TỪ ĐIỂN NHÂN QUYỀN (4): TỰ DO
Tự do (liberty, freedom) là tình trạng một cá nhân có thể hành động theo ý chí, nguyện vọng của mình phù hợp với các quy phạm pháp lý và đạo đức trong một xã hội dân chủ mà không bị cản trở bởi bất cứ chủ thể hay yếu tố nào. Tự do có thể được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh như triết lý, chính trị, xã hội, kinh tế hay tâm lý. Tự do là một giá trị cơ bản làm nền tảng cho các quyền con người.

 

Nhiều nhà tư tưởng, như John Locke (1632 –1704 ) và John Stuart Mill (1806 – 1873), đã có những đóng góp quan trọng cho việc đề cao tự do cá nhân. Trong khi coi trọng pháp luật, J. Locke cho rằng mục tiêu của pháp luật nên là bảo vệ và mở rộng tự do. J. Mill thì lo ngại về sự vi phạm của xã hội và cộng đồng, hơn là nhà nước, đối với tự do cá nhân. Sang thế kỷ XX, Isaiah Berlin (1909-1997), triết gia gốc Latvia, đã đưa ra hai khái niệm tự do phủ định và tự do khẳng định, trong các bài thuyết trình và tác phẩm của mình. Tự do phủ định (thụ động) là việc không bị tấn công, xâm phạm, cản trở từ các nhân tố bên ngoài. Tự do khẳng định (chủ động) là tự do hành động, khẳng định bản thân, khẳng định vai trò của chủ thể.

Tự do là một thành tố của nhân phẩm, việc tước đoạt tự do làm tổn hại nghiêm trọng đến nhân phẩm. Chính bởi vậy J. J. Rousseau đã chỉ trích những người không dám đứng lên bảo vệ tự do: “Từ bỏ tự do của mình là từ bỏ phẩm chất con người, từ bỏ quyền làm người và cả nghĩa vụ làm người” (Bàn về Khế ước Xã hội - 1762). Tự do mang tính chất của một sự lựa chọn hay một quyền cá nhân. Về khía cạnh này, J.S.Mill cho rằng cần bảo vệ tự do của các cá nhân để họ được “sống hạnh phúc theo ý của họ, hơn là bắt họ sống hạnh phúc theo ý những người xung quanh” (Bàn về tự do - 1859). Cũng về khía cạnh này, K.Marx và F.Engels khẳng định cần hướng đến một xã hội lý tưởng trong tương lai mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người” (Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, 1848).

Trong pháp luật quốc gia, tự do đã sớm được bảo vệ tại Tu chính án thứ V của Hiến pháp Hoa Kỳ (1787) với quy định không ai có thể “bị tước đoạt sự sống, tự do, hoặc tài sản, mà không theo thủ tục pháp lý” (“No person shall …be deprived of life, liberty, or property, without due process of law”). Quyền tương tự cũng được ghi nhận tại Điều 7 Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (1789) và pháp luật của nhiều nước về sau này.

Trong luật nhân quyền quốc tế, tự do (liberty) được sử dụng như một quyền cụ thể là tự do và an toàn (an ninh) cá nhân. Cụ thể, Khoản 1, Điều 9 ICCPR quy định: “ Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt hoặc bị giam giữ một cách tùy tiện. Không ai bị tước tự do trừ trường hợp việc đó có lý do và theo đúng những thủ tục mà luật pháp đã quy định.”

Cạnh đó, tự do (freedom) còn đi liền với các quyền cụ thể, đặc biệt là các quyền dân sự, như tự do đi lại, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do bầu cử và ứng cử. Ở góc độ này, tự do và các quyền con người, đặc biệt là các quyền dân sự và chính trị là không có sự phân biệt.

L K TÙNG

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.     Tudor Jones, Các nhà tư tưởng và các ý tưởng chính trị hiện đại-Một dẫn nhập lịch sử (Nhóm Tinh thần khai minh dịch), Nxb.Tri thức, 2017

2.     John Stuard Mill, Bàn về tự do (Nguyễn Văn Trọng dịch), Nxb.Tri thức, 2013

3.     Isaiah Berlin, Bốn tiểu luận về tự do (Nguyễn Văn Trọng dịch), Nxb.Tri thức, 2014.

 


Các tin khác: