QUYỀN VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ CƠ CHẾ QUỐC TẾ BẢO VỆ
Quyền về môi trường (còn được gọi là “quyền đối với môi trường trong lành”, hay “quyền môi trường) ngày càng được công nhận rộng rãi trong pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Việc này một mặt là do tính chất xuyên biên giới của các vấn đề môi trường, mặt khác là do cần có chuẩn mực chung cho các quốc gia.

 

 

Bên cạnh hệ thống pháp luật quốc gia về môi trường, các quy phạm nhân quyền quốc tế liên quan đến môi trường và cơ chế bảo vệ quyền này đang dần được cộng đồng quốc tế củng cố. Bài viết này phân tích sự tiến triển của khái niệm quyền về môi trường và các cơ chế quốc tế bảo vệ quyền này.

 

I. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA QUYỀN VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ QUỐC TẾ

 

1.     Nhận thức và ghi nhận trong pháp luật quốc gia

 

Mối quan hệ giữa quyền con người và môi trường cho đến nay vẫn được đánh giá là “phức tạp và gây tranh cãi”.[1] Nhìn chung, mối quan hệ này được tiếp cận từ nhiều góc độ, bao gồm ba góc độ chính:

 

Thứ nhất, coi môi trường, việc bảo vệ tốt môi trường là tiền đề của việc hưởng thụ các quyền con người. Những sự phá hoại, suy thoái môi trường đe dọa, gây tổn hại cho nhiều quyền con người.

 

Thứ hai, coi quyền con người là công cụ để giải quyết các vấn đề môi trường, cả về nội dung và thủ tục. Việc thực thi tốt các quyền con người có thể góp phần bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu thiếu các quyền con người sẽ rất khó bảo vệ môi trường.

 

Thứ ba, cách tiếp cận hướng đến việc lồng ghép quyền con người và môi trường trong khái niệm “phát triển bền vững”.[2]

 

Trên thế giới, người đầu tiên nêu ý tưởng về việc cần có một quyền riêng biệt về môi trường được cho là nhà khoa học Hoa Kỳ Rachel Carson. Trong cuốn “Mùa xuân im lặng” (Silent Spring, 1962) - tác phẩm được coi là khởi xướng phong trào bảo vệ môi trường toàn cầu - bà đã nhắc đến sự thiếu vắng “những bảo đảm đối với công dân trước những chất độc hại chết người gây ra bởi các cá nhân và công chức” trong danh mục các quyền con người được bảo vệ bởi Hiến pháp Hoa Kỳ.

 

Cho đến nay, tại Việt Nam và trên thế giới, trong pháp luật và trong đời sống xã hội, có nhiều thuật ngữ tương tự được sử dụng như “quyền con người đối với môi trường”, “quyền về môi trường”, “các quyền về môi trường”, “quyền đối với môi trường”, “quyền đối với môi trường trong lành”...[3] Chính vì vậy, hiện đang có những nỗ lực để thống nhất hóa thuật ngữ về quyền môi trường ở quy mô quốc tế, chẳng hạn như bằng việc đưa ra một Dự thảo Công ước về Quyền con người đối với môi trường.

 

Tại nhiều quốc gia đã có các điều khoản quy định về môi trường trong hiến pháp. Các điều khoản này có thể là về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà nước và các chủ thể khác trong việc bảo vệ môi trường, hoặc có thể là về quyền môi trường của các cá nhân. Theo một khảo sát, tính đến năm 2011, đã có 147 quốc gia có các quy định về môi trường trong lành trong hiến pháp, trong số này có 92 hiến pháp trực tiếp ghi nhận quyền đối với môi trường[4]. Có thể thấy chưa có quyền con người nào được công nhận một cách rộng rãi trong các hiến pháp trong một thời gian ngắn như quyền về môi trường.

 

Sự phát triển mạnh mẽ của quyền về môi trường được cho là xuất phát từ ba nhóm nguyên nhân chính: Thứ nhất, cuộc cách mạng về quyền con người cả ở cấp quốc gia và quốc tế. Thứ hai, cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu (biến đổi khí hậu, sự suy giảm của đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, hóa chất công nghiệp và nông nghiệp...) và Thứ ba, sự chuyển đổi ở một loạt quốc gia từ chế độ chuyên chế sang chế độ dân chủ hợp hiến..[5]

 

Việc hiến định quyền môi trường mang lại nhiều lợi ích, bao gồm: cung cấp nền tảng mạnh mẽ hơn cho hệ thống pháp luật về môi trường; củng cố việc thực thi luật pháp về môi trường; tạo ra một “lưới an toàn” cho hệ thống pháp luật về môi trường (vì có thể có những chủ đề mà pháp luật chưa bao trùm); ngăn chặn sự tụt lùi của pháp luật (do hiến pháp khó sửa đổi); tạo ra sân chơi bình đẳng cho các chủ thể trong xã hội trong vấn đề môi trường...[6]

 

Cùng với hiến pháp, nhiều đạo luật đã được nghị viện các nước thông qua để làm rõ hơn nội hàm của quyền môi trường. Ví dụ, tại Philippin, cách nay 20 năm, Luật Không khí sạch (Clean Air Act, 1999) đã được thông qua để làm rõ nội hàm của quyền môi trường, trong đó khẳng định công dân được công nhận một tổng thể quyền bao gồm: a) Quyền hít thở không khí trong lành; b) Quyền sử dụng và hưởng thụ mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên theo các nguyên tắc phát triển bền vững; c) Quyền tham gia vào xây dựng, lập kế hoạch, thực hiện và giám sát các chính sách và chương trình môi trường và vào tiến trình ra quyết định; d) Quyền tham gia vào tiến trình ra quyết định liên quan đến các chính sách phát triển, kế hoạch và chương trình, dự án hoặc các hoạt động có thể có tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng;... f) Quyền tiếp cận hồ sơ công khai mà một công dân cần để thực thi các quyền môi trường của mình một cách hiệu quả...; h) Quyền khiếu kiện tại tòa án đòi bồi thường thiệt hại cá nhân do tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng của một dự án hoặc hoạt động ... (Điều 4).

 

Các tòa án cũng có vai trò tích cực trong việc làm rõ nội hàm quyền môi trường. Tại Argentina, Tòa án tối cao trong một phán quyết có tính lịch sử vào năm 2008 (liên quan đến trách nhiệm của cơ quan công quyền trong việc giải quyết ô nhiễm sông Matanza Riachuelo, theo đơn khởi kiện của một nhóm công dân nộp vào năm 2004) đã đề ra một loạt yêu cầu có tính chất vĩ mô, liên quan cả đến việc hoàn thiện thể chế về môi trường, bao gồm: giám sát mọi doanh nghiệp gây ô nhiễm, xây dựng và áp dụng kế hoạch xử lý nước thải công nghiệp; chấm dứt mọi việc thải rác bất hợp pháp, nạo vét lòng sông; hình thành một ủy ban gồm các tổ chức phi chính phủ để giám sát việc thực thi phán quyết của tòa án...Phán quyết của tòa án chủ yếu dựa vào Điều 41 (về “quyền sống trong môi trường trong lành, phù hợp cho sự phát triển của con người”) và Điều 43 (về quyền khởi kiện và được tòa án xét xử nhanh chóng) của Hiến pháp (1853, được sửa đổi gần nhất vào năm 1994).

 


2.    
Pháp luật quốc tế về quyền môi trường

 

Ở phạm vi toàn cầu, mối quan hệ giữa môi trường và quyền con người mới chỉ được quan tâm rộng rãi vào thời điểm tương đối gần đây, cụ thể từ sau năm 1992 (năm diễn ra Hội nghị Liên Hợp Quốc về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro, Brazil). Năm 2002, lần đầu tiên một hội thảo về quyền môi trường được đồng tổ chức bởi Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR) và Chương trình môi trường Liên Hợp quốc (UNEP). Trong kết luận của mình, hội thảo nhấn mạnh “cách tiếp cận dựa trên quyền” cần được quan tâm hơn trong bảo vệ môi trường, mối quan hệ giữa suy thoái môi trường với nghèo đói và các quyền cụ thể, như quyền đối với một môi trường trong lành, lương thực và nước sạch, nhà ở...[7]

 

Trong luật nhân quyền quốc tế, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948, cũng như hai công ước cơ bản năm 1966 (Công ước quốc tế về các quyền dân dự và chính trị, ICCPR và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, ICESCR) đều không trực tiếp nhắc đến quyền về môi trường. Hai văn kiện quan trọng nhất liên quan đến quyền môi trường cho đến nay là Tuyên bố Stockhom, 1972 (Tuyên bố của Hội nghị Liên Hợp Quốc về môi trường con người) và Tuyên bố Rio de Janeiro, 1992 (Tuyên bố của Hội nghị Liên Hợp Quốc về môi trường và phát triển) đều là các tuyên bố mang tính chất chính trị, không phải là các điều ước quốc tế, tức là không có tính ràng buộc pháp lý với các quốc gia. Thêm vào đó, các tuyên bố này đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có đề cập đến quyền về môi trường. Đến nay vẫn chưa có một công ước nào về quyền môi trường được các tổ chức quốc tế thông qua.

 

Trong một số văn kiện nhân quyền khu vực, quyền về môi trường đã được ghi nhận như Hiến chương quyền con người và các dân tộc châu Phi (1981) (Điều 24), Nghị định thư San Sanvador của Công ước châu Mỹ về quyền con người (1988) (Điều 11), Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN (2012) (Đoạn 28). Tòa án nhân quyền châu Âu, Ủy ban Nhân quyền và Tòa án Nhân quyền liên Mỹ đều đã có những phán quyết liên quan đến các vấn đề môi trường mà xem xét từ góc độ các quyền con người khác nhau.[8]

 

Trong khi nội hàm của quyền môi trường đã được làm rõ bởi các cơ quan lập pháp và tư pháp của một số quốc gia (thường bao hàm các khía cạnh nội dung và thủ tục như quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia, quyền tố tụng tại tòa án), thì ở phạm vi quốc tế dường như nội hàm của quyền này chưa có sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, nhìn chung đối với quyền môi trường, các nhà nước có các nghĩa vụ về thủ tục sau đây: đánh giá tác động môi trường, công khai thông tin môi trường; hỗ trợ sự tham gia của công chúng vào tiến trình ra quyết định ảnh hưởng đến môi trường; cung cấp cơ chế pháp lý giải quyết các xung đột, tranh chấp về môi trường... Cạnh đó, nhà nước có các nghĩa vụ về nội dung như: xây dựng, thực thi khung pháp luật về môi trường; bảo vệ các cá nhân khỏi sự xâm phạm của chủ thể thứ ba; phối hợp với các quốc gia khác để giải quyết tác hại môi trường xuyên biên giới...[9]

 


II.  
CƠ CHẾ QUỐC TẾ BẢO VỆ QUYỀN MÔI TRƯỜNG

 

1.     Khái quát

 

Trong hệ thống Liên Hợp quốc, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (United Nations Environment Programme - UNEP) là cơ quan chuyên trách điều phối các hoạt động về môi trường, hỗ trợ các quốc gia trong việc áp dụng các chính sách hợp lý về môi trường.[10] UNEP hoạt động trên nhiều lĩnh vực như khí quyển, hệ sinh thái biển và trên cạn, quản trị môi trường và kinh tế xanh. Cơ quan này có vai trò quan trọng trong việc soạn thảo các công ước về môi trường, thúc đẩy khoa học và thông tin về môi trường, hỗ trợ việc xây dựng và thực thi các chính sách của quốc gia và khu vực, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ về vấn đề môi trường. UNEP cũng tài trợ và triển khai các dự án phát triển trong lĩnh vực môi trường.

 

Bên cạnh đó, các cơ quan nhân quyền Liên Hợp quốc cũng có vai trò quan trọng trong việc lên tiếng về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa môi trường và quyền con người. Hội đồng Nhân quyền đã thông qua một số nghị quyết về quyền con người và môi trường như Nghị quyết 19/10 (năm 2012), Nghị quyết 25/21 (A/HRC/25/L.31, năm 2014), Nghị quyết 28/11 (A/HRC/28/L.19, năm 2015)... Chủ đề quan hệ giữa môi trường và quyền con người tại diễn đàn Hội đồng Nhân quyền đã được một số tác giả khảo sát, nghiên cứu.[11] Theo cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền, nhiều khuyến nghị liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu đã được các quốc gia nêu lên, góp phần thúc đẩy quyền môi trường trên thế giới.[12] Cạnh đó, các cơ chế nhân quyền dựa trên điều ước, các Ủy ban được thành lập để giám sát các điều ước như Ủy ban các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Ủy ban nhân quyền..., cũng có đóng góp nhất định trong lĩnh vực này.

 

Các báo cáo viên đặc biệt, hay chuyên gia độc lập, do tính chất linh động và chuyên môn sâu, đã có nhiều đóng góp khá rõ trong việc bảo vệ quyền về môi trường. Dưới đây đề cập cụ thể đến vai trò nổi bật của ba chuyên gia này, bao gồm Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người và môi trường, Báo cáo viên đặc biệt về chất thải và quyền con người, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký về quyền con người và doanh nghiệp.

 


2.    
Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người và môi trường

 

Một trong những cơ chế tích cực của Liên Hợp quốc hiện nay là Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người và môi trường (Special Rapporteur on Ruman Rights and the Environment), trước đây là Chuyên gia độc lập (Independent Expert) về quyền con người và môi trường.

 

Mặc dù sự công nhận về những mối liên hệ giữa quyền con người và môi trường ngày càng trở nên phổ biến, nhiều vấn đề về mối quan hệ giữa quyền con người và môi trường vẫn chưa được làm rõ, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ càng hơn. Do đó, vào tháng 3 năm 2012, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc đã quyết định thiết lập một cơ chế chịu trách nhiệm trong lĩnh vực quyền con người và môi trường, người được ủy nhiệm sẽ đảm trách việc nghiên cứu về những nghĩa vụ đối với quyền con người liên quan đến việc hưởng thụ một môi trường an toàn, sạch sẽ, lành mạnh và bền vững, và khuyến khích những chính sách tốt nhất liên quan đến việc cân nhắc về quyền con người trong việc hoạch định chính sách môi trường.

 

Từ tháng 8 năm 2018, David R. Boyd, một giáo sư luật Canada, được bổ nhiệm làm Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người và môi trường. Trước đó, ông John Knox đảm nhiệm vị trí này (làm Chuyên gia độc lập đầu tiên vào tháng 8 năm 2012 với nhiệm kỳ 3 năm, và được kéo dài thêm 3 năm nữa với vai trò là Báo cáo viên đặc biệt từ 2015 đến 2018).

 

Trong nhiệm kỳ của mình, một trong số những hoạt động nổi bật được thực hiện bởi John Knox là việc soạn thảo 14 báo cáo chuyên đề nghiên cứu về nghĩa vụ nhân quyền trong mối quan hệ với môi trường, mà đã được điều chỉnh trong rất nhiều nguồn luật quốc tế, bao gồm: (a) Các cơ quan nhân quyền của Liên Hợp quốc và cơ quan chuyên môn; (b) Công ước Quốc tế về quyền con người; (c) Hệ thống pháp luật quốc gia về quyền con người; và (d) những văn kiện pháp lý quốc tế về quyền con người. Mỗi báo cáo tập trung vào một loại nguồn hoặc các loại nguồn khác nhau, và theo một khung nghiên cứu nhất định. Báo cáo viên đã đến thăm các quốc gia Mông Cổ, Uruguay (2017), Madagascar (2016), Pháp (2014), Costa Rica (2013).

 

Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người và môi trường cũng đã nhận và trả lời các khiếu nại,[13] cũng như lên tiếng bằng văn bản, một mình hoặc cùng với các chủ thể, cơ quan nhân quyền khác của Liên hợp quốc, về các vụ việc vi phạm quyền con người có liên quan đến môi trường tại các quốc gia trên thế giới, chẳng hạn như trong các vụ việc sử dụng bạo lực đối với những người bảo vệ môi trường

 

Các Nguyên tắc khung về quyền con người và môi trường (Framework Principles on Human Rights and the Environment) là kết quả 5 năm tập hợp của Báo cáo viên. Báo cáo này được trình bày trước Hội đồng Nhân quyền vào tháng 3 năm 2018. Các Nguyên tắc đặt ra những nghĩa vụ cơ bản của nhà nước theo luật nhân quyền liên quan đến việc hưởng một môi trường an toàn, sạch, lành mạnh và bền vững. Mỗi Nguyên tắc có một lời bình luận để làm rõ nội dung. Nhiều nghĩa vụ được mô tả trong Các Nguyên tắc khung và bình luận được dựa trực tiếp trên các điều ước hoặc phán quyết có tính ràng buộc từ các tòa án nhân quyền, một số khác được rút ra từ các cơ quan nhân quyền có thẩm quyền giải thích luật nhân quyền, nhưng có thể không có quyền đưa ra những phán quyết có tính chất ràng buộc pháp lý. Báo cáo viên khuyến khích các nhà nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các cộng đồng phổ biến và cân nhắc Các Nguyên tắc khung này trong hoạt động của mình.

 

Các chủ đề được Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người và môi trường tập trung trong những năm qua là: Xác định các nghĩa vụ quyền con người (báo cáo năm 2013); Tập hợp các thực hành tốt (2015); Phương thức thực thi (2015); Các nghĩa vụ quyền con người liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ các nhóm yếu thế (2016); Vai trò của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học đối với quyền con người (2017); Quyền trẻ em và môi trường (2018).

 


3.    
Báo cáo viên đặc biệt về chất thải và quyền con người

 

Trong lĩnh vực môi trường, Liên Hợp quốc còn có cơ chế Báo cáo viên đặc biệt về chất thải và quyền con người, tên gọi đầy đủ là Báo cáo viên đặc biệt về ảnh hưởng đối với quyền con người của việc quản lý và thanh lý chất thải và rác thải độc hại đối với môi trường (Special Rapporteur on the implications for human rights of the environmentally sound management and disposal of hazardous substances and wastes). Cơ chế này được thành lập bởi Ủy ban Nhân quyền vào năm 1995, trong bối cảnh nhiều vụ việc chôn lấp chất thải đã gây hậu quả tai hại cho con người ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở khu vực châu Phi. Sau khi Công ước Basel được thông qua, một số tổ chức đã vận động Ủy ban Nhân quyền có biện pháp hiệu quả để thực thi Công ước.

 

Báo cáo viên có thẩm quyền theo dõi, đánh giá việc các chất thải và sản phẩm nguy hại đối với môi trường và con người. Vào tháng 9 năm 2011, Hội đồng Nhân quyền quyết định củng cố thẩm quyền để không chỉ liên quan đến việc di chuyển, chôn lấp các chất thải và rác thải độc hại, mà bao gồm cả toàn bộ vòng đời của các sản phẩm độc hại. Theo đó, tên của Báo cáo viên được đổi thành như hiện nay. Từ năm 2012, thẩm quyền của báo cáo viên bao gồm cả việc bảo vệ những người bảo vệ quyền về môi trường (environmental human rights defenders).

 

Từ tháng 8 năm 2014, Baskut Tuncak, một luật gia đồng thời là chuyên gia về hóa chất gốc Thổ Nhĩ Kỳ, được bổ nhiệm làm Báo cáo viên đặc biệt về chất thải và quyền con người. Những người tiền nhiệm của ông là Fatma Zohra Ouhachi-Vesely (Algeria, giai đoạn 1995-2004), Okechukwu Ibeanu (Nigeria, 2004-2010), Calin Georgescu (Romania, 2010-2012), Marc Pallemaerts (Bỉ, 2012-2014).

 

Những chủ đề được các Báo cáo viên đặc biệt về chất thải và quyền con người quan tâm trong các báo cáo thường niên gần đây là: Khuôn khổ pháp lý liên quan đến các chất thải và sản phẩm độc hại trong xung đột vũ trang (báo cáo năm 2007); Ảnh hưởng tiêu cực đối với quyền con người, quyền thông tin và tham gia (2008); Việc phá dỡ tàu (2009); Chất thải y tế (2011); Quyền con người và các ngành công nghiệp khai khoáng (2012); Quyền tiếp cận thông tin về các chất thải và chất độc hại (2015); Ảnh hưởng của chất độc và ô nhiễm đối với quyền trẻ em (2016); Hướng dẫn về thực hành tốt liên quan đến các nghĩa vụ quyền con người của việc quản lý và thanh lý chất thải và rác thải độc hại đối với môi trường (2017); Tình hình của công nhân chịu ảnh hưởng nghề nghiệp bởi các chất thải độc hại (2018).

 

Trong báo cáo đầu tiên của đến Đại hội đồng (năm 2018), Báo cáo viên đặc biệt về chất thải và quyền con người đã làm rõ mối quan hệ giữa thẩm quyền của mình với việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), nhấn mạnh sự cần thiết có khuôn khổ toàn cầu tốt hơn để bảo vệ sức khỏe con người trước môi trường độc hại, phần nào do sự khác biết về tiêu chuẩn bảo vệ giữa các quốc gia. Báo cáo viên đưa ra một loạt các khuyến nghị về khuôn khổ sau năm 2020 đối với các chất thải độc hại nhằm củng cố năng lực của cộng đồng quốc tế bảo vệ quyền con người trước ảnh hưởng của chất độc, nhấn mạnh tiềm năng đóng góp của cuộc thảo luận về doanh nghiệp và quyền con người đối với lĩnh vực này. Trong phần minh họa, Báo cáo viên đã nêu các chủ đề về ô nhiễm không khí (tại Hàn Quốc, Anh), ô nhiễm đất (Kosovo), ô nhiễm nước (Hà Tĩnh, Việt Nam do ảnh hưởng của Nhà máy thép Formosa),[14] sản xuất nông nghiệp (sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất tại Zimbabwe, Sierra Leone), công nghiệp khai khoáng, công nghiệp hóa chất (các vụ nổ nhà máy hóa chất tại Trung Quốc, Ấn Độ...), phóng xạ hạt nhân (Kazakhstan và Fukushima, Nhật Bản), chất thải...[15] Khá thú vị là khi rà soát các cơ chế liên quan, Báo cáo viên cho rằng một cơ chế tương tự như UPR (của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, do các nhà nước đánh giá lẫn nhau), trong lĩnh vực chất thải sẽ là rất hữu ích (đoạn 80-85).

 


4.           
Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký về quyền con người và doanh nghiệp

 

Năm 2005, theo đề nghị của Ủy ban nhân quyền, Tổng thư ký LHQ đã quyết định bổ nhiệm chức danh Đại diện Đặc biệt của Tổng thư ký về vấn đề quyền con người, tập đoàn xuyên quốc gia và các doanh nghiệp khác (Special Representative of the Secretary-General on human rights and transnational corporations and other business enterprises).

 

Đại diện Đặc biệt, ông John Ruggie, đã thực hiện nhiệm vụ của mình trong hai nhiệm kỳ kéo dài trong sáu năm (2005-2011). Trong thời gian đó, ông John Ruggie đã có nhiều hoạt động nhằm làm rõ hơn các quy phạm, chuẩn mực quốc tế cũng như thúc đẩy vai trò của nhà nước và giới doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền con người. Kết quả đáng ghi nhận là Đại diện đặc biệt của LHQ đã xây dựng được một khuôn khổ về "bảo vệ, tôn trọng và khắc phục" vào năm 2008. Khuôn khổ về “tôn bảo vệ, tôn trọng và khắc phục " đề cập đến ba vấn đề mang tính trụ cột: 1) nghĩa vụ của nhà nước trong việc bảo vệ để bên thứ ba không vi phạm quyền con người; 2) nghĩa vụ tôn trọng quyền con người của doanh nghiệp; và 3) tạo điều kiện để nạn nhân của các vụ vi phạm quyền con người do doanh nghiệp gây nên được tiếp cận với các cơ chế khắc phục, bồi thường.

 

Đại diện Đặc biệt của LHQ về vấn đề quyền con người, tập đoàn xuyên quốc gia và các doanh nghiệp khác đã soạn thảo Các Nguyên tắc Hướng dẫn về quyền con người và doanh các nghiệp (Guiding Principles for Business  and Human Rights), tập hợp nguyên tắc về doanh nghiệp và nhân quyền nhằm thực hiện khuôn khổ “bảo vệ, tôn trọng và khắc phục”. Văn kiện này sau đó được Hội đồng nhân quyền thông qua theo Nghị quyết 17/4 ngày 16/6/2011. Nguyên tắc hướng dẫn gồm 3 chương với 31 nguyên tắc xác định vai trò, trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo để các cá nhân, nhóm bị ảnh hưởng có thể tiếp cận được với các biện pháp khắc phục hiệu quả.

 

Thỏa ước Toàn cầu (Global Compact) là một thỏa thuận quốc tế được thông qua năm 2000 theo sáng kiến của Tổng thư ký LHQ nhằm mục đích kêu gọi lãnh đạo của các công ty, các cơ quan LHQ, tổ chức xã hội cùng ủng hộ 10 nguyên tắc cơ bản về ba lĩnh vực là: quyền con người, lao động và bảo vệ môi trường nhằm hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.[16] Liên quan đến môi trường, Thỏa ước nêu 3 nguyên tắc sau: Nguyên tắc 7: Các doanh nghiệp cần hỗ trợ một cách tiếp cận phòng ngừa đối với các thách thức về môi trường; Nguyên tắc 8: Thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy trách nhiệm môi trường lớn hơn; và Nguyên tắc 9: Khuyến khích sự phát triển và phổ biến các công nghệ thân thiện với môi trường.

 


KẾT LUẬN

 

Do đặc tính xuyên biên giới của các vấn đề môi trường, các chuẩn mực quốc tế và cơ chế quốc tế trong lĩnh vực môi trường ngày càng phát triển. Cùng với xu hướng chấp nhận rộng rãi hơn quyền đối với môi trường trong lành, bên cạnh quyền về sức khỏe truyền thống, cộng đồng quốc tế đang hình thành nên các cơ chế hữu hiệu hơn bảo vệ quyền này. Trong số các cơ chế hiện có của Liên Hợp quốc, bên cạnh Hội đồng Nhân quyền và các ủy ban giám sát công ước, các báo cáo viên đặc biệt, hay chuyên gia độc lập, với sự linh động và chuyên môn sâu, đang có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ quyền về môi trường. Thông qua hoạt động của ba chuyên gia (Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người và môi trường, Báo cáo viên đặc biệt về chất thải và quyền con người và Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký về quyền con người và doanh nghiệp), có thể thấy rằng đây là một loại cơ chế chuyên môn hẹp, có những đóng góp đáng kể về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, để thúc đẩy các quốc gia, cần có sự bổ sung của các diễn đàn có tính cách chính trị, với những khuyến nghị mang tính áp lực khác mới có thể tạo ra động lực, sức ép mạnh hơn để cải thiện tình hình môi trường và bảo đảm quyền về môi trường trong lành.

 

 

 

 

 

TS. Lã Khánh Tùng

 

Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

(Bài đã đăng trong sách "Quyền về Môi trường", Nxb.Hồng Đức, 2019)



[1] Svitlana Kravchenko, Environment, trong “Encyclopedia of human rights”, David P.Forsythe (biên tập), Nxb.Đại học Oxford, 2009, trang 140.

[2] Báo cáo của Cao ủy Nhân quyền cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, 16/12/2011 (A/HRC/19/34).

[3] Một số thuật ngữ tiếng Anh tương ứng là “human right to the environment”,“ environmental right”, “environmental rights”, “right to a healthy environment”...Thuật ngữ cuối cùng, kèm theo nội hàm cụ thể, dường như được sử dụng nhiều nhất trong các hiến pháp và văn kiện pháp lý khu vực.

[4] David R.Boyd, The environmental rights revolution: A global study on constitutions, human rights, and the environment, UCB Press, 2012, trang 76.

[5] David R.Boyd, như trên, trang 4-12.

[6] David R.Boyd, The environmental rights revolution: A global study on constitutions, human rights, and the environment, UCB Press, 2012, trang 27-33.

[7] Ủy ban Nhân quyền, Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, khoa học và môi trường, Báo cáo về hội thảo được đồng tổ chức bởi OHCHR – UNEP về quyền con người và môi trường (Report of the joint OHCHR-UNEP seminar on human rights and the environment), E/CN.4/2002/WP.7, 22/3/2002.

[8] Tòa án Nhân quyền châu Âu đã có các phán quyết liên quan đến quyền sống (ĐIều 2 Công ước Nhân quyền châu Âu trong các vụ việc về các hoạt động công nghiệp nguy hại (vụ Oneryıldız v. Thổ Nhĩ Kỳ, 30/11/2004), ảnh hưởng của phóng xạ hạt nhân (vụ L.C.B. v. Anh quốc, 9/6/1998), thảm họa thiên nhiên (vụ  Budayeva and Others v. Nga, 20/3/2008); quyền không bị đối xử tàn ác, vô nhân đạo (Điều 3) trong các vụ việc về việc chịu khói thuốc lá (vụ Florea v. Romania, 14/9/2010); quyền tự do và an toàn cá nhân (Điều 5); quyền xét xử công bằng (Điều 6); quyền riêng tư và gia đình (Điều 8) trong các vụ về hiểm họa môi trường và tiếp cận thông tin (vụ Guerra and Others v. Italy, 19/2/1998), ô nhiễm công nghiệp (vụ Lopez Ostra v. Spain, 9/12/1994), ô nhiễm tiếng ồn từ máy bay (vụ Powell và Rayner v. Anh quốc, 21/2/ 1990, tiếng ồn do hàng xóm gây ra (vụ Moreno Gómez v. Tây Ban Nha, 16/11/2004), nguồn nước ô nhiễm (vụ Dzemyuk v. Ukraine, 4/9/2014); quyền tự do biểu đạt (Điều 10) khi hạn chế việc vận động bảo vệ bờ biển (vụ Vides Aizsardzības Klubs v. Latvia, 27 /5/2004); quyền tự do lập hội và hội họp (Điều 11) khi từ chối một hội bảo vệ môi trường (vụ Costel Popa v. Romania, 26/4/2016)...

[9] Báo cáo của Chuyên gia độc lập về vấn đề các nghĩa vụ quyền con người liên quan đến việc hưởng một môi trường an toàn, sạch, lành mạnh và bền vững, John K.Knox, A/HRC/25/53, 30/12/2013, đoạn 29 đến 68.

[10] UNEP được thành lập theo sáng kiến của Maurice Strong, giám đốc đầu tiên, và là kết quả của Hội nghị Liên Hợp quốc về Môi trường con người (Hội nghị Stockholm, năm 1972). UNEP có trụ sở tại thủ đô Nairobi, Kenya, có 6 văn phòng khu vực và nhiều văn phóng quốc gia.

[11] Marc Limon, Politics of Human Rights, the Environment, and Climate Change at the Human Rights Council, trong “Human Right to a Healthy Environment”, John H.Knox và Ramin Pejan (Biên tập), Cambridge University Press, 2018, trang 189 – 214.

[12] Chẳng hạn vào tháng 1 năm 2019, trong kỳ kiểm điểm UPR lần 3 của Việt Nam, đã có 4 khuyến nghị từ các nước về môi trường và biến đổi khí hậu. Hay trước đó, trong kiểm điểm UPR của Nhật Bản, đã có khuyến nghị về việc chính phủ Nhật cần nỗ lực có các hành động khôi phục môi trường xung quanh trở lại như trước khi xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima (năm 2011).

[13] Chẳng hạn trong năm 2015 và 2016, đã có các khiếu nại liên quan đến Malaysia (việc sử dụng bạo lực đối với những người bảo vệ môi trường phản đối một công ty của Australia; dự án phát triển đập Don Sahon), Lào (dự án phát triển đập Don Sahon), Campuchia, In-đô-nê-sia, Thái Lan, Nga, Nhật, Ấn Độ...

 

[14] Đoạn 40 của Báo cáo này, Báo cáo viên đặc biệt nhắc lại việc mình đã đưa ra nhiều tuyên bố liên quan đến việc ô nhiễm nước từ Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh vào tháng 4 năm 2016 tại Việt Nam, việc xả thải ô nhiễm đã giết chết một lượng lớn cá, ảnh hưởng đến sinh kế của dân cư địa phương. Báo cáo viên còn quan ngại đến sự sách nhiễu đối với các nhà báo, blogger và người bảo vệ nhân quyền bày tỏ sự quan tâm đối với vụ việc này. Báo cáo đầu tiên của Báo cáo viên đặc biệt về chất thải và quyền con người đến Đại hội đồng, 2018: https://www.ohchr.org/EN/Issues/Environment/ToxicWastes/Pages/Annual.aspx

[15] Báo cáo đầu tiên của Báo cáo viên đặc biệt về chất thải và quyền con người đến Đại hội đồng, 2018: https://www.ohchr.org/EN/Issues/Environment/ToxicWastes/Pages/Annual.aspx

[16] Tại thời điểm được thông qua năm 2000, Thỏa ước Toàn cầu gồm 9 nguyên tắc. Đến năm 2004, nguyên tắc thứ 10 về chống tham nhũng được bổ sung thêm


Các tin khác: