Tôi không có kẻ thù – Lưu Hiểu Ba
Nhà văn Lưu Hiểu Ba đã 4 lần ngồi tù và 2 lần ra tòa tại Tòa án Trung cấp Bắc Kinh (1991 và 2009)- cả 2 lần đều vì những phát biểu ôn hòa của ông. Ông qua đời vào ngày 13/7/2017, sau khi được chuyển đến bệnh viện từ một nhà tù ở tỉnh Liêu Ninh (giáp biên giới Bắc Triều Tiên). Khác với các nhà bất đồng chính kiến như Václav Havel, Aung San Suukyi, ông qua đời khi chưa được thấy quê hương mình có tự do và dân chủ.


Giới thiệu: Lưu Hiểu Ba viết “Lời tuyên bố chót: Tôi không có kẻ thù” này vào ngày 23 tháng 12 năm 2009, hai hôm trước phiên tòa kết án ông 11 năm tù vào ngày Lễ Giáng Sinh 25 tháng 12 năm 2009. Lời tuyên bố của Lưu Hiểu Ba đã được nữ tài tử kiêm đạo diễn Liv Ullmann đọc tại lễ trao giải thưởng Nobel Hòa Bình tại Oslo, Na Uy ngày 10 tháng 12 năm 2010. (Lời giới thiệu của dịch giả Đinh Từ Thức/ Damau.org, 12/2010)


Trong dòng đời của tôi trải qua hơn nửa thế kỷ, tháng Sáu năm 1989 là khúc quanh quan trọng. Cho đến lúc ấy, tôi là thành viên của đợt sinh viên thứ nhất khi các cuộc thi tuyển vào đại học được lập lại sau Cách Mạng Văn Hóa  (Khóa 1977). Từ cử nhân, cao học rồi tiến sĩ, sự nghiệp khoa bảng của tôi thuận buồm xuôi gió. Sau khi tốt nghiệp, tôi lưu lại dậy ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Là một nhà giáo, tôi được sinh viên quý mến. Cùng lúc, tôi là một trí thức quần chúng, viết sách báo, gây náo động vào thập niên 1980, thường hay nhận được lời mời nói chuyện khắp nơi, và ra nước ngoài với tư cách học giả thăm viếng, do lời mời từ châu Âu và châu Mỹ. Điều tôi đòi hỏi từ chính mình là: dù trong cuộc sống hay trong văn phẩm, tôi phải lương thiện, trách nhiệm, và trọng phẩm giá. Sau đó, vì tôi từ Hoa Kỳ trở về tham gia Phong trào 1989 (Thiên An Môn), tôi bị tống giam vì “tội tuyên truyền chống cách mạng và nổi dậy.” Tôi cũng mất chỗ giảng dậy yêu mến và không còn có thể xuất bản bài viết hay diễn thuyết tại Trung Quốc. Chỉ vì phổ biến quan điểm chính trị khác biệt và tham dự sinh hoạt dân chủ bất bạo động, một nhà giáo mất chỗ dậy, một nhà văn mất quyền xuất bản, và một trí thức quần chúng mất cơ hội lên tiếng trước công chúng. Đây là một thảm cảnh, cho cá nhân tôi và cho cả Trung Quốc đã trải qua ba mươi năm Cải cách và Mở cửa.


Khi tôi nghĩ về điều này, những kinh nghiệm sâu đậm nhất của tôi sau biến cố mùng Bốn tháng Sáu, lạ thay, đều liên hệ tới tòa án: Cả hai cơ hội tôi được nói với quần chúng đều nhờ các phiên tòa ở tòa án Trung cấp Bắc Kinh, một lần vào tháng Giêng năm 1991, và hôm nay. Mặc dầu tội danh của mỗi vụ khác nhau, nhưng bản chất giống nhau, cả hai đều là tội về phát biểu.


Hai mươi năm đã qua, nhưng những hồn ma của mùng Bốn tháng Sáu vẫn chưa được yên. Khi ra khỏi trại giam Tần Thành vào năm 1991, tôi, người đã bị dẫn tới con đường bất đồng chính kiến vì liên hệ tinh thần tới mùng Bốn tháng Sáu, đã mất quyền nói công khai tại chính nước tôi, và chỉ còn có thể nói qua truyền thông nước ngoài. Vì điều này, tôi đã là chủ thể bị theo dõi thường trực, bị canh chừng tại nhà (từ tháng Năm 1995 đến tháng Giêng 1996) và bị gửi tới trại Lao động Cải tạo (từ tháng Mười 1996 đến tháng Mười 1999). Và bây giờ, một lần nữa, tôi lại bị tóm cổ như một kẻ thù của chế độ. Nhưng tôi vẫn muốn nói với chế độ này, dù đã lấy mất tự do của tôi, rằng tôi vẫn giữ vững lập trường đã được tôi diễn đạt trong “Tuyên Bố Tuyệt Thực mùng Hai tháng Sáu” hai mươi năm trước—tôi không có kẻ thù và không oán ghét. Không có cảnh sát nào đã theo dõi, bắt giữ, và khảo cung tôi, không có biện lý nào đã truy tố tôi, và không có thẩm phán nào đã xét xử tôi là kẻ thù của tôi. Mặc dầu tôi không thể chấp nhận việc quý vị đã theo dõi, bắt giữ, truy tố và tuyên án, tôi tôn trọng nghề nghiệp và tư cách của quý vị, kể cả hai vị biện lý, Trương Vinh Cách và Phan Thuyết Tình, là những người đang buộc tội tôi nhân danh biện lý cuộc. Trong cuộc thẩm vấn ngày 3 tháng 12, tôi đã có thể cảm thấy sự tôn trọng và thiện chí của quý vị.


Oán ghét có thể làm mất sự khôn ngoan và lương tâm của một người. Não trạng thù địch sẽ đầu độc tinh thần một dân tộc, khích động đấu tranh chết chóc tàn bạo, hủy hoại tính bao dung và nhân bản của xã hội, và cản trở bước tiến tới dân chủ tự do của một quốc gia. Đó là lý do vì sao tôi hy vọng có thể vượt qua những kinh nghiệm cá nhân để hướng tới sự mở mang và thay đổi xã hội, để đương đầu với sự thù hằn của chế độ bằng thiện chí tột cùng, và giải trừ oán ghét bằng yêu thương.


Mọi người biết rằng nhờ Cải cách và Mở cửa đã đem lại cho đất nước chúng ta sự phát triển và thay đổi xã hội. Theo tôi, Cải cách và Mở cửa bắt đầu với việc từ bỏ “dùng đấu tranh giai cấp như nguyên tắc chỉ đạo” trong chính sách nhà nước của thời đại Mao, và thay bằng một cam kết phát triển kinh tế và xã hội hài hòa. Tiến trình từ bỏ “triết lý đấu tranh” cũng là tiến trình giảm dần não trạng thù địch và loại bỏ tâm địa oán ghét, và một tiến trình vắt “sữa chó sói” đã từng thấm vào bản tính con người. Chính tiến trình này đã cung ứng một môi trường thoải mái, tại quốc nội và hải ngoại, cho Cải cách và Mở cửa, để phục hồi tình yêu thương lẫn nhau trong nhân dân và là mảnh đất mầu mỡ cho cộng đồng sinh tồn trong hòa bình giữa những quyền lợi và giá trị khác nhau, nhờ đó nở ra những sáng tạo thông dụng và tái phục hồi sự nồng thắm cùng sự khích lệ phù hợp với bản tính con người. Người ta có thể nói rằng từ bỏ lập trường “chống đế quốc và chống xét lại” về đối ngoại và “giai cấp đấu tranh” về đối nội là căn bản tiên khởi đã giúp cho Cải cách và Mở cửa tiếp tục đến nay. Chiều hướng thị trường trong kinh tế, đa dạng trong văn hóa, và thay đổi dần trong trật tự xã hội tiến tới cai trị theo pháp luật là tất cả được thừa hưởng từ việc suy yếu của “não trạng thù địch.” Ngay cả trên chính trường, nơi tiến bộ chậm nhất, sự suy yếu của não trạng thù địch đã dẫn tới gia tăng bao dung cho xã hội đa nguyên về phần của chế độ và sự suy giảm đáng kể về lực lượng đàn áp bất đồng chính kiến, và tên gọi chính thức của Phong trào 1989 cũng đã được thay đổi từ “gây rối và nổi loạn” thành “xáo trộn chính trị.” Sự suy giảm não trạng thù địch đã lát đường cho chế độ để lần hồi chấp nhận các nhân quyền phổ quát. Vào năm 1998, chính quyền Trung Quốc đã cam kết ký nhận hai Công ước quan trọng của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, tỏ dấu Trung Quốc chấp nhận các chuẩn mực về nhân quyền phổ quát. Vào năm 2004, Quốc Hội Nhân dân đã tu chính Hiến pháp, lần đầu tiên ghi vào Hiến pháp rằng: “quốc gia tôn trọng và bảo đảm nhân quyền,” tỏ dấu rằng nhân quyền đã trở thành một trong các nguyên tắc căn bản của pháp trị Trung Quốc. Cùng lúc, chế hộ hiện tại đã nêu cao tư tưởng “đặt nhân dân lên trước” và “Kiến tạo một xã hội hài hòa,” tỏ dấu tiến bộ trong quan niệm cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.


Tôi cũng đã có thể cảm nhận sự tiến bộ này trên tầm mức lớn hơn qua kinh nghiệm bản thân kể từ ngày tôi bị bắt.


Mặc dầu tôi vẫn giữ vững quan điểm là tôi vô tội và rằng những buộc tội chống lại tôi là vi hiến, trong khoảng trên một năm từ khi tôi bị mất tự do, tôi đã bị giam tại hai nơi khác nhau và trải qua bốn cảnh sát thẩm vấn trước phiên tòa, ba biện lý, hai thẩm phán, nhưng trong khi đảm nhiệm vụ án của tôi, họ đã không hề tỏ ra bất kính, quá giờ hạn định, hay cưỡng bách nhận tội. Cách cư xử của họ đã ôn hòa và hợp lý; hơn nữa, họ thường bầy tỏ thiện chí. Hôm 23 tháng Sáu, tôi được chuyển từ một nơi ở đấy tôi bị giữ trong tình trạng nơi ở bị theo dõi tới Trại giam số 1 thuộc Sở Công an Thành phố Bắc Kinh, gọi là Bắc khán. Trong sáu tháng tại Bắc khán, tôi đã thấy tiến bộ trong việc điều hành trại giam.


Vào năm 1996, tôi đã từng có thời gian ở tại Bắc khán cũ (tọa lạc tại Bán bộ kiều). So sánh với Bắc khán cũ hơn mười năm trước, Bắc khán hiện tại là một tiến bộ vượt bực, cả về “phần cứng”—là tiện nghi—và “phần mềm”—là điều hành. Cách riêng là về mặt quản trị nhân đạo tiên phong tại Bắc khán mới, dựa trên sự tôn trọng quyền và nhân cách của người bị giam, đã đem đến sự điều hành uyển chuyển biểu hiện trên mọi khía cạnh qua cách cư xử của ban cải huấn, và đã được tìm thấy biểu lộ trong ôn hinh quảng bá [những truyền thông có tính cánh an ủi người tù], Hối ngộ tạp chí, và âm nhạc trước khi ăn, thức dậy và đi ngủ. Cung cách điều hành này cho phép trại viên cảm thấy phẩm giá được tôn trọng và ấm lòng, khích lệ lương tâm họ trong việc giữ gìn trật tự trại giam và chống lại những phần tử côn đồ trong số trại viên. Chẳng những nó cung ứng một môi trường sống nhân đạo cho người bị giam giữ, nó cũng còn tiến bộ nhiều về môi trường diễn ra vụ án và trạng thái tinh thần của họ. Tôi đã có liên hệ gần gũi với viên chức cải huấn Lưu Tranh, người đã coi sóc tôi trong phòng giam, và sự tôn trọng cùng săn sóc của ông dành cho người bị giam có thể nhìn thấy qua mọi chi tiết trong việc làm của ông, tỏa ra từ mọi lời nói và cử chỉ của ông, cho người ta một cảm giác ấm cúng. Có lẽ đây là điều may mắn cho tôi được biết một người thành khẩn, trung thực, có lương tâm và một viên chức cải huấn tử tế trong thời gian tôi ở Bắc khán.


Chính vì những nhận thức như vậy cũng như do kinh nghiệm cá nhân khiến tôi tin chắc rằng sự tiến bộ về chính trị tại Trung Quốc không thể ngừng lại, và tôi, với đầy lạc quan, nhìn về phía trước đợi chờ một tương lai Trung Quốc tự do. Bởi vì không một sức mạnh nào có thể chấm dứt việc con người đòi hỏi tự do, và cuối cùng Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia cai trị theo luật pháp, ở đấy nhân quyền ngự trị tối cao. Tôi cũng hy vọng rằng loại tiến bộ này có thể phản ảnh tại phiên tòa này khi tôi đang đợi chờ một phán quyết vô tư từ thành phần xét xử—một phán quyết sẽ đứng vững trước thử thách của lịch sử.


Tôi xin được phép nói rằng, kinh nghiệm may mắn nhất trong hai mươi năm qua là tình yêu vị tha tôi đã nhận được từ vợ tôi, Lưu Hà. Nàng không thể có mặt để theo dõi phiên tòa hôm nay, nhưng tôi vẫn muốn nói với em yêu dấu, rằng anh tin chắc tình yêu của em dành cho anh sẽ mãi mãi như bao giờ. Trải qua những năm tháng anh sống không tự do, tình yêu của chúng ta đầy những cay đắng đặt để bởi những hoàn cảnh bên ngoài, nhưng khi anh nếm dư vị của nó, nó vẫn vô biên. Anh đang thi hành bản án trong một nhà tù hữu hình, trong khi em đợi chờ trong nhà tù vô hình của trái tim. Tình yêu của em là ánh mặt trời nhảy qua tường cao, xuyên qua song sắt cửa sổ phòng giam anh, vuốt ve mọi nơi trên da anh, hâm nóng mọi tế bào cơ thể anh, cho anh luôn giữ được ôn hòa, rộng rãi, và trong sáng trong tim anh, và làm đầy mọi giây phút của anh trong tù với ý nghĩa. Ngược lại, tình yêu của anh dành cho em, đầy những ân hận và tiếc nuối, đôi khi làm anh lảo đảo dưới sức nặng của chúng. Anh là hòn đá vô tri trong hoang dã, vùi dập bởi gió chướng mưa nguồn, lạnh lẽo tới mức không ai dám đụng tới. Nhưng tình anh vững chắc và sắc bén, đủ khả năng xuyên qua mọi chướng ngại. Ngay cả nếu anh bị nghiền thành bột, anh vẫn dùng tro anh ôm ấp em.


Em yêu, với tình yêu của em anh có thể bình thản đối diện phiên tòa trước mặt, không hề ân hận về những điều anh đã lựa chọn và lạc quan đợi ngày mai. Anh chờ đợi cái ngày khi đất nước của anh là nơi với tự do bầy tỏ, nơi tiếng nói của mọi người dân được đón nhận như nhau; nơi những giá trị khác nhau, tư tưởng, niềm tin và quan điểm chính trị . . . vừa được tranh đua với nhau và vừa được chung sống trong hòa bình; nơi cả quan điểm của đa số và quan điểm của thiểu số đều được bảo đảm ngang nhau, và cách riêng, nơi quan điểm chính trị khác biệt với quan điểm của những người đang cầm quyền sẽ được hoàn toàn tôn trọng và bảo vệ; nơi tất cả quan điểm chính trị sẽ được trải rộng dưới ánh mặt trời để cho người dân được lựa chọn, nơi mọi công dân có thể đưa ra quan điểm chính trị mà không sợ hãi, và nơi không một ai dưới mọi trường hợp có thể bị đau khổ vì bách hại chính trị do nói ra quan điểm chính trị khác biệt. Anh hy vọng rằng anh sẽ là nạn nhân cuối cùng của những tòa án dị văn chương khôn cùng của Trung Quốc, và rằng từ nay về sau sẽ không còn ai bị buộc tội vì lời phát biểu.


Tự do phát biểu là căn bản của nhân quyền, là nguồn của nhân loại, là mẹ của sự thật. Bóp nghẹt tự do ngôn luận là bóp nghẹt nhân quyền, ngạt thở nhân loại và cấm đoán sự thật.


Để thực thi quyền tự do phát biểu đã được công nhận trong Hiến pháp, người ta cần phải làm tròn nhiệm vụ của một công dân Trung Quốc. Tất cả những việc tôi đã làm đều không có điều gì phạm pháp. [Nhưng] nếu buộc tội tôi về những điều này, tôi chẳng hề kêu ca.


Xin cám ơn quý vị.

 

 

(Ảnh: Flowers are laid beside a photo the late Nobel Laureate Liu Xiaobo, outside China’s Liaison Office in Hong Kong, China July 13, 2017 - Reuters Photo, File)


Các tin khác: