Trao giải Nobel Hòa bình 2015
Ngày 10/12/2015, nhóm bốn tổ chức trung gian đối thoại hòa bình tại Tunisia (được gọi là "Bộ tứ") đã nhận giải Nobel Hòa bình 2015. Lễ trao giải diễn ra tại thủ đô Oslo của Na Uy. Buổi lễ có sự hiện diện của khoảng một ngàn quan khách, trong đó có Vua Na Uy.

 


“Bộ tứ” trung gian đối thoại hòa bình Tunisia gồm 4 tổ chức là Tổng liên đoàn lao động Tunisia (UGTT), Hiệp hội công nghiệp, thương mại và thủ công Tunisia (UTICA), Liên đoàn nhân quyền Tunisia (LTDH) Nhóm luật sư Tunisia (ONAT).

 "Bộ tứ” này được vinh danh với những "đóng góp mang tính quyết định" trong vai trò trung gian thúc đẩy hòa bình và dân chủ ở Tunisia, trong bối cảnh tiến trình chuyển tiếp dân chủ có nguy cơ sụp đổ do bất ổn xã hội và nước này ở bên bờ vực nội chiến.


Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Tunisia, ông Abassi, nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại giữa các nền văn minh và sự chung sống hòa bình trên toàn thế giới.

 

Tại lễ trao giải, Chủ tịch Uỷ ban Nobel Hòa bình Kaci Kullmann Five nhấn mạnh rằng giải Hòa bình năm nay diễn ra đúng theo tinh thần mà nhà sáng lập Alfred Nobel vẫn hằng kỳ vọng, đó là một giải thưởng mang đậm chất tập thể, giúp giải trừ vũ khí và là diễn đàn để xây dựng hòa bình thế giới.


Chủ tịch Ủy ban Nobel Hòa bình cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới lấy Tunisia làm ví dụ trong việc giải quyết vấn đề về người di cư, nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Nếu mọi quốc gia làm như những gì Tunisia đã làm và mở đường cho đối thoại dân tộc, sự tha thứ, dân chủ và bình đẳng thì sẽ không có nhiều người phải bỏ nhà đi lánh nạn.


Giải Nobel Hòa bình được trao hàng năm vào ngày 10/12, ngày mất của Alfred Nobel, tại Tòa thị chính thủ đô Oslo của Na Uy. Giải thưởng gồm 1 huy chương vàng Nobel, một bằng chứng nhận và khoản tiền 8 triệu kroror Thụy Điển (tương đương 960.000 USD).

 

Nhờ có sự đối thoại hiệu quả giữa đại diện các nhóm xã hội, Tunisia đã không rơi vào tình trạng hỗn loạn như một số quốc gia khác trong phong trào Mùa Xuân Arap. Việc trao giải Nobel Hòa bình 2015 là một lời nhắc nhở về vai trò quan trọng của Xã hội dân sự và vai trò của đối thoại trong quá trình chuyển đổi dân chủ tại các quốc gia.

 

Giải Nobel Hòa bình thường gắn với các hoạt động bảo vệ nhân quyền. Trong số những người đã được trao giải này gồm:

 

Lưu Hiểu Ba (Trung Quốc), 2010,  nhà văn hoạt động “vì cuộc đấu tranh trường kỳ và bất bạo động nhằm đòi nhân quyền cơ bản ở Trung Quốc”

 

Shirin Ebadi (Iran), 2003, luật sư nhân quyền, được trao giải “cho những nỗ lực vì dân chủ và nhân quyền. Cô đã tập trung đặc biệt vào cuộc đấu tranh cho quyền của phụ nữ và trẻ em"

 

Kim Dae Jung (Hàn Quốc), 2000, nhà hoạt động dân chủ, được trao giải “cho công việc vì dân chủ và nhân quyền tại Hàn Quốc và khu vực Đông Á nói chung, và cho hòa bình và hòa giải với Bắc Triều Tiên nói riêng"

 

Nelson Mandela (Nam Phi), 1993, hoạt động chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc Apacthai trong hòa bình và thành lập nền móng cho một nền cộng hòa ở Nam Phi

 

Aung San Suu Kyi (Myanma), 1991, đấu tranh bất bạo động vì tự do và quyền con người

 

Adolfo Pérez Esquivel (Argentina), 1980, luật sư đấu tranh vì quyền con người

 

Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International), 1977, vận động chống lại các hình thức tra tấn

 

Andrei Dmitrievich Sakharov (Liên Xô), 1975, nhà khoa học đấu tranh vì quyền con người

 

Martin Luther King, Jr. (Hoa Kỳ), 1964, nhà vận động đấu tranh cho quyền của người da đen ở Mỹ

 


Các tin khác: