TỪ ĐIỂN NHÂN QUYỀN (5): TỰ DO TƯ TƯỞNG
Tự do tư tưởng (freedom of thought) là tự do của cá nhân sở hữu, duy trì các suy nghĩ, ý tưởng độc lập với người khác. Tự do tư tưởng cũng có thể là sự tin tưởng vào một triết lý, lý thuyết, ý thức hệ. Tự do tư tưởng là tiền đề, liên hệ chặt chẽ với nhiều quyền tự do khác, đặc biệt là tự do lương tâm, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do quan điểm và biểu đạt.


Tự do tư tưởng (freedom of thought) là tự do của cá nhân sở hữu, duy trì các suy nghĩ, ý tưởng độc lập với người khác. Tự do tư tưởng cũng có thể là sự tin tưởng vào một triết lý, lý thuyết, ý thức hệ. Tự do tư tưởng là tiền đề, liên hệ chặt chẽ với nhiều quyền tự do khác, đặc biệt là tự do lương tâm, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do quan điểm và biểu đạt.

Luật nhân quyền quốc tế có các quy định bảo vệ tự do tư tưởng. Điều 18 UDHR tuyên bố: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; quyền này bao gồm tự do thay đổi tôn giáo hoặc tín ngưỡng, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc riêng tư, trong việc thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng”. Khoản 1, Điều 18 ICCPR cũng có những khẳng định tương tự.

Tự do tư tưởng là một quyền tuyệt đối. Trong Bình luận chung số 22 (1993), Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, cơ quan giám sát việc thực thi ICCPR, khuyến cáo cần phân biệt tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hoặc tín ngưỡng với tự do biểu đạt tôn giáo hoặc tín ngưỡng: “Không cho phép bất kỳ giới hạn nào đối với quyền tự do tư tưởng và lương tâm hoặc tự do có hoặc chấp nhận một tôn giáo hoặc tín ngưỡng theo sự lựa chọn của một người. Những quyền tự do này được bảo vệ vô điều kiện”.

Hiến pháp và pháp luật của nhiều quốc gia cũng bảo vệ tự do tư tưởng. Trong vụ án Palko kiện Connecticut (1937), Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã đưa ra nhận định: “ Tự do tư tưởng ... là điều kiện không thể thiếu của gần như mọi hình thức tự do khác… Sự thừa nhận rộng rãi về chân lý này có thể được truy nguyên trong lịch sử, chính trị và pháp lý của chúng ta”.

Do khó biết chắc được người khác đang suy nghĩ gì trong đầu, việc trực tiếp xâm phạm tự do tư tưởng là khó khăn. Tuy nhiên, có nhiều hình thức vi phạm quyền này. Các vi phạm đối với tự do biểu đạt (như kiểm duyệt, hạn chế tự do thông tin, tuyên truyền nhồi sọ…) cũng tạo ra sự cản trở, làm thui chột tự do tư tưởng. Việc cản trở, trấn áp tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, áp đặt tư tưởng là những hình thức vi phạm tự do tư tưởng phổ biến nhất.

L K TÙNG

 


Các tin khác: