Chuyên gia tôn giáo LHQ kết thúc chuyến thăm Việt Nam
Sau 11 ngày làm việc, ông Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo của LHQ đã có buổi họp báo vào ngày 31/7, tại văn phòng UNDP Hà Nội, kết thúc chuyến thăm.


Tại cuộc họp báo, một thông cáo báo chí đã được phổ biến, nêu lên những nhận định ban đầu của chuyên gia LHQ - một giáo sư đại học về thần học người Đức. Ông sẽ tiếp tục nghiên cứu, thu thập thông tin để hoàn thiện báo cáo nộp cho Hội đồng Nhân quyền LHQ vào đầu năm 2015.

Ông Heiner đã nhấn mạnh một số điểm chính trong báo cáo của mình, trong đó có việc hiện tồn tại một thái độ tiêu cực đối với các tôn giáo độc lập (không được nhà nước "công nhận"). Điều này là không phù hợp với tinh thần của luật nhân quyền quốc tế, vì quyền tự do gắn với mỗi cá nhân, không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục hành chính nào của nhà nước.

Pháp luật Việt Nam dù đã có những cải thiện nhưng còn nhiều điểm bất cập. Chẳng hạn như Điều 24 Hiến pháp 2013 khi đề cập đến tôn giáo lại quy định phạm vi giới hạn quá rộng, Điều 258 Bộ luật Hình sự thì thiếu rõ ràng.

Thiếu hụt các cơ chế giải quyết khiếu kiện, bảo vệ quyền tự do tôn giáo cũng là một tồn tại ở Việt Nam, theo nhận định của chuyên gia LHQ.

Trong kết luận của thông cáo có đoạn: ... tôi đã nhận thấy một số chuyển biến tích cực ở cấp trung ương. Hầu hết các đại diện của các cộng đồng tôn giáo đều đồng ý rằng, mặc dù có những vấn đề nghiêm trọng còn đang tồn tại nhưng điều kiện thực hành tôn giáo của họ đã được cải thiện trong những năm gần đây. Các cộng đồng tôn giáo bị cấm hoạt động sau năm 1975 hiện nay đã được phép hoạt động. Hơn nữa, một số đại diện của các cơ quan Chính phủ đã bày tỏ mong muốn xem xét những thay đổi trọng yếu trong quá trình thay thế Pháp lệnh Tôn giáo và Tín ngưỡng hiện nay bằng một luật mới để điều chỉnh những vấn đề này. Thực sự không nên bỏ lỡ một cơ hội như thế, vì đó có thể là một bước ngoặt để Việt Nam bảo vệ quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.

 

Phép thử để đánh giá sự phát triển quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở Việt Nam là điều kiện hoạt động của các cộng đồng tôn giáo độc lập. Theo tình hình hiện nay, khả năng để họ hoạt động như các cộng đồng độc lập rất không an toàn và rất hạn chế; điều này rõ ràng là một vi phạm đối với Điều 18 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một quốc gia thành viên. Văn bản luật sắp được xây dựng về tôn giáo và tín ngưỡng cần làm rõ rằng việc đăng ký với chính quyền là một đề nghị, chứ không phải là một yêu cầu pháp lý. Đồng thời, các cộng đồng cần có nhiều phương án lựa chọn khác đáng tin cậy và dễ tiếp cận để đạt được tư cách pháp nhân nhằm xây dựng hạ tầng thích hợp. Một ưu tiên hiển nhiên khác là xây dựng một cơ chế truy đòi khắc phục pháp lý hữu hiệu và dễ tiếp cận nhằm sửa chữa điều chỉnh những vi phạm đối với quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng của các cá nhân hay nhóm người.

K.T


Các tin khác: