CHƯƠNG 11
TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM
11.1.Khái quát về tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong lịch sử Việt Nam
Đã có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc, lịch sử của khái niệm quyền con người (nhân quyền), cũng như sự phát triển của quyền con người trong thực tiễn lịch sử nhân loại. Một quan điểm phổ biến cho rằng các quyền con người bắt nguồn từ lịch sử, văn hóa và pháp luật của phương Tây, đặc biệt là từ quan niệm về “quyền tự nhiên” – một công cụ chống lại các chế độ đàn áp, chuyên chế, xuất hiện cùng với các cuộc cách mạng Anh, Pháp và Hoa Kỳ. Nhiều quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, đã được chứng minh có những truyền thống (văn hóa, pháp luật, tập quán…) tôn trọng tự do và quyền con người, bao gồm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như đã đóng góp vào các cuộc thảo luận nhân quyền trong thời cận đại.
Việc sử dụng các chuẩn mực nhân quyền quốc tế hiện đại, chủ yếu hình thành sau năm 1945, để đánh giá tự do tôn giáo trong lịch sử (cũng là cách tiếp cận trong chương này), cũng là một chủ đề có thể gây tranh luận. Tuy nhiên, cách tiếp cận sử dụng các chuẩn mực nhân quyền quốc tế làm khuôn khổ có ưu điểm tránh được sự tùy tiện hạ thấp các chuẩn mực, nhấn mạnh thái quá các đặc thù của bối cảnh mà có thể gây tổn hại đến nhân phẩm của cá nhân khi họ có thể bị coi là thấp hơn, tầm thường hơn những cá nhân khác.
Khi tìm hiểu về tự do, quyền con người trong lịch sử, chúng ta gặp vấn đề quan niệm về tự do, quyền con người ở mỗi thời đại đã có sự khác biệt, thay đổi ra sao. Cách tiếp cận hiện đại được cho là nhấn mạnh tính phổ quát của nhân quyền, cho nên áp dụng đối với mọi cá nhân bất kể khu vực địa lý, trong khi cách tiếp cận truyền thống cho rằng quyền con người tồn tại trong mỗi cộng đồng cụ thể. Ở một khía cạnh khác, việc thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn có mối quan hệ chặt chẽ với các quyền khác về tự do tư tưởng, hội họp, sở hữu…
người ta cũng thường đặt câu hỏi về vai trò của tôn giáo đối với tự do ở các khu vực khác trên thế giới. Cả Nho giáo và Phật giáo dường như đều xa lạ với chủ nghĩa cá nhân và quyền cá nhân – mà có tính chất phổ biến ở phương Tây. Lão giáo thì phần nào có triết lý gần với tự do và chủ nghĩa tự do của phương Tây hơn.
Trong giáo lý Phật giáo, quan niệm về tự do thường được gắn với các khái niệm “nghiệp” (karma), “vô ngã” (anatman), giải thoát, tự do lựa chọn. Giải thoát là một mục tiêu của Phật giáo, tuy nhiên, con đường đi đến giải thoát không phải ở nơi bên ngoài, mà chính là bên trong nội tâm con người. Cạnh đó, từ bi, hỉ xả là những giáo lý cụ thể được lan truyền trong giới trí thức cũng như bình dân.
Nho giáo, với hạt nhân là nhân trị (đức trị), đề cao trật tự trên dưới hơn là sự bình đẳng, đề cao các nghĩa vụ đạo đức hơn là quyền tự do lựa chọn của cá nhân. Mặc dù đề cao chữ Thứ (sự khoan dung) (“Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người” - Luận ngữ, XII.2), Nho giáo quan tâm đến quan hệ xã hội trong hiện tại hơn là những gì khó có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm. Điều này thể hiện qua câu nói của Khổng Tử nói với học trò rằng “chưa biết việc người, làm sao biết được việc quỷ thần.” Tại Việt Nam, nhiều nhà Nho và các bậc quân vương (đặc biệt thời Hậu Lê và Nguyễn) đã phê phán Phật giáo vì cho rằng đạo này là “mê tín dị đoan”.
Nói cách khác, tự do tôn giáo trong lịch sử Việt Nam trước đây liên quan trực tiếp đến sự thịnh suy của giáo điều Nho giáo, thậm chí đã có nhận định rằng “các Nho gia càng muốn giáo lý của họ kiểm soát hoàn toàn tư tưởng con người và sự biểu đạt tư tưởng đó, người dân càng có ít tự do tôn giáo”.
Từ thế kỷ XIX, ở giai đoạn đầu (trước 1862), các vị vua nhà Nguyễn đã có thái độ tương đối cứng rắn với Ki-tô giáo (đạo Gia-tô). Xu thế này có sự đảo ngược khi người Pháp vào Việt Nam và có chính sách hỗ trợ sự phổ biến của Ki-tô giáo. Dù có những thăng trầm và biểu hiện khác nhau trong từng thời kỳ, tinh thần khoan dung, lòng bao dung, vị tha, thương người đã là những yếu tố tương đối nổi trội của lịch sử văn hóa và tôn giáo Việt Nam.
Để đánh giá lịch sử, bên cạnh những sử liệu, tài liệu khác về thực hành quyền tôn giáo, các nhà nghiên cứu, nhất là các luật gia, đã ưu tiên căn cứ vào các văn bản pháp luật, chính sách. Từ góc độ tiếp cận này, có thể thấy pháp luật các triều đại phong kiến có vai trò quan trọng định hình khuôn khổ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, thể hiện thái độ của các nhà nước đối với các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Các bộ luật lớn, như Quốc triều Hình luật (thời Lê), Hoàng việt Luật lệ (thời Nguyễn), không những giúp chúng ta hiểu được bức tranh thời đại, sắc thái đời sống thường nhật của người dân trong gia đình, xã hội, còn giúp chúng ta hiểu được các triết lý, phương thức ứng xử của các nhà nước phong kiến trước các vấn đề xã hội xưa. Tuy nhiên, những thách thức do việc thiếu các tài liệu pháp lý, sử liệu là không nhỏ.
Bên cạnh pháp luật của nhà nước, hương ước, khoán ước, lệ làng và luật tục cũng là một nguồn quy phạm quan trọng điều chỉnh các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở các cộng đồng dân cư địa phương, các cộng đồng dân tộc thiểu số. Cùng với điều chỉnh nhiều sinh hoạt trong làng xã, thôn bản (như việc thuế, phu, lính, việc cưới hỏi, việc hiếu, tuần phòng, khao vọng, ngụ cư…), hầu hết các hương ước đều quan tâm đến việc thờ thần, tế lễ hàng năm (thờ thành hoàng làng, thờ tam giáo, tín ngưỡng nông nghiệp…).
Mặc dù chương tập trung vào các chính sách và pháp luật của các triều đại, nhưng hiển nhiên là tự do tôn giáo đã chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố lịch sử và xã hội, chứ không chỉ do pháp luật định hình. Theo đó,
Cụ thể, bốn giai đoạn sẽ lần lượt được xem xét là: 1) Thời kỳ trước thế kỷ XI; 2) Thời kỳ triều Lý, Trần và Hồ; 3) Thời kỳ triều Hậu Lê và Tây Sơn; 4) Thời kỳ triều Nguyễn và Pháp thuộc.
11.2.Tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong các giai đoạn lịch sử Việt Nam
11.2.1.Thời kỳ trước thế kỷ thứ XI
Việt Nam đã phải trải qua thời kỳ Bắc thuộc hơn một ngàn năm, kéo dài từ năm 179 trước Công nguyên, khi Triệu Đà xâm chiếm Âu Lạc, cho đến năm 938 khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán. Trong thời kỳ này, bên cạnh sự xung đột giữa hai xu hướng hán Hóa và chống Hán hóa, Phật giáo từ Ấn Độ đã được du nhập theo đường biển, sau đó là Nho giáo và Đạo giáo (Lão giáo) đến từ Trung Hoa.
Tác giả Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá: “Vương (Sĩ Nhiếp) là người khoan hậu khiêm tốn, lòng người yêu quý, giữ vẹn đất nước Việt để đương đầu với sức mạnh của Tam Quốc, đã sáng suốt lại mưu trí, đáng được gọi là người hiền”. Sĩ Nhiếp, một người Việt gốc Hoa, được đánh giá là có tài năng và đức độ vượt lên trên các thủ lĩnh chính trị đương thời.
Du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam, một mặt Đạo giáo vẫn thờ Đức Ngọc Hoàng Thượng đế, Thái Thượng Lão Quân, mặt khác đã có sự kết hợp với tín ngưỡng dân gian, Đạo giáo còn thờ nhiều vị thần, thánh khác của người Việt.
Trong tín ngưỡng và phong tục, người Việt tôn kính cha mẹ, tổ tiên, thờ cúng các thiên thần, nhiên thần và nhân thần. Người Việt có các tục lệ búi tóc, xăm mình, nhuộm răng, ăn trầu.
Kế thừa công tích của nhà Ngô (939-967), Đinh Tiên Hoàng sau khi dẹp yên các thế lực cát cứ, thống nhất đất nước, đã lập nên quốc gia Đại Cồ Việt, xây dựng chính quyền thống nhất từ trung ương tới địa phương, đặt ra bộ máy với hai ban văn và võ. Nhà Đinh (968-980) “hầu như không dựa vào các giáo lý của nhà Nho để xây dựng chính quyền, mà chủ yếu trông cậy vào các trí thức Phật giáo.” Ngô Chân Lưu đảm trách chức Tăng thống, người đứng đầu Phật giáo, và được ban danh hiệu là Khuông Việt đại sư (Đại sư phò giúp nước Việt). Cạnh đó còn có chức Sùng chân uy nghi được trao cho người đứng đầu Đạo giáo là Đạo sĩ Đặng Huyền Quang. Mặt khác, để duy trì quyền lực tập trung sau một thời gian hỗn loạn, pháp luật giai đoạn này tương đối khắc nghiệt. Ngay khi lên ngôi, nhà vua bắt đầu sử dụng các hình phạt như bỏ vạc dầu, cho hổ dữ ăn thịt đối với những kẻ vi phạm, khiến cho “mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm”.
Lê Đại Hành, sau khi lên ngôi hoàng đế, sáng lập ra nhà Tiền Lê (năm 980), cũng đã tiếp tục nhờ Khuông Việt đại sư và các tăng sỹ phò giúp
Bao trùm ảnh hưởng vào thời kỳ Lý và Trần là Phật giáo, quốc giáo ở cả hai thời kỳ này. Đã có nhiều nghiên cứu, nhận định về lịch sử, cũng như nhiều cách phân kỳ lịch sử Phật giáo Việt Nam, tuy nhiên, mọi người đều thống nhất rằng Phật giáo đã đạt đỉnh cao thịnh trị vào thời Lý và Trần.
Nhiều nhà sư, như Khuông Việt, Vạn Hạnh, đã góp công quan trọng hình thành nên nhà Lý (1010-1225).
Dưới thời Lý xuất hiện dòng thiền Thảo Đường, được gọi theo tên người sáng lập. Thảo Đường vốn là một nhà sư Trung Hoa đi khắp nơi truyền đạo. Khi dừng chân tại Chiêm Thành, ông vô tình bị quân đội của vua Lý Thánh Tông bắt đưa về Thăng Long vào năm 1069. Sau khi phát hiện tài năng và đạo hạnh của ông, vua Thánh Tông đã rất trọng dụng, mời ông tham gia vào triều chính. Một thời gian sau, vua phong cho ông làm Quốc Sư và cho trụ trì tại chùa Khai Quốc.
Lịch sử khoa cử Việt Nam được khai mở vào năm 1075, dưới thời vua Lý Nhân Tông, với kỳ thi Nho học tam trường (qua ba vòng thi) để tuyển người minh kinh bác học (hiểu rõ kinh sách và học rộng). Lê Văn Thịnh là Trạng nguyên đầu tiên của nước nhà, được mời vào cung để dạy vua học, sau này trở thành Thái sư. Năm 1076, triều đình cho xây Quốc Tử giám, trường đại học đầu tiên của nước nhà, cạnh Văn Miếu. Ban đầu, các học trò tại Quốc Tử giám chỉ là các hoàng tử, con cháu quan lại trong triều đình, về sau thu nhận cả những người học giỏi là con thường dân.
Ngay khi rời đô về Thăng Long, kế thừa việc coi thần Tô Lịch là Thành hoàng của thành Đại La, Lý Công Uẩn đã phong thần Tô Lịch là Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương. Các triều đại sau tiếp tục thờ phụng vị thần này.
Bộ Hình thư, được Lý Thái Tông ban bố năm 1042, đã bị thất truyền, nhiều khả năng do nỗ lực của nhà Minh, khi đô hộ nước ta trong thế kỷ XV, nhằm hủy hoại nền văn hóa bản địa. Tuy vậy, sử liệu cho thấy nguyên nhân khiến vua Lý ban hành bộ luật này là nhằm giảm bớt mức độ hà khắc, bất công trong hình luật trước đó, cũng như nhằm làm cho pháp luật được rõ ràng, dễ tra cứu, áp dụng. Do ảnh hưởng của tinh thần từ bi Phật giáo, pháp luật thời Lý được nhận định là có nhiều nét đặc sắc, bao gồm việc “tôn trọng nhân quyền”.
Vị vua đầu triều Trần Thái Tông, không chỉ xây dựng, tu bổ các chùa chiền, mà còn xuống chiếu trong nước phải đắp tượng Phật ở các đình trạm, nơi mọi người dừng nghỉ chân ven đường. Chính sách này xuất phát từ việc nhà vua tin rằng mình lên ngôi là nhờ sự trợ giúp của đạo Phật. Năm 1258, Trần Thái Tông truyền ngôi cho Thái tử, hình thành lệ truyền ngôi sớm cho thái tử triều Trần, dành thời gian cho việc nghiên cứu, giảng dạy Thiền tông, viết sách Phật học. Tương tự, năm 1293, vị vua thứ ba Trần Nhân Tông cũng truyền ngôi cho Thái tử, tức Trần Anh Tông, rồi lên làm Thái thượng hoàng. Năm sau, Thượng hoàng xuất gia tu Phật, về sau, ngài trở thành ông tổ của dòng Thiền Việt Nam – Thiền phái Trúc Lâm. Đến đời Trần Anh Tông, vua sai sứ sang Trung Quốc thu thập bộ kinh Đại Tạng về lưu hành trong dân gian. Có thể thấy, Phật giáo đã đặc biệt nhận được sự hậu thuẫn, ưu đãi của chính trị thời Trần.
Cũng vào thời nhà Trần, Nho học được đề cao hơn trước, các thể chế Nho giáo được phân cấp và đi vào nề nếp. Việc giáo dục và các kỳ thi Nho học được tổ chức đều đặn. Sự xung đột giữa Nho giáo và Phật giáo hầu như chưa xuất hiện. Mặc dù có việc nhiều nhà Nho đã phê phán và nỗ lực đẩy lùi ảnh hưởng của Phật giáo. Vào thế kỷ XIV, Lê Quát, một học trò của Chu Văn An, đã viết bài bia ký ở chùa Thiệu Phúc (Bắc Giang) để than phiền về sự lép vế của Nho giáo trong xã hội. Bài bia này phản ánh rất sinh động đời sống Phật giáo đương thời, cũng như tâm trạng bất lực của một tín đồ Nho giáo:
“Nhà Phật lấy chuyện họa phúc tác động tới lòng người, sao mà cảm phục được người ta sâu và bền vậy! Trên từ vương công, dưới đến thường dân, phàm là đóng góp cho việc nhà Phật, thì dù có dốc hết tiền của, cũng không tiếc. Giá như hôm nay có gửi gắm được gì vào tháp chùa thì hớn hở như thể cầm được khế khoản trong tay, để ngày mai được báo đáp. Cho nên từ trong Kinh thành cho đến ngoài châu phủ, kể cả những nơi thôn cùng ngõ hẻm, không bảo mà người ta cứ theo, không hẹn mà người ta cứ tin; hễ nơi nào có nhà ở, là ắt có chùa chiền, bỏ rồi lại dựng, hỏng rồi lại sửa, số chuông trống lâu đài chiếm gần một nửa dân cư. Đạo Phật rất dễ thịnh hành và rất được người ta tôn sùng. Ta ngày còn trẻ đi học, dốc chí vào việc cổ kim, cũng biết qua về đạo Thánh, muốn lấy đó để giáo hóa nhân dân, nhưng rốt cục chưa có thể làm cho một hướng nào tin theo cả. Ta cũng thường dạo chơi sông núi, dấu chân đã để lại trong hầu nửa thiên hạ, thế mà chưa tìm thấy một trường học hay một văn miếu nào. Chính vì vậy mà ta rất lấy làm hổ thẹn khi so sánh với tín đồ nhà Phật. Bèn viết ra đây để giãi tỏ lòng ta.”
Bên cạnh các tôn giáo chính, tín ngưỡng dân gian ở các địa phương tiếp tục phát triển đa dạng. Ở vùng nông thôn, tại mỗi làng, một đơn vị hành chính tương đối độc lập, đều có chùa thờ Phật, miếu thờ thần, thờ cúng các anh hùng dân tộc, người có công với làng, với nước. Phong tục thờ cúng tổ tiên được duy trì rộng rãi trong dân cư.
Pháp luật nhà Trần thường xuyên thay đổi, thiếu sự ổn định so với nhà Lý. Một số đạo luật đã được ban hành thời kỳ này là Quốc triều Thông chế (còn được gọi là Quốc triều hình luật, hoặc Triều đình thông chế, năm 1230) thời Trần Thái Tông, Hình Luật thư (còn được gọi là Hình thư, năm 1341) thời Trần Dụ Tông. Các hình phạt trong pháp luật có sự nghiêm khắc hơn giai đoạn trước.
Nhà Hồ được thành lập vào năm 1400, khi Hồ Quý Ly lên ngôi vua. Nhưng chỉ sau 10 tháng, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho Hồ Hán Thương để giữ chức Thái Thượng hoàng. Nhiều cải cách đã được nhà Hồ triển khai trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội (hạn điền, hạn chế gia nô, sửa đổi thuế khóa, quản lý chợ búa, thống nhất đo lường…), văn hóa (giáo dục, thi cử), quân sự, quốc phòng, chính trị, quan chế. Nhà Hồ sớm quan tâm đến luật pháp, ngay trong năm đầu cầm quyền (1401), Hán Thương đã cho san định quan chế và hình luật nước Đại Ngu. Với chế độ pháp luật và phương thức quản lý xã hội nghiêm khắc, sử liệu có ghi lại việc Hán Thương đã nghiêm trị những người dùng tà thuật, nhưng đồng thời, ông cũng rất quan tâm đến việc dựng miếu, lăng tẩm, thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, triều đại nhà Hồ chỉ kéo dài gần 7 năm, với năm cuối phải tập trung chống giặc Minh từ phương Bắc, chưa để lại những ảnh hưởng nào đáng kể đối với xã hội, cũng như đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của quốc gia.
Thời thuộc Minh, nhà Minh đã nỗ lực đồng hóa dân tộc Việt bằng cách truyền bá sách vở Nho giáo (như Ngũ kinh, Tứ thư…), thúc đẩy sự lớn mạnh của tầng lớp Nho sỹ mang tư tưởng Tống Nho, cạnh đó Phật giáo Đại thừa cũng được truyền giảng tại nước ta bởi các tăng lữ Trung Quốc.
Thời kỳ triều Hậu Lê và Tây Sơn
Nhà Hậu Lê được khai mở với sự kiện Lê Lợi lên ngôi vua sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, giặc Minh bị đánh đuổi vào năm 1428. Nếu như đặc trưng ở giai đoạn đầu (nhà Lê sơ, 1482-1527) là sự tập trung cao độ quyền lực vào chính quyền trung ương, thì ở giai đoạn sau (Lê Trung Hưng, 1533-1789), các hoàng đế nhà Lê mất thực quyền, chủ yếu chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Nhìn chung nhà Lê lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống để trị nước. Giáo lý Nho giáo phù hợp với trật tự chuyên chế được phổ biến rộng rãi, tầng lớp sỹ phu ngày càng trở nên đông đảo. Các khoa thi Nho học liên tục được tổ chức để chọn ra người hiền tài. Phật giáo và Đạo giáo bị hạn chế hơn nhiều so với các triều đại trước. Có thể nói từ giai đoạn này, tự do tôn giáo của các chức sắc và tín đồ Phật giáo đã bị giới hạn đáng kể.
Dưới triều Lê Thánh Tông, Quốc triều Hình luật (Lê Triều Hình luật, hay Luật Hồng Đức) được ban hành. Đây là một trong những bộ luật toàn diện và tiến bộ nhất dưới các triều đại phong kiến Việt Nam. Chế độ nhà nước cấp độ điệp - một loại giấy xác nhận cho các tăng sĩ, được học tập từ Trung Quốc. Điều 285 Luật quy định: “Những tăng sư và đạo sĩ từ 50 tuổi trở lên phải có quan cấp độ điệp mới được làm tăng đạo…Có độ điệp mà phạm pháp luật thì phải ra khỏi chùa, quán. Sau 10 ngày xét xử mà không chịu hoàn tục thì cũng chịu tội như trên”. Cạnh đó, “Ai tự ý cất chùa, quán, đúc chuông, tượng riêng thì bị biếm hai tư. Giả thác nói việc Phật đi quyên tiền của dân xài riêng thì xử đồ làm khao đinh, những của tiền ấy phải trả cho chùa. Nếu quyên tiền mà có giấy quan cấp thì không bị tội” (Điều 289). Chính quyền cũng quản lý chặt chẽ các nhà tu hành, nếu có tăng sư, đạo sỹ đến ngụ ở chùa, quán, nhà dân thì phải trình quan xã, người đó cũng không được trú quá ba tháng (Điều 301). Luật còn cấm các nghề mê tín như coi số, phù thủy, đồng cốt (Điều 337).
Tín ngưỡng, phong tục thờ cúng tổ tiên được thể chế hóa bằng luật. Quốc triều Hình luật đã đưa ra nhiều quy định chặt chẽ về hương hỏa (các Điều 399 và 400), bảo vệ ruộng đất hương hỏa là tài sản được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, dành cho việc thờ cúng tổ tiên. Theo đó, dù con cháu nghèo khó cũng không được bán ruộng đất hương hỏa (Điều 400), cũng như không được đem chia nhau (Điều 399).
Từ thời Mạc (1527 - 1592), tại các làng có thêm đình, nơi thờ Thành hoàng và hội họp của cộng đồng, bên cạnh chùa, miếu, đền. Khác với giai đoạn trước đó, các làng xã chủ yếu thờ phụng các Thổ thần.
Năm 1615 Các thừa sai Dòng Tên đến Việt Nam.
Dưới thời chúa Trịnh Tráng có những cuộc tiếp xúc đầu tiên của phương Tây với chính quyền Thăng Long – Kẻ Chợ. Có sử liệu cho rằng giáo sĩ người Ý Giuliano Baldinotti là một trong những giáo sĩ phương Tây đầu tiên đến truyền đạo tại Đàng Ngoài vào năm 1626. Song theo một số tư liệu khác, trong đó có bộ Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục của sử quán triều Nguyễn, người phương Tây đầu tiên đến nước ta giảng đạo là Inikhu (Ignacio). Ông này đi bằng đường biển đến các làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy (nay thuộc tỉnh Nam Định) vào năm 1533 dưới triều vua Lê Trang tông. Cũng trong năm 1533, triều đình Đại Việt đã ban hành lệnh cấm giảng đạo và theo đạo Ki-tô. Các giáo sỹ đến Đàng Ngoài cũng gây ra những nghi ngại, bao gồm khả năng họ là những gián điệp cho các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Đàng Trong, các chúa Nguyễn một mặt thấy cần những thành tố tinh thần cho các di dân người Việt trước ảnh hưởng của văn hóa người Chăm, mặt khác lại không thể sử dụng Nho giáo vì giáo lý này trực tiếp mâu thuẫn với vị thế ly khai của họ Nguyễn. Phật giáo Đại thừa đã được lựa chọn như một giải pháp đáp ứng cả nhu cầu bảo tồn bản sắc của người Việt và không đặt lại tính chính thống của người cai trị. Chính sách đối với Ki-tô giáo ở Đàng Trong có sự thay đổi trong từng thời điểm.
Thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh (giữa thế kỷ XVII), cả họ Trịnh (xứ Đàng Ngoài) và họ Nguyễn (Đàng Trong) đều cấm các giáo sỹ châu Âu vào trong lãnh thổ của mình, mặc dù trước đó có sự có sự khoan thứ hơn, phần nào do các giáo sỹ hứa hẹn sự kết nối với các nguồn vũ khí hiện đại. Chúa Trịnh cấm Ki-tô giáo bằng chỉ dụ năm 1664, rồi lặp lại lệnh cấm vào năm 1669. Thời gian sau đó, do có sự dính líu rõ ràng của người Pháp trong âm mưu chống lại vua Xiêm năm 1685, các vua chúa Đại Việt gia tăng sự nghi ngờ và đàn áp đối với Ki-tô giáo. Tuy nhiên, dường như những cấm đoán của chính quyền không được thực thi hiệu quả trong thực tiễn, không ngăn chặn được sự lan truyền của Ki-tô giáo. Một số người trong gia đình chúa Trịnh và quan chức cũng đã theo đạo Ki-tô.
Nhà Tây Sơn chỉ kéo dài một phần tư thế kỷ Từ khi Nguyễn Nhạc xưng vương (vào năm 1771) và những ngày đầu của cuộc nổi dậy, anh em nhà Tây Sơn đã dựa vào nhiều tín ngưỡng dân gian liên quan đến thế lực siêu nhiên (điềm báo, lời tiên tri, phép lạ…) để tập hợp quần chúng, chính danh hóa các yêu sách chính trị. Đối với Ki-tô giáo, năm 1779, Nguyễn Nhạc ban hành chỉ dụ công nhận quyền tự do tôn giáo cho người sống trên lãnh thổ của ông, đặc biệt nhắm vào người Ki-tô giáo. Nguyên nhân được cho là từ toan tính muốn tranh thủ sự hỗ trợ của giáo sỹ châu Âu. Ở giai đoạn sau đó, việc phía chúa Nguyễn được sự ủng hộ của một số giáo sỹ, đặc biệt là Bá Đa Lộc, đã làm gia tăng mối nghi ngờ đối với những người châu Âu. Chưa kể đến việc truyền giảng của nhiều giáo sỹ có khuynh hướng phê phán sự cầm quyền của nhà Tây Sơn là không hợp pháp. Trước bối cảnh đó,
Năm 1785, Nguyễn Nhạc ra chỉ dụ đàn áp Ki-tô giáo, kèm theo các lý lẽ: “Ta mong muốn triệt tiêu khỏi đất nước của ta một tôn giáo của người Tây dương đang lan rộng. Đó là giáo phái không công nhận cả cha lẫn vua; ta không rõ chúng mang tới cho con người loại độc dược nào khiến họ đi theo; giáo phái đó không tôn trọng luật pháp của chúng ta, không tôn kính thần hộ mệnh của chúng ta…Vì những lẽ đó và những điều ta biết, ta ra lệnh phá hủy tất cả nhà chung của chúng, và sẽ lập một bảng liệt kê danh sách chính xác tất cả những ai tham gia vào tôn giáo này…”
Đối với Nho giáo và Phật giáo, nhà Tây Sơn có sự khoan dung đáng kể. Quang Trung là vị vua lấy võ công dựng nghiệp, nhưng có lòng độ lượng, biết trọng dụng, tôn kính nhân tài bao gồm các nhà Nho (Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp…). Nhận thấy nhiều chùa chiền ở các làng thiếu các nhà tu hành hiểu biết, đức hạnh, việc thờ Phật thiếu tôn nghiêm, vua xuống chiếu bắt bỏ những chùa nhỏ, thay vào đó là làm các chùa to ở mỗi phủ, mỗi huyện, chọn các tăng nhân có học thức đến coi chùa. Đây là những cải cách hợp lý nhưng thời gian cầm quyền của nhà Tây Sơn ngắn nên ảnh hưởng trong xã hội chưa nhiều.
Thời kỳ triều Nguyễn và Pháp thuộc
Thời kỳ triều Nguyễn (1802 – 1945) có thể được nhìn nhận thành hai giai đoạn, giai đoạn tự chủ và giai đoạn từ khi Pháp xâm lược, đô hộ. Thời kỳ này đã để lại nhiều di sản văn hóa quan trọng, cả vật chất và phi vật chất, cho dân tộc Việt Nam.
Dưới triều Nguyễn, một số giáo sỹ Tây phương đã vận động chính quyền Pháp can thiệp và sau đó là dẫn đường cho thực dân Pháp vào Việt Nam. Bảo vệ quyền tự do hành đạo của tín đồ Ki-tô giáo đã trở thành cớ cho cuộc xâm lăng của thực dân Pháp đối với Việt Nam. Chính sách tôn giáo của nhà Nguyễn thời kỳ này có sự thay đổi theo từng giai đoạn. Chính sách đối với Ki-tô giáo, nhiều khi đặc biệt khắt khe, phần nào là kết quả của sự xung đột về giáo lý của tôn giáo này với tục lệ thờ cúng tổ tiên, ước muốn của các vị vua muốn duy trì sự thống nhất về luân lý, cũng như sự lo ngại sự can dự của Giáo hội vào chính trị…
Đối với Phật giáo, tôn giáo truyền thống, nhiều nhà vua có sự ủng hộ, bên cạnh sự dè dặt nhất định. Minh Mạng đã cho sửa chùa Thiên Mụ, đúc tượng Phật. Các vua Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại đã thỉnh các tăng sỹ như Hòa thượng Phước Huệ (chùa Thập Tháp, Bình Định) vào giảng kinh Phật cho hoàng cung và dạy Phật học tại các chùa lớn ở kinh đô.
Năm 1804, Gia Long ra chiếu phê phán các hủ tục, mê tín (tin vào sấm, thờ quỷ, thầy pháp, cô đồng …) ở nông thôn, cũng như phê phán sự lãng phí của những người sùng đạo Phật “xây dựng chùa chiền quá cao, lầu gác rất là tráng lệ, đúc chuông tô tượng rất đỗi trang hoàng, cùng là làm chay, chạy đàn, mở hội, phí tổn về cúng Phật nuôi sư không thể chép hết, để cầu phước báo viển vông”. Nên hạ lệnh “từ nay về sau, chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới và tô tượng đúc chuông, đàn chay hội chùa, hết thảy đều cấm”. Đối với Ki-tô giáo, Gia Long khá chặt chẽ trong chiếu chỉ này: “Lại như đạo Gia Tô là tôn giáo nước khác truyền vào nước ta, bịa đặt ra thuyết thiên đường địa ngục khiến kẻ ngu phu ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen, mê mà không biết. Từ nay về sau, dân các tổng xã nào có nhà thờ Gia Tô đổ nát thì phải đưa đơn trình quan trấn mới được tu bổ, dựng nhà thờ mới thì đều cấm.”
Từ thời Minh Mạng, triều đình Huế có thái độ nghiêm khắc hơn đối với sự truyền đạo của Thiên Chúa giáo. Năm 1825, Minh Mạng ban hành chỉ dụ cấm đạo lần đầu tiên, với lý lẽ rằng: “Tôn giáo suy đồi của người Tây Dương đã làm hư hỏng lòng người. Từ lâu nhiều tàu ngoại quốc tới đây để buôn bán, đã để lại các thừa sai trên đất nước chúng ta. Họ đã mê hoặc và làm hư hỏng lòng dân, làm biến chất các thói quen tốt lành. Đó chẳng phải là một hiểm họa lớn đối với đất nước sao? Chính vì vậy mà chúng ta cần chống lại những lạm dụng này để đưa dân tộc chúng ta về lại con đường chính trực…” Vua đã ra lệnh đóng cửa các nhà thờ, triệu tập các thừa sai về Huế để giúp dịch sách châu Âu, thực chất là để họ không thể tiếp tục tiếp xúc các tín đồ, nhưng việc truyền đạo vẫn lén lút diễn ra. Vua Minh Mạng tiếp tục ban hành dụ cấm đạo vào năm 1833 và năm 1836. Chính sách đối với tín đồ Thiên Chúa giáo trở nên khắc nghiệt hơn sau vụ nổi dậy của Lê Văn Khôi ở Gia Định vì có số lượng giáo dân hưởng ứng cuộc nổi dậy, cũng như có sự nghi ngờ về cố đạo người Pháp can dự vào âm mưu.
Vua Thiệu Trị, ở giai đoạn đầu có phần khoan thứ, ôn hòa đối với Ki-tô giáo, giai đoạn sau lại gay gắt hơn. Sau vụ Hồng Bảo (người anh trai vua định nổi loạn), vua Tự Đức nghi ngờ các nhà truyền giáo can thiệp vào chính trị Việt Nam nên đã công bố hai dụ cấm đạo mới vào năm 1848 và 1851.
Hoàng Việt Luật lệ là bộ luật lớn nhất và áp dụng trong suốt triều Nguyễn. Quyển 9 về Lễ luật, một mặt quy định việc cấm khinh nhờn thần linh (tiết độc thần minh) nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm của các nghi lễ thờ trời đất, thần miếu. Mặt khác, luật quy định về cấm thờ đồng bóng tà thuật (cấm chỉ sự vu tà thuật – Điều 6 Tế tự) chống lại các sự mê tín, dị đoan, bùa chú, tà giáo mê hoặc dân chúng. Luật còn cấm việc các tăng ni, Đạo sĩ, nữ quan (nữ tu sĩ đạo Lão) bỏ bê việc cúng tế cha mẹ, tổ tiên (tăng đạo bái phụ mẫu – Điều 13 Nghi chế), và cấm thuật sĩ tùy tiện nói bậy về tương lai quốc gia, gây sự lo lắng cho dân chúng (thuật sĩ vong ngôn họa phúc – Điều 15 Nghi chế).
Theo Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), quyền tự do hành đạo của các giáo sỹ được thừa nhận tại Điều II: “Công dân hai nước Pháp và Tây Ban Nha có thể hành đạo Gia Tô trong nước An Nam, và công dân của nước này, bất luận là ai, nếu muốn theo Gia Tô giáo thì theo và không bị ngăn trở; nhưng không được cưỡng bức ai trở thành tín đồ Gia Tô nếu người ấy không muốn.” Trước đó, trong tiến trình đàm phán với sứ giả triều đình Huế, yêu sách về tự do tôn giáo đã phần nào bị thu hẹp, thay vì đòi hỏi cho các thừa sai có thể truyền giáo khắp nước một cách xung đột với pháp luật hiện hành của quốc gia và như mong muốn của các giáo sỹ, chỉ còn là quyền lựa chọn của các công dân.
Trong các hiệp ước sau đó, Hiệp ước Giáp Tuất năm 1874 và Hiệp ước Quý Mùi năm 1883, Hiệp ước Giáp Thân (Patenôtre) năm 1884, quyền tự do của giáo sỹ và tín đồ Ki-tô giáo đạt được bước tiến rất đáng kể, gần như là “vô giới hạn”. Một số nội dung trong Điều 9 của Hiệp ước năm 1874 thậm chí còn đi ngược cả với luật lệ hiện hành, dành ưu đãi lớn cho chức sắc Ki-tô giáo:
“Vua An Nam, thừa nhận rằng Gia Tô giáo dạy người làm điều lành, thu hồi và hủy bỏ tất cả mọi cấm đoán chống lại tôn giáo này và cho phép mọi thần dân được tự do theo và hành đạo…
Cũng như thừa sai, linh mục người An Nam được tự do làm việc đạo của họ. Nếu hành vi của họ đáng bị trừng trị và nếu, căn cứ vào pháp luật, tội của họ đáng bị đánh bằng gậy hoặc bằng roi thì hình phạt này sẽ được hoán cải thành một hình phạt tương đương.
Các giám mục, thừa sai và linh mục người An Nam có quyền mua và thuê đất đai và nhà cửa, có quyền xây dựng nhà thờ Chúa, bệnh viện, trường học, nhà trẻ mồ côi và tất cả các cơ sở khác dùng cho việc thờ phụng.
Các tài sản đã lấy của con chiên vì lý do tôn giáo, mà hiện đang còn giữ, sẽ được giao trả cho họ.
Tất cả các điều khoản trên được áp dụng không có ngoại lệ cho thừa sai Tây Ban Nha cũng như người Pháp.”
Tuy nhiên, việc thực thi Điều 9 nêu trên đã phát sinh nhiều khó khăn, rắc rối, cho cả giới chức Pháp và Việt Nam. Chẳng hạn, liên quan đến quyền của người Ki-tô giáo ra làm quan, họ có thể không phải cúi lạy nhà vua hoặc thực thi nhiều nghi lễ cúng tế vì quy định “họ được nhận vào mọi kỳ thi và mọi quan chức công cộng, nhưng không vì thế mà phải làm những việc mà tôn giáo họ cấm”.
Từ giữa thế kỷ XIX, tại miền Nam, một số tôn giáo mới xuất hiện đáp ứng nhu cầu tâm linh, che chở cho những người dân đi khai hoang mở đất, vượt qua hiểm nguy, cải tạo những vùng hoang địa, đầm lầy, rừng rậm thành những làng mạc phì nhiêu. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương được khai sáng vào năm 1849 bởi ông Đoàn Minh Huyên, tín đồ gọi là Phật Thầy Tây An - do ông tu tại chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc, An Giang). Cũng tại An Giang, vào năm 1868, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (đạo Hiếu Nghĩa) được ông Ngô Lợi (thường được gọi là Đức Bổn Sư hay ông Năm Thiếp) sáng lập, ít nhiều có sự kế thừa từ nhiều tôn giáo khác. Người sáng lập và nhiều tín đồ đạo Hiếu Nghĩa ban đầu tham gia phong trào Cần Vương, về sau, khi vua Hàm Nghi bị đày, Ngô Lợi qua đời, phong trào tan rã, đạo Hiếu Nghĩa chỉ còn lại những hoạt động tín ngưỡng. Có quan điểm cho rằng Tứ Ân Hiếu Nghĩa ngay từ ban đầu đã là một phong trào yêu nước, kháng Pháp, nên các cơ sở của đạo đã phải chịu sự tàn phá, triệt hạ của thực dân, đặc biệt là quanh vùng núi Tượng (làng An Định, An Giang, thánh địa của đạo).
Đầu thế kỷ XX, Pháp về căn bản đã hoàn thành công cuộc bình định Việt Nam về quân sự nên tập trung tăng tốc khai thác thuộc địa Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung, trên quy mô lớn. Việt Nam bị chia cắt làm ba kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ) với ba chế độ cai trị khác nhau. Bắc Kỳ và Trung Kỳ là hai xứ bảo hộ vẫn còn giữ lại chính quyền phong kiến về hình thức. Nam Kỳ là đất thuộc địa hoàn toàn do Pháp điều hành. Ba kỳ cùng với Lào và Campuchia, cũng là đất bảo hộ của Pháp, hợp thành Liên bang Đông Dương.
Chính sách tôn giáo của chính quyền Pháp nhìn chung đặc biệt ủng hộ Ki-tô giáo, tuy nhiên cũng không cản trở lớn đối với các tín ngưỡng, tôn giáo khác, trừ khi họ có liên quan đến các hoạt động chống đối chế độ thực dân. Các sinh hoạt tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật tương đối chặt chẽ. Việc thành lập các tôn giáo mới, mở trường, xuất bản tạp chí hay báo của tôn giáo đều cần sự phê duyệt của chính quyền.
Đạo Cao Đài hình thành từ cuối năm 1925 tại vùng đất Nam Bộ, nơi sớm có sự tiếp xúc với văn hóa phương Tây khi các nhà truyền giáo, thương nhân đến hoạt động, sau đó là việc Nam Kỳ lục tỉnh thành thuộc địa của Pháp từ 1867. Lễ khai đạo được tổ chức tại chùa Từ Lâm, Tây Ninh vào tháng 11 năm 1926 chính thức hóa đánh dấu sự ra đời của tôn giáo này và cũng nhằm hợp thức hóa đạo Cao Đài với chính quyền thuộc địa, công bố với cộng đồng về sự xuất hiện của một tôn giáo mới. Tuy nhiên, việc đăng ký tư cách pháp nhân của Cao Đài gặp nhiều khó khăn, cho dù nhiều vị sáng lập đạo vốn là ngạch công chức cao trong Phủ Thống đốc Nam Kỳ hoặc nhiều cơ quan khác. Việc đăng ký căn cứ theo Luật Hiệp hội 1901 của Pháp, được áp dụng tại Nam Kỳ. Ngay từ đầu, quan chức Pháp đã mật điện cho các địa phương “phải bí mật theo dõi việc truyền đạo này và báo cáo cho Thống đốc bằng công văn mật|”.
Các sinh hoạt tôn giáo chịu sự theo dõi của chính quyền, chủ yếu nhằm ngăn chặn các hoạt động, nhân vật chống Pháp. Có trường hợp do tín đồ Cao Đài tham gia phong trào Đông Du đã bị mật thám Pháp chú ý khi tụ tập đông người tại nhà, các tín đồ đành phải chuyển hoạt động lập đàn cơ đến gia đình khác. Việc lập ngôi thờ cũng chỉ được chính quyền địa phương cho phép với điều kiện cấm các buổi cầu cơ đề cập đến chính trị hoặc có khuynh hướng chính trị, lễ có đông hơn 20 người phải báo trước cho chính phủ… Nếu như ở giai đoạn đầu có sự đoàn kết giữa các chức sắc, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của Cao Đài, thì từ năm 1930 mâu thuẫn, bất đồng nội bộ (liên quan đến quản lý tài sản, phương thức truyền đạo…) gia tăng. Tuy nhiên, nhìn chung các bất hòa đó đã chủ yếu được giải quyết qua các phương thức nội bộ (như Tòa tam giáo, với các chế tài, hình phạt theo giáo luật quy định). Năm 1940, do nghi ngờ chức sắc tại Tòa thánh Tây Ninh có thái độ thân Nhật nên mật thám Pháp theo dõi, bắt bớ và đóng cửa Báo Ân Từ. Tháng 6 năm 1941, Hộ pháp Phạm Công Tắc bị Pháp bắt và bị đày đi Madagascar cùng một số chức sắc khác. Tòa thánh Tây Ninh bị Pháp chiếm đóng. Giáo sư Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh), Tổng tư lệnh quân đội Cao Đài, với vai trò là người đang tạm thay quyền Hộ pháp Phạm Công Tắc điều hành Tòa Thánh, đành phải ký thỏa hiệp với Pháp chấp thuận quân đội Cao Đài hợp vào quân đội Pháp để có được sự công nhận tư cách pháp nhân của Cao Đài, tự do cho Phạm Công Tắc và các chức sắc, Tòa thánh được mở cửa trở lại…
Phật giáo Hòa Hảo được khai sáng từ năm 1939. Người Pháp nhiều lần đàn áp và ngăn chặn sự truyền đạo của Đức Huỳnh giáo chủ. Khi quân đội Nhật vào Đông Dương, chính quyền Nhật tỏ ý giúp các đoàn thể quốc gia và tôn giáo để đòi lại chủ quyền từ người Pháp. Năm 1942, Đức Huỳnh giáo chủ được quân đội Nhật giải thoát khỏi tình trạng biệt xứ tại Bạc Liêu và đưa về Sài Gòn. Tuy cảm ơn người Nhật về việc giải thoát, Giáo chủ vẫn đòi hỏi người Nhật giao trả lại chủ quyền cho Việt Nam.
Sau khoảng một thế kỷ suy thoái dưới chế độ thực dân Pháp và các thế lực chống Phật giáo, dưới ảnh hưởng của phong trào cải cách Phật giáo tại Trung Quốc (Đại sư Thái Hư), Nhật Bản, Phật giáo Việt Nam bắt đầu công cuộc chấn hưng. Nhiều hội đoàn mới được thành lập, với sự chấp thuận, phê chuẩn điều lệ bởi chính quyền thực dân Pháp hoặc Nam triều (đối với Trung Kỳ). Ở miền Nam, Nam Kỳ nghiên cứu Phật học hội ra đời vào tháng 9 năm 1931, hội sở tại Sài Gòn, tập hợp hầu hết các tăng già khắp miền Nam. Điều lệ hoạt động của hội được Thống đốc Nam Kỳ J.Krautheimer ký ban hành ngày 26/8/1931 và chính ông này đứng làm Chánh Hội trưởng danh dự.
Tại miền Trung, An nam Phật học hội ra đời năm 1932, Khâm sứ Yves Chatel ký Nghị định thành lập số 2691 ngày 17/9/1932. Bản Điều lệ An Nam Phập học hội được vua Bảo Đại chuẩn y vào ngày 18/2/1935. Hội tổ chức tỉnh hội ở các tỉnh, chi hội ở các huyện và khuôn hội ở các khu phố, làng xã. Lê Đình Thám là Chánh hội trưởng đầu tiên và là chủ nhiệm tạp chí Phật học “Viên Âm”. Năm 1935, Hội tổ chức Đại lễ Phật đản tại quốc tự Diệu Đế, Huế, đích thân vua Bảo Đại và các đại thần đến tham dự.
Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra đời, trụ sở tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, theo Nghị định 4283 của Thống sứ Bắc kỳ Auguste Tholande ký ngày 6/11/1934. Hội xuất bản Tạp chí “Đuốc Tuệ”, do Trần Trọng Kim làm trưởng ban biên tập.
Do sự kiểm soát của chính quyền thực dân Pháp, Tổ Khánh Hòa và một số lãnh đạo tử bỏ Nam Kỳ nghiên cứu Phật học hội, lấy lục tỉnh làm địa bàn Phật sự, hình thành Hội Lưỡng xuyên Phật học vào năm 1934, theo Nghị định 2286 kỷ bởi Thống đốc Nam Kỳ Pages, đặt hội sở tại Trà Vinh, để tiếp tục duy trì công cuộc chấn hưng Phật giáo.
Cũng dưới thời Nguyễn, tại nhiều làng xã, các bản hương ước tiếp tục được hình thành hay hoàn thiện, duy trì, với những quy định liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của dân cư địa phương. Hương ước, lệ làng thường đề cập đến các nghi lễ, thủ tục trong những dịp lễ tế, cũng như việc bảo vệ các di tích đền, chùa tại cộng đồng.
Nhìn chung, hoặc các hoạt động có thể đe dọa an ninh, trật tự xã hội (như các tổ chức tội phạm, hội kín kiểu như Thiên Địa Hội).
11.3.Kết luận
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thay đổi trong lịch sử Việt Nam. Hiểu biết về lịch sử này có thể mang lại những giá trị cho việc hoàn thiện pháp luật, chính sách và thực hành quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, cũng như mang lại những nhận thức về mối liên đa chiều giữa các quyền tự do với sự đa dạng của bối cảnh chính trị, xã hội, từ trường hợp của Việt Nam.
Những phân tích ở chương này cho thấy trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, nhận thức, cách thức và mức độ bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo có sự khác nhau ở Việt Nam. Các yếu tố chính chi phối nhận thức và mức độ bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong lịch sử Việt Nam bao gồm: khả năng tác động của tín ngưỡng, tôn giáo tới quyền lực chính trị; ảnh hưởng của tín ngưỡng, tôn giáo trong xã hội, và niềm tin (hay tín ngưỡng, tôn giáo) của giới tinh hoa.
Cho dù tự do tín ngưỡng, tôn giáo có những thănng trầm, song các tín ngưỡng, tôn giáo đã có vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt trong lịch sử. Tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần nâng đỡ, che chở, làm dịu đi những khổ đau do chiến tranh, thiên tai và áp bức mang lại, cũng như đã góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho dân tộc. Thêm vào đó, tín ngưỡng, tôn giáo cũng là một trong các yếu tố quan trọng góp phần kiến tạo nên các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử nước ta, nhiều vị vua chúa, lãnh đạo quốc gia đã nhận ra những giá trị đó, và vì vậy đã tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, thúc đẩy sự khoan dung tôn giáo trong xã hội Việt Nam.
Lã Khánh Tùng
Giáo trình "Pháp luật về Tự do tín ngướng, tôn giáo", Nxb. Hồng Đức, 2020
Câu hỏi ôn tập, thảo luận
1. Việc sử dụng các chuẩn mực nhân quyền quốc tế để đánh giá quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong lịch sử một quốc gia có phù hợp không?
2. Phật giáo thời Lý và Trần ở Việt Nam có những điều kiện thuận lợi nào để phát triển?
3. Bình luận về nhận định rằng tự do tôn giáo trong lịch sử Việt Nam trước đây liên quan trực tiếp đến sự thịnh suy của Nho giáo, và rằng “các Nho gia càng muốn giáo lý của họ kiểm soát hoàn toàn tư tưởng con người và sự biểu đạt tư tưởng đó, người dân càng có ít tự do tôn giáo” (Tạ Văn Tài, The Vietnamese Tradition of Human Rights, Institute of East Asian Studies, University of California,1988, trang 149-150).
4. Ki-tô giáo đã gặp những khó khăn nào trong những thế kỷ đầu mới vào Việt Nam? Đâu là những nguyên nhân?
5. Có sự khác biệt gì về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo dưới các thời Lý, Trần và Lê?
6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng như thế nào dưới thời Nguyễn?
Tài liệu tham khảo
1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, 2004
2. Đại Nam Thực Lục, Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện Sử Học, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2002
3. Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX, Nxb. Thế giới, 2014
4. Nguyễn Tài Thư (Chủ biên), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, 1993
5. Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng & văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb. Trẻ, 2012
6. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, 2011
7. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập II, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2002
8. Vũ Duy Mền, Hương ước cổ làng xã đồng bằng Bắc Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010
9. Nguyễn Danh Phiệt, Hồ Quý Ly, Viện Sử học & Nxb. Văn hóa - Thông tin, 1997
10. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Chính sách tôn giáo thời Tự Đức (1848-1883), Nxb. Chính trị quốc gia, 2010
11. Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914), Nguyễn Thuận dịch, Nxb. Hồng Đức, 2014
12. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Quyển I (Các Thừa sai Dòng Tên 1615-1663), Nxb. Từ điển Bách khoa, 2009
13. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Quyển II, Nxb. Từ điển Bách khoa, 2009
14. Nguyễn Thế Anh, Việt Nam thời Pháp đô hộ, Nxb. Văn học, 2008
15. Thụy Khuê, Vua Gia Long và người Pháp – khảo sát về ảnh hưởng của người Pháp trong giai đoạn triều Nguyễn, Nxb. Hồng Đức, 2017
16. Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 – 1885, Nxb. Tri Thức, 2011
17. Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội Công giáo, Veritas Edition, Calgary - Canada, 1999
18. Huỳnh Ngọc Thu, Đạo Cao Đài ở Nam Bộ và các mối quan hệ (Tái bản lần thứ nhất), Nxb. ĐHQG TP.Hồ Chí Minh, 2017
19. Trần Văn Chánh, Bùi Thanh Hải (Chủ biên), Phật giáo Hòa Hảo: một tôn giáo cận nhân tình trong lòng dân tộc, Nxb. Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2017
20. Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb. Trẻ, 2012
21. Adriano Di St.Thecla, Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài: Nghiên cứu về tôn giáo ở Trung Hoa và Bắc Việt Nam thế kỷ 18, Nguyễn Thanh Xuân dịch, Nxb. Thế giới, 2017
22. Lê Nguyên Thảo, Về phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam tới năm 1954 và tại miền Nam tới 30/4/1975, Nxb. Hồng Đức, 2017
23. Tạ Văn Tài, The Vietnamese Tradition of Human Rights, Institute of East Asian Studies, University of California,1988
24. David Kelly và Anthony Reid (biên tập), Asian Freedoms: The Idea of Freedom in East and Southeast Asia, Cambridge University Press, 1998.
Lynn Hunt, Inventing Human Rights: A History, W. W. Norton & Company, 2008, trang 19-21; Marina Svensson, Debating Human Rights in China: A Conceptual and Political History, Rowman & Litttlefield Publishers, 2002, trang 21 và 22.
Lakshman Marasinghe, “Traditional Conceptions of Human Rights in Africa”, trong Human Rights and Development in Africa, Claude E., Jr. Welch (chủ biên), State Univ of New York Press, 1984, trang 32 – 44. Hai khuynh hướng lịch sử này dẫn đến quan ngại rằng, nếu không nhận ra được các cột mốc, trung tâm ảnh hưởng chủ yếu, việc xem xét lịch sử nhân quyền sẽ chỉ là lịch sử châu Âu hoặc là lịch sử của toàn thế giới (Lynn Hunt, Inventing Human Rights: A History, W. W. Norton & Company, 2008, trang 19).
Robin Ramcharan, Bertrand Ramcharan, Asia and the Drafting of the Universal Declaration of Human Rights, Springer Singapore, Palgrave Macmillan, 2019; Tạ Văn Tài, The Vietnamese Tradition of Human Rights, Institute of East Asian Studies, University of California,1988…
Tạ Văn Tài, The Vietnamese Tradition of Human Rights, Institute of East Asian Studies, University of California,1988, trang 4.
Lakshman Marasinghe, sách đã dẫn, trang 33.
Ian Mabbett, “Buddhism and Freedom” (Chapter 2), trong Asian Freedoms: The Idea of Freedom in East and Southeast Asia, David Kelly và Anthony Reid (biên tập), Cambridge University Press, 1998, trang 19.
Ian Mabbett, tài liệu đã dẫn, trang 19-26; Stephen Chan, “Buddhism and Human Rights”, trong The Essentials of Human Rights, Rhona K.M. Smith, Christien van den Anker (biên tập), Routledge, 2005, trang 25 – 27.
Thích Thanh Từ, sách đã dẫn, trang 35, 36; Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, 2011, trang 375 – 399.
Nguyên nhân của việc thiếu thốn các tài liệu cũng đã được Vũ Văn Mẫu bàn trong Cổ luật Việt Nam thông khảo và tư pháp sử, Sài Gòn, 1974: Thiên thứ hai, diễn tiến của nền cổ luật Việt Nam (trang 140-151). Tác giả dẫn lại một số nguyên nhân được chỉ ra bởi Lê Quý Đôn (trong Đại Việt thông sử) và Phan Huy Chú (trong Lịch Triều hiến chương loại chí).
Theo Frank B.Cross, các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến tự do tôn giáo là: mức độ khoan dung của bản thân tôn giáo, mức độ dân chủ, pháp quyền, thu nhập quốc dân... Frank B.Cross, Constitutions and Religious Freedom, Cambrigde University Press, 2015, trang 78-104.
Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, trong “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Tập Hai - Trước tác (Phần II: Lịch sử)”, Hữu Ngọc và Nguyễn Đức Hiền (sưu tập, biên soạn), Nxb.Giáo dục, 1998.
Vũ Minh Giang, “Sự hình thành nhà nước Đại Cồ Việt và vai trò của Đinh Tiên Hoàng trong tiến trình lịch sử dân tộc”, trong Vai trò của nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb. Khoa học xã hội, 2018, trang 93.
Nguyễn Quốc Tuấn chia: 1) Thời kỳ trước Công nguyên đến Công nguyên; 2) Thời kỳ từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 4; 3) Thời kỳ từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 10; 4) Thời kỳ từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14; 5) Thời kỳ từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Nguyễn Quốc Tuấn, Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20, Nxb. Từ điển Bách Khoa, 2012, trang 16 – 44.
Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Hữu Ngọc và Nguyễn Đức Hiền sưu tập, biên soạn, Tập 2, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2010, trang 510.
Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, 2004, trang 13. Việc này được cho là do khi còn hàn vi, nhà vua từng nghỉ ở một đình trạm thì thấy một nhà sư xuất hiện và bảo rằng “người trẻ tuổi này về sau sẽ đại quý”. Sự kiện này được Ngô Sỹ Liên so sánh với việc Vạn Hạnh với Lý Thái Tổ.
Lê Quát, Bắc Giang Bái thôn Thiệu Phúc tự bi ký (Bài văn bia chùa Thiệu Phúc, thôn Bái, Bắc Giang), Tuấn Nghi dịch, Tuyển tập thơ văn Lý – Trần, Viện Văn học, Ủy ban Khoa học xã hội, Tập III, Nxb. Khoa học xã hội, 1978, trang 145.
Tại Văn Tài đã phân kỳ tự do tôn giáo tại Việt Nam thành hai giai đoạn lịch sử: giai đoạn “tự do tôn giáo đầy đủ” dưới triều đại Đinh, tiền Lê, Lý và Trần (968 – 1400) và giai đoạn “tự do giới hạn cho Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian”, khi Nho giáo thắng thế, dưới thời Lê và Nguyễn (Tạ Văn Tài, sách đã dẫn, trang 150 và 154).
Độ điệp là giấy xác nhận do nhà nước cấp cho những người xuất gia làm tăng tại Trung Quốc và Nhật Bản xưa. Ở Trung Quốc, chế độ này tồn tại từ thời Bắc Ngụy (thế kỷ thứ IV) đến cuối đời Thanh. Đến thời Dân quốc (1912-1949), Giáo hội Phật giáo Trung Quốc cấp phát trở lại, nhưng gọi là Giới điệp chứ không phải Độ điệp.
Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Nxb. Từ điển Bách khoa, Quyển I (Các Thừa sai Dòng Tên 1615-1663), 2009, trang 13 – 15.
Li Tana, Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, Nguyễn Nghị dịch, Nxb. Trẻ, 2013, trang 222.
George Dutton, Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, Lê Nguyễn dịch và giới thiệu, Nxb.TP. Hồ Chí Minh, 2019, trang 322-323.
Thụy Khuê, Vua Gia Long và người Pháp – khảo sát về ảnh hưởng của người Pháp trong giai đoạn triều Nguyễn, Nxb. Hồng Đức, 2017, trang 29; Nguyễn Thế Anh, Việt Nam thời Pháp đô hộ, (xuất bản lần đầu năm 1970 tại Sài Gòn), Nxb. Văn học, 2008, trang 17, 20; Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX, Nxb. Thế giới, 2014, trang 433; Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914), Nguyễn Thuận dịch, Nxb. Hồng Đức, 2014… Tên của một số nhà truyền giáo được nhắc đến là: giáo sĩ Huc, giám mục Retord, giám mục Pellerin.
Việc thờ cúng tổ tiên bị Giáo hoàng Benedicto XIV lên án trong sắc chỉ năm 1742, sau này được Giáo hoàng Pi-ô XII cho phép trong chỉ dụ năm 1939.
Lê Nguyên Thảo, Về phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam tới năm 1954 và tại miền Nam tới 30/4/1975, Nxb. Hồng Đức, 2017, trang 37.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện Sử Học, Đại Nam Thực Lục, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2002: Đệ nhất kỷ - Quyển XXIII - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế: Giáp tý, Gia Long năm thứ 3 (1804).
Nguyễn Thế Anh, Việt Nam thời Pháp đô hộ (xuất bản lần đầu năm 1970 tại Sài Gòn), Nxb. Văn học, 2008, trang 17 và 18. Cũng theo sách này: “Từ năm 1848 đến 1860, tại Bắc Việt Nam, có đến mười giáo sỹ người Âu và khoảng một trăm giáo sĩ người Việt bị xử tử; tại Nam Việt Nam, vào khoảng mười lăm giáo sĩ ngoại quốc và hai mươi giáo sĩ người Việt bị giết. Hàng vạn giáo dân bị tàn sát hay bị lưu đày” (trang 18).
Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu, Hoàng Việt Luật lệ (Luật Gia Long), III, Nxb. Văn hóa, 1994, trang 411-416.
Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu, Hoàng Việt Luật lệ (Luật Gia Long), III, Nxb. Văn hóa, 1994, trang 443 – 444.
Huỳnh Ngọc Thu, Đạo Cao Đài ở Nam Bộ và các mối quan hệ (Tái bản lần thứ nhất), Nxb. ĐHQG TP.Hồ Chí Minh, 2017, trang 18.
Như trên, trang 162. Ở giai đoạn sau, năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm cho quân vây Tòa thánh Tây Ninh do bất đồng với Phạm Công Tắc, khiến ông này phải sang Campuchia lánh nạn. Năm 1965, chính quyền Sài Gòn mới công nhận tư cách pháp nhân của Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh.