1. Mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên thành 1.390.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2018.
Là nội dung được quy định tại Nghị định 72/2018/NĐ-CP.
Theo đó, từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng. Đây là cơ sở để tính mức lương trong bảng lương, phụ cấp và thực hiện các chế độ khác cũng như tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí.
Kinh phí để thực hiện: theo chỉ đạo, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
* Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2018 tăng thêm so với dự toán năm 2017 được cấp có thẩm quyền giao.
* Sử dụng nguồn 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương thực hiện so với dự toán năm 2017 do Thủ tướng giao.
* Sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2017 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).
* Sử dụng nguồn dư (nếu có) sau khi đảm bảo nhu cầu điều chỉnh tiền lương đến mức lương cơ sở từ các nguồn:
- Tiết kiệm 10% chi thường theo dự toán được cấp có thẩm quyền giao năm 2017 và kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vụ sự nghiệp công lập.
- 1 phần nguồn thu được để lại theo chế độ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
- 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2018 so với năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ giao.
* Đối với một số địa phương ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện các quy định trên mà vẫn thiếu nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 thì ngân sách trung ương bổ sung số thiếu để địa phương thực hiện.
2. Người thi hành công vụ làm sai phải bồi thường tối đa 50 tháng lương
Được đưa ra tại Nghị định 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong đó hướng dẫn chi tiết việc xác định mức hoàn trả tiền bồi thường của người thi hành công vụ.
Theo đó mức hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được xác định như sau:
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó;
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ trên 80 đến 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là từ 40 đến dưới 50 tháng lương của người đó nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ 60 đến 80 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là từ 30 đến dưới 40 tháng lương của người đó nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.
3. Chế độ ưu tiên cho công chức ngành Kiểm toán
Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định 66/2018/NĐ-CP về chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước
Theo đó Chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 325/2016/UBTVQH14 "Phê chuẩn bảng hệ số lương Tổng Kiểm toán nhà nước; bảng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Kiểm toán nhà nước; bảng hệ số lương của công chức Kiểm toán nhà nước; chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, công chức Kiểm toán nhà nước; chế độ trang phục của cán bộ, công chức, viên chức Kiểm toán nhà nước; chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước theo các phụ lục 1, 2, 3, 4, 5 và 6 kèm theo Nghị quyết".
4. Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được kinh doanh vũ khí
Là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 79/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được kinh doanh vũ khí khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an giao kế hoạch, nhiệm vụ kinh doanh vũ khí;
- Bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 79/2018;
- Kho, nơi cất giữ, phương tiện vận chuyển phục vụ hoạt động kinh doanh vũ khí phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường;
- Người quản lý tổ chức, doanh nghiệp phải được huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố trong quá trình hoạt động kinh doanh.
5. 15 sản phẩm, hàng hóa được miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu
Đó là:
- Hành lý của người nhập cảnh, tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân trong định mức miễn thuế (không bao gồm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe đạp điện);
- Hàng hóa của các tổ chức, cá nhân ngoại giao, tổ chức quốc tế trong định mức miễn thuế (không bao gồm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe đạp điện);
- Mẫu hàng để quảng cáo không có giá trị sử dụng; hàng mẫu để nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phục vụ sản xuất; mẫu hàng để thử nghiệm phục vụ giám định, chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thử nghiệm liên phòng;
- Hàng hóa tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu tại hội chợ triển lãm thương mại (không bao gồm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe đạp điện);
- Quà biếu, tặng trong định mức thuế (không bao gồm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe đạp điện);
- Hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới trong định mức thuế;
- Hàng hóa, vật tư, thiết bị, máy móc tạm nhập - tái xuất không tiêu thụ và sử dụng tại Việt Nam (không bao gồm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe đạp điện);
- Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
- Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan (không áp dụng đối với hàng hóa từ kho ngoại quan đưa vào nội địa tiêu thụ);
- Nguyên liệu, vật tư, hàng mẫu để gia công cho thương nhân nước ngoài, để sản xuất hàng xuất khẩu;
- Hàng hóa kinh doanh bán miễn thuế cho khách xuất cảnh (quản lý theo chế độ tạm nhập - tái xuất);
- Hàng hóa tái nhập khẩu để sửa chữa, tái chế theo yêu cầu của đối tác nước ngoài;
- Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
- Hàng hóa nhập khẩu chuyên dụng phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh;
- Các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh (loại hình phi mậu dịch) theo quy định pháp luật.
Nội dung này được cập nhật tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa
6. Miễn giảm 90% giá vé cho người hoạt động cách mạng
Được quy định tại Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt. Theo đó:
- Mức giảm 90% giá vé áp dụng cho người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Mức giảm 30% giá vé áp dụng cho các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nạn nhân chất độc hóa học;
- Giảm giá vé cho đối tượng là người khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật nặng; người cao tuổi thực hiện theo quy định của pháp luật về người khuyết tật và người cao tuổi.
7. Người khuyết tật được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền tiếp cận thông tin
Các biện pháp được đưa ra tại Nghị định 13/2018/NĐ-CP bao gồm:
- Thông tin liên quan trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật phải được kịp thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới các hình thức cung cấp thông tin thuận lợi cho người khuyết tật;
- cơ quan nhà nước thiết lập Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan mình trong đó có cung cấp chức năng cơ bản để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho việc tiếp cận thông tin đăng tải trên các Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử;
- Cơ quan cung cấp thông tin bảo đảm bố trí thiết bị nghe, nhìn và các thiết bị phụ trợ phù hợp với dạng và mức độ khuyết tật của người yêu cầu cung cấp thông tin và phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan mình…;
- Cơ quan cung cấp thông tin hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ người khuyết tật gặp khó khăn trong việc điền Phiếu, ký Phiếu…;
- Lồng ghép các kiến thức, kinh nghiệm cung cấp thông tin đối với người khuyết tật trong các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ;
- Ưu tiên cung cấp thông tin cho người khuyết tật theo quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật về người khuyết tật.