TỪ ĐIỂN NHÂN QUYỀN (1): BẦU CỬ TỰ DO
Bầu cử tự do, công bằng và định kỳ (free, fair and periodical elections) là những yêu cầu đặt ra đối với một xã hội dân chủ, tôn trọng quyền tham gia chính trị của người dân. Đây cũng là một tiêu chí của quyền bầu cử và ứng cử được pháp luật nhân quyền quốc tế, khu vực và các quốc gia bảo vệ.

 


Bầu cử tự do, công bằng và định kỳ (free, fair and periodical elections) là những yêu cầu đặt ra đối với một xã hội dân chủ, tôn trọng quyền tham gia chính trị của người dân. Đây cũng là một tiêu chí của quyền bầu cử và ứng cử được pháp luật nhân quyền quốc tế, khu vực và các quốc gia bảo vệ.


Điều 21 UDHR (1948) khẳng định quyền của mọi người tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn và bình đẳng tham gia công vụ trong nước (khoản 1 và 2), đồng thời đề cao vai trò của các cuộc bầu cử và tiêu chí cụ thể: “Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự” (khoản 3, Điều 21).

Điều 25 ICCPR, 1966 khẳng định quyền của mọi công dân tham gia điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện do họ tự do lựa chọn, và quyền “bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín” (điểm b).

Tổ chức Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) cũng đã khẳng định bầu cử tự do, công bằng và định kỳ là thiết yếu cho một nền dân chủ trong Tuyên ngôn phổ quát về Dân chủ (Universal Declaration on Democracy) mà tổ chức này thông qua năm 1997 tại Cairo, Ai Cập. Đoạn 12 của Tuyên ngôn này khẳng định: “Yếu tố chính yếu trong việc thực hiện dân chủ là việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng theo định kỳ cho phép mọi người bày tỏ quan điểm. Các cuộc bầu cử này phải được tổ chức trên cơ sở quyền bầu cử phổ thông, bình đẳng và bỏ phiếu kín để tất cả cử tri có thể chọn đại diện của mình trong điều kiện bình đẳng, công khai và minh bạch, khuyến khích cạnh tranh chính trị. Nhằm mục tiêu đó, các quyền dân sự và chính trị là rất cần thiết, và đặc biệt hơn trong số đó là quyền bầu cử và ứng cử, quyền tự do ngôn luận và hội họp, tiếp cận thông tin và quyền tổ chức các đảng chính trị và thực hiện các hoạt động chính trị.”

Vai trò của các quyền dân sự và chính trị cơ bản đối với bầu cử cũng đã được khẳng định tại Điều 3 của Tuyên ngôn về Tiêu chí Bầu cử tự do và công bằng (Declaration on Criteria for Free and Fair Elections) mà IPU thông qua vào năm 1994.


L K T

 


Các tin khác: