GIẢI PHÁP TỔNG THỂ CỦA CHÍNH TRỊ XANH
Năm 2017, Đại hội các đảng xanh và phong trào xanh toàn cầu lần thứ 4 được tổ chức tại thành phố Liverpool, Anh quốc. Đại hội, với sự tham gia của 110 đảng xanh từ khắp thế giới, đánh dấu một bước tiến mới của chính trị xanh toàn cầu, cũng như phản ánh sự ủng hộ của người dân trên thế giới đối với xu hướng này.

 

 

Cách tiếp cận của chính trị xanh bảo vệ đồng thời cả môi trường và nhu cầu phát triển của con người, có sự quan tâm rất đáng kể đối với các quyền và tự do cơ bản. Trong bài viết này, tác giả khái quát một số đặc điểm chung và những cấu thành của chính trị xanh, bao gồm các đảng xanh và các tổ chức phi chính phủ, phong trào xã hội bảo vệ môi trường, với tư cách là các nền tảng xã hội của các chính đảng. Phần hai của bài viết phân tích chính sách nền tảng của một số đảng xanh trên thế giới.

 


I.     
KHÁI QUÁT VỀ CHÍNH TRỊ XANH

Chính trị xanh (green politics/ ecopolitics) là khái niệm dùng để chỉ các hành động, hệ tư tưởng chính trị hướng đến một xã hội bền vững về môi trường, dựa trên các nguyên tắc bảo vệ môi trường, công bằng xã hội, bất bạo động và dân chủ. Xu hướng này được hình thành ở phương Tây vào thập niên 1970, khởi đầu với các tổ chức, phong trào bảo vệ môi trường. Kể từ đó, các đảng xanh dần được hình thành ở các quốc gia và giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử, đồng thời mạng lưới toàn cầu của các đảng này hình thành khá nhanh chóng. Các đảng xanh có nền tảng xã hội là các cộng đồng quan tâm đến môi trường, mà hạt nhân là các tổ chức phi chính phủ, các phong trào xã hội xanh.

 


1.    
Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường

Trong lịch sử, từ nhiều thế kỷ trước đây, dường như khởi đầu là vai trò của các cá nhân tích cực có ý thức về bảo vệ môi trường với các hoạt động giáo dục ý thức này cho công chúng. Tiếp đó là sự hình hành các tổ chức phi chính phủ và phong trào bảo vệ môi trường trong phạm vi quốc gia, đầu tiên là ở các quốc gia phương Tây mà công nghiệp hóa đã làm phát sinh các vấn đề môi trường. Dần dần, các tổ chức có quy mô khu vực và toàn cầu. Một ví dụ là vào giữa thế kỷ 19 ở nước Anh, việc giảm nhẹ tình trạng ô nhiễm không khí đã trở thành một mối quan tâm lớn. Hội Chấm dứt khói than (Coal Smoke Abatement Society) ra đời vào năm 1898, đây là một trong những tổ chức phi chính phủ sớm nhất về môi trường, được William Blake Richmond thành lập. Hội đã thúc đẩy việc thông qua Luật Sức khỏe cộng đồng (Public Health Act), vào năm 1875, bao gồm quy định đòi hỏi mọi lò sưởi và bếp lửa phải làm tiêu tan khói của chính nó. Đến nay, đã có nhiều tổ chức bảo vệ môi trường quy mô toàn cầu nổi danh như: Greenpeace, Earthwatch Institute, Global Witness, World Wide Fund for Nature (WWF)...Tuy nhiên, cách tiếp cận, lĩnh vực ưu tiên của các tổ chức có những điểm khác nhau nhất định. Chẳng hạn có tổ chức thiên về đối thoại, vận động hoặc nghiên cứu, giáo dục, có tổ chức lại thiên về hành động một cách trực tiếp hơn.

 

Greenpeace là một trong những tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường được biết đến nhiều nhất, với văn phòng tại hơn 40 quốc gia và cơ quan điều phối đặt tại Amsterdam, Hà Lan. Được thành lập bởi các nhà hoạt động môi trường Canada vào năm 1971, Greenpeace xác định mục tiêu nhằm “bảo đảm khả năng của Trái đất nuôi dưỡng mọi dạng sự sống” và tập trung các chiến dịch vào các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, hủy hoại rừng, đánh bắt cá, cá voi, biến đổi gen và chống vũ khí hạt nhân. Tổ chức này sử dụng các biện pháp chính là hành động trực tiếp, vận động hành lang và nghiên cứu. Greenpeace không nhận quỹ từ các chính phủ, doanh nghiệp hoặc các đảng chính trị, mà dựa vào khoảng 3 triệu người ủng hộ và sự hỗ trợ của các quỹ. Tổ chức có địa vị tham vấn với Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp quốc (ECOSOC), và là thành viên của Hiến chương Trách nhiệm giải trình INGO – một tổ chức thúc đẩy trách nhiệm giải trình và minh bạch của các INGO. Greenpeace tương đối nổi bật về các “hành động trực tiếp” bảo vệ môi trường, trong đó có cả những trường hợp gây tranh cãi.

 

Ưu tiên cho nghiên cứu và nghiêng về học thuật, một tổ chức phi chính phủ khác là Earthwatch Institute, được thành lập bởi Robert A.Citron vào năm 1971 tại Boston, Hoa Kỳ, với tên gọi lúc đầu là Educational Expeditions International. Đây là một trong những tổ chức lớn nhất trên thế giới hỗ trợ các nghiên cứu khoa học thực địa về khảo cổ học, đa dạng sinh học, hệ sinh thái và động vật hoang dã. Hơn bốn thập niên qua, Earthwatch triển khai một mô hình đặc biệt để gây quỹ và huy động các cá nhân, sinh viên, giáo viên và các doanh nghiệp tham gia vào nhiều nghiên cứu thực địa quan trọng để hiểu được những biến động của tự nhiên trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng. Earthwatch đã hỗ trợ hàng trăm luận án tiến sỹ tại hàng chục quốc gia.

 

Có cách tiếp cận trực diện vào những vấn đề gai góc hơn nhiều tổ chức khác, Global Witness, hoạt động trong lĩnh vực chống lại việc bóc lột tài nguyên tự nhiên, cũng như quan tâm đến mối quan hệ giữa môi trường với xung đột, nghèo đói và vi phạm quyền con người trên toàn cầu. Được thành lập năm 1993, tổ chức này có các văn phòng tại London (Anh) và Washington, D.C (Hoa Kỳ). Global Witness khẳng định rằng tổ chức này không có mục tiêu hoạt động chính trị hoặc gắn với tổ chức chính trị nào. Tuy nhiên, nhiều điều tra của Global Witness có tính cách đánh động dư luận cao, hoặc khiến cho nhiều chính trị gia, thường là bị cáo buộc tham nhũng và hủy hoại môi trường, rất tức giận.

 

Như vậy có thể thấy cách tiếp cận, phương thức hoạt động của các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường là rất đa dạng ở quy mô quốc gia và quốc tế. Ở quy mô quốc tế, khả năng vươn rộng toàn cầu của nhiều tổ chức đã giúp kết nối các quan tâm, chia sẻ thông tin, vận động gây áp lực, ủng hộ tích cực cho phong trào môi trường toàn cầu.

 


2.    
Các đảng xanh

Ở mức độ nhất định, chính trị xanh có cách tiếp cận thực tiễn để thu hút quần chúng hơn là chủ nghĩa môi trường (environmentalism) thuần túy. Trong khi những người theo chủ nghĩa môi trường thường đề cao vai trò trung tâm của môi trường, cho rằng cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm sẽ gây tổn hại cho cả môi trường và con người thì chính trị xanh có sự quan tâm tương đối toàn diện đến các nhu cầu của con người, cũng như các nhân quyền và tự do cơ bản. Điều này thể hiện rõ nhất trong chính sách, cương lĩnh của các đảng xanh.

 

Hiện tại đã có hơn 100 đảng xanh được thành lập tại các quốc gia trên thế giới. Khác với các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, các đảng xanh đưa ra một bộ chính sách tổng thể cho các vấn đề xã hội bên cạnh sự quan tâm về môi trường. Cũng khác với các tổ chức phi chính phủ trên lĩnh vực này, các đảng xanh có vai trò làm cầu nối giữa nhà nước với người dân, và hoạt động để hướng đến việc nắm các ghế trong chính quyền.

 

Tuyên bố sau cùng tại cuộc gặp về những vấn đề trái đất của những đảng xanh trên thế giới lần thứ nhất, tại Rio de Janeiro, ngày 31 tháng 5 năm 1992, đã khẳng định vai trò của các đảng này: "Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, những chính quyền sẽ chỉ có động lực để nghiêm túc đi tìm cách giải quyết những vấn đề môi trường khi mà người dân có xu hướng đi bầu cho những đảng phái chính trị xanh."

 

Nền tảng triết lý của chính trị xanh có thể khái quát ở 4 trụ cột và 6 nguyên tắc. Bốn trụ cột của đảng xanh là tuyên bố nền tảng, do các đảng xanh trên thế giới hình thành sau tiến trình đối thoại khoảng ba thập niên qua. Mặc dù có sự khác biệt nhất định trong cách hiểu của các đảng xanh, nhìn chung bốn trụ cột này liên kết triết lý của các phong trào xã hội như phong trào môi trường, phong trào lao động, phong trào dân quyền và phong trào hòa bình. Cụ thể, bốn trụ cột đó là: Hiểu biết về hệ sinh thái; Công bằng xã hội, Dân chủ cơ sở và Bất bạo động. Năm 2001, các đảng xanh và phong trào xanh đến từ 72 quốc gia, với khoảng 800 đại biểu, đã họp mặt tại Canberra, Australia, thảo luận và đi đến thống nhất về sáu nguyên tắc của phong trào, bao gồm: 1) Thấu hiểu về môi trường; 2) Công bằng xã hội; 3) Dân chủ tham gia; 4) Bất bạo động; 5) Bền vững; 7) Tôn trọng sự đa dạng. Các đảng xanh thường lấy biểu tượng là hoa hướng dương.

 

Cũng trong hội nghị tại Canberra, Australia, Hiến chương Các đảng và phong trào xanh toàn cầu (Global Greens Charter) được thông qua. Văn kiện này nhằm “xác định lại ý nghĩa của Xanh là gì trong thiên niên kỷ mới” (“defining what it means to be Green in the new millennium”). Phần đầu của Hiến chương nêu lên 6 nguyên tắc định hướng, được sửa đổi năm 2012 tại Đại hội Xanh toàn cầu diễn ra ở Dakar, Senegal. Phần hai của Hiến chương đề cập chi tiết đến những hành động cần được thực thi. Bản hiến chương này được soạn thảo có sự tham khảo các văn kiện như: các tuyên bố vào năm 1992 tại Hội nghị Thượng đỉnh Rio, Tuyên bố Thiên niên kỷ tại Oaxaca vào năm 1999 và thỏa thuận giữa các đảng Xanh châu Mỹ và các Đảng bảo vệ Môi trường châu Phi. Bản thảo Hiến chương được soạn thảo bởi Louise Crossley, một thành viên của Đảng Xanh Úc.

 

Nhìn chung, đảng xanh tại các quốc gia trên thế giới đều thể hiện sự ưu tiên và quan tâm của mình tới những vấn đề liên quan tới môi trường. Bên cạnh đó, với chức năng là một đảng chính trị, đảng xanh cũng có những cương lĩnh, chính sách riêng trên các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, ngoại giao và quốc phòng, vv. Một số chính sách tiêu biểu như: Bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; Phản đối chạy đua vũ trang, chống chiến tranh; Phản đối phát triển năng lượng lẫn vũ khí hạt nhân; Bảo vệ nhân quyền, chống tình trạng phân biệt chủng tộc; Đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới, quyền cho người LGBT, thậm chí cả quyền động vật; Đảm bảo phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, theo đuổi phát triển bền vững.

 

Trên quy mô toàn cầu, mạng lưới kết nối của chính trị xanh phát triển nhanh chóng. Sự kết nối này cũng khẳng định một thông điệp của khuynh hướng xanh là các vấn đề môi trường đang làm tăng sự phụ thuộc giữa các quốc gia, tác động xuyên quốc gia của vấn đề môi trường đang làm xói mòn cách hiểu về chủ quyền quốc gia truyền thống. Các đảng và phong trào xanh toàn cầu thường tổ chức đại hội khoảng 5 – 7 năm một lần. Ở từng châu lục, phong trào xanh cũng hình thành mạng lưới của mình. Châu Âu là khu vực có bước tiến nhanh nhất, đã hình thành nên Đảng Xanh Châu Âu.

 

Ở châu Á Thái Bình Dương, Mạng lưới các đảng và phong trào xanh châu Á Thái Bình Dương đã tổ chức được 4 lần đại hội. Đây là những kết quả nối tiếp từ sự kiện khởi đầu là Hội thảo Chính trị xanh châu Á Thái Bình Dương được tổ chức tại Brisbane, Australia, vào năm 2000, với sự tham gia của 30 đại biểu đại diện cho 12 đảng và phong trào xanh từ khu vực, do phong trào xanh của Australia chủ trì. Hiến chương phong trào xanh châu Á cũng đã được thông qua. Tại Châu Phi, Liên minh các đảng xanh châu Phi (African Greens Federation-AGF) được hình thành chính thức vào tháng 4 năm 2010, tại đại hội phong trào xanh châu Phi tổ chức tại Kampala Uganda. Phong trào đã thông qua Hiến chương phong trào xanh châu Phi.

 


II.  
ĐẢNG XANH TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA

Nhiều đảng xanh đã được thành lập, hoạt động, tồn tại và phát triển tại nhiều nơi trên thế giới, sớm nhất là tại các nước phương Tây, chậm hơn là tại các châu lục Á, Phi và Mĩ La tinh. Điều này thể hiện sự quan tâm sớm đến các vấn đề môi trường, chủ yếu tự việc sớm xuất hiện các vấn đề môi trường trong tiến trình công nghiệp hóa, cũng như thể hiện tinh thần đa nguyên của các nền dân chủ lâu đời. Phần này sẽ giới thiệu một số nét về đảng xanh tại Đức, Anh, Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

 


1.    
Đức

Đảng Xanh của Đức có lẽ nổi tiếng nhất trong số các đảng xanh trên thế giới. Nước Đức hiện có Đảng Dân chủ Sinh thái Đức và Liên minh Xanh (Alliance ‘90/The Green). Liên minh Xanh được thành lập vào năm 1993, do sát nhập giữa Đảng Xanh Đức, ra đời từ năm 1980 tại Tây Đức, và Liên minh 90 (Alliance 90), xuất hiện trong thời kì cải tổ 1989-1990 tại Đông Đức, khi bức tường Berlin sụp đổ. Trong cuộc bầu cử liên bang năm 2013, Liên minh Xanh đứng thứ 4 với 8,4% tổng số phiếu và giành 63 ghế trên 630 tại Quốc hội.

 

Đảng Dân chủ Sinh thái Đức (tiếng Đức: Ökologisch-Demokratische Partei, ÖDP) được thành lập từ năm 1982, tiền thân là phong trào Green Actions Future (Tương lai Hành Động Xanh), Green List for Environmental Protection (Danh sách Xanh về Bảo vệ môi trường), và Ecological Politics Working Group (Nhóm làm việc về Chính trị Sinh thái). Đây là một đảng chính trị có khuynh hướng bảo thủ và theo đuổi sứ mạng chính là bảo vệ hệ sinh thái. ÖDP nhận được nhiều sự chú ý khi phản đối dự án lò phản ứng hạt nhân của Cộng hòa Séc tại Temelin, dọc biên giới với bang Bavaria, và thành công trong việc khởi xướng một cuộc trưng cầu dân ý nhằm bãi bỏ chế độ thượng viện ở Bavaria. Đảng này còn có một tổ chức thanh niên gọi là Young Ecologists (Những nhà sinh thái trẻ). ÖDP nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất tại bang Bavaria và có một ghế tại Nghị viện Liên minh Châu Âu năm 2014.

 

Những chính sách cơ bản của Liên minh Xanh tập trung vào 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, về năng lượng, chủ trương tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng thay thế cho các dạng năng lượng truyền thống; phản đối sử dụng và phát triển năng lượng hạt nhân. Liên minh này đưa ra tham vọng cho tới năm 2040, 100% nguồn phát điện của Đức sẽ tới từ những dạng năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, vv. Thứ hai, về môi trường và khí hậu, chủ trương phát triển bền vững, cần thiết phải có những bộ luật và quy tắc ứng xử cho vấn đề bảo vệ thiện nhiên và động vật. Viễn cảnh của họ là cho tới 2020, nước Đức sẽ giảm thiểu được 40% lượng khí thải CO2 so với năm 1990. Thứ ba, về giao thông, chủ trương áp dụng những biện pháp như thu phí lưu thông đối với phương tiện cá nhân để góp phần bảo vệ môi trường và giảm dần đặc quyền đặc lợi của những tập đoàn công nghiệp ô tô; ưu tiên cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông công cộng như đường sắt, giới hạn tốc độ của phương tiện giao thông trên đường cao tốc xuống còn 120 km/h và 80 km/h đối với đường bộ; kêu gọi tài trợ nghiên cứu, đảm bảo tới năm 2020, nước Đức sẽ có 2 triệu xe hơi chạy điện được sử dụng.

 

Đối với chính sách của Đảng Dân chủ Sinh thái Đức (ÖDP), bên cạnh điểm tương đồng với những đảng xanh khác trên thế giới, còn chủ trương bênh vực quyền lợi và đảm bảo phúc lợi xã hội cho phụ nữ và trẻ em, phản đối mọi hình thức phá thai, việc bác sĩ giúp bệnh nhân được chết, và chống hình phạt tử hình. Đảng này khá bảo thủ khi ủng hộ việc giới hạn tình trạng nhập cư thông qua kiểm soát chặt biên giới, không ưu tiên lắm về vấn đề quyền cho người LGBT và có cái nhìn tương đối khác biệt về nam nữ bình quyền.

 


2.    
Anh quốc

Đảng xanh Anh và xứ Wales (Green Party of England and Wales - GPEW) có trụ sở chính tại London, được thành lập năm 1990, tách ra từ Đảng xanh của Vương quốc Anh (Green Party of UK). Cạnh đó, nước Anh còn có Đảng xanh Scotland (Scottish Green Party) và Đảng xanh Bắc Ireland (Green Party in Northern Ireland). Tiền thân của Đảng xanh của Vương quốc Anh trước đó là People Party (Đảng Nhân dân), thành lập từ năm 1973. Phân nhánh Wales Green Party (Đảng xanh xứ Wales) của GPEW có quy chế bán tự trị.

 

Năm 2010, đại diện của GPEW, bà Caroline Lucas giành được một ghế tại Quốc hội, đại diện cho khu vực Brighton Pavilion. Hiện nay đảng có một ghế tại hạ viện, một ghế tại thượng viện và ba ghế tại Nghị viện châu Âu. Tại địa phương, GPEW cũng có vài thành viên nằm trong cơ quan hành pháp và 2 thành viên là nghị viên của London.

 

Sau nhiều phong trào cải tổ, đặc biệt trong thập niên 1990, GPEW chủ trương tập trung vào những vấn đề về quản trị tại địa phương. Chính sách của Đảng này tập trung vào những vấn đề về môi trường và kinh tế chính trị, ủng hộ chính sách phát triển kinh tế cộng đồng, kiến tạo phúc lợi xã hội tốt, và phân quyền cho các địa phương trong vấn đề cung ứng các dịch vụ công, ủng hộ sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế và đại diện chính quyền dựa trên sự phân bổ dân số. Họ còn thể hiện sự ủng hộ đối các quyền tự do dân sự, quyền động vật, quyền cho nhóm LGBTIQ, và thay đổi chính sách đối với vấn đề sử dụng và buôn bán ma túy. Họ đặc biệt tin tưởng vào phương châm bất bạo động, chính sách thu nhập tối thiểu, và dân chủ tham gia.

 


3.    
Hoa Kỳ

Đảng Xanh Hoa Kỳ (Green Party of the United States – GPUS) hiện là đảng chính trị lớn thứ tư tại Mỹ, được thành lập năm 2001, tiền thân là một hiệp hội thành lập năm 1996 (Hiệp hội Đảng xanh Quốc gia - Association of State Green Parties - ASGP). Chính sách của GPUS ưu tiên cho vấn đề bảo vệ môi trường, chủ trương bất bạo động, đòi hỏi công bằng xã hội, kiến tạo nền móng dân chủ tham dự, ủng hộ bình đẳng giới, quyền lợi cho người LGBT, phản đối chiến tranh và tình trạng phân biệt chủng tộc. Đảng này theo cánh tả, họ thường tự nhận mình là một đảng xã hội sinh thái (eco-socialist). GPUS đã có một vài thành viên được bầu vào nghị viện tại cấp tiểu bang, ở các bang California, Maine và Arkansas, ngoài ra họ còn nắm một số cương vị tại cấp đô thị như hội đồng trường học, hội đồng thành phố hay cả chức thị trưởng.

 

Là một đảng xanh, nguyên tắc của GPUS cũng được dựa trên 4 cột trụ và 10 giá trị cốt lõi. Năm 2004, lãnh đạo của GPUS đưa ra tuyên ngôn Bơ (Avocado Declaration), so sánh đảng với trái bơ “xanh ở ngoài lẫn cả bên trong”, bởi trước đó đảng này bị gán cho là một đảng xã hội hay cộng sản núp bóng. GPUS cho rằng hệ thống của Mỹ rất thiếu dân chủ do hai chính đảng Cộng Hòa và Dân Chủ thay nhau thống trị chính trường. GPUS chủ trương không nhận tài trợ ủng hộ từ các công ty nghiệp đoàn, từ Ủy ban Hành động Chính trị (Political Action Committees – PACs), hay những khoản “soft money”. Đảng này còn chỉ trích những tập đoàn có khả năng thao túng mạng lưới truyền thông, gây ảnh hưởng tới chính quyền và những khía cạnh đời sống toàn xã hội. Họ là những người chống chủ nghĩa tư bản và đích thị là những nhà xã hội sinh thái.

 

GPUS bắt đầu nhận được sự chú ý từ công chúng toàn quốc trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000. Hai ứng viên của đảng, Ralph Nader và Winona LaDuke, đã giành được 2,7% số phiếu. Nader bị những người của Đảng Dân chủ và cả Đảng Xanh chỉ trích rằng chính số phiếu của ông đã góp phần phá hỏng chiến thắng của Al Gore, ứng viên Dân Chủ, trước Bush - ứng viên Cộng Hòa. Mức độ ảnh hưởng của Nader trong cuộc bầu cử năm 2000 cho tới nay vẫn gây ra nhiều tranh cãi.

 

Trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 và 2016, GPUS đề cử Jill Ellen Stein ra tranh cử ghế tổng thống. Là một nhà hoạt động môi trường lâu năm, bà từng tranh cử vị trí thống đốc bang Massachusetts vào các năm 2002 và 2010. Năm 2016, GPUS đã truyền tải nhiều thông điệp và tích cực tham gia vào những cuộc tranh luận chính trị làm khuấy động công chúng Mỹ. Đảng này cũng tìm cách hướng tới tiếp cận những đối tượng cử tri độc lập, không phải Cộng hòa cũng như Dân chủ. Họ thậm chí còn có mối liên hệ gần gũi với Bernie Sanders, đối thủ chính của bà Hillary Clinton trong đảng Dân chủ và những người ủng hộ ông nhằm khai thác cơ hội hợp tác bởi họ đều theo đuổi tiến bộ xã hội.

 


4.    
Hàn Quốc

Hàn Quốc bước vào tiến trình dân chủ hóa từ thập niên 1980, hệ thống đảng chính trị phát triển nhanh nhưng lại thiếu tính ổn định, thường xuyên có sự tách, nhập các đảng. Đảng Xanh ở Hàn Quốc được thành lập vào năm 2012, muộn hơn so với Đảng Xanh Đài Loan (thành lập tháng 1 năm 1996) trong cùng khu vực Đông Á. Chính sự kiện động đất gây rò rỉ hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản, tháng 4 năm 2011) đã góp phần đáng kể tạo động lực, lôi cuốn sự quan tâm của công chúng Hàn Quốc về chủ đề hạt nhân và môi trường, do Hàn Quốc vào thời điểm đó có khoảng 24 nhà máy năng lượng hạt nhân, là số lượng lớn so với một diện tích tương đối nhỏ và có nguy cơ động đất cao.

 

Ủy ban trù bị thành lập Đảng Xanh Hàn Quốc được hình thành vào tháng 10 năm 2011. Theo Luật về Chính đảng của nước này, để thành lập một đảng chính trị cần có ít nhất là 1.000 đảng viên tại 5 tỉnh thành khác nhau. Tiếp theo đó, đảng này tổ chức hoạt động tuyên truyền ở các tỉnh và đô thị lớn như Seoul, Busan, Gyeonggi-do, Chungcheongnam-do..., dần tiến đến đại hội toàn quốc. Trong bối cảnh sự tham gia của nữ giới vào chính trị ở Hàn Quốc tương đối thấp (tương tự như ở nhiều quốc gia Đông Á khác), điều ngạc nhiên là tỷ lệ nữ tham gia vào Đảng Xanh lại cao đáng kể, phần nào thể hiện sự quan tâm của phụ nữ về chủ đề môi trường.

 

Cho đến nay, dù vẫn là một đảng chưa có ghế trong Quốc hội, Đảng Xanh dần đạt được những bước tiến, đặc biệt ở các cấp địa phương. Trong cuộc bầu cử địa phương vào cuối năm 2018, mặc dù không nằm trong số những chính đảng lớn nhất (Dân chủ, Hàn Quốc Tự do, Bareunmirae, Dân chủ và Hòa bình, Công lý, Minjung...), Đảng Xanh đã giành được một ghế thị trưởng tại tỉnh Jeju. Tại thủ đô Seoul, ứng cử viên Shin Ji-ye của Đảng Xanh về thứ tư, giành được hơn 80 ngàn phiếu, khoảng 1,7 phần trăm tổng số phiếu. Cô đứng trước cả Kim Jong-min thuộc Đảng đối lập Công lý mà có 6 ghế trong Quốc hội.

 

Trong cùng khu vực, Đảng Xanh Đài Loan được hình thành tương đối sớm, từ năm 1996. Đảng này có nền tảng xã hội khá rộng lớn là các cộng đồng, phong trào xanh. Năm 2014, phong trào sinh viên Đài Loan biểu tình phản đối việc thông qua Hiệp định Thương mại Dịch vụ xuyên eo biển giữa Đài Loan và Trung Quốc, sau đó chiếm tòa nhà của cơ quan lập pháp và hành pháp, đã làm rung động chính trường. Hoa hướng dương, biểu tượng của hy vọng, đã được lựa chọn làm biểu tượng của phong trào. Sau khi sự kiện kết thúc, một số lãnh đạo sinh viên đã vận động tranh cử, thành lập thêm đảng chính trị mới (Đảng Quyền lực mới), tham gia chính trường chủ lưu, theo đuổi sự độc lập cho Đài Loan, các quyền con người phổ quát và những mục tiêu khá tương đồng với những đảng xanh khác trên thế giới.

 


KẾT LUẬN

Từ khoảng ba thập niên qua, các phong trào xanh, đảng xanh đã mở rộng ảnh hưởng cả về tư tưởng và tiếng nói trên các diễn đàn chính trị tại nhiều quốc gia và châu lục trên thế giới. Những người ủng hộ chính trị xanh chia sẻ nhiều tư tưởng chung với những người bảo vệ môi trường, quyền con người và hòa bình. Bên cạnh dân chủ và môi trường, chính trị xanh cũng quan tâm đến các quyền tự do, công bằng xã hội và cách tiếp cận bất bạo động.

 

Trong thực tiễn, chính trị xanh đã góp phần giám sát, gây áp lực thúc đẩy sự quan tâm bảo vệ môi trường, công lý môi trường và các quyền con người. Cạnh đó, sự liên kết, kết nối nhanh chóng của phong trào xanh tại các châu lục và toàn cầu cũng là một hiện tượng thú vị. Tuy nhiên, so với các khuynh hướng và đảng phái chính trị lâu đời khác, đa số các đảng xanh mới được thành lập, nguồn lực còn hạn chế. Các đảng xanh này cần thêm thời gian để có thể xác lập được thế đứng vững chắc trong chính trường các quốc gia, tạo nên những thay đổi tích cực, thực chất hơn đối với môi trường và con người.

TS. Lã Khánh Tùng

 

Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội

 

 (Bài tham gia Hội thảo ngày 27/2/2019, đăng trong sách "Quyền về môi trường", Nxb. Hồng Đức, 2019)




Các tin khác: