Ngày về Quyền biết - 28/9/2016
Ngày Quốc tế về Quyền biết (International Right to Know Day) được đề xuất hình thành vào ngày 28/9/2002 khi các tổ chức quốc tế hoạt động về quyền tiếp cận thông tin họp mặt tại Bulgaria. Hàng năm, ngày này được tổ chức để nâng cao nhận thức của cộng đồng về Quyền tiếp cận thông tin.

 

 

Quyền Biết hay Quyền Tiếp cận thông tin (TCTT) có ý nghĩa quan trọng đối với từng cá nhân, cũng như đối với cộng đồng. Việc bảo đảm quyền này sẽ mang lại những lợi ích như:

 

- Sự hiểu biết và tham gia dân chủ: TCTT là yếu tố quan trọng trong việc thu hút sự tham gia của công chúng vào các công việc xã hội. Công chúng chỉ thực sự có khả năng tham gia vào các quá trình dân chủ khi họ có đầy đủ thông tin về những chính sách và hoạt động của chính quyền.

 

- Bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp: TCTT có thể tăng cường khả năng thực thi các quyền khác về chính trị và kinh tế. Ở các quốc gia, người dân sử dụng tự do thông tin nhằm thúc đẩy các quan chức nhà nước có phản ứng và hành động một cách nhanh chóng hơn với các vấn đề còn tồn tại trong xã hội mà có ảnh hưởng đến các quyền của người dân, ví dụ như sự trì trệ của nền kinh tế, sự xuống cấp của hệ thống giáo dục, tình trạng tội phạm hay thiếu việc làm,  vấn đề tham nhũng...

 

- Làm cho các cơ quan nhà nước hoạt động tốt hơn: TCTT cũng có khả năng cải thiện cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước. Nếu như biết rằng một quyết định đưa ra sẽ được công bố công khai và sẽ được người dân giám sát thì khi soạn thảo quyết định đó, các cơ quan nhà nước phải dựa trên những cơ sở và lý do khách quan, xác đáng. TCTT được coi là một công cụ hữu hiệu trong việc phòng chống tham nhũng bởi việc đầu thầu và mua sắm công phải được ghi lại bằng văn bản với đầy đủ các lý do, cơ sở và căn cứ thích đáng.

 

- Hàn gắn vết thương trong quá khứ: Tại nhiều quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi sang một nền dân chủ, luật tiếp cận thông tin cho phép các chính phủ chia sẻ thông tin, tài liệu về quá khứ, cho phép xã hội cũng như các nạn nhân, gia đình của họ, những người đã từng bị lạm dụng, thương tổn biết và hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra trong quá khứ, từ đó hòa giải những xung đột và xóa bỏ những chia rẽ, hận thù trong xã hội.

 

Đầu năm nay, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin (2016). Theo Luật này, Công dân được tiếp cận thông tin bằng 2 cách thức sau:

1. Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai;

2. Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

Người yêu cầu có thể yêu cầu cung cấp thông tin bằng các hình thức sau đây:

a) Trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trụ sở của cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin. Trường hợp người yêu cầu cung cấp thông tin không biết chữ hoặc bị khuyết tật không thể viết yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin có trách nhiệm giúp điền các nội dung vào Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin;

b) Gửi Phiếu yêu cầu qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax đến cơ quan cung cấp thông tin.

Tuy nhiên, Luật này chỉ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2018.

Trong thời gian qua, đã có những hoạt động của các nhóm, tổ chức xã hội dân sự thúc đẩy quyền TCTT của người dân. Trong đó có cuộc thi do bảy tổ chức  hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, truyền thông, điện ảnh, môi trường, bảo vệ quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và miền núi, phụ nữ, trẻ em, với tên gọi Cuộc thi “Góc nhìn công dân” về quyền thông tin của công dân theo quy định tại Luật Báo chí sửa đổi và Luật Tiếp cận thông tin 2016. Cuộc thi kéo dài từ 15/9 đến hết ngày 30/11/2016. (http://quyenconnguoi.com/gioi-thieu/trung-tam-quyen-con-nguoi/thong-cao-bao-chi-thuc-day-thuc-thi-quyen-thong-tin-cua-cac-nhom-nguoi-de-bi-ton-thuong-4972.html )

Cạnh đó, theo dự kiến, một số mạng lưới gồm GPAR, PPWG sẽ tổ chức kỷ niệm Ngày về Quyền biết đúng vào ngày 28/9/2016 tại Không gian văn hóa Đông Tây - Hà Nội.

 

K.T

 


Các tin khác: