơn trong báo cáo cuối cùng.

Thưa quý vị và các bạn,

Chính phủ Việt Nam xứng đáng được khen ngợi về những thành quả đã đạt được trong quá trình thực hiện các MDGs. Việt Nam đã hoàn thành được 3 trên 8 các MDGs trước thời hạn: giảm tỉ lệ nghèo xuống còn một nửa, đảm bảo bình đẳng giới và phổ cập giáo dục tiểu học. Việc thực hiện các MDGs còn lại cũng đã đạt được những tiến bộ lớn. Với cam kết rõ ràng của Chính phủ và sự hỗ trợ không ngừng nghỉ của các đối tác phát triển, tôi tin tưởng Việt Nam có thể hoàn thành các mục tiêu MDGs còn lại vào đúng thời hạn.

Trong thập kỉ qua, thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam đã tăng từ mức 390 đô la Mỹ vào năm 2000 lên đến 1200 đô la Mỹ vào năm 2010. Hơn bảy triệu việc làm đã được tạo ra và việc trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp là minh chứng cho những thành quả đáng ngưỡng mộ của Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội. Những thành quả này là minh chứng cho cam kết chính trị của Chính phủ nhằm cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

Mặc dù đã đạt được tiến bộ rõ rệt, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số các khó khăn, thách thức, bao gồm cả những khó khăn liên quan tới việc trở thành “quốc gia có thu nhập trung bình thấp”. Trong chuyến công tác, tôi cũng đã nhận được nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về “bẫy thu thập trung bình”, mà ở đó các khoản vay kém ưu đãi sẽ thay thế cho các khoản viện trợ và vay ưu đãi thông qua viện trợ phát triển chính thức (ODA). ODA đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy phát triển con người tại Việt Nam. Năm ngoái, ODA đã đóng góp gần 11% tổng đầu tư xã hội và 17% tổng chi ngân sách.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc của Việt Nam vào ODA nhằm duy trì tăng trưởng dựa vào đầu tư ngày càng khó khăn hơi bởi sự giảm viện trợ ODA trên toàn thế giới cũng như tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Việc hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cũng đã đem lại những tác động tích cực và tiêu cực. Mặc dù hội nhập đã đem lại các cơ hội đầu tư và thương mại lớn hơn, sự gia tăng các dòng chảy hàng hóa và dịch vụ cũng có thể làm nảy sinh các vấn đề xã hội trong một bộ phận dân chúng, đặc biệt là trong các nhóm yếu thế nhất. Một tác động nữa của gia tăng đầu tư nước ngoài là khoảng cách ngày càng tăng trong thu nhập của lao động phổ thông và lao động tay nghề cao.

Tác động của biến đổi khí hậu cũng là một thách thức khác. Việt Nam là một quốc gia chịu nhiều thiên tai và dễ chịu tổn thương bởi mực nước biển dâng, đặc biệt là vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Các tác động này có thể dẫn tới giảm sút thu nhập nông sản, mất kế sinh nhai và gây ra hiện tượng di dân, mà tác động cuối cùng là ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển.

Chính phủ cũng đã nhận thức được các thách thức này và đã thể hiện cam kết giải quyết chúng. Về khía cạnh này, Chính phủ hiện đang thực hiện một số chính sách nhằm ổn định nền kinh tế. Chính phủ cũng đã phối hợp với các bên liên quan (bao gồm cả Quốc Hội, các đối tác phát triển và xã hội dân sự) nhằm xây dựng Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội giai đoạn 2011 – 2020 và Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm 2011 – 2015. Các chính sách này xứng đáng nhận được sự ủng hộ của các đối tác phát triển quốc gia.

Trong báo cáo UPR của mình, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhấn mạnh rằng con người là trung tâm của các chiến lược phát triển quốc gia. Theo mô hình phát triển con người của Việt Nam, phát triển chỉ thực sự có ý nghĩa khi mà nó thực sự phục vụ từng con người, và được họ làm chủ. Tôi hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận này.

Tuy nhiên, để đảm bảo được cách tiếp cận này, các chương trình và chính sách kinh tế xã hội quốc gia cần thấm nhuần các nguyên tắc nhân quyền, trong đó đặt cao sự tham gia của người dân, tính minh bạch và chịu trách nhiệm. Các nguyên tắc này (sự tham gia của người dân, tính minh bạch và chịu trách nhiệm) là các cấu phần chính của bất kỳ một chiến lược phát triển bền vững nào. Cách tiếp cận nhân quyền hướng dẫn quá trình thiết kế, thực hiện và đánh giá các chương trình và dự án kinh tế xã hội không chỉ nâng cao tính hiệu quả và bền vững của các chiến lược phát triển của Chính phủ mà còn góp phần đảm bảo tính bền vững của các mục tiêu.

Người dân Việt Nam không những là những đối tượng hưởng lợi chính của các chương trình phát triển kinh tế xã hội mà còn là những đối tượng liên quan quan trọng nhất trong sự phát triển của quốc gia. Do vậy, cần nỗ lực hết sức để tăng cường sự tham gia toàn diện của người dân trong quá trình thiết kế, thực hiện và đánh giá các chương trình và chính sách phát triển. 

Trong bối cảnh đó và nhằm tăng cường hiệu quả của các chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội, Chính phủ Việt Nam cần xem xét thông qua một Kế hoạch Hành động về Quyền Con người theo như Tuyên bố Viên và Chương trình Hành động Viên.

Chúng ta cần hết sức lưu ý rằng mặc dù giảm nghèo là nền tảng quan trọng vững chắc cho việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bản thân nó sẽ không đảm bảo việc thực hiện quyền con người. Do vậy, các chính sách và chương trình quốc gia, bao gồm cả các chương trình về giảm nghèo và bảo trợ xã hội, cần phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc nhân quyền được quy định trong Hiến Pháp và các Công ước Nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Được biết, Hiến Pháp Việt Nam cũng đã quy định đảm bảo các quyền con người và Việt Nam cũng đã phê chuẩn một số các công cụ quốc tế về nhân quyền và các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Tôi hoan nghênh cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm phê chuẩn Công ước về Quyền của Người Khuyết Tật và kí kết Công ước chống Tra tấn, và các hành động, hình phạt Tàn ác, Vô tính người hay làm nhục con người. Các công cụ quốc tế này ràng buộc các Quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp tư pháp và nhiều biện pháp khác, bao gồm cả việc thành lập các thể chế nhân quyền, nhằm tạo điều kiện thực hiện các điều khoản của chúng. Về khía cạnh này, tôi ghi nhận rằng đã có các cuộc thảo luận liên quan tới việc thành lập các thể chế nhân quyền quốc gia tuân thủ các Nguyên tắc về Tình trạng của các Thể chế Quốc gia liên quan tới thúc đẩy và bảo vệ quyền con người (các Nguyên tắc Pa-ri). Tôi tin tưởng rằng một thể chế ở cấp quốc gia như vậy sẽ góp phần quan trọng bổ trợ cho các nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện đời sống xã hội của người dân.

Liên quan tới tính bền vững của nợ nước ngoài của Việt Nam và tác động của nó lên các MDGs, tôi muốn lưu ý hai vấn đề quan trọng cần sớm được giải quyết: đó là vấn đề thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại. Thêm vào đó, các rào cản tiếp cận thông tin cũng cần phải được giải quyết. Nhằm nâng cao tính minh bạch và chịu trách nhiệm trong quản lí và sử dụng các nguồn tài chính công, Chính phủ cần đảm bảo sự sẵn có một cách kịp thời của các thông tin chính xác liên quan tới nợ và ODA. Các biện pháp này sẽ góp phần quan trọng cho nỗ lực phát triển của Chính phủ.

Như đã nêu ở trên, đây chỉ là các nhận xét và khuyến nghị ban đầu, tôi sẽ còn tiếp tục phát triển và khảo sát thêm chi tiết cho báo cáo cuối cùng và tham khảo ý kiến với Chính phủ trong quá trình đối thoại về vấn đề quan trọng này.

Xin cảm ơn.

----------------------------------------------------------------------------------------------------

Ông  Lumina là một luật sư người Zambia, có bằng Tiến sỹ về Luật quốc tế/Nhân quyền. Năm 2008, Ông được Hội đồng Nhân quyền chỉ định làm Chuyên gia Độc lập tìm hiểu về tác động của nợ nước ngoài và nghĩa vụ tài chính quốc tế liên quan của nhà nước đối với việc thụ hưởng nhân quyền trọn vẹn, đặc biệt là quyền văn hóa, xã hội và kinh tế. Ông hoạt động độc lập với các chính phủ, tổ chức và phục vụ với tư cách cá nhân. Nhiệm vụ của chuyên gia độc lập là giống nhau ở tất cả các nước.

Để hiểu thêm về nhiệm vụ của chuyên gia độc lập, xin mời truy cập:

 http://www2.ohchr.org/english/issues/development/debt/index.htm


Các tin khác: