TỰ DO VÀ CNTD (2): CHÍNH QUYỀN ĐỂ LÀM GÌ? CÂU TRẢ LỜI TỪ HOBBES VÀ LOCKE
Thomas Hobbes (1588-1679) và John Locke (1632-1704), trong hai tác phẩm "Leviathan”, 1652 và “Khảo luận thứ hai về chính quyền - Chính quyền dân sự”, 1689, đã đưa ra câu trả lời của mình. Những quan điểm của họ, đặc biệt là của Locke, dã tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển các tư tưởng về hạn chế chính quyền (chính quyền hợp hiến) và bảo vệ tự do cá nhân.



Kẻ thù truyền thống của tự do cá nhân chính là các nhà nước (chính quyền). Dù cạnh đó, cộng đồng nhiều khi cũng là mối đe dọa đối với tự do của các thành viên (J.Stuart Mill quan tâm nhiều đến góc độ này).
Để hiểu đúng bản chất của chính quyền, cũng như phạm vi chính đáng mà chính quyền có thể giới hạn tự do cá nhân, một số câu hỏi cơ bản đã khiến nhiều thế hệ suy tư và tranh luận:

     * Tại sao có chính quyền (nguồn gốc từ đâu)?

     * Chính quyền có chức năng gì (để làm gì) và phạm vi đến đâu?

     * Chính quyền nên tổ chức và hoạt động như thế nào để mang lại hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất?

Trong khi hai triết gia Francis Bacon (1562-1626) và René Descartes (1596-1650) thường được coi là hai nhà tư tưởng có vai trò mở đường cho phong trào Khai sáng. Hai nhà tư tưởng chính trị Anh quốc là Thomas Hobbes (1588-1679) và John Locke (1632-1704) là hai nhân vật tiên phong trong việc lý giải nguồn gốc chính quyền khác với quan niệm quyền lực chính trị đến từ Thượng đế (quyền lực siêu nhiên, thần thánh) đã tồn tại suốt thời kỳ Trung cổ. Hai ông đã có những câu trả lời khác nhau cho những câu hỏi này, nhưng chúng bổ sung cho nhau và cả hai vị đều có ảnh hưởng lớn lao đối với các nhà Khai sang, góp phần đáng kể định hình nên các cuộc tranh luận liên quan đến chính quyền trong suốt nhiều thế kỷ về sau.

  
a.     Hobbes: quyền lực tuyệt đối của Quái vật - Nhà nước

Quan điểm của Hobbes thể hiện tập trung trong tác phẩm “Leviathan” (Quái vật/ Thủy quái) (1652). Cuốn sách kinh điển này, khoảng 400 trang, cho đến gần đây vẫn chưa được dịch sang tiếng Việt, nhưng có thể đọc bản tiếng Anh online. Leviathan là tên con quái vật biển xuất hiện trong Kinh Thánh Cựu ước (“Isaiah” và “Sách của Job”). Con quái vật này to lớn, kỳ quặc, đáng sợ, nhưng quyến rũ và là tạo vật của Chúa. Trong truyền thống Thiên chúa giáo, nhiều khi Leviathan được đồng hóa với quỷ Satan. Những tính chất đối nghịch phức tạp của nó tạo cảm hứng lớn cho sáng tác nghệ thuật sau này. Cuốn Leviathan của Hobbes bàn về con người, sự hình thành xã hội và nhà nước lý tưởng – Commonwealth. Hobbes nhìn nhận nhà nước - chính quyền như một con Quái vật (Leviathan) cần thiết để duy trì trật tự xã hội.

Hobbes và Locke đều xuất phát giống nhau, đi tìm cách giải thích tại sao con người không chấp nhận trạng thái tự nhiên như vốn có và hiện diện tự do, độc lập của mỗi cá nhân, không chịu kiềm tỏa và áp lực nào từ trên xuống thông qua các thể chế (không có nhà nước), mà lại bước chân vào đời sống xã hội với đủ thứ luật lệ đi kèm, kể cả nguy cơ của chế độ chuyên chế.

Đối với Hobbes, trạng thái tự nhiên là xấu xa. Trạng thái tự nhiên chính là trạng thái chiến tranh, nên cần áp đặt quyền lực nhà nước vào để chấm dứt cái tình trạng mọi người là kẻ thù của mọi người đó. Ông viết “Cái nguyên do cuối cùng, mục đích, ý đồ, mà con người theo đuổi, họ, những người về bản chất yêu tự do và thích được thống trị người khác, khi tự ấn định cho mình những hạn chế để rồi sống trong đó ở các nền Cộng hòa, là nhằm được tự phòng vệ và sống hạnh phúc hơn bằng cách đó: nói cách khác là thoát được ra khỏi cái tình trạng chiến tranh khốn khổ đó, cái tính trạng mà tôi đã chỉ ra là hậu quả tất yếu của những dục vọng bản chất của con người, khi không có quyền lực hiện hữu nào giữ yên chúng, trói chúng lại, thông qua nỗi sợ bị trừng phạt” (Leviathan). Nguyên do là vì các luật tự nhiên trái ngược hẳn với các dục vọng tự nhiên của chúng ta. Lúc nào chúng ta cũng có thiên hướng “thiên vị, kiêu ngạo, thích trả thù, và nhiều đức tính tương tự khác”. Hobbes không chấp nhận trạng thái đó, vì nếu không có xã hội và những điều đi kèm, thì con người chỉ có thể sống trong đau khổ, chém giết, và nghèo khổ.

Cả cuộc đời Hobbes đã gắn chặt với gia đình quý tộc Cavendish, nơi mà ông làm gia sư. Ngay từ đầu Hobbes đã đứng về phía vương quyền. Cuốn Leviathan viết ở Pháp, sau khi Hobbes phải chạy khỏi Anh vào năm 1640, nghĩa là từ khi mới bắt đầu bùng nổ sự đối đầu giữa vua Charles I và những người theo thuyết nghị viện, mà kết quả là Charles I bị chặt đầu.

Tư tưởng của Hobbes mới mẻ ở chỗ ông dựa vào phân tích tình trạng tự nhiên để lý giải sự hình thành nên chính quyền, khác với cách nghĩ truyền thống là “quyền lực nhà vua do Thượng đế ban cho”. Ông cho rằng nếu không có một quyền lực đứng trên, con người sẽ triền miên ở trạng thái chiến tranh, khi tất cả chống lại tất cả. Ngay cả khi người ta tập hợp lại thành một cộng đồng, một xã hội, thì số lượng của cái tổ chức đó cũng phải dựa trên số lượng tương ứng của kẻ thù, phải đủ để chống cự lại. Ông cũng ủng hộ quyền lực nhà nước mạnh, được phép can thiệp, đè nén, áp bức những gì chống lại nó, chẳng hạn như các hội nhóm, tranh luận chính trị... Trong trạng thái tự nhiên, không có chính quyền, chiến tranh sẽ liên tục nổ ra, triền miên, như một điều kiện sống, vì người ta phải tranh giành nhau những nguồn lực hạn chế, vì nỗi sợ người khác, và ham muốn vinh quang. Cuộc sống sẽ cô độc, nghèo khổ, xấu xa, tàn bạo và ngắn ngủi. Bất tuân chính quyền là tự sát, vì sẽ đưa chúng ta trở lại trạng thái đó, mất an ninh, vô chính phủ. Hobbes cho là chỉ một người, một ông vua, mới có quyền cai quản dân chúng. Ông vua đó sẽ ra quyết định, viết luật và thống trị những người còn lại. Điều này ngược hẳn lại với cách nhìn của Locke, cho rằng dân chúng điều khiển chính quyền.

Với Hobbes, chính quyền (Leviathan/ Cộng hòa) đơn giản là một điều tất yếu, không thể xóa bỏ. Ông viết “Những người là thần dân của một vị quân vương không thể, nếu ông ta không muốn vậy, vứt bỏ chế độ quân vương và quay về với tình trạng hỗn loạn của một đám đông không thống nhất” (Leviathan). Cộng hòa theo nghĩa mà Hobbes định nghĩa có thời gian tồn tại ngang bằng với thời gian tồn tại của loài người. Do đó nếu Cộng hòa sụp đổ, thì “trách nhiệm thuộc về con người không phải với tư cách họ là vật chất của Cộng hòa, mà với tư cách là những kẻ tạo ra và cho phép thành lập nó.”  Nguyên nhân hàng đầu của sự sụp đổ một nền Cộng hòa là khi thành lập nó, người ta tạo ra quyền lực không đủ lớn để đủ sức cai trị.

Tóm lại, Hobbes cho rằng nhiệm vụ trước hết của chính quyền là duy trì ổn định, hòa bình, chống lại tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ (tình trạng gây ra bởi dục vọng, thói xấu của con người). Việc trao quyền của nhân dân đối với chính quyền (Quái vật nhân tạo – nhà nước) giống như việc ủy quyền một chiều hơn là một hợp đồng bình đẳng (khế ước), vì người dân không thể đòi lại quyền được nữa. Đây cũng là một điểm khác căn bản với quan điểm của Locke, khiến cho tư tưởng của Hobbes có lẽ chỉ được những người thuộc phe bảo hoàng, ủng hộ chuyên chế đề cao.

b.  Locke: chính quyền bị giới hạn (tuân thủ hiến pháp)

Quan điểm của Locke thể hiện tập trung trong tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền - Chính quyền dân sự” (1689) (bản tiếng Việt đã được NXB Tri thức xuất bản lần đầu vào năm 2006, sau đây viết tắt là KLTH). Tác phẩm này, được xuất bản đúng 1 năm sau khi cuộc Cách mạng Vẻ vang (1688) diễn ra, là sự trả lời kỹ lưỡng của Locke đối với Robert Filmer – người ủng hộ quyền lực thần thánh (cho rằng quyền lực nhà vua là kế thừa quyền lực từ Adam, giống như quyền của người cha trong gia đình, mang tính tuyệt đối).

Cũng khởi đi từ việc phân tích trạng thái tự nhiên, nhưng Locke cho rằng trạng thái đó là tốt đẹp, người ta muốn bảo vệ các quyền tự do đó nên chấp nhận một quyền lực mạnh hơn (chính quyền/ nhà nước). Vì vậy, vai trò đầu tiên, chủ yếu của nhà nước là để bảo vệ các quyền tự do của người dân.

Mặc dù văn bản không thấy Locke nhắc đến Hobbes, nhưng có những điểm ám chỉ nhất định. Với Locke, hòa bình là và phải là tiêu chuẩn, còn với Hobbes, lúc nào cũng có chiến tranh, hòa bình chỉ là một dạng khác của chiến tranh. Từ đó mà cách giải quyết và giải thích khế ước xã hội của hai người hoàn toàn khác nhau. Locke coi xã hội (hiện diện nhà nước ) là điều tốt vì tính mạng, sự an toàn, tự do và sở hữu của các cá nhân trong đó được một quyền lực cao hơn đảm bảo. Hobbes lại nghĩ xã hội giống như một thứ đương nhiên, người ta phải chấp nhận nó nếu không muốn bị giết.

Với Locke, chính quyền (xã hội) không được xâm phạm tự do của cá nhân, mà phải bảo vệ tự do, an toàn và sở hữu cá nhân. Điều này đối nghịch với một nền quân chủ chuyên chế: “nền quân chủ chuyên chế [...] thật sự mâu thuẫn với xã hội dân sự, và vì thế không hề là hình thức của chính quyền dân sự. Vì mục đích của xã hội dân sự là để tránh những phiền phức của trạng thái tự nhiên, và nó cũng chính là phương cách giải quyết cho những phiền phức tất yếu theo cùng với trạng thái này, ở việc mỗi người đều là quan tòa cho trường hợp của riêng mình, bằng cách thiết lập một thẩm quyền được nhận biết mà mỗi người của xã hội dân sự đều có thể cáo kiện đến do có bất kỳ tranh cãi có thể nảy sinh, và đó là thẩm quyền mà mọi người trong xã hội phải tuân thủ. Nơi đâu mà những con người bất kỳ không có một nơi có thẩm quyền như vậy để cáo kiện đến hầu có được quyết định cho sự khác biệt bất kỳ nào đó giữa họ, nơi đó người ta vẫn sống trong trạng thái tự nhiên, và vì thế mỗi người họ là một quân vương chuyên chế đối với những người sống dưới quyền thế của họ” (KLTH, tr.128-129).

Tuy sử dụng ngôn ngữ của Kinh thánh, chẳng hạn như “nơi mà không có bộ máy tư pháp thế tục để quyết định những tranh cãi giữa mọi người, thì Thượng đế nơi trời cao sẽ là người phán xử đó” (KLTH, tr.312), nhưng người dân đã được Locke trao cho một vị thế rất lớn: “Nếu tranh cãi nảy sinh giữa quân vương với một số người dân, ở một vấn đề mà luật pháp lặng im hay không rõ rệt, và sự việc có một hệ quả lớn, tôi thiển nghĩa người trọng tài thích hợp, trong trường hợp này, phải là cơ quan quyền lực của nhân dân” (KLTH, tr.312).

Tính cách mạng của Locke còn thể hiện ở quan điểm cho rằng phải giới hạn quyền lực của chính quyền, thông qua việc phân chia quyền lực để dễ kiểm soát, chống lại sự tùy tiện. Đây chính là điểm khiến nhiều người coi Locke là nhà tiên phong của chủ nghĩa lập hiến (constitutionalism) – lý thuyết đòi hỏi phải có sự giới hạn quyền lực chính quyền. Hơn thế nữa, trong khi Hobbes cho rằng bất tuân theo chính quyền là sai trái và chính quyền không thể bị thay thế, Locke lại cho rằng người dân có quyền lật đổ chính quyền nào chuyên chính, bạo ngược, không có khả năng bảo vệ tự do, an toàn và quyền sở hữu của nhân dân. Đây chính là tư tưởng được coi là khởi nguồn của hai cuộc cách mạng trong thế kỷ 18 tại Pháp và Hoa Kỳ.

c.  Di sản

Hai tác phẩm “Leviathan” (Quái vật) (1652) và “Khảo luận thứ hai về chính quyền - Chính quyền dân sự” (1689) đề cập đến rất nhiều vấn đề khác của bản chất và đời sống con người, ở đây chúng ta mới thảo luận qua các nội dung liên quan đến chính quyền. Quan hệ giữa lý thuyết của Hobbes và Locke đã được so sánh giống như quan hệ giữa Mạnh Tử và Tuân Tử ở “nhân chi sơ tính bản thiện” và “nhân chi sơ tính bản ác”. Hai góc nhìn đó giúp cho việc nhìn nhận bản chất con người được toàn diện hơn. Tương tự, bản chất và vai trò của chính quyền cũng chỉ có thể được hiểu thấu đáo khi được đẩy về các cực lý thuyết khác nhau.

Ảnh hưởng của Hobbes chủ yếu là vào thời đại của ông. Ông là người phản đối Nghị viện Anh và sự phản đối đó lôi kéo được nhiều người đi theo. Locke thì đặc biệt ảnh hưởng đến các nhà cách mạng Mỹ (cũng được ghi lại trong Tuyên ngôn độc lập 1776 và Hiến pháp 1789). Những điều Locke phát biểu trong tác phẩm Khảo luận thứ hai chính là nền tảng của chủ nghĩa tự do (liberalism) cổ điển. Chẳng hạn như ông viết “Con người sinh ra [...] với một địa vị tự do hoàn hảo và sự thụ hưởng không bị kiểm soát đối với tất cả các quyền và những ân huệ của luật tự nhiên, một cách bình đẳng như bất kỳ ai khác hay như với tất cả lượng người có trên thế giới này” (KLTH, tr.124-125). Cạnh đó, ông xác quyết “Salus populi suprema lex (Hạnh phúc của nhân dân là luật tối cao), đó dứt khoát là một quy tắc chính đáng và căn bản” (KLTH, tr.213).

Hai triết gia tiền Khai sáng người Anh đều đã bàn bạc về nguồn gốc, bản chất và phương thức vận hành của chính quyền. Quan điểm của hai vị xung đột với nhau, nhưng giúp nhân loại hiểu rõ hơn về bản chất của chính quyền và các khuynh hướng tư tưởng chính trị của những nhà cai trị. Dù cùng chịu ảnh hưởng của Ki-tô giáo và đều có những điểm mới mẻ so với những người đương thời, nhưng chính John Locke – người đề cao tự do và quyền tự quyết của nhân dân – đã được mệnh danh là Người Cha của Chủ nghĩa Tự do.

Vai trò của nhà nước/ chính quyền trong một xã hội tự do còn được các nhà tư tưởng, cũng như những người tranh đấu cho tự do, tranh luận thêm trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Cuộc tranh luận này hẳn sẽ còn kéo dài mãi, vì nhu cầu tự do của con người thì vô cùng, mà sự ham muốn quyền lực chính trị của con người (nhà cầm quyền) thì cũng vô biên.


Ảnh trên: Hình ảnh Quái vật - nhà nước trên bìa sách "Leviathan".


Sưu tập, tham khảo:

1.       Những danh tác chính trị , Jean J. Chevallier (Lê Thanh Hoàng Dân dịch), NXB Trẻ, 1971

2.       Bài của NL trên trang sachxua.net/forum


Các tin khác: