Dự thảo Luật về hội (2015) - mấy nhận xét
Ngày 4/6/2015, trang tin điện tử của Bộ Nội vụ đã đăng tải Dự thảo Luật về Hội để “lấy ý kiến nhân dân” từ ngày 4/6 đến 4/8/2015. Đây là dự thảo được nhiều cá nhân và tổ chức xã hội mong đợi với hi vọng có những thay đổi theo hướng cởi mở. Tuy nhiên, Dự thảo này hầu như chỉ là sự sao chép và nâng cấp tên gọi (từ “Nghị định” thành “Luật”) của Nghị định 45/2010.

Vì giữ nguyên các nội dung căn bản của Nghị định 45/2010, Dự thảo Luật về Hội kế thừa các đặc điểm là: 1) Không tạo ra sự bình đẳng giữa các loại hội (luật không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc và 5 thành viên chính; không bình đẳng giữa hội có đăng ký và không đăng ký); và 2) Duy trì cơ chế can thiệp, hạn chế quá sâu đối với quyền tự do hiệp hội của các cá nhân và các hội.


Như vậy có thể nói Dự thảo Luật chưa phản ánh được cam kết của nhà nước Việt Nam đối với việc tăng cường bảo đảm các quyền cơ bản của công dân.


Một điểm sáng, có vẻ như đáng kể nhất, của Dự thảo Luật về Hội lần này là trực tiếp công nhận sự tồn tại của các “hội không có tư cách pháp nhân”, bên cạnh “hội có tư cách pháp nhân” (Điều 2). Tuy nhiên, Dự thảo lại trao quyền quy định chi tiết về loại hội không tư cách pháp nhân cho Chính phủ, tạo ra rủi ro khiến một loại quyền tự do hiệp hội (hoạt động hội không cần đăng ký với nhà nước) có thể bị thu hẹp đáng kể bởi các thủ tục hành chính. Đồng thời cách ủy quyền cho Chính phủ này dẫn đến nguy cơ vi phạm Điều 14 Hiến pháp (xác định là quyền chỉ có thể bị hạn chế “theo quy định của luật”).


 

Các hạn chế đối với tự do hiệp hội


Sự hạn chế, can thiệp sâu đối với quyền tự do hiệp hội của Dự thảo Luật về Hội (giống như Nghị định 45/2010) thể hiện chủ yếu ở các khía cạnh sau:


-         Điều kiện thành lập: có những điểm thiếu rõ ràng (“lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động”- Khoản 3, Điều 9 DT).


-         Thủ tục thành lập: nhiều quy định rườm rà, khó khăn (phải thành lập Ban vận động, Ban này phải được công nhận (Điều 10 DT), bộ hồ sơ đăng ký thành lập phải gồm Quyết định công nhận Ban vận động (Điều 11 DT)…). Cạnh đó, “cơ quan có thẩm quyền đăng ký Ban vận động” chưa rõ là cơ quan nào.


-         Điều lệ tiếp tục yêu cầu phải được phê duyệt (Khoản 2, Điều 14).


-         Tiếp tục duy trì cơ chế “song quản” bởi Bộ Nội vụ và Bộ quản lý ngành, lĩnh vực (các báo cáo phải gửi cả hai cơ quan – Khoản 3, 4, 6 Điều 25).


-         Quy định quá chi tiết về tổ chức của hội (phải bao gồm Ban lãnh đạo, Ban kiểm tra…).

 


Một số điểm mới trong Dự thảo


Một số nội dung của Nghị định 45/2010, Dự thảo Luật không đưa vào mà lại trao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết (như số lượng người tham gia hội, số thành viên Ban vận động thành lập hội…).


Dự thảo có một số điểm, quy định mới so với Nghị định 45/2010 là:


-         Không còn “hội đặc thù”.


-         Nới rộng thời hạn tổ chức đại hội thành lập (từ 3 tháng trước đây, thành 6 tháng – kể từ ngày có quyết định thành lập ban vận động phải tổ chức đại hội thành lập) (Điều 13 DT).


-         Mở rộng phạm vi hội viên tổ chức (gồm cả doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100%), nhưng vẫn không mở rộng đối với cá nhân là người nước ngoài (Điều 15 DT).


-         Quy định quyền và nghĩa vụ của hội viên (Điều 16 và 17 DT).


-         Quy định về tài sản, tài chính của hội (Chương VI).


Một quyền trước đây của hội là “thành lập pháp nhân thuộc hội” bị loại bỏ.

 

Hiện nay nhiều tổ chức xã hội bắt đầu các tiến trình nghiên cứu, thảo luận và vận động liên quan đến Luật về Hội.

 

 

K.T

 





 

 


Các tin khác: