QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN LÀ GÌ?
Góp phần tham gia vào tiến trình thảo luận hoàn thiện Luật Tiếp cận thông tin, đang được Bộ Tư pháp triển khai, chúng tôi giới thiệu một số câu Hỏi - đáp liên quan đến chủ đề này.



1.       Quyền tiếp cận thông tin là gì?

Quyền tiếp cận thông tin (right to access to information) thường được hiểu là quyền của cá nhân, công dân tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ hoặc thông tin do cơ quan hành chính nắm giữ. Việc tiếp cận các thông tin của tư nhân, doanh nghiệp thì sẽ do luật dân sự điều chỉnh, vì đây là quan hệ dân sự giữa các chủ thể tư.

Tự do thông tin (freedom of information) bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận, tiếp cận, chia sẻ, trao đổi và phổ biến thông tin. Những nội dung của tự do thông tin cũng chính là những thành tố của tự do biểu đạt. Khoản 2 Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966) xác định quyền tự do biểu đạt bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến, truyền đạt mọi thông tin và ý kiến (to seek, receive and impart information and ideas of all kinds). Như vậy có thể thấy (quyền) tự do thông tin rộng hơn quyền tiếp cận thông tin. Quyền tiếp cận thông tin đôi khi còn được giải thích với nghĩa hẹp hơn là quyền được biết về tổ chức, hoạt động của một chủ thể nào đó, đặc biệt là của các cơ quan nhà nước (gồm cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, ở trung ương và địa phương).

 

2.       Quyền tiếp cận thông tin có mối quan hệ như thế nào với tự do ngôn luận, tự do báo chí?

Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những hình thức cụ thể của tự do biểu đạt, đồng thời cũng là hình thức truyền tải, phổ biến thông tin đến nhiều người. Nếu không có tự do báo chí, tự do xuất bản thì thông tin sẽ khó được truyền tải một cách trung thực, nhanh chóng, thường xuyên, hệ thống và đầy đủ. Trong bối cảnh đó, sẽ không thể xây dựng và vận hành một bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc về công khai, minh bạch và bảo đảm trách nhiệm giải trình. Ngược lại, quyền tiếp cận thông tin giúp hình thành nên các quan điểm, ngôn luận khách quan, giảm thiểu sự thiên vị, sai lệch. “Tính mới” - giá trị quan trọng hàng đầu của báo chí - chính là những thông tin mới hoặc góc tiếp cận mới về một vấn đề hoặc sự kiện diễn ra trong xã hội.


3.       Tiếp cận thông tin mang lại những lợi ích gì?

Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tự do thông tin  mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và từng cá nhân, trong đó bao gồm:

-         Sự hiểu biết và tham gia dân chủ: Tiếp cận thông tin là yếu tố quan trọng trong việc thu hút sự tham gia của công chúng vào các công việc xã hội. Công chúng chỉ thực sự có khả năng tham gia vào các quá trình dân chủ khi họ có đầy đủ thông tin về những chính sách và hoạt động của chính quyền.

-         Bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp: Tiếp cận thông tin có thể tăng cường khả năng thực thi các quyền khác về chính trị và kinh tế. Người dân sử dụng tự do thông tin nhằm thúc đẩy các quan chức nhà nước có phản ứng và hành động một cách nhanh chóng hơn với các vấn đề tồn tại trong xã hội mà có ảnh hưởng đến các quyền của người dân, ví dụ như sự trì trệ của nền kinh tế, sự xuống cấp của hệ thống giáo dục, y tế, tình trạng tội phạm hay thiếu việc làm, vấn đề tham nhũng… 

-         Làm cho các cơ quan nhà nước hoạt động tốt hơn: Tiếp cận thông tin cũng có khả năng cải thiện cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước. Nếu như biết rằng một quyết định đưa ra sẽ được công bố công khai và sẽ được người dân giám sát thì khi soạn thảo quyết định đó, các cơ quan nhà nước phải dựa trên những cơ sở và lý do khách quan, xác đáng. Tự do thông tin được coi là một công cụ hữu hiệu trong việc phòng chống tham nhũng, bởi việc đấu thầu và mua sắm công  phải được ghi lại bằng văn bản với đầy đủ các lý do, cơ sở và căn cứ thích đáng.

-         Hàn gắn vết thương trong quá khứ: Tại nhiều quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi sang một nền dân chủ, luật tiếp cận thông tin cho phép các chính phủ chia sẻ thông tin, tài liệu về quá khứ, cho phép xã hội cũng như các nạn nhân, gia đình của họ, những người đã từng bị lạm dụng, thương tổn biết và hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra trong quá khứ, từ đó hòa giải những xung đột và xóa bỏ những chia rẽ, hận thù trong xã hội.


 

4.       Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966) có vai trò gì trong việc bảo vệ quyền tiếp cận thông tin?

 

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966) là điều ước quốc tế về quyền con người quan trọng nhất trong việc bảo vệ các quyền dân sự và chính trị, bao gồm quyền tự do biểu đạt, quyền tiếp cận thông tin. Khoản 2 Điều 19 của Công ước này quy định rằng: Mọi người có quyền tự do biểu đạt; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.

Để giám sát việc thực thi các quyền dân sự và chính trị, Công ước thành lập Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Committee - HRC). Ủy ban này giám sát việc thực thi nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền bởi các quốc gia, thông qua các phương thức như: xem xét báo cáo định kỳ; nhận và giải quyết các khiếu nại cá nhân cho rằng mình bị vi phạm quyền; ban hành các bình luận chung làm rõ hơn nội dung các quyền…Gần đây, trong năm 2011, Ủy ban Nhân quyền thông qua Bình luận chung số 34 về Điều 19 ICCPR, trong đó có đề cập đến quyền tiếp cận thông tin.


5.       Quyền tiếp cận thông tin có phải là một quyền tuyệt đối không?

 

Quyền tự do thông tin, tự do biểu đạt không phải là những quyền tuyệt đối, chúng có thể bị giới hạn với điều kiện những giới hạn, hạn chế đó phải được quy định trong pháp luật và chỉ để nhằm các mục đích nhất định mà luật nhân quyền quốc tế cho phép.

Trong khi đó, quyền tự do quan điểm (opinion) là một quyền tuyệt đối (theo khoản 1 Điều 19 ICCPR). Tại đoạn 1 Bình luận chung số 10 (1983), HRC đã phân biệt giữa “quyền giữ quan điểm” với “quyền tự do biểu đạt”. Ủy ban khẳng định quyền được giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp nêu ở khoản 1 Điều 19 là quyền tuyệt đối, không được hạn chế hay tước bỏ trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình huống khẩn cấp của quốc gia. Tuy nhiên, quyền tự do biểu đạt có thể phải chịu những hạn chế nhất định, với điều kiện những hạn chế đó phải được quy định trong pháp luật và chỉ để nhằm các mục đích như nêu ở khoản 3 Điều 19. Việc giữ quan điểm của cá nhân là hành vi thụ động và là một tự do tuyệt đối. Tính chất tuyệt đối của quyền giữ quan điểm sẽ kết thúc khi một người bày tỏ, biểu đạt hay phát ngôn quan điểm của mình. Hành động này đã sang lĩnh vực của “tự do biểu đạt”.


6.       Quyền tiếp cận thông tin có thể phải chịu những giới hạn chính đáng nào?

 

ICCPR không nêu giới hạn chính đáng riêng đối với tiếp cận thông tin, mà chỉ nêu những giới hạn chung đối với tự do biểu đạt (quyền này bao trùm, gồm cả tự do thông tin, tiếp cận thông tin). Khoản 3 Điều 19 ICCPR khẳng định việc thực hiện quyền tự do biểu đạt “đi kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt.” Cụ thể, quyền này phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc danh dự của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức công chúng. Về những điều kiện khi áp đặt hạn chế với quyền này, trong Bình luận chung số 34, HRC nhấn mạnh: Tuy nhiên, khi quốc gia thành viên đặt ra những hạn chế với việc thực hành quyền tự do biểu đạt, các biện pháp hạn chế này không được làm ảnh hưởng đến bản chất của quyền...(đoạn 21).

 

7.       Quyền tiếp cận các thông tin được pháp luật nhân quyền quốc tế bảo vệ như thế nào?

 

Mặc dù Điều 19 ICCPR không đề cập đến thuật ngữ “tiếp cận thông tin”, Bình luận chung số 34 của HRC (2011), cũng như nhiều kết luận của Báo cáo viên đặc biệt về tự do ngôn luận và biểu đạt trước đó, đã đặc biệt lưu ý đến quyền tiếp cận các thông tin nắm giữ bởi cơ quan nhà nước. HRC giải thích rằng quyền này được bao hàm trong khoản 2 Điều 19, theo đó, mọi người có quyền tiếp cận thông tin mà các cơ quan công quyền nắm giữ, các thông tin đó bao gồm các dạng hồ sơ bất kể hình thức lưu trữ, nguồn tin và ngày xác lập. Quyền tiếp cận thông tin bao gồm quyền của truyền thông được tiếp cận thông tin về các vấn đề công, quyền của công chúng nói chung được tiếp nhận sản phẩm truyền thông, quyền của cá nhân biết được các cơ quan công quyền, cá nhân hay tổ chức nào kiểm soát, có thể kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình… (đoạn 18).

Cũng trong Bình luận chung số 34, HRC kêu gọi các quốc gia thành viên chủ động đưa ra công chúng những thông tin nhà nước vì lợi ích công và  phải nỗ lực để đảm bảo cho công chúng được tiếp cận với những thông tin này một cách dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả. Quốc gia thành viên cũng phải xây dựng những thủ tục cần thiết để một người có thể tiếp cận được thông tin, ví dụ như thông qua các đạo luật về tự do thông tin. Những thủ tục ấy phải tạo điều kiện xử lý nhanh chóng các yêu cầu cung cấp thông tin theo những nguyên tắc rõ ràng và phù hợp với ICCPR. Chi phí yêu cầu thông tin không được trở thành rào cản phi lý trong tiếp cận thông tin. Cơ quan chức năng phải giải thích lý do cho bất kỳ việc từ chối cung cấp tiếp cận thông tin nào. Phải có cơ chế để khiếu nại việc từ chối tiếp cận thông tin cũng như việc không phản hồi yêu cầu tiếp cận thông tin (đoạn 19).


8.       Báo cáo viên đặc biệt về tự do quan điểm và biểu đạt của Liên Hợp quốc có vai trò gì trong việc thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin?

 

Báo cáo viên đặc biệt về tự do quan điểm và biểu đạt (Special Rapporteur on the promotion and protection of the right to freedom of opinion and expression) là cơ chế theo thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc có thẩm quyền hoạt động nhằm thúc đẩy quyền tự do quan điểm, biểu đạt, bao gồm cả quyền tiếp cận thông tin. Trong các hoạt động của mình, Báo cáo viên dành sự quan tâm đáng kể đến quyền tiếp cận thông tin. Chẳng hạn, trong tháng 9 năm 2013, Báo cáo viên đặc biệt về tự do quan điểm và biểu đạt Frank La Rue đã đệ trình Đại hội đồng Liên Hợp quốc báo cáo thường niên của mình với sự tập trung về quyền tiếp cận thông tin và mối quan hệ của nó với quyền tiếp cận sự thật (right to truth). Ông cũng lưu ý đến quyền tiếp cận các thông tin về những vi phạm nhân quyền mang tính hệ thống xảy ra trong quá khứ, quyền của các nạn nhân và thân nhân của họ tiếp cận thông tin…[1]

Trong chuyến thăm đến các quốc gia, Báo cáo viên cũng quan tâm đến việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong thực tiễn. Chẳng hạn, trong báo cáo kết thúc chuyến thăm Montenegro (vào năm 2013), Báo cáo viên đánh giá cao việc Luật tiếp cận thông tin tự do (Law on Free Access to Information) mới được quốc gia thông qua, bao gồm việc thành lập Cơ quan Bảo vệ dữ liệu cá nhân và tiếp cận thông tin tự do. Tuy nhiên, một số hạn chế do thời hạn phản hồi yêu cầu cấp thông tin quá dài, nhiều ngoại lệ về thông tin bí mật nêu trong các đạo luật khác, sự tồn tại của văn hóa bí mật… đã được nhắc nhở.[2]

 

 9.       Đã có bao nhiêu quốc gia ban hành đạo luật riêng về tiếp cận thông tin?

Khái niệm quyền được thông tin xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1776 trong trong Luật về tự do báo chí của Thụy Điển. Đạo luật này, bên cạnh việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, ghi nhận rằng công dân có quyền được “tiếp cận tài liệu công”. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, đặc biệt là sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, quyền tự thông tin và tiếp cận thông tin ngày càng được các quốc gia quan tâm.

Nếu năm 1990 chỉ có 13 nước ban hành Luật tự do thông tin/ tiếp cận thông tin thì đến nay đã có gần 100 nước ban hành luật này. Sau Thụy Điển những nước đi tiên phong trong việc ban hành Luật Tự do thông tin là Colombia (1885), Phần Lan (1919), Mỹ (1966), Na Uy (1970), Pháp (1978), Úc (1982), Hungary (1992), Hàn Quốc (1996), Kirgizstan (1997), Thái Lan (1997), Bungary (2000), Nam Phi (2000), Anh (2000)… Gần đây hơn, nhiều quốc gia ban hành luật trong lĩnh vực này là Thổ Nhĩ Kỳ (2003), Pêru (2003), Nhật Bản (2004), Ấn Độ (2005), Uganda (2005), Nga (2006), Indonesia (2007)… Theo Tony Mendel, chuyên gia quốc tế về quyền tiếp cận thông tin, thì xu hướng ngày càng có nhiều luật về tự do thông tin được ban hành bởi quan điểm phổ biến trên thế giới hiện nay là các cơ quan công quyền nắm giữ thông tin không phải cho chính bản thân họ mà là vì lợi ích công cộng.[3]


10.       Một đạo luật tốt về tiếp cận thông tin cần tuân thủ những nguyên tắc nào?

Tổ chức ARTICLE 19 - một tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên hoạt động thúc đẩy quyền tự do biểu đạt và thông tin trên thế giới - đã nghiên cứu và xây dựng bộ nguyên tắc về tự do thông tin để các quốc gia tham khảo khi xây dựng luật tiếp cận thông tin. Việc xây dựng các nguyên tắc này được dựa trên việc nghiên cứu   các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, khu vực và quốc gia mà được công nhận rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế. Các nguyên tắc cụ thể gồm:

·          Thứ 1 - Công khai thông tin một cách tối đa: Tất cả thông tin của các cơ quan công cộng cần phải được công khai, chỉ có thể bị hạn chế trong một vài trường hợp (xem Nguyên tắc thứ 4). Mục tiêu quan trọng nhất của pháp luật là phải bảo đảm thông tin được công khai tối đa trong thực tế.

·          Thứ 2 - Xác định nghĩa vụ công khai: Các cơ quan công cộng cần bị ràng buộc bởi nghĩa vụ công khai những thông tin then chốt. Các cơ quan này  không chỉ có nhiệm vụ đáp ứng những yêu cầu cung cấp thông tin mà còn phải chủ động công khai và phổ biến rộng rãi các tài liệu nhằm đảm bảo lợi ích thông tin của công chúng. Pháp luật cần quy định nghĩa vụ chung với các cơ quan công cộng là phải công khai thông tin và danh mục những thông tin chủ chốt cần phải được công khai.

·          Thứ 3 - Khuyến khích mô hình chính quyền mở: Các cơ quan công quyền phải chủ động thông báo cho công chúng về quyền của họ và thúc đẩy một nền văn hóa mở.

·          Thứ 4 - Phạm vi của các trường hợp ngoại lệ: Các ngoại lệ cần được giải thích một cách rõ ràng và có phạm vi hẹp. Tất cả những yêu cầu cung cấp thông tin gửi đến các cơ quan công cộng phải được đáp ứng, trừ khi đó là những thông tin nằm trong phạm vi hạn chế hay các trường hợp ngoại lệ không được công khai.

·          Thứ 5 - Tạo thuận lợi cho quá trình tiếp cận thông tin: Yêu cầu thông tin phải được xử lý nhanh chóng, công bằng và được đánh giá một cách độc lập. Trường hợp cần thiết, hồ sơ dữ liệu phải được hoàn chỉnh đầy đủ để đảm bảo một số nhóm xã hội đặc biệt vẫn có thể tiếp cận thông tin, ví dụ những người không thể đọc hoặc viết hoặc những người khiếm thị.

·          Thứ 6 - Chi phí tiếp cận thông tin hợp lý: Không được đặt ra chi phí tiếp cận thông tin quá cao để cản trở, làm nản lòng người yêu cầu cung cấp thông tin.

·          Thứ 7 - Các cuộc họp mở: Các cuộc họp của cơ quan công cộng phải được công khai trước công chúng, bảo đảm quyền được biết của công chúng về những công việc do chính quyền thực hiện. Luật tự do thông tin thiết lập một giả định rằng tất cả các cuộc họp của các cơ quan chính phủ cần được công khai.

·          Thứ 8 - Công khai quyền ưu tiên: Cơ chế ngoại lệ quy định trong luật tự do thông tin phải được pháp luật quy định và không được phép mở rộng. Đặc biệt, luật bảo mật không nên làm cho cơ chế ngoại lệ trở thành bất hợp pháp đối với công chức thực hiện công khai thông tin mà họ có theo luật tự do thông tin.

·          Thứ 9 - Bảo vệ người cung cấp thông tin: Cá nhân cung cấp thông tin về việc làm sai trái phải được bảo vệ. "Việc làm sai" bao gồm việc hưởng tiền hoa hồng bất hợp pháp, vi phạm luật hình sự, không thực hiện nghĩa vụ pháp lý, xử sai một vụ án, tham nhũng, không trung thực, hoặc sự quản lý không nghiêm. Chúng gồm cả những đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe, an toàn, môi trường mà liên quan đến những việc làm sai trái của cá nhân hoặc tổ chức.[4]

 

11.    Những thông tin nào thường được các quốc gia xếp vào loại không được cung cấp cho công chúng?

Mọi quốc gia đều có những thông tin có liên quan đến an ninh, quốc phòng, sự tồn vong của đất nước mà cần phải được bảo vệ trong một thời hạn nhất định. Gần như tất cả các quốc gia có các quy định pháp luật để bảo vệ những thông tin này. Tuy nhiên, thường xảy ra sự xung đột giữa các quy định về bí mật quốc gia và quyền tự do thông tin. Việc sử dụng các trường hợp ngoại lệ trên phạm vi rộng với lý do để bảo vệ an ninh quốc gia thường  ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực thi các quyền cơ bản, bao gồm quyền được tiếp cận thông tin. Việc này diễn ra ở nhiều quốc gia, ngay cả ở những quốc gia có nền dân chủ lâu đời nhất.

Các luật về tự do thông tin của các quốc gia đều quy định các trường hợp ngoại lệ không công khai thông tin để bảo vệ an ninh quốc gia hoặc dẫn chiếu đến một đạo luật khác. Các đạo luật khác bao gồm Luật về Bảo vệ thông tin mật (đưa ra các thủ tục cho việc tạo ra, bảo vệ, sử dụng và công bố những thông tin mật), Bộ luật Hình sự (nghiêm cấm, xử phạt việc công khai thông tin trái phép), các đạo luật về việc thành lập các cơ quan quốc phòng, tình báo và các đạo luật chuyên ngành về việc tiếp cận các hồ sơ và tài liệu lưu trữ của lực lượng an ninh. Để ngăn ngừa tình trạng các quốc gia lạm dụng lý do “an ninh quốc gia” để giới hạn quá mức quyền tiếp cận thông tin của người dân, Nguyên tắc 12 trong Các Nguyên tắc Johannesburg về an ninh quốc gia, tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin năm 1995  nêu yêu cầu đối với các nhà nước là chỉ quy định phạm vi hẹp thông tin về an ninh quốc gia (chứ không phải tất cả các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia) cần giữ bí mật. Cụ thể, một quốc gia “không thể từ chối tổng thể việc tiếp cận tất cả các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, mà phải quy định trong luật chỉ có những loại thông tin cụ thể và hẹp mà nó cần giữ lại để bảo vệ  lợi ích an ninh quốc gia chính đáng.”

 

5.          12.Cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin gồm những thành tố nào?

 

Cơ chế thường được hiểu bao gồm các trình tự, thủ tục và cơ quan, bộ máy thực thi. Cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, trước hết, gồm một quy trình cách thức đảm bảo trách nhiệm các cơ quan nhà nước và các tổ chức sử dụng công quỹ hoặc cung cấp dịch vụ công phải thực hiện để cung cấp các thông tin khi người dân mong muốn. Tất cả các cơ quan công quyền cần thiết lập hệ thống lưu giữ tài liệu, lập danh mục, lưu trữ tiện lợi để dễ dàng cho việc trích xuất thông tin khi có người yêu cầu, lập hệ thống truy cập các tài liệu bảo đảm quyền công chúng trong việc truy cập các thông tin cần thiết. Các cơ quan cần có bộ phận hoặc nhân viên sẵn sàng cung cấp thông tin cho người dân khi cần.

Yêu cầu thông tin có thể thực hiện bằng lời hoặc văn bản, không cần thiết phải đưa ra các chi tiết cụ thể hoặc mã số văn bản thông tin yêu cầu cung cấp mà chỉ cần mô tả loại tài liệu hoặc trường hợp cụ thể ở mức độ hợp lý có liên quan đến thông tin cần được cung cấp. Cá nhân hoặc tổ chức yêu cầu thông tin không phải cung cấp lý do hay mục đích sự dụng thông tin.

Các cơ quan công có trách nhiệm giúp người dân có yêu cầu cung cấp thông tin, hướng dẫn hoặc gợi ý cho họ về phạm vi thông tin, nơi có trách nhiệm cung cấp thông tin và quyền hạn của họ theo pháp luật. Luật cần phải quy định thời hạn nghiêm ngặt cho việc xử lý các yêu cầu, cung cấp hoặc từ chối các yêu cầu (chẳng hạn trong vòng 3 ngày, 5 ngày hoặc 10 ngày). Trong trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản, và sẵn sàng giải quyết các khiếu nại của người dân. Nếu yêu cầu thông tin liên quan đến việc phải bảo vệ tính mạng hoặc tự do của con người, thì việc trả lời phải nhanh chóng  hơn (chẳng hạn trong vòng 48 giờ), trừ những  trường hợp phức tạp.

 

13.       Có nên thu lệ phí khi cung cấp thông tin theo yêu cầu không?

Hầu như các nước đã ban hành luật tiếp cận thông tin đều có quy định về phí tiếp cận thông tin. Phí tiếp cận thông tin trong pháp luật các quốc gia được xây dựng trên chủ yếu trên các nguyên tắc sau:

-         Các quy định về phí không gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các quyền;

-         Lệ phí tiếp cận thông tin không mang tính chất kinh doanh;

-         Mức phí phải được thông báo một cách rõ ràng;

-         Có chính sách về miễn, giảm phí;

-         Giao quyền quyết định về lệ phí cho cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin;

-         Người dân phải có quyền khiếu nại nếu thấy bị thu phí quá cao.



[1] Báo cáo số A/68/362, ngày 4/9/2013, trang 7.

[2] Báo cáo số A/HRC/26/30/Add.1.

[3] Tài liệu Hội thảo quốc tế Xây dựng Luật Tiếp cận thông tin tại Việt Nam do Bộ Tư pháp và Đại sứ quán Anh tổ chức tại Hà Nội ngày 6-7/5/2009.

[4] ARTICLE 19, Các nguyên tắc của tự do thông tin, trong “Tiếp cận thông tin: Pháp luật và thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam”, Khoa Luật – ĐH Quốc gia HN, NXB ĐH Quốc gia HN, 2011, trang 39 - 51.




Các tin khác: