Cụ thể là “Mọi người đều có quyền được hưởng một trật tự xã hội và quốc tế mà trong đó các quyền và tự do cơ bản nêu trong bản Tuyên ngôn này có thể được thực hiện một cách đầy đủ.”
Khác với các điều từ Điều 2 đến 27 của Tuyên ngôn 1948 liệt kê các quyền cụ thể, Điều 28 giống như một định hướng, một lý tưởng mà nhân loại hướng đến hơn là một quy phạm. Mong muốn của những người soạn ra điều này là mong muốn vượt qua các trở ngại về kinh tế, chính trị và văn hoá để hiện thực hoá nhân quyền ở tầm quốc gia và quốc tế.
Gần với quyền này là Quyền sống trong hòa bình - một quyền tập thể mới được quan tâm gần đây, bên cạnh Quyền phát triển, Quyền sống trong môi trường trong lành.
Cho đến hôm nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, tình trạng xung đột xung đột vũ trang, khủng bố, chiến tranh, diệt chủng vẫn đang diễn ra. Đây là những mối đe dọa chính đối với hòa bình và xâm phạm đến nhiều quyền cơ bản nhất của con người.
Quyền sống trong hòa bình (hay quyền hưởng hòa bình – right to peace/ right to enjoy peace/ human rights to peace) là một quyền con người mới được đề cập trên thế giới. Trước đây, hòa bình chủ yếu được nhìn nhận như một nguyên tắc của quan hệ quốc tế và sau đó là một quyền của các cộng đồng. Hiến chương Liên hợp quốc đã quy định mục đích của tổ chức này là: “Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, và để đạt được mục đích đó, thi hành những biện pháp tập thể có hiệu quả để phòng ngừa và loại trừ các mối đe dọa hoà bình, cấm mọi hành vi xâm lược và phá hoại hoà bình khác; điều chỉnh hoặc giải quyết các vụ tranh chấp hoặc những tình thế có tính chất quốc tế có thể đưa đến sự phá hoại hoà bình, bằng phương pháp hoà bình theo đúng nguyên tắc của công lý và pháp luật quốc tế”.
Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Tuyên bố về quyền của các dân tộc đối với hòa bình (Declaration on the Right of Peoples to Peace), theo Nghị quyết ngày 12/11/1984. Tuyên bố khẳng định khát vọng của mọi dân tộc không phải chịu cảnh chiến tranh, không có thảm họa hạt nhân, khẳng định mọi dân tộc đều có quyền thiêng liêng có hòa bình, việc bảo vệ và thúc đẩy quyền hòa bình của các dân tộc là nghĩa vụ cơ bản của mỗi nhà nước.
Năm 1999, theo Nghị quyết 53/243, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên bố và Chương trình Hành động về một Nền Văn hóa hòa bình (Declaration and Programme of Action on a Culture of Peace). Điều 1 Tuyên bố làm rõ nội dung của nền văn hóa hòa bình bao gồm việc tôn trọng sự sống, chấm dứt bạo lực, thúc đẩy và thực hành bất bạo động thông qua đối thoại, tôn trọng và thúc đẩy các quyền con người. Điều 4 nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục, đặc biệt là giáo dục nhân quyền, như là một phương tiện chính yếu để xây dựng văn hóa hòa bình.
Các tổ chức phi chính phủ, tại Đại hội quốc tế về Quyền về Hòa bình tổ chức tại Tây Ban Nha năm 2010, đã thông qua Tuyên bố Santiago về Quyền về Hòa bình. Tuyên bố khẳng định chủ thể của quyền này là: “Các cá nhân, nhóm, dân tộc và toàn thể nhân loại có quyền không thể tước đoạt về một nền hòa bình chính đáng, bền vững và lâu dài” (Điều 1). Các nhà nước, cộng đồng các quốc gia, các tổ chức quốc tế là những chủ thể có nghĩa vụ thực hiện quyền này.
Theo yêu cầu của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, Cao ủy Nhân quyền đã tổ chức hội thảo với chủ đề quyền của các dân tộc về hòa bình vào tháng 12/2009. Tiếp sau đó, Hội đồng Nhân quyền đã yêu cầu Ban cố vấn làm việc với các quốc gia thành viên, xã hội dân sự, các học giả và các chủ thể liên quan, chuẩn bị soạn thảo một Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc về hòa bình. Ngày 1/10/2015, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua Nghị quyết “Thúc đẩy quyền về hòa bình”, trong đó thúc đẩy việc hoàn thiện bản Tuyên ngôn. Ngày 1/7/2016, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua Nghị quyết 32/28 về Tuyên ngôn Quyền về hòa bình (Declaration on the Right to Peace). Tuyên ngôn Quyền về hòa bình khá ngắn gọn với 5 điều khoản, dù có lời mở đầu với các căn cứ và lý lẽ tương đối chi tiết, đã mở rộng phạm vi quyền này không chỉ là quyền của các dân tộc, mà còn là quyền của mọi cá nhân. Theo đó, “mọi người đều có quyền hưởng hòa bình trong đó đó mọi quyền con người được thúc đẩy, bảo vệ, và sự phát triển được hiện thực hóa trọn vẹn” (Điều 1). Các nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng, thực thi và thúc đẩy bình đẳng, không phân biệt đối xử, công lý, pháp quyền, và bảo đảm tự do khỏi sự sợ hãi, thiếu thốn là những phương tiện để xây dựng hòa bình trong và giữa các xã hội.
Quyền hưởng hòa bình là một quyền quan trọng của con người vì ai cũng biết chiến tranh, xung đột luôn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người. Quyền hưởng hòa bình còn là điều kiện, là cơ sở để thực hiện các quyền khác. Tuy vậy, quyền này không được ghi nhận trực tiếp trong các công ước cơ bản về quyền con người cũng như trong hiến pháp của các quốc gia, trong đó có Hiến pháp Việt Nam. Mặc dù vậy, quyền này đã được bảo vệ theo pháp luật hình sự của Việt Nam. Cụ thể, chương XXVI, từ điều 421 đến 425 của Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Cũng cần khẳng định rằng quyền được hưởng hòa bình không chỉ là quyền đòi hỏi thực thi ở cấp quốc gia mà còn ở cấp khu vực và thế giới. Cần có sự hợp tác, chia sẻ giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để giảm thiểu các nguy cơ xung đột, chiến tranh và duy trì hòa bình.