TỰ DO VÀ CNTD (4): HỢP ĐỒNG LẬP NÊN CHÍNH QUYỀN
Tư tưởng khế ước xã hội (hợp đồng lập nên chính quyền), được J.J. Rousseau thể hiện cô đọng nhất trong tác phẩm “Khế ước xã hội” (1762), là nền tảng tư tưởng cho nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền dân chủ, chống lại các tư tưởng cho rằng quyền lực xuất phát từ “trời ban”, “thiên mệnh” hay “lịch sử giao phó”.




1. Mấy nét về J.J.Rousseau

Jean – Jacques Rousseau sinh ngày 28 tháng 6 năm 1712 tại Genève, Thụy Sĩ. Cha của ông là Isaac Rousseau, một thợ sửa chữa đồng hồ khéo léo; mẹ là Suzanne Bernard, một phụ nữ nết na và có nhan sắc. Gia đình Rousseau gốc Pháp di cư sang Thụy Sĩ hơn một trăm năm trước để tránh bị bách hại vì theo đạo Tin Lành. Ngay từ thuở nhỏ, Rousseau đã gặp nhiều bất hạnh, mẹ ông mất ngay sau khi sinh hạ ông, cũng vì mất mát này mà ông được người cha dành mọi sự yêu thương, như thể ông là hiện thân của người mẹ quá cố. Năm ông 10 tuổi, cha ông – một người yêu nếp sống thiên nhiên và săn bắn -  bị cáo buộc là đi săn trộm đã rút gươm chống lại cảnh sát, phải bỏ trốn sang xứ khác, để lại Rousseau và người anh trai cho bà dì Bernard nuôi. Về sau, ông đã phải thốt lên: “Ngày sinh của tôi là nỗi bất hạnh đầu tiên trong những bất hạnh của cuộc đời.”

Rousseau được cha dạy đọc và viết, ông tỏ ra ham đọc ngay từ những ngày đầu, có những lúc hai cha con ông cùng đọc tới sáng và nhất định chỉ dừng lại khi kết thúc cuốn sách. Năm 7 tuổi, ông đã đọc hết số sách của mẹ ông để lại, và đọc sang tủ sách của ông ngoại (là một mục sư Tin Lành). Một số cuốn ông đọc là Lịch sử Giáo hội và lịch sử Đế chế do Le Sueur soạn; Luận văn về lịch sử thế giới của Bossuet; Các Danh nhân của Plutarque; Lịch sử thành Venise của Nabi; Hóa thân của Ovide; Các thế giới của Fontenelle… Ông tự bạch: “từ những cuốn sách thú vị này, từ những trao đổi do sách tạo cơ hội giữa cha con tôi, hình thành cái tinh thần tự do và cộng hòa, cái tính cách bất khuất và kiêu hãnh, không chịu nổi ách áp bức và phận nô lệ.”

2. Tác phẩm “Khế ước xã hội” (1762)

Sự nghiệp trước tác của Rousseau khởi đầu từ năm 1749 khi Viện Hàn lâm Dijon đặt ra một cuộc thi viết luận văn với chủ đề “Sự tiến bộ của văn minh làm băng hoại hay thăng tiến đạo đức?” Luận văn của Rousseau tuy đạt giải thưởng của Viện Hàn lâm Dijon nhưng đồng thời cũng tạo cho ông một thế đứng riêng biệt, tách khỏi giới trí thức – các triết gia philosophe – đương thời. Sau đó, Rousseau viết một luận đề khác, cũng dự thi giải thưởng của Hàn lâm viện Dijon, với tựa đề “Luận về căn nguyên của sự bất bình đẳng của con người”, Luận văn này giúp ông nổi tiếng hơn nữa. Cuối thập niên 1750, Rousseau cho ra đời Tiểu thuyết Héloise và tạo nên một trường phái văn chương mới tách khỏi trường phái tân – cổ điển đương thời. Hai năm sau Tiểu thuyết Héloise, Rousseau viết Émile, một tác phẩm về giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của nhiều nhà giáo dục về sau – trong đó có John Dewey, một triết gia và nhà giáo dục nổi tiếng của Hoa Kỳ.

Khế ước xã hội (Du Contral Social/ Hợp đồng xã hội) là tên gọi vắn tắt của bản luận văn lớn mà J.J. Rousseau đặt dưới một nhan đề khá dài: Khế ước xã hội hay là những nguyên lý của luật chính trị (Du Contral Social – ou principes du droit politique). Về lai lịch cuốn sách, tác giả viết: “Luận văn nhỏ này trích từ một công trình nghiên cứu rộng lớn mà trước kia tôi đã viết, nhưng vì chưa lượng được sức mình nên phải bỏ đi từ lâu”. Về mục đích cuốn sách, ông cho biết: “Tôi muốn tìm xem trong trật tự dân sự có hay không một số qui tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người, và có hay không luật pháp đúng với những ý nghĩa chân thực của nó.” Với luận văn này, ông muốn “gắn liền cái mà luật pháp cho phép làm với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau.”

Khế ước xã hội, đã được nhiều tác giả thảo luận, trong số đó thì Hobbes và Locke  là những người nổi bật nhất, đã chủ trương một lối giải thích cách thức chuyển từ trạng thái tự nhiên tới trạng thái xã hội bằng đường lối khế ước (thỏa thuận/ hợp đồng). Vậy bằng cách nào để người ta còn có thể bàn về một tác phẩm độc đáo với một chủ đề đã được đề cập quá nhiều? Rousseau, theo Bà Stael, đã không sáng tạo được gì cả, mà chỉ “đốt cháy tất cả”. Nhận định của Bà Stael là một lời khen ẩn ý, hay là một sai lầm, nhưng chắc chắn Khế ước xã hội có chỗ đứng riêng trong tàng thư chính trị học của nhân loại. Về Rousseau, ông đã chịu ảnh hưởng của những người đi trước ông, từ Machiavelli, tới Montesquieu. Ngoài ra, ông cũng ảnh hưởng sâu xa sự di truyền những tính cách của một người dân Genève và một người theo chủ thuyết Calvin: chưa bao giờ ông quên lửng một lý tưởng hiến pháp nào đó được rút tỉa từ lịch sử của Genève. Nhưng tất cả những yếu tố khác biệt này được nhào nặn trong bộ óc mạnh mẽ và phức tạp của tác giả, trong trái tim hãnh tiến của một người bình dân luôn bị mặc cảm trong sự liên hệ với xã hội quí phái, bất bình đẳng, mà những lối đối xử tốt cũng không chịu được sự khinh khi vậy. Kết quả là Khế ước xã hội, một cuốn sách khó đọc, rất khác biệt với Tinh thần Pháp luật của Montesquieu. Trong cuốn sách, Rousseau thua Montesquieu về kích thước tri thức, về tự do của tinh thần, và về khéo léo chính trị. Nhưng ông hơn Montesquieu về lý luận chặt chẽ và mạch lạc, về sự thống nhất bố cục, và về những đau đáu mà ông bị dày vò suốt cuộc đời. Cả ông và Montesquieu đã đều đạt đến sự chắc chắn và đẹp đẽ về bút pháp: bút pháp hùng biện và thay đổi, đôi khi là trang trọng, cũng có lúc lại nóng bỏng như chính trái tim con người của Rousseau.

Như vậy, cuốn sách danh tiếng này chỉ là một đoạn được tách rời ra, và hoàn thành của một tác phẩm rộng lớn hơn nhiều đã bị bỏ dở vĩnh viễn (Khế ước xã hội hay là những nguyên lý của luật chính trị). Những nguyên lý này, chính Montesquieu, như không thoải mái, đã lướt qua; Rousseau lại muốn đào sâu chúng để cho tác phẩm mà ông hằng suy tưởng một cánh cửa lý thuyết xứng đáng với nó. Sự áp dụng những nguyên lý chắc chắn sẽ chú trọng nhiều tới những dữ kiện cụ thể, đáng lý sẽ được Rousseau trình bày trong những cuốn sách sau Khế ước xã hội, nhưng những cuốn sách này không bao giờ được ra đời. Vì chỉ có Khế ước xã hội cùng một số bài luận văn về chính trị, dù đã được trình bày một cách chặt chẽ, cũng không thể là đại diện cho toàn bộ tư tưởng chính trị của Rousseau. Khế ước xã hội đã từng bị đốt, nhưng không ai có thể tiêu diệt được tư tưởng, và những tư tưởng của Rousseau đã góp phần không nhỏ vào cuộc Cách mạng Dân chủ Nhân quyền Pháp 1789, sự thành hình bản Hiến pháp Hoa Kỳ 1787, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948.

3. Con người tự do từ khi sinh ra

“Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng phải sống trong xiềng xích.” Bàn về khế ước xã hội là một nỗ lực phân tích chứng tỏ rằng xã hội không thể sống trong một trạng thái tự nhiên vô chính phủ, với một nền tự do thơ mộng đầy rẫy sự bất bình đẳng giữa kẻ yếu và người mạnh, kẻ nghèo và người giàu; do vậy, mọi người cần kết ước với nhau, để tự do của kẻ này không làm tổn hại tự do của kẻ khác, tất sẽ dẫn đến chỗ xung đột triền miên. Sáng tạo của Rousseau trong Khế ước xã hội là sự “tự do” và “bình đẳng”, thay vì tìm nó trong trạng thái tự nhiên, ta có thể tìm nó trong trạng thái xã hội, nhưng biến đổi. Theo B.de Jouvenel trong “Tiểu luận về chính trị của Rousseau”, có sự thành lập một bản chất mới nơi con người, điều này giúp cho con người vượt qua được sự mâu thuẫn, gắn liền với tình trạng xã hội, giữa những khuynh hướng cá nhân và những bổn phận tập thể của nó.

Theo sự xác nhận của Rousseau, những bổn phận của xã hội không thể đặt căn bản một cách chính đáng trên sức mạnh được. Không có quyền của kẻ mạnh, vì một quyền chấm dứt khi sức mạnh chấm dứt là cái gì? Nếu phải tuân lời vì sức mạnh người ta không cần phải tuân lời vì bổn phận. Những bổn phận của xã hội cũng không thể đặt căn bản trên uy quyền tự nhiên của người cha, hay trên bất cứ một quyền hành nào khác của một ông sếp mà người ta cho là tự nhiên, và được sinh ra để chỉ huy. Đó là luận điệu của những kẻ chủ trương lý thuyết chuyên chế. Điều căn bản chính đáng nhất của những bổn phận xã hội nằm trong qui ước giữa tất cả những người muốn sống chung với nhau thành xã hội, qui ước mà mỗi người ký kết gần như với chính mình, chỉ bị trói buộc bởi ý muốn của chính mình mà thôi. Tất cả xuất phát từ một sự cam kết tự do của mỗi người.

Và nếu muốn đi tới tận cùng tư tưởng của Rousseau, liên hệ tới sự tự do trong trạng thái xã hội, ta cần phải làm một sự phân biệt căn bản nữa: phân biệt giữa “sự lệ thuộc vào người” và “sự lệ thuộc vào sự vật”. Rousseau, một con người hay giận hờn và đầy đau khổ, luôn thấu hiểu sự bất tiện của cảnh lệ thuộc; không ngừng đau khổ vì những ý muốn riêng tư, độc đoán, thay đổi của tất cả những người mà ông lệ thuộc. Vì vậy mà ông chỉ muốn thấy trong sự tự do sự độc lập đối với tất cả những ý muốn riêng tư. Tuy nhiên, Rousseau cũng biết rõ rằng thân phận con người rất lệ thuộc, rằng con người thiên nhiên lệ thuộc rất nhiều vào thế giới vật lý, vào sự tất yếu của qui luật tự nhiên. Và nếu có sự lệ thuộc này, thì theo Halbwachs, nó chỉ là sự phục tùng những gì tất yếu, phục tùng những luật lệ cố định, đằng sau người ta không thấy một ý muốn con người cá nhân nào, một ý muốn hay thay đổi và bất định nào. Cái làm cho sự tự do sứt mẻ, đó là sự lệ thuộc vào những con người riêng tư và cá nhân. Như vậy, tất cả vấn đề là phục hồi trong trạng thái xã hội sự lệ thuộc vào sự vật, bằng cách loại bỏ những lệ thuộc riêng tư. Chỉ có luật pháp, biểu hiện cho ý chí tổng quát, với đặc tính tổng quát của nó, đặc tính khách quan và cứng rắn của nó, mới có thể phần nào xoa dịu được những nỗi thống khổ của con người, do việc lệ thuộc vào người khác. Nhờ có luật pháp, vì chỉ có thể nhờ ở luật pháp, sự lệ thuộc của con người đối với con người mới có thể trở thành sự lệ thuộc vào qui luật; qua đó, con người có thể tìm lại được sự tự do, đạo đức và đức hạnh của bản thân, cũng có nghĩa là sự tự do thiên nhiên của mình.

4. “Khế ước xã hội” với Việt Nam

Từ đầu thế kỷ XX, nhiều nhà cách mạng Việt Nam như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, đã đọc tác phẩm của Rousseau (Lư Thoa) qua các bản dịch tiếng Hán. Từ những năm 1930, thời phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, người Việt trong nước biết nhiều hơn tới Du Contral Social, qua những cái tên như Dân ước hay Dân ước luận. Nguyễn An Ninh, lãnh tụ của phong trào dân quyền đầu thế kỷ, dịch với tên gọi Dân ước, song bản dịch của ông chưa đầy đủ (chỉ phỏng dịch chương đầu với khoảng 10 trang đánh máy).  Về sau, còn có bản dịch của Nguyễn Hữu Khang dưới tên Xã ước, được Bộ quốc gia giáo dục Sài Gòn xuất bản lần thứ nhất năm 1960.

Năm 1982, Hoàng Thanh Đạm đọc Du Contral Social và bắt tay dịch ấn phẩm này dưới nhan đề Bàn về Khế ước xã hội, theo như được biết bản dịch của ông là đầy đủ và công phu nhất từ trước tới nay. Năm 1989, tuy bản dịch vẫn chưa được xuất bản, nhưng do sự thúc bách muốn bày tỏ, ông đã viết một bài giới thiệu “Tìm hiểu khế ước xã hội của J.J. Rousseau” đăng trên tạp chí “Lịch sử quân sự” số 6 năm 1989, ký tên Trọng Chân, nhân dịp kỷ niệm 200 năm cuộc Đại Cách mạng Pháp. Đến năm 1992, Nhà xuất bản TP.Hồ Chí Minh đã xuất bản bản dịch sách của ông.

Trong tiến trình cải cách ở Việt Nam, tư tưởng của Rousseau cùng nhiều triết gia khác đã được người Việt quan tâm, nghiên cứu nhiều hơn. Nhà xuất bản Đà Nẵng gần đây, năm 2010, tái bản bản dịch của Hoàng Thanh Đạm dưới tên tiếng Việt là “Bàn về Khế ước xã hội”. Năm 2013, Alphabooks và NXB Thế giới xuất bản bản dịch tiếng Việt của GS.Dương Văn Hóa với tên gọi “Khế ước xã hội” (Ảnh trên).

Sau hơn 250 năm kể từ khi ra đời (1762), tác phẩm kinh điển về một chính quyền dân chủ của Rousseau vẫn đang được nhiều bạn đọc Việt tìm đọc với nỗi ngạc nhiên.

 Đ-T



Tài liệu tham khảo

1. “Những lời bộc bạch” (Bản dịch của Lê Hồng Sâm), Nxb. Tri Thức, 2014.

2. “Những danh tác chính trị” (Bản dịch của Lê Thanh Hoàng Dân), Nxb. Trẻ, Sài Gòn, 1971.

3. Nguồn sưu tầm.

 


Các tin khác: